Hoài niệm Mùa Xuân
Tết là lúc người ta dù sống trong thực tại nhưng dư âm của những tháng ngày xưa cũ vẫn theo mùi hương trầm phảng phất thoang thoảng trong không khí dù lòng ai cũng thầm nghĩ tới môt năm mới an lành trong tương lai.
Tết đến nơi xứ người, bên những khúc nhạc xuân vui tươi réo rắt, nhưng văng vẳng đâu đây vẫn là ca khúc dịu buồn: ‘Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa, hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa.’ bản nhạc đón xuân đượm buồn, câu hát đã cũ mòn, bao nhiêu năm qua cứ vang lên mỗi độ xuân về ở bất cứ nơi có người Việt sinh sống. Phải chăng bởi đó là lời tâm sự của nhiều người trong chúng ta, cứ đón một mùa xuân mới là lại nao nao nhớ về những mùa xuân xưa. Dường như xuân xưa luôn là cái gì đó để người ta luôn hoài niệm và nhớ đến. Xuân xưa là mùa xuân của dĩ vãng với những kỷ niệm cũ đã xa Và những gì thuộc về xưa cũ thì chẳng bao giờ làm con người ta thôi hết nhớ, thôi hết hoài niệm
Mùa xuân là lúc người ta cảm nhận rõ nhất sự chuyển động của thời gian, của đất trời bởi mùa xuân là thời điểm khởi đầu mà cũng là thời điểm kết thúc. Xuân đến là Tết đến. Đó là thời điểm người ta hiểu rằng một năm nữa đã qua đi và quỹ thời gian của mỗi chúng ta đang ngắn lại. Vì vậy với những ai đã đi qua thời tuổi trẻ, mỗi lần đón thêm mùa xuân mới, người ta lại dễ hoài niệm về những mùa xuân đầu đời, về những mùa xuân thuở thiếu thời. Xuân của đất trời thì vẫn tuần hoàn theo quy luật của thiên nhiên mà xuân của tuổi trẻ thì chẳng bao giờ quay trở lại lần thứ hai trong đời. Đón xuân này và nhớ, và tiếc xuân xưa cũng là một cách hoài niệm về tuổi trẻ, thuở thiếu thời của những ai đã từng đi qua những năm tháng thanh xuân của đời mình. Nhiều người lại nhớ tới tết xưa bởi thứ hương vị đâm đà của nó mà tết nay nhàn nhạt không thể sánh bằng.
Với những người đi xa, sống tha phương nơi đất khách, tết luôn là thời điểm nhắc nhở về những ngày đầu năm khi được sum họp bên gia đình. Dù những mùa xuân xưa sống nghèo khó nhưng đó là những mùa xuân êm đềm, ấm áp nhất mà mãi mãi sau này thân phận những kẻ than phương nơi xứ người như chúng ta không thể nào tìm lại được. Có lẽ càng đi xa quê hương, xa gia đình, con người ta mới càng thấy quý sự đoàn viên, thế nên khi đón những mùa xuân mới nơi đất khách, ai ai trong chúng ta cũng không khỏi chạnh lòng nhớ tiếc những mùa xuân xưa, những mùa xuân đoàn viên trong quá khứ nơi quê nhà. Với những người không may mất đi người thân, dù mất theo nghĩa tử biệt hay chia ly, thì Tết cũng là thời điểm để hồi tưởng lại những mùa xuân khi còn có họ ở bên mình. Không khí ngày xuân làm sao có thể vẹn nguyên nếu vắng đi người thân đã mất hay đã rời xa.
Dường như, mỗi năm độ Tết đến, xuân về là thời khắc thiêng liêng bởi nó là sự giao hòa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Tết là lúc người ta dù sống trong thực tại nhưng dư âm của những tháng ngày xưa cũ vẫn theo mùi hương trầm phảng phất thoang thoảng trong không khí dù lòng ai cũng thầm nghĩ tới môt năm mới an lành trong tương lai.
“Xuân đang đến nghĩa là xuân đang qua,” thời gian vẫn vô tình trôi qua để lại trong lòng mỗi người chúng ta nhiều nuối tiếc. Xuân xưa dù đẹp nhưng mãi không còn, chỉ có mùa xuân này về để chúng ta gởi chút niềm nhớ. Đón Xuân và hoài niệm những mùa xuân xưa cứ như là một thói quen khó tránh khỏi. Tết xưa ắt hẳn khác nhiều so với tết nay, mùa xuân năm nay cũng chẳng thể nào vui như xuân năm xưa. Nhớ để luyến tiếc, hoài niệm để cố giữ lại trong lòng mình những gì thuộc về xưa cũ và không muốn xóa bỏ.
PHAM HIEU- Ottawa-Canada
G/v NLS/AG-NLS/BL
Phạm Hiếu áo xanh với học trò NLS/AG trên đất Mỹ