Tết là truyền thống dân gian,
Đầu năm âm lịch xóm làng đón xuân.
Từ xưa hai phương trời Âu châu và Á châu đã có những người nghĩ ra ngày tháng năm trôi theo dòng thời gian. Không có văn tự nào ghi lại lịch sử của những danh nhân ấy nên chưa rõ làm thế nào người xưa đã nghĩ ra cách viết nên hai thứ lịch như thế! Phương Đông có ngày Tết đón xuân theo lịch Tàu hay Âm lịch tính theo hệ mặt trăng. Người phương Tây đã viết nên dương lịch căn cứ vào sự chuyển động tự xoay của trái đất xung quanh mặt trời để tính ngày giờ năm tháng theo hệ mặt trời theo chu kỳ và đón xuân ăn Tết dương lịch hằng năm.
Tôi đặt chân lên xứ cờ hoa từ năm 1980 thì đây lần đầu tiên chứng kiến ngày Tết dương lịch hằng năm nơi đây thật tưng bừng kể từ sau tuần lễ Tạ Ơn là 7 ngày tròn tuần cuối tháng 11 dương lịch xong thì mọi người cùng thi đua mua sắm quà cáp tặng nhau, trang trí nhà cửa đèn hoa chuẩn bị Giáng Sinh là quốc lễ. Nối tiếp mọi người đón chào năm mới vào ngày 1 tháng 1 dương lịch.
Ở nơi đây năm hết những người đón Tết âm lịch thật lặng lẽ theo sau Tết đương lịch khoảng một tháng. Mọi người theo tục lệ phương đông của người Trung Hoa đón xuân mà lòng dạt dào nhớ quê nhà. Trong lòng tôi hồi tưởng lại hình ảnh vùng Cửu Long thời tuổi xanh ở Đông Nam Á Châu bên mái ấm gia đình. Đón xuân với khung cảnh xóm làng quê xưa mà nhớ lời thơ rất chân thành của thi sĩ Bàng Bá Lân qua bài thơ Tôi Yêu: “Tôi yêu đường cỏ nắng se, Nhà rơm trống trải chiếc ghe gập ghềnh. Tôi yêu nắng lóa chân thành, Trận mưa ngắn ngủi gió lành hiu hiu. Nơi đây tôi mến thương nhiều”… Rồi xa quê hương trong lòng còn nhớ những câu thơ trong bài Mái Lều Tranh của thi sĩ Hồ Dzếnh: “Ngoài kia niên thiếu ca xuân mới”… “Ai biết để lòng yêu một buổi, Bay về thăm viếng mái cô thôn?”
Khung cảnh đón xuân ngày xưa khơi dậy trong lòng mình với những hình ảnh quê hương thật đậm đà tình nghĩa. Ở nơi mà mình đã được sinh ra và lớn lên với tình yêu thiêng liêng của cha mẹ bên mái ấm gia đình ruộng nương làng nước mãi in sâu trong tiềm thức của cuộc đời. Hôm nay mình đã bước vào tuổi thọ, những thế hệ trước đã vĩnh viễn ra đi hết cả rồi. Mỗi độ xuân về lòng mình đao đáo nhớ lại không gian ngày xưa khi còn thơ dưới mái nhà lá đơn sơ bên bờ sông dập dìu ghe xuồng trên sông nước đua nhau đi chợ Tết giọng cười nói inh ỏi xôn xao cả một góc trời. Nào còn đâu hình ảnh ông đồ già mà nay không còn hiện hữu vào những ngày cuối tháng chạp mãi đậm đà lưu luyến vang vọng lời thơ Ông Đồ Già của thi sĩ Vũ Đình Liên “Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ ?”.
Giờ đây ngồi đón xuân mà lòng hồi tưởng lại tiếng pháo đì đùng trong ký ức tuổi thơ vang vọng lúc sáng sớm ban mai trong ngày mùng một Tết. Ba má tôi trịnh trọng với chiếc áo dài nghiêm trang thắp hương nguyện cầu khấn vái trước bàn thờ tổ tiên cửu huyền thất tổ, bàn thờ Phật, rồi bước ra sân trước bàn thông thiên. Má và các chị tôi đã khéo léo hoàn tất công việc nội trợ nào là mứt dừa, mứt bí, hạt dưa, trà thơm… bình hoa vạn thọ, mâm ngũ quả ngày Tết trịnh trọng dâng lên bàn thờ. Anh chị em chúng tôi được mặc quần áo mới cúng lại trước bàn thờ; rồi đi mừng tuổi ông bà nội và ông bà ngoại… Tôi còn nhớ tục lệ đánh bài cào, dà dách, loto, cách tê, tứ xắc… thật ồn ào hấp dẫn mọi người vây quanh trên chiếc chiếu được trải trước sân nhà hay ở giữa bụi lùn ở phía vườn cây sau nhà chơi suốt thâu đêm bên ánh đèn ách đa hay đèn ống khói.
Nhớ lại những buổi tiệc tất niên vào dịp cuối năm dưới mái trường tiểu học và trung học phổ thông. Rồi suốt ba năm học ở trường trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ không có tiệc tất niên nào cả bởi vì phần đông học sinh từ các tỉnh xa tựu về đây học nên vừa thi đệ nhất lục cá nguyệt xong là cùng nhau nhanh chân về quê ăn Tết đón xuân.
Trong tâm tôi nhớ mãi những buổi cắm trại và văn nghệ được diễn ra đều đặng hằng năm tại trường Nông Lâm Súc Cần Thơ. Cắm trại thì các bạn không bao giờ quên bài dân ca Lý Quạ Kêu.
Kêu cái mà quạ kêu
Kêu cái mà quạ kêu
Quạ kêu nam đáo, bắc đáo nữ phong
Người dưng khác họ, chẳng nọ thời kia
Nay dìa thì mai ở, bằng ngày thì mắc cỡ
Tối ở quên dìa
Rằng a í ra dìa, rằng thương nhớ thương
Tình a í a ra dìa, tình thương nhớ thương.
Tôi còn nhớ rõ buổi văn nghệ năm 1972-1973 ở trường trung học Nông Lâm Cần Thơ. Lúc đó tôi đang là học sinh lớp 12 Công Thôn đã biểu diễn bài thơ Tràng Gian
của thi sĩ Huy Cận.
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy giòng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sầu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật.
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc...
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Mang kiếp sống ly hương dù ở nơi đâu thì mọi người cũng đón xuân chào năm mới theo lịch Tàu hằng năm thật nghĩa tình. Tết năm 2017 sắp đến, Diên trân trọng chúc quý thầy cô cùng quý bạn an khang thịnh vượng, dồi dào sức khỏe, mọi điều như ý !!!
Ly hương nhớ nước non nhà,
Tết về hoài vọng đậm đà tình quê.
Trần Văn Diên, Texas USA ngày 16/12/2016
Học Sinh Công Thôn NLS Cần Thơ 1970-1973