California, những ngày cuối năm 2016…
Công viên quen thuộc bỗng chợt đã vắng bóng hắn suốt một khoảng thời gian dài. Sáu tháng qua, việc làm tuy có bận hơn, hắn lấy cớ sanh lười, nên đã không tìm đến công viên nầy vào mỗi trưa như trước.
Thường thì trước đó, sau bửa ăn trưa đơn giản, hắn sẽ còn một khoảng trống thời gian, đủ để thả bộ được đôi vòng trong công viên, trước khi về lại với việc còn dang dỡ trong ngày.
Những lần dạo bước trước, hắn vẫn nhớ, hàng cây phượng nơi đây, khi đấy hoa tím đang đua nhau rộ nở. Chúng tỏa ngát hương nồng nàn dưới nắng.
Và quanh những gốc phượng, vốn vẫn là những bải cỏ xanh, mà khi đó cũng đang bị ẩn mờ che phủ với những lớp hoa tím rụng đầy; những con sóc lí lắc chạy loanh quanh, dọ dẫm tìm thức ăn; bỗng chợt chúng ngừng lại, chỉ khẽ rung đuôi, yên lặng đối đầu nhìn nhau, rồi lại nhanh chân đuổi rượt.
Cũng những buổi trưa đó, trong bầu trời xanh quang đãng, hắn còn trông thấy đôi ó đen đang lượn cánh bên nhau.
Những buổi trưa ngày ấy, đi dưới hàng phượng tím mùa hè, thỉnh thoãng hắn nhớ lại tuổi học trò của mình thời xa xưa trước. Thời của tuổi hắn còn ngây ngô, có thể? Vẫn thường thích cùng các bạn ngồi đọc truyện bằng tranh trước lớp. Đến thời của tuổi biết chút mộng mơ, lại thích lang thang dưới gốc phượng đỏ, chưa trổ hoa, cố tìm cho ra cảm hứng để viết thành thơ, thành văn cho một mùa hè sắp đến.
Thời làm học trò khi ấy, dẫu ai có hay không sách cầm tay, cũng chẳng gì khác biệt. Hắn nhớ, khi đấy mình đã có nhiều bạn cùng lớp, cùng trường, cùng sở thích đánh banh, hay đá bóng. Nhưng hắn cũng có bạn với những tài năng riêng biệt khác. Có thi sĩ như Liêm Mập, có người giỏi viết văn như Sơn Cận; có bạn giỏi đánh đàn như Bình Gãi, cũng có tay trống như Hoan Gòm …
Những người bạn của ngày ấy, cùng là học trò trong thời chiến tranh, thường hay ngồi chờ ngày được gọi ra quân trường, thì ai cũng như nhau. Nhưng những khi nhìn họ đang hồn nhiên tươi cười với tiếng đàn, hay đang ru lòng theo giọng nhạc; hoặc những lúc thấy họ đang trầm lặng trong giọt đắng cà phê, hay thả hồn theo khói thuốc… với mái tóc dài, gầy thân, trông lãng mạn, khiến lòng hắn khi đó cũng từng có nhiều ngưỡng mộ, và từng mơ ước sao có được riêng cho chính mình.
Cũng có lúc, nhớ lại thời là sinh viên, sau khi đất nước của những ngày đó đã có được hòa bình. Cũng vẫn với thân gầy, da bọc xương, cùng tóc ngắn, nhưng lại được phân loại trong xã hội, nên ngày đến phải phơi lưng trên khu đồi trọc, nắng thường cháy da, cư xá đêm về ru giấc ngủ, bụng vẫn thường kêu, than đói. Nhớ đến cả những lúc trên những nông trường hoang vắng, khi ngày thì áo quần đẫm ướt mồ hôi, đêm phải ngủ lại dưới những mái lá trường làng, không nước tắm…Nhưng khi đấy hắn cũng vẫn vui vì đã có được nhiều bạn.
Bạn của hắn thời đó, có người là những nhà cách mạng thức thời, nhưng cũng có người thường xuyên xét lạ; nhưng lòng đối với bạn, hắn vẫn chưa từng phân biệt. Họ đều là những nhân tài, có hay không bầu nhiệt huyết cao để theo đuổi giấc mơ riêng của chính mình, cho dầu lý tưởng cuộc sống của mỗi người có cùng phương, hay khác hướng.
Rồi những ngày như trong mơ của hắn đến. Những hoa phượng đỏ được đổi màu thành tím lúc hè về; và những nông trường khô khan, hoang vắng của ngày nào trước đấy, cũng đã được biến thành những công viên với hoa lá đủ màu trước mắt. Hắn biết, để có được những gì như trước mắt, hắn đã phải đánh đổi bằng nhiều mồ hôi, cùng nước mắt, sau khi chấp nhận việc rời bỏ gia đình, lìa xa bạn cũ, để bây giờ chỉ còn lại trong lòng là những kỷ niệm êm đềm, tốt đẹp.
*
* *
Trưa nay, đã khoác lên người chiếc áo ấm trước khi rời phòng việc, nhưng sao vẫn cảm giác được cái lạnh đang len lõi thấm vào thân, hắn phải dấu đôi bàn tay vào sâu trong túi.
Trở lại nơi nầy, cũng với những bước chân đều đặn như ngày nào, trên con đường cũ, nhưng hắn không nhìn thấy được bầu trời xanh như những ngày trước đã có. Buổi sáng, trên đường đến hãng, cũng những đám mây mờ phủ kín không gian nầy, hắn trông thấy một đàn chim đang lẽ loi trên bầu trời. Chúng không đông, nhưng cũng đủ để cùng xếp lại thành dạng hình, rồi cùng nhau bay về Nam tìm nắng ấm.
Hiện giờ, nơi nầy đang là Đông. Chỉ còn đôi ngày nữa, một năm mới sẽ đến. California với những ngày cuối tháng, trời bỗng trở lạnh hơn những năm trước đó. Liên tục những ngày qua, gió rét từ phương Bắc cũng tràn về, khiến nhiều cây xanh, lá đã chóng đổi màu chỉ qua đêm. Điển hình là hàng cây phong dọc theo hai bên đường, sừng sững nơi kia thấy rõ, những màu lá vàng, cam, đỏ đang hòa sắc cùng xanh, trông đẹp mắt.
Lúc nào cũng thế, hắn vẫn thích bắt đầu từ con đường thả bộ dưới hàng phượng tím, nhưng giờ thôi đã nở hoa. Ngẩng đầu nhìn, lá phượng trên cành vẫn xanh; những trái bao đầy hạt, lửng lơ treo đầu nhánh.
Dõi mắt nhìn quanh, hắn không trông thấy dáng của những con sóc ngày nào, ngày kia lí lắc, nay có còn quanh quẩn đâu đây, trên những bải cỏ còn ướt sương, nhưng vẫn với một màu xanh không đổi.
Công viên nơi đây, hôm nay vắng bóng người. Có thể do thời tiết lạnh, và cũng có thể… người ta đang bận rộn đi mua sắm quà tặng cho nhau, để rồi cùng nhau đón mừng một năm mới sắp đến
Lại một năm nữa sắp hết. Đã bốn mươi năm trôi qua nhanh, hắn vẫn nhớ, trước đây mình đã có được nhiều người bạn.
*
* *
California vào những ngày cuối năm Bính Thân…
Công viên nơi nầy đã quen thuộc trở lại với bóng dáng của hắn suốt những tuần qua. Sau bửa ăn trưa, hắn vẫn tiếp tục thả bộ trong công viên dẫu cho ngày có được khô, hay còn ẩm ướt. Ngày có những hạt nước tợ sương rơi trên mái tóc bạc nửa đầu, hắn khoát lên người chiếc áo đi mưa; ngày đã ráo khô trên đường, hắn giữ lại trên thân mình chiếc áo ấm.
Suốt tuần qua, những đám giông to, cùng mưa nhỏ đã liên tục mang nước đổ về. Hi vọng cho California, năm nầy sẽ chấm dứt được thời gian dài hạn hán. Đêm qua, mưa cũng đã dầm dề rơi nặng hạt. Âm thanh bên ngoài, từ của những thác nước tuôn từ mái xuống sân nhà, đã đánh thức hắn, rồi cũng đã giúp hắn đắm chìm lại trong giấc ngủ mê say, không muốn dậy. Nhưng sáng đến thì cũng phải tỉnh giấc để đi làm. Nhìn ra sân quanh nhà, màu xanh của cỏ đã được che phủ với đầy lá vàng rơi. Điển hình ở nơi nầy, vẫn là hàng cây phong đang đứng bóng. Lá vàng khô qua đêm đã rơi đầy quanh những gốc cây, để lại trên cao bây giờ, những nhánh với vài lá úa màu còn thưa thớt. Nếu chợt có cơn gió nào thổi qua, những chiếc lá khô cuối cùng nầy cũng sẽ quyện theo gió, lững lờ rơi xuống.
Nhìn những chiếc lá vàng đang im lìm nằm trên mặt đất còn ướt sũng, hắn chợt nhớ đến những bức điện thư đã nhận được, những cuộc điện đàm đã lắng nghe, cùng những bài viết đã đọc được trong những tháng ngày trước đấy; qua đó hắn đã đón nhận những tin tức về những người bạn học cũ vừa đã qua đời. Những lúc ấy, dẫu trong lòng có bàng hoàng, có xúc động, nhưng sao chẳng nói được thành lời, giờ chỉ còn biết nhìn màu lá rơi để nhớ.
Chợt nghe như có tiếng chim kêu, trên một nhánh cây của vườn đào, mà những cành cũng đã không còn lá; hắn ngừng bước đứng nhìn. Một con chim nhỏ đang se sẽ cất tiếng gọi bạn. Hình như chưa nghe được giọng hồi âm, chim lại vội vỗ cánh bay, để hắn lại phải tiếp tục với những bước chân hướng về nơi chốn cũ. Thì thầm đôi lời, hắn nhắn nhũ với cánh chim vừa bay xa:
(Chim ơi! Đừng buồn! Ngày mai, Xuân sẽ đến. Nắng ấm sẽ trở lại. Những cánh chim từ Nam rồi lại sẽ bay về. Mi vẫn còn có bạn chung quanh đấy.)
Lại một năm nữa sắp đi qua. Dẫu nơi nầy, hiện giờ vẫn còn là mùa Đông lạnh giá; nhưng chỉ còn đôi ngày nữa thôi, một mùa Xuân ấm áp rồi cũng sẽ đến với mọi người còn lại trên mãnh đất nơi kia. Đã bốn mươi mùa Xuân trôi qua nhanh trong đời, hắn biết Xuân năm nầy, mình đã lại mất đi… một vài người bạn nữa.
Viết tại Cali, những ngày cuối năm Bính Thân
TL12
Lời Tâm Sự
Cuối tháng tư 2016, tình cờ tôi đọc được bài viết của người thầy cũ, từ bên trời Âu, ghi rõ nét trên trang mạng của trường. Thầy Trần Đăng Hồng đã thố lộ tình cảm của mình về một người học trò xưa, sinh sống ở miền Nam nước Việt. Tên của anh là Nguyễn Văn Phước, cũng là một đồng môn thuộc khóa đàn anh, cùng trường với tôi khi trước. Anh Phước đã qua đời, vào một ngày của tháng tư trước đó.
(…tin anh Phước vừa mất, chúng tôi thật bàng hoàng và xúc động, vì kể từ nay anh đã ra đi vĩnh viễn, giã từ cuộc đời trần thế…)
Tuy chỉ mới quen nhau sau nầy, và chỉ biết anh Phước qua những mẫu điện thư liên lạc, tôi vẫn chưa được lần diện kiến với anh; nhưng qua tâm tình của người thầy cũ đã ghi lại, tôi đã được dịp biết thêm về người đàn anh nầy còn là một người bạn đáng mến.
(…không những là học trò tôi đã dạy vài giờ mỗi tuần trong hai năm học ở lớp đệ Tam, đệ Nhị, mà anh còn là cộng sự viên của tôi ở thời hoạt động Chí Nguyện Nông Lâm Súc của những năm 1965 – 1966, trong ban điều hanh trang mạng NLS Cần Thơ kể từ 2010. anh cũng là người bạn thân thương của tôi…)
Rồi một đêm trong tháng sáu, tôi nhận được điện thoại từ một người bạn báo, tin về một người bạn khác của thời cùng trường đại học, anh Trần Văn Hào vừa từ giã cõi đời nơi quê nhà, trong một tai nạn. Tôi đã ngỡ ngàn tự hỏi:
(Sao bạn mình lại có thể đột ngột ra đi như thế? Tôi vẫn chưa thực hiện được lời đã hứa với bạn mình mà!)
Trong lòng tôi vẫn nhớ, Hào là một người bạn thông minh, mạnh khỏe, tính luôn vui vẻ với mọi người, và tình thì rất nhiệt tâm với các bạn. Anh đã cho tôi có được nhiều ngưỡng mộ cùng mến phục. Tình bạn mà tôi thường nhận được từ Hào trong những năm học chung, là sự nhiệt tình và nồng ấm; thế mà tôi thì đã không dám ngõ lời từ giã bạn trước lúc bỏ trốn ra đi.
Sau ba mươi năm cách biệt, tôi đã được dịp gặp lại vợ chồng của người bạn nầy. cùng những người bạn rất quí mến khác. Họ và tôi từng đã có được nhiều kỷ niệm trong đời, qua những năm cùng học tập (và cùng được cải tạo) chung với nhau trước đây. Lần thứ hai sau đó, cách nay cũng không lâu, tôi cũng tìm và thăm được bạn ấy ở tận nơi nầy.
Ngày ấy, gặp Hào nơi nầy, tôi đã có một sự chọn lựa sai. Nghĩ rằng sẽ làm cho bạn mình được vui lòng, tôi đã mời và đưa bạn đến một nhà hàng “nặng mùi bơ sữa”. Sau bữa ăn tối, tình thật nói cho nhau nghe, Hào bảo vẫn thích mùi “nước mắm quê hương” hơn. Đêm đấy, biết là đã chọn lựa sai cho bạn, nên tôi đành hẹn lại với Hào vào một dịp khác. Lần đó, nhất định sẽ cùng nhau thưởng thức mùi “nước mắm quê hương”, cho dầu gặp mặt lại nhau ở nơi nầy, hay bên đấy.
Nhưng từ nay, tôi biết là đã không còn cơ hội thực hiện được lời hứa với bạn mình. Và cũng từ ngày ấy, tôi càng thắm thía được lời viết trên mạng của người thầy cũ, trước đây.
(…tin anh vừa mất, chúng tôi thật sự bàng hoàng và xúc động, vì kể từ nay anh đã ra đi vĩnh viễn, giã từ cuộc đời trần thế…)
Lại một ngày trong tháng mười, tôi đọc được bản tin chia buồn trên mạng liên kết của trường. Một người bạn học khác của thời trung học, tên là Phạm Việt Hoan, anh là một người yêu văn nghệ của lớp, và cũng là một tay trống trẻ tuổi thời ấy của trường. anh cũng đã từ giã cõi đời ở bên đấy.
Khi đọc được tên, tôi chợt nhớ ngay về anh bằng một hình ảnh xa xưa của ngày nào còn xót lại trong dau. Hình ảnh của một người bạn học cùng phòng, nhỏ con, ốm người, thân không cao, nên thường chiếm được những dãy ghế, không hẳn là đầu bàn trong lớp.
Phạm Việt Hoan tuy không thích thể thao, nhưng lại rất yêu văn nghệ. Là một người bạn rất hoạt bát và vui tánh; anh luôn san sẽ những mẫu chuyện vui, cả chuyện đời tư của chính mình cùng mọi người trong lớp. Phạm Việt Hoan còn là một trong những mẫu người chóng tìm được tình yêu, khi đang còn trong lứa tuổi học trò, mà thời đó, đã có nhiều bạn cùng lớp, cũng đã từng mơ ước riêng cho chính mình cũng có được.
Bởi tôi chỉ nhớ được hình ảnh của bạn khi trước, nên khi được tin Phạm Việt Hoan từ giã cuộc đời sau cơn bạo bịnh, cũng đã khiến tôi bàng hoàng để phải điện thư thăm hỏi các bạn khác:
“Sao …Đời ‘nó’ lại chóng đi như thế?”
Hình như các bạn cũng đã khéo nhắc đến tuổi đời nên tôi mới chợt tỉnh, “Ừ nhỉ!”. Nhưng sao trong lòng, vẫn có một nỗi buồn riêng.
Đôi lời cuối, tôi xin được mượn lời của người thầy kính yêu:
(Đời người thật ngắn ngủi.
Cầu nguyện hương linh các anh siêu thăng tịnh độ.)