Truyện ngắn
Năm trước Mai tập tễnh theo bạn đi buôn dưa lê, à không, buôn dưa hấu vào dịp tết. Gọi là buôn cho oai, kỳ thực, Mai đến thăm nhỏ bạn tình cờ đúng lúc nhà nó đổ đống dưa trước cửa, Mai bèn cà kê, lân la đến chơi mỗi ngày đặng học hỏi, mục đích là xem thiên hạ mua bán thế nào mà bắt chước. Công nhận bán hàng thời vụ vui thiệt, mấy ngày đầu dưa mới đổ đống về, ngồi ngáp gió cả ngày trời bán được chừng chục trái, vậy mà càng gần đến ngày ba mươi, đống dưa cao nghệu hôm đưa ông táo đã vợi gần hết. Cả nhà nhỏ bạn nói với nhau mà Mai dỏng tai nghe lén, biết rằng bán mấy món thời vụ như thế này, lời thì lời lắm - nếu bán hết, còn không nếu mà ôm sô thì có nước cấn dưa hấu trừ nợ.
Thế là năm nay, khi nghe nhỏ bạn tuyên bố “nhà tao bán dưa nữa” vì năm ngoái lời khẳm, Mai thậm thà thậm thụt rủ mấy chị em nhà mình hùn vốn bán thời vụ, không bán dưa hấu vì nhỏ bạn bán rồi, không ấy mình ké bán gì khác đi, thiếu giống gì.Thời vụ dịp tết có hàng trăm món: hoa chậu nè, hoa bó cắm bình nè, trái cây ngũ quả “cầu sung dừa đủ xài” nè, hay phong bao lì xì, câu đối đỏ “năm mới phát tài”, “vạn sự như ý”, “phúc lộc thọ toàn” nè, v.v và v.v….Suy đi nghĩ lại, rà soát túi trước túi sau( túi nào cũng nhỏ xíu) của mấy chị em, hội ý tới lui đâu cũng cả tháng trời, sau cùng Mai là người quyết định, bán đồ chưng cầu sung dừa đủ xài. Sao quyết định bán món này? Thăm dò một trăm người thì đủ trăm muốn “cầu sung dừa đủ xài”. Hỏi mấy ông, thì ông nào hổng muốn “sung đủ xài”(sung mà dư xài có khi quắc cần câu lẹ), còn như hỏi mấy bà, thế nào mấy bà cũng muốn “cầu dừa đủ” là sướng rơn rồi, không cần gì hơn nữa. Vậy là, dù quí ông hay quí bà, ladies or gentlemen, ai cũng mong cầu sung mãn(g) đủ dư xài xả láng cho “dừa” lòng, vậy nên ta quyết định cầu mãn(g) sung xài dư đủ mới “dừa” cái bụng…..Đúng quá rồi còn gì! Bảo đảm một vốn bốn lời là cái chắc. Ô de ( oh yeah)!
Tiền mặt bằng thì nhỏ bạn tuyên bố hào phóng: tặng miễn phí. Ngồi ké cái ô vuông nho nhỏ bên cạnh nó bán dưa hấu thì nhiều nhỏi gì mà tính với chả toán. Cơ mà Mai cứ hỏi câu lấy lệ:
- Mày tính nhiêu?
Nó gạt phăng:
- Nói tiền bạc tao giận à nghen!( mừng quá). Qua tết đãi tao chầu nhậu sương sương là được rồi( nhậu của nó là chè ngọt, rẻ rề, Mai lại mừng rơn trong bụng), miễn có bạn “buôn dưa lê”(tám chuyện) mấy đêm không ngủ( bán tết là phải bán đêm) là dzui mừng dzui quá dzui rồi.
Nhà nhỏ bạn thật ra là nằm trên một hẻm rộng, ban đầu chỉ có một vài người bày ra vài món hàng, riết rồi tập trung lại, mỗi nhà ra một món, thành chợ. Cái chợ này càng lúc càng nhộn nhịp, đến nỗi phường còn cắt cử người làm bảo vệ chợ, rồi người quản lý chợ, người dọn dẹp chợ, v.v…..Cái chợ này đặc biệt không có bãi giữ xe, xe máy cứ thoải mái lượn lên lượn xuống chợ, mỗi khi đông quá, thì người đi chợ và người buôn bán trong chợ tự điều chỉnh, chung sống hòa bình, miễn người bán bán được hàng, còn người mua thì mua được hàng.( vô duyên chưa, nói vậy mà cũng nói). Túm lại, cái chợ này vui vì cái vẻ bát nháo tự phát tự nguyện.
Cứ dịp gần tết, từ ngày hai ba tháng chạp tiễn ông táo chầu trời, là cái chợ này nhoi lên thấy rõ. Thật ra thời điểm tết nhứt ai mà không nhoi. Vui mà. Cả những người ngày thường bán đồ ăn rau cải thịt cá, bây giờ cũng chuyển sang bán hàng tết. Và nó, con nhỏ bạn ham vui số một, cũng không ngoại lệ. Con nhỏ này hễ thấy cái gì vui là nó nhào vô, không cần lời lóm, miễn vui. Năm trước mới ra lò đã trúng đậm, làm chơi ăn thiệt, vậy là thừa thắng xông lên, nó bán mùa này nữa là mùa thứ hai. Được mấy chị em Mai ké bên, nó càng khoái, có người hầu chuyện tám dài hơi cho nó, còn gì bằng. Gọi là hùn vốn chứ chỉ có Mai là trực chiến ở gian hàng đồ tết này thôi, chứ mấy chị em kia tiểu thư thấy mồ, lâu lâu đáo qua chút chút gọi là góp mặt rồi lỉnh mất tiêu, còn Mai, tướng tá nông dân chịu cực được thì ở lại chịu trận. Buổi trưa, dù có cái bạt to che mà nắng cứ hắt tạt như đổ lửa. Công năng của cái quạt bây giờ vừa phành phạch hết cỡ vừa dùng để che nắng xéo, chứ nắng trực tiếp có mà tiền lời bán dưa, bán ngũ quả không những chẳng “đủ xài” mà còn “hụt xài” mua thuốc cảm cúm. Mặt mũi Mai mới có mấy ngày mà bắt nắng đen nhẻm, như vừa lội ruộng ra.
Mẹ nhỏ bạn thấy thương bầy trẻ, lâu lâu đi ra đi vô dòm ngó (chắc bà cũng thấy không khí náo nức vui quá) tiếp sức chút đỉnh. Khi thì bình trà đá, lúc thì dĩa cơm bình dân. Khi nào thấy lao xao đông khách thì bà mới ra hẳn, ngồi một chỗ canh chừng phụ. Công nhận bà mẹ chịu chơi, thấy con gái lăn lóc với đám dưa mà không hề lên tiếng xót xa. Bà còn khuyến khích:
- Tập buôn bán cho quen, hồi trẻ bác còn buôn gánh bán bưng mới có cơ ngơi vầy. Thấy ai chịu làm ăn, bác khoái.
Nhỏ này chắc giống má, thích buôn bán. Cái gì đẻ ra tiền, nó làm tuốt. Không biết lúc trước thì sao, nhưng từ khi hai đứa trở thành bạn thân, nó cứ rủ Mai mua cái này, bán cái kia, xoay như chong chóng. Nó bảo:
- Bình thường bán không vui như ngày tết. Quanh năm mẹ tao cho thuê chỗ, vì đâu có ai chịu cực thức khuya dậy sớm được. Nhưng bán trong dịp tết thì chỉ cần chịu cực mấy ngày thôi, tao chịu được. Tao còn khoái nữa à. Mày bán thời vụ đi rồi biết, vui lắm, vui cả ngày lẫn đêm.
Mà vui thiệt. Chợ trong năm chỉ chừng bảy giờ tối đã không còn khách, chợ tết bán suốt, đèn sáng trưng. Kể từ lúc ông táo tàu bay ngựa chạy về chầu trời, món gì cũng bán được. Như dưa của nhỏ bạn chẳng hạn. Quanh năm không có lấy một quả dưa tròn, toàn dưa dài bé bé ký mấy hai ký, bây giờ dưa tròn ở đâu chui ra mà lắm thế không biết, toàn cặp dưa nặng có đến hai ba chục ký, để chưng bên cạnh bánh chưng vuông, tượng trưng đất trời. Dịp nguyên đán là dịp tạ ơn trời đất mà. Con nhỏ chịu khó ghê, bưng hết trái này đến trái kia theo ý khách, ngã giá xong nó còn tặng mấy tờ giấy đỏ Phúc, Lộc, Thọ dán lên mình trái dưa cho hấp dẫn. Ngày thường nó cũng nóng tính, quát tháo ầm ầm mỗi khi không bằng lòng cái gì, mà sao bây giờ Mai thấy nó hiền khô, lúc nào cũng cười tươi rói, liến thoắng lựa dưa, dán giấy, thu tiền, thối tiền…Mà cũng lạ một điều, khách mua hàng cũng cười tươi rói, vừa trả giá vừa chọc ghẹo cái lúm đồng tiền của cô chủ hàng dưa, không chút tỏ vẻ bực bội như mọi khi. Hay là cái không khí của mùa xuân( dù cho phương này chỉ có mùa mưa và mùa nắng) dễ làm cho con người ta mở lòng hơn thì phải. Ai cũng vui vẻ với nhau, ai cũng mong đợi một điều gì mới mẻ hơn cho năm mới nên ai cũng dễ thương với nhau? Mai thích như vậy quá, phải chi lúc nào cuộc sống cũng dễ chịu như lúc này thì hay biết mấy nhỉ.
Cái đống “sung mãn(g)… của Mai mới đổ ra tưởng ế vì nhìn trông thật là tội nghiệp. Ban đầu, Mai giãy nảy vì hàng họ( do nhỏ bạn quen biết bổ hàng giùm) trông kỳ dị gì đâu. Cái gì cũng non sèo: từ trái dừa con bé tí chặt vội lắc chẳng nghe tiếng óc ách của nước. Chắc là dừa điếc. Mai nghe người ta nói vậy thì nói đại vậy, chẳng biết trúng hay trật, chứ Mai dân thành phố hồi nào giờ, đâu biết dừa điếc là dừa gì, xin thọ giáo mấy công tử dừa giải thích giùm, rất đa tạ. Đu đủ thì quắt queo, xanh lè, ngữ này có dú khí đá hay nhúng thuốc nó cũng chẳng vàng nổi. Mỏ vịt chẳng ra mỏ vịt, trông ra nó giống cái mỏ con gà hơn. Bình thường Mai muốn bào gỏi đu đủ, Mai cũng chẳng bao giờ lựa mấy trái đu đủ xanh xấu xí như vầy. Mãng cầu dai hay mãng cầu bở, mãng cầu xiêm hay mãng cầu ta….., biết chết liền. Nó chưa kịp chín đã bị bức tử, cúng giao thừa xong để chừng ba ngày tết là từ xanh chuyển sang đen thùi, mốc vàng mốc đỏ. Xoài lớn cỡ …lóng chưn, lớn nữa cũng cỡ…lỗ mũi, vậy mà ai đó đành đoạn bứt, bẻ, vặt, cắt vô tội vạ, cho kịp thời vụ tết. Cây sung thường ngày chín đỏ rụng đầy chẳng biết làm gì ngoài việc để chúng tự hoại thành phân bón thì bây giờ đã bị vặt trụi từng chùm non sèo thấy thương, chưa bán đã rụng lả tả đầy mặt sạp.
Mai giãy nảy, biết hàng họ như vầy Mai đã chẳng thèm bán thứ này. Mai sẽ chọn bán hoa. Hoa thì không bị hái non hay dú ép, hoa rực rỡ đủ sắc màu trông mùa xuân sẽ tươi tắn hơn nhiều. Chứ ai lại mua bán mấy thứ héo queo như thế này, chán lắm. Nhỏ bạn chửi Mai ngu, chẳng biết gì, chỉ biết mỗi tài ca cẩm, xót ruột tầm phào là giỏi:
- Ai mà không cầu sung mãn(g)xài đủ mậy, nhứt là mấy ngày tết, ai mà không muốn bằng năm bằng mười năm ngoái mậy. Mùa xuân là mùa hy vọng mà, mày bán mấy món này, tức mày đang bán niềm hy vọng cho mọi người, còn có phúc đức nào bằng mậy.
Mai ngẩn tò te trước lập luận của nó. Nó nói đúng quá chứ. Mấy trái cây non sèo kia, biết đâu nhân dịp cuối năm, người ta vặt bớt cho cây đủ sức ra lứa trái sung hơn, to hơn, giống kiểu nhà vườn tỉa lá, tỉa hoa cho bớt rậm rạp, là một cách cho hoa trái lớn hơn, đẹp hơn vậy đó mà. Vừa tốt cho cây trái, vừa giúp cho người ta sang năm mới có thêm niềm hy vọng mà lạc quan yêu đời, lại vừa rủng rỉnh tiền tiêu trong dịp tết, nhất cử tam tứ tiện. Vả lại, chỉ chưng cho có lễ vậy thôi, miễn sao mang được “cầu sung dừa đủ xài “ vào trong nhà cho may mắn là được rồi, chứ dịp tết còn biết bao nhiêu món ngon vật lạ khác, lo chi. Mai cười hi hi, chịu nhận mình ngu hơn nó về cái khoản lý sự này.
Ngày ba mươi, chợ nào cũng phải dẹp trước mười hai giờ trưa, trả lại phố phường thông thoáng, dù là chợ hoa hay chợ cóc, chợ hẻm. Nhà nhỏ bạn cũng phải dẹp, có điều nó dẹp vào nhà, bán tiếp. Người ta nói chợ chiều đìu hiu, ấy là chợ lớn, chợ nhỏ ra dáng của chợ đàng hoàng kia, chứ chợ trong nhà giờ này mới phát huy tác dụng. Cả tuần hai đứa ngồi ngáp là chủ yếu, bây giờ mới là lúc bán không kịp thở. Giá nào cũng bán, sứt càng gãy gọng chút đỉnh cũng có người mua. Và vui nhất là ai cũng đều hởi hả giống nhau: người bán thì hàng càng lúc càng vơi dần, người mua lúc này mua được toàn đồ rẻ, chẳng bù mấy hôm trước bị mua hớ. Người bán người mua đều cười tươi như hoa, trước khi ra về còn chúc nhau, từ năm cũ vọng sang năm mới: năm mới phát tài, vạn sự như ý.
Riêng Mai, cái đống trái non mà mới tuần trước Mai vừa buôn vừa buồn vì sợ ế, đứt vốn trong dịp tết này sẽ quê một cục với mấy chị em hùn hạp, thì giờ nó đã hết vèo ngay từ sáng sớm ba mươi rồi. Mai ngồi tiếc, biết vậy mình nói nhỏ bạn lấy nhiều gấp đôi vầy hén( tham nữa rồi!)
Tính nhẩm trong đầu, đúng là lời khẳm như lời tuyên bố chắc nịch của nhỏ bạn:
- Tin tao đi, buôn bán thời vụ nếu xuôi rót thì lời khẳm, dư xài chứ không chỉ đủ xài đâu nhen mậy.
Bán tết vui thiệt. Chỉ cần thấy dòng người lũ lượt đi mua sắm trước mắt là đủ vui rồi, cần chi hơn nữa. Vui là chính, lời lãi là mười mà lị. Bầu không khí mùa xuân lúc nào cũng vậy, dễ khiến cho mọi người vui lây niềm vui của nhau. Mai tính, với số tiền này, năm nay mình sẽ mua một thứ thôi: mua Xuân.
16/11/2016
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN