2/8/2015
Tản Văn Vui:
Đoàn Xuân Thu
Thưa! Tây nó thường thề hơi bị ‘xạo’ rằng: “I love you, and I will love you until I die, and if there is life after that, I love you then.”
Nghĩa là: “Anh yêu em, và sẽ yêu em mãi tới khi anh ‘xí lắc léo’, và nếu có một cuộc đời ở thế giới bên kia thì anh vẫn tiếp tục yêu em.” He he!
Chu choa! Thề non hẹn biển cho em an tâm vậy thôi… Chớ đời mà! Ai biết ra sao ngày sau chớ! Nhưng thề mà hỏng tốn cắc bạc nào; lại làm em tưởng bở, em tin, em vui thì hà tiện làm gì vài lời hứa viễn vông phải không bạn hiền?
Thề “Tình đầu là tình cuối người ơi /Suốt đời mình nguyện câu lứa đôi!” mà sao ly dị hà rầm? Cầm bất cứ tờ báo nào lên đọc, cũng có thấy mục bố cáo ly hôn hết ráo?!
Tây là vậy; Việt Nam mình cũng thế, cũng thề, thề tá lả luôn. Thề từ trong ca dao cho đến viết lời, viết nhạc. Ca dao thề: ‘Tóc mai sợi vắn sợi dài. Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm’. Từ câu thề đó, Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương sáng tác bài: Thương hoài ngàn năm như vầy: “Ngàn năm thương hoài một bóng người thôi! Tình đã khơi rồi mộng khó nhạt phai…”
Thưa em yêu cũng bắt tui thề: ‘thương hoài ngàn năm’ đó chớ nhưng tui nhứt định không chịu… thề… với lập luận rất chặt chẽ rằng: “Con người, giờ dẫu y học tối tân, rán kéo… thì giỏi lắm sống một trăm năm là cùng. Cho hai mươi tuổi mới yêu em, mới cưới em, sống cùng em 80 năm là ‘oải’ lắm rồi… Thề tới ngàn năm là thề hơi ‘bị’ dóc. Trái lòng mình lắm đó nha!”
Khôn là không hứa, không thề, khỏi mắc công giữ, khỏi kẹt thế làm quân tử nhứt ngôn mà chi. Vì lời nói như mũi tên thoát khỏi cây cung, bay ra; đâu có lấy lại được. Thề… mắc công giữ… mệt lắm!
Nên không thề cho nó ‘phẻ’! Cuộc đời mình, không ai muốn bị mất tự do, bị nô lệ bởi lời thề. Mà đời ‘không có gì quý hơn độc lập tự do’. Đừng hi sinh chữ tự do bay nhảy bông nầy, hoa nọ quý nhứt của đời mình cho bất cứ cái gì hết ráo nhe anh!
Vì thực tế cho thấy rằng dù mình lỡ chết đi thì mình cũng chết một mình. Có em nào dám vì yêu mà bịt lỗ mũi, ngưng thở để chết theo đâu mà mong.
Nên có chuyện vầy: Một ông đi nghỉ hè ở Jamaica. Vợ thì bận công việc sở sùng nên hẹn đôi ta sẽ gặp nhau tuần tới.
Đến khách sạn, nhận phòng xong, ông vội vã dùng ‘laptop’ gởi một cái điện thư (email) để em yêu mau mau tới gấp vì anh nóng ran rồi nè! Già rồi hơi lẩm cẩm, đụng đâu bể đó, làm gì trật nấy, ông gởi nhằm vào cái địa chỉ điện thư bà bạn của con vợ, mà em ấy lại có ông chồng vừa mới chết.
Em ấy lên máy tính, mở điện thư ra xem, hét lên một tiếng, rồi bị nhồi máu cơ tim, ngã lăn ra mà chết ngắc!
Thì ra bức điện thư nói rằng: “Em yêu! Anh vừa mới tới. Tất cả đều đã chuẩn bị xong, chờ mai em tới. Chồng yêu của em!
Tái bút: Ở đây, em biết, nó nóng như hỏa ngục vậy!”
Thưa tuy vậy có người không thề thốt gì hết ráo mà cũng yêu tới bạc đầu đó chớ. Do đó yêu em dài lâu là do tiếng nói của đôi tim cùng nhảy một điệu Rumba tới già… khú đế; chớ không nhất thiết phải thề thốt gì cho mệt. Cái đó mình gọi là Tình già. Tình già có hai nghĩa; nghĩa thứ nhứt là yêu tới già; nghĩa thứ hai là già vẫn còn yêu.
Mà nhắc tới tình già thì người viết lại nhớ tới học giả Phan Khôi.
Ông Phan Khôi, nhà tư tưởng, nhà văn, chuyên viết nghị luận, ông chỉ làm một bài thơ duy nhứt, tựa là Tình già, hồi tết Nhâm Thân 1932, đăng trên báo Đông Tây Hà Nội và tuần báo Phụ nữ Tân Văn ở Sài Gòn.
Bài nầy nổi tiếng không phải vì nó hay… mà vì nó là một lối thơ mới, khởi đầu phong trào “thơ mới” thế kỷ XX của nước mình. Sau đó là biết bao nhiêu bài thơ ‘ảo diệu’ của nhiều cây đa, cây đề khác lần lượt ra đời để ca tụng tình ta!
“…Hai mươi bốn năm sau/ tình cờ đất khách gặp nhau/ đôi mái đầu đều bạc, nếu chẳng quen lung/ đố có nhìn ra được/ ôn chuyện cũ mà thôi, liếc đưa nhau đi rồi/ con mắt còn có đuôi/”
Thưa tui thấy bài thơ tiên phuông trong văn học sữ nầy là một lời ‘tiên tri’ cho những mối tình dở dang hồi trẻ kéo dài dài ra tận đất khách, quê người. Đất khách, quê người gặp lại người xưa chỉ dám (con mắt còn có đuôi) trộm nhìn nhau xem dung nhan đó bây giờ ra sao? Em có còn đôi má đào như ngày nào? Chớ hỏng dám nhìn thẳng (‘địa’ em mà chi?!) Vì sợ thằng chồng em, nó ghen nó quánh gãy luôn hai cái hàm răng giả mới làm; thì lại phải tốn tiền đi nha sĩ cho nó hàn lại để có cái mà nhai.
Thưa Việt mình có tình già, có thề thốt. Tây cũng có tình già, cũng răng long đầu bạc, cũng sống đồng tịch đồng sàng; chết đồng quan đồng quách như Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài bên Nam Sơn tiểu lộ đó thôi.
Chuyện rằng: Một ông Tây 90 tuổi cưới một bà Đầm 89 tuổi vào tháng Tám năm 1947. Nghĩa là tới nay đã được 68 năm dài mà đôi lứa chẳng rời nhau.
Già… phải bịnh, hỏng bịnh nầy thì bịnh nọ để chết chớ. Con người chớ đâu phải là con rắn để lột da sống đời hoài… cho chật đất!
Năm rồi, ông Tây bị bệnh ung thư trực tràng và di căn tới bàng quang. Còn bà Đầm bị lẫn và vài lần tai biến mạch máu não.
Những ngày cuối, nằm bịnh viện, ông Tây chỉ lo lắng cho vợ mình: “Xin bác sĩ hãy hết lòng cứu chữa và chăm sóc cho bà ấy. Còn tui sao cũng được.”
Cuối cùng ông Tây hấp hối! Nghe hung tin, sức khỏe của bà Đầm cũng suy sụp nhanh chóng. Theo ước nguyện, bác sĩ cho hai người nằm nắm tay nhau. Ông đi trước và bà đi sau chỉ cách nhau có năm tiếng đồng hồ.
Thiệt là một thiên tình sử thủy chung làm ai biết cũng phải đẫm lệ vì ngưỡng mộ.
Thưa trên là mình bàn về tình già mà trước khi già phải qua tuổi sồn sồn. Mà tuổi nào tình nấy hà. Có tình già thì cũng có tình sồn sồn. Nửa chừng xuân không muốn gãy tình ta vì em đã mặt nám da nhăn nên em đi ‘tút’ lại.
Nên có chuyện rằng: “Một em đã qua trung niên, chừng năm mấy hà, có lần đau gần chết, nằm trên bàn mổ, em nghe ông Trời phán rằng: “Con nữ kia! Đừng có lo lắng gì hết nha! Ta sẽ cho em thêm 30 năm nữa để vui hưởng cuộc sống trên cõi đời ô trọc nầy!”
Khi hoàn toàn bình phục, em mới tìm cách tận hưởng 30 năm mà ông Trời đã hào phóng hứa cho mình. Em đi Hàn quốc nâng ngực, độn mông, cắt cằm, chẻ môi trái tim. Xong về, năng tập thể dục, đi ‘gym’ mỗi ngày nên thân hình thon gọn, không sồ sề như trước nữa. Nhìn xa tưởng Madona. Lại gần mới biết em (hơi) ‘già’…chút thôi!
Bỗng một hôm, đang chơi quần vợt ngoài trời để giữ eo cho đẹp thì trời nổi cơn giông gió, mưa và sét đánh cái rầm làm em chết ngắc. Lên trình diện ông Trời, em than phiền: “Thưa Ngọc hoàng đã hứa cho em thêm tới 30 năm nữa lận mà?”
Ông Trời nghe vậy bèn đeo kiếng lão lên để nhìn cho rõ. Nhìn xong, ông Trời phán rằng: “I’m very sorry!” “Thôi cho ta xin lỗi! Lỡ rồi! Chẳng qua lúc đó ta không nhận được ra ‘em’.”
Còn em yêu của anh bạn văn tui thì cũng đã đi đại tu nhan sắc lại để đua với mấy em chân dài trong nước mà ảnh lại không dòm ngó gì hết… để phòng không ‘mông’ quạnh và bị lạnh! Chờ anh cho mãn kiếp chờ; chờ cho rau muống lên bờ trổ bông, da mặt em cũng đang trổ bông đồi mồi, cuộc tình ‘tù ti’ của đôi ta chẳng còn được mấy niên mà thằng chả lại cứ ngồi thiền hoài mới khổ thân em!
Mới xáp lại gần, anh ơi anh hỡi anh ời, là ‘giả’ cứ giảng đạo: “Em và tôi… thôi đã hết duyên, con cái chúng ta chỉ là một đống nợ, (con là nợ, vợ là oan gia mà) nên tui muốn giải thoát, muốn được siêu thăng tịnh độ, thoát mùi tục lụy…”
Thiệt là kỳ hoặc! Cơm no bò cưỡi không muốn, muốn ăn chay, diệt dục, ngơ ngơ ngẩn ngẩn, toàn là chuyện tầm phào?!
Thưa em rầy anh cũng tội nghiệp. Đời ai mà hỏng ham mấy cái vụ đó chớ?! Nhưng tiếc thay! Năm dài chày tháng, hóc môn (hormone) trong máu, gọi là cái ‘tét tốt tơ rôn’ (Testosterone) gì gì đó, nó cạn queo rồi nên trên bảo dưới hỏng nghe… thì anh phải biết là sao cho em vui với điệu Tango đây! Thông cảm chút đi!
Bởi: “Ngày xưa súng ngắn ngang hông/ Ngày nay súng ngắn để không trong quần/ Ngày xưa sức mạnh như trâu/ Ngày nay uể oải ngồi đâu ngáp ruồi/
Ngày xưa uống cả chục lon/ Ngày nay ngủ gục; nửa lon vẫn còn!”
Người ta nói tửu sắc. Nhậu còn nổi thì cái vụ kia mới nổi. Còn có nửa lon không hết thì còn làm ăn gì nữa mà mong. Đành phải chịu vậy thôi.
Tánh khí cũng đã trầm đi rất nhiều. Tự nhiên thành nhà hiền triết, tịnh khẩu. Tối ngày chỉ suy nghĩ và nghĩ suy… chớ không làm gì hết ráo. Ai cười, ai chửi mặc ai vì đời chỉ là cõi tạm mà thôi. “Ngày xưa tánh nóng hung hăng/ Ngày nay ai chửi cũng nhăn răng cười” Cười để gượng sống chờ đi… nhị tì!
Tình già chỉ biết nhìn nhau cười móm mém. Nhưng tình dục không đục nó cũng chết, không còn làm ăn gì được nữa… nhưng tình ghen thì mãi vẫn còn!
“Nếu em chết trước, anh có dắt ai về nhà nầy không?”
“Ôi rảnh đâu mà em lo cái chuyện tầm ruồng như vậy chớ!”
“Con nhỏ đó có vô nằm trên cái giường nầy không?”
“Chắc là không rồi!” “Giường rệp không ai mà nằm!”
“Có mặc quần áo của em bỏ lại không?”
“Chắc là không rồi” “Quần áo bây giờ ‘Made in China’ rẻ rề; đâu ai thèm mặc quần áo cũ đâu em. Phần cái ‘size’ của em bự quá, anh không nghĩ là có em nào thèm mặc… Mà em lo chi chuyện con bò trắng răng chớ?!”
“Con nhỏ đó có xài mấy cây gậy đánh ‘golf’ của em không?”
“À cái nầy anh chắc chắn trăm phần trăm là không rồi!”
“Tại sao vậy?”
“Vì cô ấy thuận tay trái.”
He he! Em chưa chết mà anh đã đi ăn ‘chè’ rồi hè! Nghe vậy, em gầm lên như sư tử hống: “Nếu tui chết trước, anh mà cho con nào bước vào phòng nầy tui sẽ hiện hồn về bóp cổ chết hết hai đứa bây đó nha!”
Đó là chuyện của vợ chồng anh bạn văn của tui! Thưa còn bà vợ Úc của tui thì lại ước nguyện bằng tiếng Anh rằng:
“If I die, I will lay by your side!” “Nếu em chết, em sẽ nằm chết cạnh bên anh”
“Cha! Tui sợ ma lắm bà ơi!”
Nhưng tui không dám mở miệng nói ra. Sợ nói nó biết được; trước khi chết, nó ‘thuốc’ tui chết theo luôn thì uổng lắm.
Lấy vợ Úc bấy nay, mùi bơ sữa, phô mai… ớn quá xá rồi mà vì sợ vợ, tui nào có dám léng phéng gì với ai đâu… Chứ thực trong thâm tâm, tui nhớ vô cùng mùi nước mắm ‘Một Con Cua’ của Phan Thiết quê mình lắm đó bà con ơi!
Đoàn Xuân Thu
Melbourne
Phạm Hiếu- St