Tản mạn
Khi mẹ ăn chay ngày mùng một tháng chạp ta( ở đây có khi là hơi thừa chữ “ta”, vì tháng mười hai tây không bao giờ được gọi là tháng chạp) thì mấy chị em đã bắt đầu ngồi mơ màng đến tết. Mẹ bóc xuống tờ lịch ngày hôm trước, thông báo cho cả nhà biết năm sắp hết và tết sắp đến, với một câu nói quen thuộc, kèm theo cái chậc lưỡi: “lại sắp hết một năm nữa rồi, nhanh quá”. Nhanh thật, chắc là vì mẹ nhìn thấy lũ con, mới tết năm ngoái quần áo may còn rộng thùng thình trừ hao, vậy mà năm nay đứa nào đứa nấy lớn bộn, áo mặc đã chật nức lòi cả rốn, còn quần thì ngắn cũn cỡn, giật cao lên quá mắt cá chân.
Mẹ kéo chiếc bàn máy may cũ xì, cả năm nằm im lìm trong góc ra giữa nhà, chuẩn bị kế hoạch may đồ mới cho con trẻ nó mừng. Mẹ mua “vải đồng phục”cho cả mấy chị em. Gọi là đồng phục, vì nhà đông, tính toán may mấy bộ thì cứ cộng trừ nhân chia mấy thứ chiều: chiều dài, chiều rộng, chiều cao để nhẩm thước tấc, rồi ra chỗ hàng quen rinh về mấy súc vải, cho mấy chị em khỏi so bì, nhỡ như ngày đầu năm ngồi chơi lô tô, bầu cua với nhau mà chốc chốc lại so sánh màu áo này đẹp, vải kia cứng xấu, rồi cãi vã giận hờn thì thật là phiền. Mẹ tâm lý lắm nhé, đồng phục vải thôi chứ không đồng phục kiểu, đứa nào thích kiểu gì cứ tha hồ vẽ vời, mẹ sẽ may theo mẫu, khỏi khiếu nại về sau: sao mẹ may áo con có cổ, sao mẹ may áo con dài tay, sao mẹ không bóp eo cho con….Mẹ còn khéo tay nữa, may kiểu nào ra kiểu nấy, hợp gu từng đứa, hợp tính tình từng đứa. Kể từ lúc mẹ khệ nệ bưng về những cây vải, mấy chị em có thêm niềm vui vây xung quanh chiếc bàn máy may. Nào vải, nào thước dây, thước cây, nào phấn màu, rồi kim, suốt chỉ, khuy, dây thun quần, kéo cắt….cái gì cũng hay hay, vui mắt bởi mỗi năm chỉ một lần cận tết mẹ mới ngồi vào bàn máy, cho lũ con đi ra đi vào cái giang sơn nho nhỏ thơm mùi hồ của vải, xem những chiếc áo mới hình thành dần theo mỗi ngày qua, táy máy nghịch ngợm những đồ may của mẹ một cách thích thú. Dưới bàn tay của mẹ, những bộ áo mới dần dần thành hình, từ áo của đứa này đến quần của đứa kia, chốc chốc chúng lại ướm thử lên người xem đẹp cỡ nào. Chả thế mà người ta hay nói: vui như trẻ được áo mới, dù có những đứa trẻ không còn trẻ, đã đến tuổi biết thẹn thùa soi gương ngắm nghía! Tiếng sè sè của từng vòng quay máy khâu chạy trên sớ vải còn cứng hồ đi theo vào trong giấc ngủ của mấy chị em những ngày giáp tết, như tiếng ru đều đều, nhẫn nại, đầy yêu thương….
Nhiệm vụ của ba là đánh bóng lư đồng. Vốn đây chẳng phải nhiệm vụ của ba đâu, nhiệm vụ của ba là đi làm kiếm tiền nuôi gia đình, ba không phải làm việc nhà. Nhưng khi gần tết thì ba lên tiếng rất sớm là xí phần việc này, xí độc quyền. Chỉ mỗi bộ lư nhỏ xíu ở bàn thờ Phật và gia tiên mà ba giành hẳn một góc nhà, tuyên bố: mỗi ngày đánh một đơn vị thôi, không làm vội làm vàng, kẻo chưa đến tết mà đã hết việc, sẽ ….không biết làm việc gì khác để chờ tết. Một đơn vị, nghĩa là hôm nay đánh bóng cái chân đế đèn, mai chà đến cái khoanh hứng nến chảy, mốt sẽ đánh đến cái thanh vòng đặt cây nến….đại loại vậy. Miễn sao trong suốt tháng chạp, ba sẽ đánh bóng được hết một bộ gồm: một lư đồng và hai cây cắm nến, chấm hết. Chỉ có vậy, mà kéo dài đến một tháng, kỳ công chưa. Chà đi rồi chà lại, đánh tới rồi đánh lui, ngày này đến ngày khác…, và trông giang san của ba cũng bề bộn những dầu bóng, tro bếp, giẻ lau…không kém gì sơn hà của mẹ, có điều qui mô nhỏ hơn nhiều! Vừa làm, ba vừa huýt sáo điệu nhạc xuân ”Ly rượu mừng” hay “Xuân và tuổi trẻ”, trông ba vừa hào hứng vừa thích thú, những vết nhăn cơm áo gạo tiền dường như lặn tăm đâu mất cả, nhường chỗ cho sự trẻ lại, mong tết giống hệt con nít mới lớn.
Còn mấy chị em thì cố tỏ ra mình mới là người bận rộn nhất trên đời. Mọi ngày ai nấy đều là thần dân của vương quốc lười, làm biếng một cây, ba mẹ sai biểu thì đứa này đùn đẩy cho đứa kia, đứa lớn lấy quyền làm chị sai chuyền cho đứa bé, cứ thế mà sai theo hàng dọc một cách có “bài bản”, nhưng dịp này bỗng dưng siêng năng ra phết, chị lớn làm gương cho đàn em, và chỉ huy cả nhà mỗi đứa một việc, không đứa nào thất nghiệp. Đứa lau nhà, đứa tháo rèm cửa mang đi giặt, đứa mang gối drap mùng mền ra phơi phóng, đứa lau cửa sổ, đứa lo cửa chính. Phải có hoa, hoa mới mang lại không khí tết đậm đà nhất vì cả năm chẳng màng mua một cành hoa để chưng. Không gì tuyệt hơn một cây mai đặt ngay lối ra vào như nghinh đón chúa xuân. Những món đồ trang hoàng treo lủng lẳng phất phơ trước gió: màu xanh của lá, màu vàng của hoa, màu đỏ của những phong bao xen lẫn cánh thiệp xuân. Mấy chị em thì thà thì thụt lên lịch hành động cho những ngày giáp tết còn có việc trổ tài làm mứt nữa: mứt me, mứt chùm ruột chua chua ngọt ngọt, mứt dừa béo ngậy thơm lừng, mứt mãng cầu dẻo dẻo dai dai, mứt tắc trong veo như mật….Con gái mà, không khéo về nữ công như mẹ thì cũng cố gắng gia chánh cho vuông tròn, kẻo lại bị chê đểnh đoảng vụng về. Đứa làm dưa giá, đứa cắt củ kiệu, đứa làm dưa món, hay muối dưa hành, dưa cải và chuẩn bị cả những nong, những nia to tướng, phơi nắng những kiệu, củ, cải dưa …..Và không gian thì góp phần bằng cách lúc nào cũng thấm ngọt mùi dấm, mùi nước mắm, mùi hành muối…đặc biệt chỉ xuất hiện trong những ngày giáp tết. Mấy chị em hòa thuận hết biết, chị nói em nghe, em không biết làm thì chị chỉ bảo, trên thuận dưới hòa. Ước gì lúc nào cũng được như vầy như vậy nhỉ. Nên mấy chị em rất thích mùa xuân của mình được kéo dài ra, bắt đầu từ tháng chạp trở đi. Vậy mà có ai đó quan niệm không muốn duy trì tết âm lịch( sợ lệ thuộc văn hóa Trung Hoa), chỉ xài lịch tây phương cho đồng nhất với thế giới, thiệt là tầm bậy hết sức. Mấy chị em đồng ý cả hai tay: càng nhiều tết càng tốt. Có được bao nhiêu nước vừa ăn tết tây xong, lại háo hức ngồi chờ cả tháng nữa để ăn tết ta như ở mình. Tết ở ta kéo dài từ tháng mười hai dương lịch cho mãi đến hết tháng mười hai âm lịch, có khi hơn hai tháng, thiệt là sướng. Không khí chuẩn bị mới vui, chứ đã sang ba ngày tết thì coi như hết tết.
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
( Bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu)
Ý nhà thơ rằng, trong cái “đang”(hiện tại) ẩn chứa cái “đã”(quá khứ), vậy nên ta phải tìm cách tận hưởng trước cái “sẽ”( tương lai) để khỏi phải ngồi tiếc rẻ vì phí phạm. Nhà thơ há chẳng phải đã giục giã: “nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ” đó sao.
Những ngày giáp tết mới thật sự là tết. Nhìn ra xung quanh thiên hạ ai cũng cùng một tâm trạng giống nhau nên thật vui. Vui vì được chuẩn bị, vui vì được mong ngóng, vui vì được bận rộn với những công việc không giống “một ngày như mọi ngày” ( một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).
…..Nồi thịt kho hột vịt của mẹ đã thơm lừng mùi nước dừa tươi béo ngậy. Hũ dưa kiệu củ hành của mấy chị em đã dậy mùi ngan ngát khắp không gian. Và mùi nước sơn cửa còn mới, mùi chăn gối vừa giặt thơm ngát hương hoa, áo quần xúng xính sực nức mùi hồ vải ….. Xuân đã thật gần rồi.
15/11/2016
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN