Trung hoc Nông Lâm Súc CẦN THƠ- Quyển 5 _Trung hoc Nông Lâm Súc CẦN THƠ- Quyển 5_Trung hoc Nông Lâm Súc CẦN THƠ- Quyển 5_Trung hoc Nông Lâm Súc CẦN THƠ- Quyển 5_Trung hoc Nông Lâm Súc
 
thnlscantho-5
QUYỂN 5  
  TRANG CHỦ
  TIN TỨC
  THÔNG BÁO
  TRANG KHOA HỌC
  TRANG BẠN VIẾT
  TRANG THƠ
  SƯU TẦM ĐIỆN BÁO
  GIẢI TRÍ
  ẨM THỰC
  ĐẶC SAN
  Xuân Bính Thân
  => Tôi yêu tiếng nước tôi
  => Khỉ chimpanzé mở đường cho ngành dược
  => Đi tìm ba con khỉ tam không
  => Sớ Táo Quân
  => Giả biệt thiên đường
  => Chút tâm tình với Văn Ni từ "quê hương da vàng"
  => Kịch phim DDLJ
  => Chuyện tích buồn con đom đóm
  => Ai cũng có số mạng
  => Đi ghe
  => Đắn đo khi chọn lựa chồng
  => Kỷ niệm 60 năm thành lập Đại Học Nông Lâm
  => Tưởng Nhớ
  => Việt Nam công xưởng thế giới?
  => Tổ tiên Loài Người không phải là Vượn
  => Cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang
  => Baijiu - Bạch tửu
  => Giá trị Phật học trong Lục Vân Tiên
  => Lúa gạo qua văn hóa dân gian - Phần 5
  => Gương Thần
  => Nấu mạch nha...
  => Cây mùa Xuân
  => Các biến chuyển quan trọng trên thế giới trong 40 năm qua
  => Ba lần duyên nợ Huế
  => Thử tìm hiểu HbA1c trong bịnh tiểu đường là gì
  => Tản mạn cuối năm
  => Đi tàu đáy kính ngắm san hô
  => Cầu tre lắc lẻo...
  => Xuân tha hương
  => Thầy..
  => Mai một làng nghề..
  => Cung chúc tân xuân
  => Vùng kỷ niệm
  => Dáng Xuân
  => Lúa gạo qua văn hóa dân gian - 6
  => Hoài niệm mùa Xuân
  => Đón Xuân Mới....
  => Thư xuân cho mẹ
  => Gửi con trai yêu của Ba
  => Vịnh con khỉ
  => Câu đối năm Thân
  => Mừng tuổi em và anh
  => Xuân nghèo
  => Xuân cảm
  => Vè tết Bính Thân
  => Xuân hội ngộ
  => Đem sum họp bẻ đôi....
  => Xuân-Tết
  => Vòng kim cô
  => Trẩy Hội chợ Hoa xuân...
  => Những cô gái bán chim
  => Chết thay
  => Lá thư đầu năm
  => Mừng Xuân
  => Chúc Xuân
  => Đầu Xuân
  => Lời chúc năm Thân
  => Bức tranh Xuân
  => Chờ ai?
  => Nắng ấm sân trường
  => Còn Tết còn Xuân
  => Thương Hoài Ngàn Năm
  => Mộng Tình Xuân
  => Chúc Tết
  => Vui Xuân
  => Liên khúc chúc xuân
  => Về quê ăn Tết
  => Đầu năm hái lộc
  => Mỗi ngày qua đi
  => Tết không tiền
  => Khúc xuân
  => Đón mừng Bính Thân
  => Kiêng cử đầu năm
  => Mùa Xuân
  => Giải trí: Ảo thật Mừng Xuân
  => Chuyến xe Bảo Lộc
  => Khúc xuân thương
  => Lục bát xuân
  => Hương vị Miền Nam trong ba ngày Tết
  => Chén cơm trộn
  => Cơm cha áo mẹ công thầy
  => Thức ăn và bịnh tiểu đường
  => Năm mới kể chuyện xưa - Phi Châu
  => Chuyện cười VN đẻ ra chuyện cười Canada
  => Mùa Xuân Khải Hoàn
  => Xuân tình
  => Mai nhà hoa vẫn nở
  => Chúc
  => Xuân thanh thản
  => Tuổi 60...
  => Về nhà
  => Dưa giá
  => Ừ ...con mắm
  => Làm báo...điện..tử
  => Bật mí "bí mật" của tay câu nhà nghề
  => Ngày xưa sao không rủ..
  Đặc san xuân Đinh Dậu
Ba lần duyên nợ Huế
1/2/2016

Lời tòa soạn. Bài này GS Tôn Thất Trình viết năm 1990 phản ảnh ý tưởng tái thiết và phát triển cố đô Huế. Trang mạng xin đăng lại trong dịp đầu xuân để biết về quá khứ - ôn cố tri tân.


BA LẦN DUYÊN NỢ HUẾ

Tâm Đạo Tôn Thất Trình (1990)

 



 
 


Sau khi hết trung học, tôi rất ít có dịp sinh hoạt với cộng đồng Huế và Thừa Thiên. Duyên Nợ với Huế tính ra vỏn vẹn ba lần. Tôi gọi Duyên là những cơ hội cho phép lạm bàn đến tương lai của Huế; Nợ là vì các hoài bão đóng góp phần nhỏ để bảo tồn, cải thiện, phát triển một lãnh vực nào đó nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình đều chưa có gì thành tựu.


 
Duyên Đầu Hạnh Ngộ, Nợ Vấn Vương

 
Duyên đầu tiên với Huế xảy ta lúc tôi vào tuổi “tam thập nhi lập” đầu thập niên sáu mươi. Sau một cơn bão lụt lớn, một số người hội họp để bàn thảo về kế hoạch, chương trình phát triển của Huế và Thừa Thiên ở văn phòng Nông Tín Cuộc Sài-gòn. Cảm tưởng tôi còn nhớ lại là sự nồng nhiệt của mọi người trong vấn đề xây dựng tương lai cho Huế, dù rằng trong buổi họp có nhiều người không sinh trưởng ở miền Trung.

Lúc đó Viện Đại Học Huế đã có cơ sở khá vững vàng. Vì vậy đối với một thành phố có nhiều di tích lịch sử, có nhiều thắng cảnh thiên nhiên và nhân tạo, vấn đề phát triển rộng lớn về du lịch, đem công ăn việc làm cho Huế, tiềm tàng trong đầu óc người tham dự .

Huế không phải chỉ cần một khách sạn Hương Giang mà cần nhiều khách sạn Hương Giang đầy đủ tiện nghi hiện đại để mời đón du khách. Những sinh hoạt độc đáo về ca vũ nhạc, nhất là loại cổ điển dân tộc, tối thiểu ở mức độ tổ chức tương đương với ca vũ nhạc Vọng Các (Thái Lan), Hán Thành (Cao Ly), cần được giúp đỡ và khuyến khích; phát triển những thi, họa phẩm đặc sắc, sao lại các họa phẩm trên trần, tường các lăng miếu trên lụa, nón bài thơ để bán hay tặng khách khi rời Huế .

Thi họa ghi lại những hình ảnh yểu điệu của cô gái Kim Luông chèo sau hàng phượng:

Thuyền ai đủng đỉnh sau hàng phượng
Cô gái Kim Luông yểu điệu chờ
Nam Trân

Hình ảnh các nàng Tôn nữ:
Gió cầu vướng áo nàng Tôn nữ
Quai lỏng, vành nghiêng chiếc nón thơ ...
Đông Hồ

Các anh bên Công Chánh, Kiến Thiết cũng đề cập đến những yếu tố cần nhấn mạnh để du lịch được phong phú hơn như trùng tu các lăng tẩm, cung điện, chỉnh trang cửa bể Thuận An, làng nghỉ mát Bạch Mã.

 
Ngoài ra vấn đề làm tăng vẻ mỹ quan của thành phố qua những công viên, những khu phố đầy hoa thơm, cỏ lạ là nhiệm vụ chuyên môn của dân Canh Nông chúng tôi .

Vấn đề đầu tiên là tái tạo hương hoa cho thành phố, nhất là dọc theo sông Hương. Lúc còn niên thiếu, chúng tôi đã ngạc nhiên không ít, vì dọc bờ sông Hương chỉ toàn thấy phượng vĩ đỏ mùa bãi trương, nhưng không thơm. Hương thơm chỉ ngào ngạt xa sông, ở các hồ sen nổi tiếng quanh và trong nội thành: hồ Tịnh Tâm, hồ Kim Thủy, hồ Thái Dịch trước và sau cửa Ngọ môn, và các hồ ở lăng Minh Mạng, Tự Đức. Ngoài ra một vài bô lão còn giải thích hương thơm là do các chùm hoa tím của các hàng cổ thụ Sầu Đông tỏa ra vào mỗi mùa xuân. Vậy mà khi còn đi hoc, chúng tôi chỉ thấy người ta đốn dần một số cây còn sót lại ở khoảng cách đường từ tòa Khâm Sứ đến Đập Đá.

Sầu Đông, thầu đâu, soan tím, đáng được trồng lại ở các bờ sông Hương, vì ngoài hương thơm, còn có màu sắc tím dịu dàng, nở từng chùm như hoa lilac (Lilas) của Âu Mỹ (nên người Pháp gọi hoa lilac nhật Bổn). Sầu đông cho gỗ tốt vì cùng một loài thực vật với loài Nim (Neem) là loài gỗ quí của Phi Châu. Sầu Đông, tên La Tinh là Melia Adezarach, cũng như Nim còn có dầu ở lá, ở hột, là những chất trị mọt thực phẩm, dùng tồn trử thực phẩm chẳng những rất công hiệu mà lại không độc cho người và súc vật . Dân Ấn Độ dùng nhiều dầu này trộn vào kem đáng răng để trị vi khuẩn làm sâu răng.

Du khách viếng Luân Đôn thường được dẫn tới một khu phố nhà cửa chẳng có gì đặc biệt, ngoài việc dân khu phố này ai ai cũng trang hoàng suốt năm ở mái hiên, cửa sổ, lan can, đủ loại hoa sặc sở. Kyoto, Nara ở Nhật Bản được chú ý chỉ vì các công viên, các sân chùa được trang hoàng thanh nhã với đá cuội trắng. Cây lá xanh đỏ bên những hồ nhỏ trồng sứ, có cầu làm bằng thân cây hay các thanh gỗ tự nhiên cố tình không đẻo gọt, bắc ngang theo hình chữ Z, chữ Y trên những giả suối, giả sơn. Cách thức trang hòang này đã là những đặc điểm lừng danh thế giới .

Đáng tiếc là ở Huế cũng các hồ thi vị như hồ Tịnh Tâm giữa hồ có ba giả đảo Bồng Lai, Phương Trượng, Định Châu; các kiểu vườn Thượng Mẫu, vườn Thư Quang trồng đầy hoa thơm cỏ lạ thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, cũng có cầu bắc ngang, có mái che lợp ngói âm dương, chạm trổ long phụng, hai bên trồng trúc, dương liễu, hồ Lưu Khiêm có nhà thủy tạ, có giả đảo Tịnh Khiêm rất thơ mộng mà không mấy ai được biết đến .

Huế ở kế dãy Trường Sơn, từ độ cao mặt biển đến trên hai, ba ngàn thước thiếu gì hoa thơm cỏ lạ. Ngay ở đồng bằng cũng nào là hoa trang vàng, trắng, đỏ, nào là hoa huệ hương, cánh xanh dày kép, màu trắng thơm đậm đà hơn cả thủy tiên (narcissus), hay lục bình (hyacinth) xứ lạnh, nào là hải đường cánh mỏng, nhụy vàng to, và nhất là hoa trà (trà mi). Tiếc là chưa có người ở huyện Hương Trà, Phú Lộc tuyển lựa, phân biệt ra những trà hoa mãn nguyệt hoa trắng vân đen đỏ, hồng trang tố lý cánh trắng vân hồng, ỷ lan kiều, trảo phá mỹ nhân kiều cánh trắng tía hồng nhỏ lớn để du khách chiêm ngưỡng như vườn hoa hồng trăm tuổi ở đồi Valentino thành La Mã .

Loại hoa lúc đó được chúng tôi chú trọng là phong lan. Không những phong lan đẹp tao nhã, mà còn có giá trị thương mãi. Những chùm giả hạc trắng, trường khê tím lê thê của Trường Sơn nào thua gì những chùm phong lan đắt tiền của Thái Lan dùng để trang trí các phòng khách thanh lịch Âu Mỹ. Và đóa hoa kim điệp vàng óng ánh, đóa nhất điểm hồng đáng cài thay thế hoa lan đất màu tím trên áo mỗi hành khách Hàng Không Thái.

Nhưng muốn thành công, ngoài sưu tập phải biết khảo cứu sâu rộng hơn. Phải biết các giống Lan, tuyển chọn khoa học, phải trị bịnh hiểm nghèo giết phong lan (như các siêu vi khuẩn (virus)), mới sản xuất được lan mau chóng, nhiều và rẻ tiền. Việc cải thiện các giống phong lan này không thể tách rời ngành viên học cao cấp đại học, vừa căn bản tinh thâm vừa thực tiển. Gần đây, bà Trần thành Vân thuộc nhóm sinh lý thực vật Ba-lê đã tìm ra phương pháp làm phong lan nở hoa theo ý muốn: nhiệt độ cao thấp, ánh sáng ít nhiều, dài ngắn, cách dinh dưỡng, và xử dụng các kích thích tố.

Vương quốc Thái Lan đã nhận thức vấn đề, và một phân khoa lớn đã được thiết lập ra ở Đại học Nông nghiệp Kasetsart, Vọng Các, được vua Thái bảo trợ. Hàng năm Vua đến chủ tọa triển lãm kỳ hoa dị thảo do phân khoa này tuyển chọn và gầy giống (nay là cấy sinh mầm, sinh mô phong lan trong ống thử nghiệm), rồi trồng trọt quy mô bán ở các chợ hoa, dọc theo các con kinh chằng chịt ở thủ đô Thái . “Sài-gòn Phong Lan” (Sài-gòn Orchids) trước 1975 là một công ty tư nhân đã muốn khai thác khía cạnh này. Đại học Văn khoa, trường Đại Học Kiến Trúc cũng nên khuyến khích thêm việc khảo cứu, lập thêm nhiều vườn như Phương thảo địa, Giai Trảm Kiều, vườn Thanh Tâm, góc Yên Hạ của vườn Hứa Nhất Thiên (thuộc chùa Huyền Không, gần chùa Thiên Mụ), trong các nhà thờ, trong các nơi hội họp để thể hiện một nếp sống đầy tính cách văn hóa cổ truyền, đầy thú phong lưu mà còn có khả năng cải thiện đời sống dân Huế nữa .

Chúng tôi còn nghĩ vẫn vơ tại sao các đường phố Huế chỉ trồng độc vài loại cây ít giá trị thẩm mỹ như hàng me ở dọc đường Hương Mỹ (vì thế con đường này còn gọi là đường Hàng Me), gần chợ Cống, hay hàng long não (camphrier) ớ các đường dẫn đến bệnh viện. Sao cho bằng các hàng danh mộc cao vút, thân cột thẳng băng nhưng cũng đầy bóng mát của sao đen, dầu sông nàng, vên vên, dầu con rái ..., thuộc họ thực vật Dipterocarpus của rừng gìa Việt Nam trồng dọc đường Trần Cao Vân, đại lộ Hồng Bàng Sài-gòn-Chợ Lớn. Trái với Sài-gòn, các hàng danh mộc ngoại quốc như loại cây gỗ quý (mahagony) đặc biệt Phi Châu, Mỹ Châu, sọ khỉ (swietiena, Khaya senegalienis) chẳng hạn, cũng vắng bóng ?. Ít ra vài đường phố của Huế cũng đáng được dành cho những hàng danh mộc của dãy Trường Sơn phụ cận Huế như kiền kiện, cẩm lai, gụ, mun, và cả lim chẳng hạn .

 
Canh Trân Châu, Cháo Mắt Phượng của Huế.

 
Du khách nào lại không muốn thưởng thức các món ăn, các thổ sản địa phương ?.
Ai cũng biết bún bò giò heo Huế cay cháy lưỡi, bánh khoái hai ba lòng đỏ trứng, cơm âm phủ, cháo lòng, mứt hạt sen của Huế, nhưng mấy ai biết canh trân châu, cháo mắt phượng, thổ sản cồn Hến, cồn Giả Viên gần thôn Vĩ Dạ ?. Tương truyền một vì vua dạ hành (không biết có phải là vua Thành Thái không ?) đêm khuya đói lòng được thôn dân dâng lên ngài ngự canh cháo hến (sò hến đãi sạn lấy từ lòng sông Hương, nhiều nhất ở cồn Hến, cồn Giả Viên) dưới mỹ từ canh trân châu, cháo mắt phượng. Vua cho là ngon hơn mọi món sơn hào hải vị của Thượng Thiện ở nội cung.

Ở thủ đô La Mã, Ý đại Lợi, một trong những món ăn làm hài lòng du khách, nhất là du khách Việt Nam, là món mì xào hến, mì “mắt phượng” (spaghetti alle vonole) đặc biệt ở những tiệm ăn đồ biển, bảng hiệu “Chiếc Thuyền Xưa” (Golada). Món cháo mắt phượng, nếu làm bớt cay hơn, hoặc thay cháo bằng mì và tại sao không thể là loại miến làm bằng bột đậu pha bột sắn (bột năng) như ở Nam Mỹ châu, tương tự như miến Song Thần làm bằng bột đậu xanh của Bình Định-Quy Nhơn dọn ra trên chén sành, bát cổ, chắc sẽ làm hài lòng du khách không kém spaghetti alle vongole!.

Cá sông Hương và ruộng đồng Huế nhỏ hơn cá sông Tiền, sông Hậu và ruộng đồng sông Cửu Long ở miền Nam, nhưng thịt chắc nịt hơn. Đối với khách sành điệu, cá rô, cá bống thệ, bống mú kho khô của Huế cũng mặn mà như cá kho tộ Biên Hòa. Canh chua nấu cá ngạnh nguồn, nguồn Hữu, nguồn Tả trạch sông Hương, mùi vị không thua kém bông lau, cá bống nấu hoa sọ dừa độc đáo của quận Thốt Nốt hay các tỉnh Cần Thơ, Long Xuyên.

Nếu du khách còn được hưởng thêm thú thả đò trôi dòng sông Hương từ ngã ba Bảng Lảng nơi nguồn tả hữu nối nhau, trên những đò mái lá cong, đầu rồng đuôi phượng, có điệu đàn cổ kính lướt theo cùng thì thật thú vị. Thả đò trên sông Hương cũng đâu thua gì trôi thuyền trên các kinh đào thành phố Venise (Venetia), xây cất trên biển cả miền Đông Bắc Ý. Thêm vào đó thoang thoảng những giọng hò mái đưa, mái đẩy có thể đưa du khách “vào cõi mộng êm, ra về thương nhớ”.

Những năm đầu của thập niên bảy mươi, dưới các nỗ lực đầy nhiệt huyết của anh Nguyễn Văn Đằng, lúc đó làm đầu đàn Sở Ngư Nghiệp lục địa đã dựng được vài kiểu nhà bè nổi trên sông Hương phỏng theo kiểu nhà bè ở Châu Đốc-Hồng Ngự. Mỗi nhà bè là một quán thanh lịch, xây bằng vật liệu nhẹ, sàn ván dính vào nhau, nỗi trên các thùng xăng rỗng 200 lít của hãng lọc dầu, dưới căng lưới sâu chừng một hai thước làm hồ nuôi cá, thúc ăn mỗi ngày cho mau lớn. Cá tươi lưới lên, do du khách lựa chọn cở cá, loại cá, nấu nương ngay tại chỗ như tại các tửu điếm ở Aberdeen (Hồng Kông). Châu đốc có cả chục ngàn nhà bè nổi làm quán nhậu, mỗi nhà lại sản xuất mỗi năm hàng tấn cá bè tươi . Cách thức nuôi cá, khai thác cá kiểu Châu Đốc đã được chuyên viên quốc tế phổ biến ở nhiều nước Phi Châu, Á Châu sau đó.

 
Đây Trái Ngọt Dân Lành Xứ Huế

 
Huế có cau Nam Phổ, trầu chợ Dinh. Huế còn có cam Nguyệt Biều, Ngọc Hồ ngọt lịm, chi chit trái cây mùa.

Món quê hoa quả có mùa
Tháng giêng có hạnh, tháng mười có cam
Phan văn Dật

Lại có cả dâu Truồi, chuối Ngự, nhãn châu, long nhãn nữa chứ! Chúng tôi dùng chữ nhãn châu để chỉ trái măng cụt ở miền Nam, vùng Thủ Dầu một Bình Dương. Ở nhà thờ họ chúng tôi, quán làng Văn Xá, huyện Hương Trà, ông nội chúng tôi lúc chúng tôi ra đời có trồng một cây nhãn châu mà suốt thời niên thiếu chúng tôi đợi mãi chỉ thấy lá tốt sum xuê, chớ chưa ra trái. Những trái nhãn châu chín cây tôi được ăn lần đầu tiên trong mùa hè ở nhà một người bạn bên vùng chợ Cống, gần An Cựu mới ngon dịu làm sao! Nhưng cây này hồi đó tính ra đã hai mươi ba tuổi !.

Những vườn măng cụt miền Nam cũng phải chăm sóc vài mươi năm mới ra trái. Nhưng với cách chiết cành dinh dưỡng theo căn bản khoa học mới, chỉ cần bốn năm là cây ra trái xum xuê . Nhãn châu là một trái quý của xứ nóng, ruột nõn nà, đắt giá được nhiều người Âu Châu ưa thích. Nhưng võ tuy dầy mà mềm, dễ hư hại, mốc thối khi chuyên chở xa. Nay nhờ thuốc trị bịnh, cách trữ lạnh tốt hơn, nhãn châu đã thấy xuất hiện ở các siêu thị, hay các quầy bán trái cây nhiệt đới ở Âu Châu.

Chúng tôi không rõ vải (Lệ Chi) Phụng Tiên rất quý, nguồn gốc trung Quốc, trồng ở Đại nội nay có còn không ?. Vải và long nhãn là hai loại trái cây dễ xuất cảng, giá trị cao. Đáng tiếc là các hàng long nhãn ở vài đường trong thành nội Huế chỉ còn ít, hột lớn, chùm ít trái và nhiều nước. Sâu rầy rẫy, nhãn không được chăm sóc gì. Nhãn Huế theo nhiều người nói thua nhãn Hưng Yên ngoài Bắc, không biết loại nhãn này có cùng nguồn gốc như vải Phụng Tiên không ? . Chỉ biết du khách viếng thăm Đài Loan, Hồng Kông gặp mùa nhãn Phúc Kiến, tha hồ thưởng thức những chùm nhãn sai trái, ngọt, cơm dầy, và hột thật nhỏ .

Huế còn có Chuối Ngự, còn được gọi là Chuối mỏng vỏ, chuối Cau quảng, hay chuối Đồng Nai. Ở miền Nam chuối này rất nhiều, nhỏ trái, nhỏ buồng nhưng mùi vị thơm tho ngọt hơn loại chuối già hương, già cui là loại chuối thương mại hóa, nguồn gốc Nam Mỹ. Chuối Đồng Nai thuộc nhóm chuối Đào Nguyên, nhiều loại nguyên quán Việt Nam, nhưng cũng phổ biến nhiều ở các nước Á Châu, Phi Châu. Chuối Đồng Nai trước đây không xuất cảng được. Mới đây giống được cải thiện, buồng chuối xếp khéo, có thuốc ngừa mốc meo trong bao nhựa dẽo đã thu hồi cho Phi luật Tân, Mã Lai cả chục triệu mỹ kim mỗi năm, cạnh tranh thắng lợi với chuối già ở thị trường Nhật Bổn, Hồng Kông.

Chuối Ngự có lẽ là giống chuối Đồng Nai, Gia Định đưa ra, vì Đồng Nai Gia Định là nơi căn cứ cơ bản của triều đại nhà Nguyễn .

Ngay cả dâu Truồi, ở miền Nam gọi là bon bon, cũng có nhiều vị chua so với bon bon mỏng vỏ, gần như không hột ở Thái Lan, Nam Dương.

Muốn làm mứt, làm bánh cho ngọt mà thiếu đường mía, sao Huế không lựa chọn lá cây cỏ ngọt stevia nguồn gốc nhiệt đới, ngọt một trăm ngàn lần (100,000) độ ngọt của đường mía.

Cả hai loại cây Hột Dẻ xứ nóng, hột to cả chục lần hạnh nhân, nguồn gốc Ba Tây (Brazil) cũng không thấy trồng thử để thi đua với hạnh nhân, với hạt sen làm giàu thêm thổ sản, cây trái đất Thần Kinh. Ước chi vườn gây giống Tây Lộc ở nội thành, vườn La Chữ, Hiệp Khánh được nới rộng làm trung tâm nghiên cứu, sưu tầm các giống cây trái miền nhiệt đới, nhất là của vùng Amazonia Nam Mỹ, mưa nhiều như Huế, Thừa thiên, trong khuôn khổ đại học Huế thì hay biết mấy cho tương lai.

Duyên Thứ Hai Bèo Bọt .

Biến cố Mậu Thân xảy ra, tang tóc đau thương tràn lan, di tích thắng cảnh đã hoang phế, điêu tàn lại càng bị tàn phá thêm . Vì vậy một số anh em ở miền Nam đã rủ nhau thành lập Hội Bảo Tồn Cố Đô Huế, nhất là trong giới con cháu những người đã vào Nam mở cõi, nhưng niềm thương Huế vẫn sâu đậm:

Ai đi về Huế cho ta nhắn,
Thăm lại sông Hương, núi Ngự Bình .
Từ lúc mang gươm đi mở cõi,
Ngàn năm thương nhớ đất thần kinh .
Tâm Đạo

Mục đích là trùng tu lại thành quách, đền đài, lăng miếu, cung điện, để bảo tồn các di tích văn hóa, văn học .
Việc đầu tiên là sưu tập lại các tài liệu của Huế “xưa, đẹp và thơ” để dự bị hết chiến tranh kêu gọi sự đóng góp của mọi người trong cũng như ngoài nước, nhất là các cơ quan văn hóa quốc tế, góp nhân lực và tài lực tái thiết Huế.

Về lăng tẩm cung điện, một nguồn tài liệu quan trọng đã được trường Viễn Đông Bác Cổ (École Francaise d’extrême Orient) ghi chép ở các tạp chí cùa trường. Đến nay không còn một ai giữ toàn bộ tạp chí này. Hội dự trù kêu gọi nhà Bảo Khố Pháp có lẽ còn toàn bộ cung cấp cho Hội để các nhà văn hóa kiến trúc yêu Huế lập lại họa đồ trùng tu các cung điện trong và ngoài hoàng thành khi thuận tiện.

Tài liệu văn hóa đáng chú trọng là các thư tịch, đặc biệt là các bổn “châu phê” (vua phê các tờ trình của các quan bằng mực đỏ viết bên lề). Chúng tôi được may mắn đọc qua một vài bổn “châu phê” của vua Minh Mạng, liên quan đến an ninh, mở mang bờ cõi giáp Miên, xây kinh Vĩnh Tế, từ Hồng Ngự tới Hà Tiên, những chỉ thị của Vua cho Thoại Ngọc Hẫu, Nguyễn Công Trứ, ghi chép lý do tại sao Nguyễn Công Trứ, đã có lúc bi phế từ Tuần Vũ xuống hàng lính khi đi mở mang bờ cõi miền Nam .

Tiếc thay kinh Vĩnh Tế, một công trình thủy lợi xuyên qua núi đá có khả năng làm thoát thủy một phần tư con nước lũ ra Vịnh Thái Lan, ước chừng mười tỷ mét khối của lưu lượng nước lũ sông Cửu Long, mỗi năm làm lụt lai láng vực lúa mì phì nhiêu này. Một phần Châu Bổn của Huế chưa dịch xong, được cất giữ ở Văn Khố Đà Lạt, nhưng một số lớn lại bi thất thoát qua các biến cố chính trị và quân sự trước cũng như sau 1975.

Ông Đoàn Thêm, một nhà văn nghệ, văn học sáng giá Việt Nam gợi ý thêm là tạp chí “Đông Dương” thường có in lại các dự án phát triển, các đường xá, kinh ngòi, nhất là các hải cảng nhỏ lớn của miền Trung, có thể có cả hải cảng Thuận An do các Thủy Sư Đô Đốc Pháp được lệnh thiết lập khi họ vừa mới chiếm Đông Dương. Kỹ sư Lefèvre của trường Bách khoa Pháp (École polytechnique) có vợ là một Tôn Nữ cũng đã để lại nhiều dự án phát triển Đồng Tháp Mười đáng giá .

Ông Thái văn Kiểm còn lưu ý đến kỹ thuật dùng vỏ cây địa phương thế vôi, xi măng kỹ thuật Champa khi Huế chưa có xi măng để nối gạch xây kinh thành nội ngoại, mong thành quách của tiền nhân bền gan cùng tuế nguyệt. Các bia đá ghi lại công ơn, công trình cũng đáng tra cứu để tái tạo những cái hay, cái đẹp thời xưa. Những phẩm vật triều cống, những bảo vật xưa cổ trong cung điện, lăng tẩm phải được hoàn trả lại Bảo Tàng Viện Huế hay Đà Nẳng.

Hội còn muốn kêu gọi các Viện Bảo Tàng Pháp trao trả các cổ vật đã được đưa về Pháp lưu trữ, như các Hội Bảo Tàng Ai Cập đòi La Mã, Ba Lê trả về bia đá Kim Tự Tháp mà đoàn viễn chinh hoặc Nã phá Luân đã lấy đi. Những tinh nghệ điêu khắc, cách sắp xếp các mảnh sành trong các lăng, chạm trổ trên trần, tường cung điện, lăng tẩm cũng được Hội chú ý để phục hưng lại, khi hết chiến tranh.

 
Duyên Thứ Ba: Hướng Về Đại Học Nông Nghiệp Huế

 
Đầu năm 1989, một phái đoàn chuyên viên Lương Nông Quốc Tế (FAO) sau mấy tháng tới Việt Nam nghiên cứu chấn chỉnh canh nông có đưa ra hai nhận xét:

1- Các vùng nghèo nàn nhất nước, bị thiên tai năm này qua năm khác, thiếu dinh dưỡng nhất (hơn một trăm ngàn người Việt Nam đau bệnh cườm mắt vì thiếu sinh tố A: Thanh niên từ 18 tới 20 tuổi mà chỉ cao như thiếu niên từ 13 đến 14 tuổi ở các nước khác). Xứ đói kém nhất lại không có một chương trình phát triển nông nghiệp nào quy mô như các dự án sông Hồng miền Bắc, sông Cửu Long, Đồng Nai (Vàm Cỏ) miền Nam cho tương lai để xin quốc tế giúp đỡ đầu tư.

2- Để có căn bản cải thiện nông nghiệp, cần có khảo cứu nông nghiệp sâu rộng, mà Việt Nam chỉ mới thiết lập khảo cứu nông nghiệp cấp II ở Sài-gòn, Vì vậy chúng tôi đồng ý khuyến cáo thành lập các cơ sở này cho miền Trung, nếu được ở Huế thì tốt. Nhất là Đại học nông nghiệp cấp III liên kết chặt chẻ với khảo cứu nông nghiệp vì đã có sẵn kinh nghiệm với ngành nông nghiệp của Trường Tạo Tác Thủy Lợi, thuộc viện Đại Học Huế trước đây. Cũng như nuôi trồng, khai thác hải sản của hơn cả ngàn cây số bờ và biển cả miền Trung.

Vì đất đai hẹp, mật độ dân số cao, các ngành này phải xây căn bản trên kiến thức, trên tổ chức kỹ nghệ, công nghệ nhiều tinh vi; phát triển việc nuôi trồng và phổ biến các dị thảo, dị sản có giá trị cao; biến chế nông phẩm, hổ trợ sản xuất nông phẩm, phát triển hiệu năng của nông ngư dân với phẩm chất cao chứ không thể thủ cựu theo yếu tố đất đai, thổ nhưỡng như miền Nam. Nghiên cứu và đào tạo kỹ thuật gia nông nghiệp theo chiều hướng mới, như phát triển kỹ nghệ Phong Lan, áp dụng phương pháp gầy giống dùng sinh mô trong ống thử, trồng các dị thảo chế thuốc Bắc, Nam hữu hiệu, các cây trái nhiệt đới cung ứng cho thị trường tương lai rộng lớn, các ngư hải sản nhiệt đới như rong tảo, nghêu sò, tôm sú, tôm hùm; đề cao khảo cứu, tạo sinh công nghệ di truyền (genetic engineering), công nghệ sinh học (biotechnology) cấp tiến như tái phối hợp DNA, cột chuyển “gen” (gene = di tử).

Một ngày không xa, dựa trên các căn bản khoa học thực vật sinh lý, sinh hóa bằng đào tạo xây dựng con em, xây dựng cơ sở căn bản dựa vào đại học, như Hán Thành, Đài Bắc, Đài Trung, Huế sẽ phồn thịnh, để bù lại những ngày gian khổ cho người dân đất Thần Kinh .

Tâm Đạo Tôn Thất Trình (1990)

 


 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP  
  VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com

Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG

Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012)
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/  
 
 
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 954924 visitors (2968739 hits)
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free