Con khỉ qua tục ngữ ca dao
Nàng được sinh ra trong một làng quê miệt vườn, tuy có xa thành phố đôi chút nhưng không đến nỗi là nơi “khỉ ho cò gáy”, hay “vượn hú chim kêu”. Từ phố quận về thôn xóm phải đi bằng ghe, vốn là phương tiện phổ thông nhất, qua vài sông rạch chằng chịt hàng bần và dừa rũ bóng mát, chui dưới vài “cầu khỉ” cheo leo, trông khá ngoạn mục.
Phải chi lấy được vợ vườn
Tập đi cầu khỉ thêm đường dọc ngang
Nhìn bụi bần đang mùa trổ bông tim tím với những trái treo lơ lửng, nàng bật cười khi nghĩ đến cảnh:
Tuổi Thân con khỉ ở lùm
Chuyền qua chuyền lại té ùm xuống sông
hay
Tuổi Thân con khỉ lao chao
Nhảy qua nhảy lại té ào xuống mương
Nàng giật mình vì nàng cũng tuổi Thân, không biết sau này có phải
Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi
Mà sao tôi lại ngậm ngùi tủi thân (tuổi Thân).
Nàng là gái quê tuy chất phác cày cấy quanh năm để có gạo ngon nhưng cũng không quên trang điểm thật đẹp, mái tóc chải mướt với dầu dừa:
Gái Tú Sơn đầu trơn như mỡ
Gạo trì trì nứt nở như ươi (trái đười ươi)
Nàng ví mình đẹp như cây liễu rũ thì phải có chồng như chim anh vũ mới xứng, chứ đâu phải gái xấu xí giống tựa củ khoai lang sùng mà phải lấy bọn khỉ rừng:
…..
Chim anh vũ đậu cây liễu rũ
Khỉ trên rừng ăn củ khoai sùng !
Đúng vậy, nàng là gái đẹp miệt vườn chứ đâu đến nổi tệ
Gió nam hây hẩy ban chiều
Một đàn bướm trắng dập dìu trên non,
Đêm đông trường, nghe vượn ru con
Vượn hát ru con, cá khe lẩn bóng, chim buồn trốn cây
Kìa quân tử trúc, dạ này bâng khuâng
Em như hoa thơm mà mọc góc rừng.
Nói vậy, chứ nàng cũng sợ bị thiên hạ chê là sống nơi quê mùa:
Bấy lâu em ở ven rừng,
Chim kêu vượn hú nửa mừng nửa lo
Đường đi quanh quất ruột dê,
Chim kêu vượn hót dựa kề bên non
Đường vô quê mẹ cách truông
Chim kêu vượn hú, em buồn anh đưa
Chiều chiều dắt mẹ qua đèo
Chim kêu bên nớ, vượn trèo bên tê (kia)
Thật vậy cũng có người chê quê nàng:
Ở đất ta nam thanh nữ tú
Sang đất nàng vượn hú chim kêu
Dù rằng anh hết gạo treo niêu
Cũng thắt dây lưng đỏ, bịt khăn điều thảnh thơi
Nàng có vẻ đẹp của cô gái Miệt Vườn nên có rất nhiều thanh niên tán tỉnh, trong số đó có anh chiến sỉ anh hùng mà nàng thán phục lại chinh chiến nơi xa, không biết ngày nào trở lại:
Lưng đèo vượn hú chim kêu
Nằm trên ngọn súng mơ theo bóng cờ
Ngược lại trong làng có lắm chàng trai đú đởn theo tán tỉnh, nàng không vừa ý nên thách thức:
Bao giờ cho chuối có cành
Cho sung có nụ, cho hành có hoa
Bao giờ chạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình
Bao giờ cây cải làm đình,
Gỗ lim ăn ghém thì mình lấy ta
Bao giờ cho khỉ đeo hoa,
Cho voi đánh sáp, cho gà nhuộm răng
Trong làng có nhiều chàng ăn mặc diêm dúa “Như khỉ mặc áo tế”, lố lăng như “Cóc đi guốc khỉ đeo hoa”, chẳng có tư cách mà cứ lẻo đẻo theo tán tỉnh hoài, nàng bực mình nói “Đồ khỉ gió!”.
Mẹ dặn dò nhiều, nên nàng phải đề cao cảnh giác, rằng đừng nghe lời tán tỉnh như “Hứa hươu hứa vượn”, hay thề thốt nặng mà xiu lòng:
Vượn lìa cây có ngày vượn rũ
Anh xa nàng mặt ủ mày chau!
Và
Con vượn bồng con lên non hái trái,
Anh thấy con vượn đương chuyền khoan khoái nhớ em
Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú
Đất Rạch Giá vượn hú chim kêu
Quản chi nắng sớm mưa chiều
Lên doi xuống vịnh cũng chèo thăm em
Gió thổi rao rao khúc sông nào cũng lượn,
Xa cách bạn vàng như vượn lìa non.
Nhạn lạc bầy nhạn kêu khảng khoái
Vượn lìa cành, cầm trái khóc than
Đêm nằm, lụy nhỏ chứa chan
Nhớ câu tình tự, tôi băng ngàn tới đây
Cũng không nên thấy người ta chìu chuộng quà cáp mà ham:
Muốn ăn sim chín đi tìm
Đố ai tìm được đem lên hầu nàng
Chim kêu vượn hót trên ngàn
Bây giờ đã đến trăng tàn canh ba
Nàng tự nhủ là phải tự làm ăn, chớ nên đèo bòng quà cáp của người khác:
Muốn ăn măng trúc măng giang
Măng tre, măng nứa, cơm lam thì chèo
Ngược xuôi lên thác xuống đèo
Chim kêu bên nọ, vượn trèo bên kia
Có nhiều chàng ỷ nhà giàu, tán tỉnh nàng rằng một khi duyên đã thuận, tốn kém bạc triệu thì có sá chi, miễn lấy được nàng:
Đêm đông trường nghe con vượn cầm canh
Nghe chim khuyên tổ, nghe anh dỗ nàng
Giàu giữa làng trái duyên khôn ép
Khó nước người phải kiếp đi tìm
Tiền trăm bạc triệu kể chi
Có chàng nói rũ thương vì cảnh ngộ của nàng:
Nước chảy bon bon,
Con vượn bồng con lên non hái trái
Cảm thương nàng phận gái mồ côi.
Cũng có chàng dỗ nàng, một khi lấy nhau thì ra sống ở thị thành chứ sống chi ở xứ “khỉ ho” này:
Dõi dõi theo anh
Về nơi Châu Thành nam thanh nữ tú
Ở chi đất này vượn hú, chim kêu.
Còn một chàng khác biết tâm lý đàn bà thích lấy chồng thích thú làm ăn nên tâm sự là phải đi làm ăn xa để nàng nhỏ lòng thương hại mà lấy chàng:
Muốn tắm mát thì lên ngọn sông Đào
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh
Đôi tay vít cả đôi cành
Quả chín thì hái quả xanh thì đừng
Ba bốn năm nay ăn ở trong rừng
Chim kêu vượn hú nửa mừng nửa lo
Theo lời chàng thì sống trong rừng gần thiên nhiên cũng vui lắm:
Sáo kêu, công múa, nghê cười,
Vượn đờn thánh thót, rùa bơi, thỏ quỳ.
Thú thật, trước lời tán tỉnh của nhiều chàng, nàng đâm phân vân, không biết chàng nào mới thật lòng thương mình.
Cha nàng mất sớm, hai mẹ con sống hủ hỉ bên nhau. Cha nàng mất, mẹ đau buồn hằng mấy năm trời:
…… Một mai con cá xa câu
Rồng xa núi Chúa, vượn rầu lìa cây
Vượn lìa cây lâu ngày vượn rũ
Thiếp sầu chàng vừa đủ ba đông
Vượn bồng con lên non hái trái,
Đoạn sầu này để lại cho ai?
Mẹ chỉ có mình nàng chứ còn ai nữa. Nếu nàng lấy chồng xa ở tận:
Cà Mau khỉ khọt trên bưng
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um
Chiều chiều én liệng trên trời
Rùa bò dưới đất, khỉ ngồi trên cây.
Trải qua dấu thỏ đường dê,
Chim kêu vượn hú tư bề nước non.
thì lấy ai chăm sóc lúc mẹ già. Mẹ nàng cũng nghĩ như vậy, nhưng con gái có số phần, tùy con lựa chọn, có chồng xa thì cũng phải theo chồng:
Có con nên gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng đem cho
Có con đừng gả chồng xa
Chim kêu vượn hú biết nhà mẹ đâu
Nàng thương mẹ lắm. Từ khi còn nhỏ, mỗi khi thấy mẹ và cậu buồn, nàng thường làm “trò khỉ” , “Cười như khỉ được mùa ngô (bắp)” cho cả nhà vui:
Thấy cậu tôi buồn
Giả tuồng làm vui
Phận tôi là cháu
Ngồi buồn nói láo
Cho cậu tôi nghe
Có một chiếc ghe
Chở ba trăm tượng (voi)
Chờ khi gió chướng
Chạy tuốt về te
Có con cá he
Nó xòe đuôi phượng
Có con khỉ ở trong lùm
Nó nhảy lừng tưng, lừng tưng
Vì không muốn xa mẹ nếu lấy chồng xa, nàng thỏ thẻ:
Má ơi, đừng gả con xa
Chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu?!
Mẹ nàng lúc nào cũng dặn con, có thương ai thì phải rỏ tông tích, chứ đừng lấy phải kẻ bá quơ “Cha hươu mẹ vượn”. Nàng không quên lời mẹ dặn dò chỉ bảo:
Vẳng nghe vượn hú trên ngàn
Nhớ lời mẹ dặn, lệ tràn khôn ngăn
Nàng cũng sợ gặp phải ông chồng keo kiệt, tạo được đồng tiền thì khư khư giữ “Vô tay vọc móc mô (sao) ra” (vọc là giống khỉ) thì làm sao nuôi được mẹ già. Cũng thật vô phước nếu lấy phải ông chồng ăn nói vô duyên lại lố lăng “cười như đười ươi nắm ống”, còn làm việc thì lại biếng nhác.
Tuổi thân con khỉ ở lùm,
Cuốc không lo cuốc lo dòm người ta.
Ngoài ra, có nhiều ông khi chưa cưới thì tán tĩnh đủ điều, nhưng sau khi lấy rồi thì trở mặt chê vợ xấu như khỉ như ma:
Thân anh như trống như bưng
Vợ anh như khỉ trong rừng mới ra
Thân anh như ngọc như ngà
Vợ anh ở nhà như thể ma trơi…
Mà cũng thật ngộ, có chàng chưa tán tỉnh được mà lại sợ mất nàng:
Chim kêu vượn hú non đoài,
Không ai gìn giữ trong ngoài cho anh.
Hay còn trớ trêu hơn nữa, nàng có thề thốt gì đâu mà chàng lại trách:
Tay cắt tay sao nỡ
Ruột cắt ruột sao đành
Một lời thề biển cạn non xanh
Chim kêu bên suối, vượn hú trên cành
Anh không bỏ bậu, sao bậu đành bỏ anh.
Bởi vì một khi có chồng, dầu tốt hay xấu, phận đàn bà là phải theo chồng, thương chồng, và đồng chịu cam khổ cùng chồng suốt đời:
Khi nào cho vượn lìa cành
Cho chim lìa tổ, thiếp hoạ may lìa chàng
Mồ hôi gió đượm
Thiếp thương chồng thiếp phải chạy theo
Con ơi, mẹ dắt lên đèo
Chim kêu bên nọ, vượn trèo bên kia!
Bởi vậy trước quyết định hôn nhân, nàng phải đắn đo, không xét người qua bề ngoài:
Con khỉ hái một trái chanh
Ngỡ rằng trái chín trên cành thì ngon
Ruột chua loát vỏ bồ hòn
Cắn rồi liền nhả, lăn tròn trái chanh
Ê răng khỉ mới dặn mình
Phải dò trong ruột, chớ tin bề ngoài
Ngay cả Ông Trăng còn nhận xét sai người huống chi con người như nàng:
Ông Trăng mà bảo ông Trời:
Những người hạ giới là người như tiên
Ông Trời mới bảo ông Trăng:
Những người hạ giới mặt nhăn như tườu (tức con khỉ)
Đúng vậy, phải có tiếp xúc chung đụng lâu ngày thì mới biết được lòng người:
Ở với khỉ biết khỉ đỏ khu
Ở với tru biết tru nhọn sừng (tru là con trâu)
Thú thật, tới bây giờ nàng không biết nên nhận lời hay từ chối ai bằng cách chê bai này nọ, bởi vì sợ người ta chê lại:
Chuột chù chê khỉ rằng hôi
Khỉ lại trả lời: cả họ mày thơm?
Con Chó chê Khỉ lắm lông
Khỉ lại chê Chó ăn dông ăn dài
Lươn ngắn lại chê Trạch dài
Thờn Bơn méo miệng chê Trai lệch mồm.
Nàng đôi khi cũng ân hận vì đã lỡ lời chê:
Vượn bồng con lên non cắn trái
Em sớ lỡ đôi lời, rủng rải em phân
Nhìn đi nhìn lại, chàng cũng đâu phải thuộc loại “Nuôi ong tay áo nuôi khỉ dòm nhà” để bêu rêu nhà nàng. Tuy nhiên, vì phải đắn đo quyết định đôi khi nàng trở nên gắt gỏng, khó tính “Nhăn nhó như khỉ ăn gừng”, “Cay như khỉ ăn gừng”, “Mặt nhăn như khỉ ăn ớt”, “Mặt nhăn như khỉ ăn ruốc”, mặt mày nàng đôi khi “Rầu rĩ như khỉ chết con”, nhất là khi trai trong làng dọa “Rung cây nhát khỉ” rằng nàng chọn lựa quá, già kén chẹn hom, cuối cùng lấy phải thằng “đồ chà vá đục đạc” (Chà vá là tên giống vượn khoang; đục đạc là khỉ đột) là hạng người ngu si đần độn, cứng đầu cứng cổ, không nghe lời cha mẹ mà lại độc tài với vợ con, nhất là xã hội bây giờ đão điên, luân lý đâu còn như xưa:
Cùng nhau tớ trước thầy sau
Chim kêu vượn hú thêm đau đớn lòng
Chắc lúc đó chỉ còn cách đi tu:
Ngày xuân cái én xôn xao
Con công cái bán ra vào chùa Hương
Chim đón lối, vượn đưa đường
Nam mô đức Phật bốn phương chùa này
Thấy nàng đắn đo dần dừ mải, nhiều chàng hối thúc:
Chim kêu vượn hú đa đoan,
Đồng hồ nhặt thúc em toan lẽ nào
Ôi cuộc đời sao lắm phiền phức, chẳng có cái “khỉ khô”, “khỉ mốc” gì mà phải ray rức ngày đêm. Thôi hãy biết sống hạnh phúc ngày hôm nay với mẹ già, rồi sẽ quyết định sau khi biết rõ hơn về chàng.
Reading, 1/2016
Nguyễn Thị Kim-Thu
Cười như đười ươi nắm ống