1/2/2016
Hình minh họa lấy từ internet.
Ông Mười Năn nổi tiếng ở quận Ba Vát là một tay câu nhà nghề, nhiều năm kinh nghiệm. Bài thuốc mồi câu cá Bông Lau độc chiêu của ông dẫu có tiền chưa chắc đã mua được.
Người ta nói ông Mười Năn có tay sát cá. Cũng thời đi câu ai cũng về tay không, ông xách cả xâu cá về, còn cười tủm tỉm. Nhiều tay câu tài tử thấy ông bắt cá thấy ham, bỏ tiền mua đồ câu thứ chiến, máy Mitchell, cần Sumano, nhợ cao cấp, tốn khối tiền không tiếc, rồi xách đồ nghề hí hửng đi câu. Và tháng sau thấy anh âm thầm bán máy bán cần, giải nghệ!
Nghe tiếng ông Mười, nhiều người đến hỏi mánh, ông không dấu nghề, chỉ dẫn tường tận, nhưng khi họ xách cần đi lại thấy xách cần về, mặt mày cháy nắng đen thui, buồn thiu, tưởng là ông Mười dấu nghề chơi xỏ. Thật ra ông không dấu, nhưng nghề câu nó lắm công phu, như ông Mười đây đã dày công nghiên cứu, rồi dầm mưa dãi nắng thực hành trong nhiều năm mới đạt được kết quả ngày hôm nay.
Cá trong thiên nhiên càng ngày càng ít, còn tồn tại được là nhờ bản năng sinh tồn (survival instinct) bén nhạy và khả năng thích nghi với thiên nhiên (live in harmony with nature). Theo thuyết Darwin, sinh vật tự biến đổi để thích ứng với môi trường sống. Cá cũng vậy, càng lúc càng tinh khôn hơn. Thí dụ như nơi có nhiều chim bắt cá, cá không nổi lên mặt nước. Nơi có nhiều thợ câu lùng bắt, chúng ẩn núp rất kỷ, không ăn mồi nếu thấy có gì khả nghi dù rất đói.
Trong lúc dạy học ở xã Mỹ An, Đồng tháp, xa gia đình lại cô đơn, ông Mười lấy nghề câu làm thú vui. Ông học hỏi nghề câu của các thợ câu chuyên nghiệp, đồng thời chịu khó tìm hiểu đặc tính từng loại cá, cách sinh sống, và môi trường chúng sống.
Đặc tính thủy triều sông Cửu Long ảnh hưởng đến sư di chuyển của các đàn cá
Ông Mười người tỉnh Bến Tre, miền Tây sông nước nên những học hỏi được từ ông chủ tâm về kỹ thuật câu trên sông, trong môi trường thiên nhiên.
Nước sông Cửu Long khi đến Việt Nam chia làm hai nhánh: Tiền Giang và Hậu Giang. Sông Tiền Giang chạy ngang Mỹ Tho đổ ra biển qua 6 cửa thuộc tỉnh Bến tre: cửa Tiểu, cửa Đại, cửa sông Ba Lai, cửa sông Hàm Luông, cửa Cung Hầu và cửa Cổ Chiên.
Sông Hậu Giang chạy ngang tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, trà Vinh, đổ ra biển qua 3 cửa: cửa Định An, cửa Basac và cửa Trần Đề.
Cửa Ba Lai và cửa Bát Sắc (Bassac) đã ngừng chảy do bồi tụ và xây dựng công trình giao thông thủy lợi.
Cửa sông là nơi giao tiếp giữa hai nguồn nước mặn và ngọt, hòa trộn thành nước lợ, một môi sinh phong phú cho các loài cá tôm sinh sản và phát triển.
Thủy triều lên xuống nước chảy hai chiều.
Miền Nam Bộ lưu vực sông Cửu Long nước sông lên xuống hai lần trong ngày, hai lần nước “lớn” và hai lần nước “ròng”.
Nước “lớn” chảy từ biển lên nguồn, nước “ròng”đổ từ nguồn ra biển. Con nước (thủy triều) không cố định, mỗi ngày trễ đi một giờ nên thủy triều xoay vần. Thủy triều cao thấp thay đổi tùy theo (1) vị trí tương đối của mặt trời và mặt trăng đối với trái đất (trăng tròn trăng khuyết), (2) lưu lượng của sông Cửu long (mùa mưa hay mùa nắng), (3) hướng gió thổi (gió Chướng đẩy nước mặn từ biển vào lục địa). Những yếu tố nầy ảnh hưởng đến cường độ thủy triều (cao thấp), vận tốc nước chảy (nhanh chậm) và độ đục của nước.
Trong mỗi tháng có hai con nước kém và hai con nước rong.
· Nước kém: Ngày ngày mùng 10 và ngày 25 (âm lịch), thủy triều thấp, chảy chậm (gọi là nước ươn)
· Nước rong: Ngày 15 (rằm) và ngày 30 (âm lịch) thủy triều cao, nước chảy nhanh.
Người đi câu phải nắm vững các con nước kể trên để chọn đúng thời điểm để đi câu.
Nguồn cá nước lợ, theo nước mặn xâm nhập vào đất liền:
Cuối mùa mưa, khoảng tháng 11 (âm lịch), lưu lượng nước ngọt của sông Cửu Long đổ ra bể bắt đầu giảm dần, lại được hổ trợ bởi gió Chướng thổi từ biển vào, nước bể xâm lấn vào lục địa, có thể đi xa đến 40-50 km. Cá Bông Lau và cá Quát, cá Vồ Biển, cá Chẻm… theo con nước mặn di chuyển ngược dòng sông đến vùng nước lợ. Cá Ngát, cá Chạch lấu, cá Sửu… và các loại cá nước ngọt khác rút lui ngược dòng sông để tránh vùng nước mặn và nước lợ đang xâm nhập.
Nguồn cá nước ngọt đổ về theo con nước lũ.
Mùa nước lũ
Trong mùa mưa, lưu lượng nước ngọt rất lớn từ sông Cửu Long và Biển Hồ đổ xuống đẩy dần nước mặn ra biển.Vào giữa mùa mưa, tháng chín, tháng mười (âm lịch) là mùa nước đổ (nước lũ), mực nước trên sông Cửu Long cao nhất, tràn ngập mênh mông hai bên bờ sông tạo nên một sinh môi phong phú cho sự sinh sản và tăng trưởng của các loài cá nước ngọt từ Biển Hồ đổ xuống theo con nước lũ. Đó là mùa cá Linh, cá Mề Gà, cá Chốt, cá Mè, cá Chẻm, cá He…
Người đi câu nhà nghề hiểu rỏ qui trình sinh thái nầy, họ theo sát sự di chuyển của các đàn cá nước lợ và nước lũ để thả câu. Đó là chìa khóa của sự thành công trong nghề câu.
Nguồn cá địa phương
Ngoài các loại cá di chuyển theo mùa, nhiều loại cá địa phương sinh sản và phát triển tai chổ như cá Lóc, cá Trê, cá Kèo, cá Rô, cá lò Tho, cá Sặc. Kỹ thuật lưới bắt những loại cá nầy ngoài phạm vi của bài viết.
Vài mánh cần biết giúp người đi câu bắt được cá:
· Câu trên sông, cá ăn nhiều khi nước chuyển dòng, bắt đầu lớn hoặc bắt đầu ròng, nước chảy yếu đến nhanh vừa vừa.
· Tránh câu lúc nước chảy quá nhanh. Chẳng những cá không ăn mồi, phí công lại mất của vì bị mất chì, đứt giây, vướng rác, mắc gốc.
· Trời trong, nắng tốt, cá ăn mồi nhiều hơn khi trời âm u, mưa gió, giông bảo.
· Gió Bất trời lạnh cá không ăn mồi. Gió Chướng gíó Nam cá ăn mạnh.
· Nước đục cá không ăn nhiều.
· Câu đêm cá ăn nhiều lúc trời vừa xụp tối đến khuya (1:00Am) và lúc hừng sáng. Nói chung, câu ban đêm bắt cá nhiều hơn câu ban ngày. Nữa đêm đến trước bình minh, cá ngủ ít khi ăn mồi. Các loại cá có vảy ăn nhiều ban ngày, các loại cá không vảy ăn nhiều ban đêm.
· Câu giữa dòng nước chảy xiết cá ít ăn. Câu sông đừng cố quăng mồi thật xa. Giữa sông nước sâu chảy mạnh, ít cá. Trên các sông lớn, câu ở các lạch sâu, chổ nước sâu. Những cồn đất bồi, nước cạn nên ít có cá to. Chọn chổ câu nơi có đóng đáy, vì đáy đóng ở các lạch nước sâu, chảy mạnh. Nơi giao tiếp các dòng sông nước xoắn thành “búng” là nơi sâu nhất cá tụ về tìm mồi.
· Câu ven bờ nơi có chiều sâu thay đổi, gần lùm bụi nơi cá ẩn trú rình mồi. Cá muốn bảo toàn năng lượng thường núp sau các đống chà, bụi, gốc, để rình mồi.
· Bắt các loại cá ba gai- nhất là cá Ngát- phải thận trọng đừng để bị gai đâm. Vết thương sẽ làm đau đớn, sưng phù và có thể bị sốt. Khi bắt được cá ba gai, việc đầu tiên phải làm là bẻ đi các gai nhọn. Tuyệt đối đừng cho trẻ con chơi đùa với loại cá nầy, kể cã những con cá con hoặc cá rất nhỏ (như cá Chốt)
Cách phân biệt giữa các loại cá ba gai.
Bông Lau, cá Tra, Cá Vồ Đém, Cá Vồ Biển, Cá Hú, cá Dứa, cá Ba Sa, cá Út gọi chung là cá Ba Gai rất khó phân biệt nhau.
Cá Hú Cá Dứa Cá Vồ Đém
Cá Tra Cá Vồ biển (Vồ Chó)
Cá Ba Sa Cá Bông Lau
Cá Út
Cá Tra : dài đòn, màu trắng xám, lưng màu đậm hơn nhiều, đuôi đen, mỏ vuông.
Cá Bông Lau: rất dài đòn, màu trắng xanh lấp lánh, đầu nhỏ và nhọn, đuôi vàng. Cá Bông Lau thịt ngon và quí nhất trong các loại cá ba gai.
Cá Vồ Đém ngắn đòn, có 2 đém hai bên hai ngạnh (gai),
Cá Ba Sa ngắn đòn, rộng bản, bụng to, có 3 sa mỡ trong bụng, nhiều mỡ.
Cá Vồ Biển giống cá Út, nhưng to lớn hơn nhiều. Thịt ngon
Cá Dứa giống cá tra nhưng nhỏ con. Bắt được cá phải mổ bụng bỏ ruột ngay, nếu để cá ươn thịt bị hôi.
Cá Hú ngắn đòn, đầu nhỏ, bụng to, nhiều mỡ, thịt ngon.
Cá Út là loại cá nhỏ, to bằng cổ tay, đầu to, nhiều xương ít thịt, tuy thịt cá khá ngon.
Công thức mồi thuốc câu cá Bông Lau.
Sau nhiều năm thử nghiệm, các tay câu chế ra nhiều mồi thuốc rất hiệu nghiệm, và giữ kín bí mật cho mình. Tôi may mắn được ông Mười tiết lộ công thức mồi cá Bông Lau đã được ông Mười sử dụng trong nhiều năm và có kết quả mỹ mãn.
Công thức mồi thuốc câu cá Bông Lau của ông Mười Năn
· Bạch khấu 1 phần**
· Đinh Hương 1
· Quế khâu 1/2
· Đại hồi 1
· Tiểu hồi 1
· Thảo quả 1/2
· Đại phong tử 1
Các thứ tán nhuyễn thành bột đựng trong keo đóng kín để dành xài từ từ, gọi là “Thuốc cốt”
Cách pha chế nửa kí lô “cháo thuốc”
· Một muỗng canh thuốc cốt.
· Cá Lòng Tong (1/2 Kg) để trong mát 1 ngày, quết nhuyễn như giò.
· Một ít mỡ bò (2 muỗng canh)
· Một ít mỡ chó ( 1 muỗng)
· Một ít dầu cá Linh - vớt trên mặt lu ủ mắm cá Linh.(Một muỗng)
· Mắm cá Linh bầm nhỏ (4 con)
· Hành hương bầm nhỏ (2 củ)
· Đu đủ dầu (có bán tiệm thuốc bắc) (1-2 muỗng)
Nấu mở cho sôi, tắt lửa. Bỏ tất cả vào nồi quậy đều thành cháo sền sệt. Cháo thuốc dùng để ủ với ruột gà, ruột vịt cho mùi rất thúi.
Cách ủ ruột gà, ruột vịt thành mồi câu.
Dùng mười bộ ruột gà hoặc ruột vịt, tuốt sạch chất bẩn bên trong, trộn đều trong cháo thuốc rồi ủ trong keo đậy kín trong một tuần là xài được. Mồi thuốc rất hôi thúi.
Mồi rất nhạy cho cá ba gai nhất là cho cá Bông Lau, Cá Lăng, và các loại cá Vồ, cá Tra, cá Hú, cá Trê, ngoài trừ cho cá Ngát. Nên câu đêm với mồi nầy, lúc nước sông chảy chậm. Nước chảy nhanh, mùi thuốc bị loảng, cá không tìm được mồi.
Câu cá Bông Lau
Bông Lau là cá nước mặn, theo dòng nước mặn di chuyển từ biển vào các cửa sông và di chuyển đến vùng nước lợ để kiếm ăn. Lúc ấy là mùa câu cá Bông Lau, bắt đầu 1-2 tháng trước Tết Nguyên Đán, khi gió chướng bắt đầu thổi mạnh vào lục địa.
Cá Bông Lau là loại ăn tạp, thứ gì cũng ăn như trái bần, tôm tép, cá nhỏ, sống cũng như chết, tươi cũng như hôi thúi. Thợ câu thích dùng mồi trùng biển (sá sung) rất mắc tiền nhưng rất nhạy. Trùng biển (còn gọi là sên biển, sa sung) ở sâu trong cát ngoài bãi bể. Mồi trùng lá (sên lá) bắt trong các bụp cây lá lợp nhà, cũng rất nhạy. Mồi con gián cánh (con gián thấy trong nhà, cống rãnh) cũng được chuộng và là mồi thông dụng dùng câu cá Bông lau vì giá rẻ và dể tìm. Nếu không có mồi tốt, mồi tép có thể dùng cho tất cã các loại cá nhưng không nhạy lắm với cá Bông lau.
Trùng biển (sa sùng) Gián cánh
Cách bẩy gián cánh làm mồi câu.
Gián cánh tìm thấy ở các ống cống hầm cầu trong thành phố. Nếu không mua được có thể tự bắt gián bằng bẩy. Dùng gáo dừa khô, để nguyên cơm dừa càng tốt, khoét một lổ tròn bằng trái chanh. Bôi bên trong gáo dừa với nước màu, nước đường, si rô… rồi đặt gáo nằm úp nơi có nhiều gián. Ban đêm gián chui vào gáo dừa để ăn mồi. Khi bắt, dùng bàn tay đậy cái lổ để gián không chạy mất.
Câu cá Ngát.
Cá Ngát là loại cá nước ngọt. Câu cá Ngát không có mùa nên có thể câu quanh năm. Cá đầu to, thân nhỏ, mình dài, thịt dai. Khác với cá Trê, đầu cá rất ngon. Mùa nước đổ có nhiều cá hơn nước kém.
Khác với các loại cá ăn tạp, cá ngát không ăn mồi thúi. Mồi câu cá Ngát phải là mồi tươi, còn sống càng tốt. Dân câu thường dùng mồi tép, tôm dâm, tép bầu. Vỏ đầu tôm tép phải lột thật khéo để không làm mất gạch, hai con mắt và râu, nếu mất gạch mồi không còn nhạy. Móc mồi tép phải móc từ đuôi, cuốn con tép cong theo lưỡi câu, cho lưỡi ló ra giữa hai mắt thế cho cái gai trên đầu của con tép.
Khác với hầu hết cá loài cá khác, cá Ngát chỉ ăn mồi khi nước chảy. Cá Ngát rất năng động, nhanh nhẹn khi săn mồ. Thả mồi gần các chà, gốc vào các con nước cao, chảy mạnh, vào ngày 11-12, 20-21, 27-28 âm lịch. Cá it ăn mồi ngày có con nước ươn, ngày mùng 10 và ngày 25 (âm lịch).
Câu cá chạch Lấu
Chạch Lấu là cá nước ngọt, đầu nhỏ, mũi nhọn, thân dài. Thịt săn cứng, rất ngon khi sào lăn, nướng mở hành hoặc um với bạc hà, lá cách hoặc đinh lăng. Tìm câu cá Chạch Lấu phải lên các ngọn sông, các kinh lạch nhỏ cá lên để sinh sản. Sông lớn cá chỉ ở sát bờ nơi có nhiều lùm buội.
Cá Chạch Lấu
Ít người đi câu loại cá nầy tuy thịt rất ngon. Cá có quamh năm. Câu cá bằng mồi tép. Nếu để tép “ươn” nửa ngày trong mát mồi sẽ nhạỵ hơn. Dùng lưởi câu thật nhỏ mới bắt được cá.
Chạch Lấu ăn mồi lúc con nước kém, mùng 9-mùng 10 hoặc ngày 24-25 (âm lịch) lúc nước ương (không chảy). Câu sát bờ, gần gốc, chà, bụi cây, bãi cỏ.
Câu cá Tra, cá Vồ Đém.
Cá tra, cá Vồ Đém là loại cá nước ngọt, ăn tạp, câu quanh năm. Câu cá tra không phải cực khổ tìm mồi vì có thể mua mồi làm sẳn bằng cám nhồi. Mồi nhạy hơn nếu được cải thiện bằng cách ướp thêm mùi, như ngũ vị hương, dầu mè, hoặc nhồi thêm lòng đỏ trứng gà, phô mai, bơ, mở chó. Có người câu bằng ruột bánh mì, thịt heo quay. Nếu có mồi thuốc cho cá Bông Lau, thêm vào một ít vào mồi sẽ nhạy hơn. Câu mồi chuối chín bắt cá to. Cá Tra dể câu, nước nào cũng ăn mồi, nhưng nên câu lúc nước êm, chảy nhẹ, vì cá nặng nề, không thích nước chảy nhanh. Cá lớn ăn mồi lúc hoàng hôn. Cá tra ăn mồi cá Ngát, nhưng cá Ngát không ăn mồi cá tra.
Câu cá Mè Vinh, cá He.
Đây là cá nước ngọt, thịt ngon nhưng rất nhiều xương nhỏ, phải cẩn thận khi ăn. Cá về nhiều trong mùa nước đổ.
Cá Mè Cá He Cá Sửu
Mồi nhạy nhất là dây Cứt Quạ, một loại dây leo mọc hoang, lá có vị đắng. Có thể dùng khoai lang luộc, rau xà lách hoặc mồi tép. Câu bằng phao nổi, để mồi chìm khoảng 50cm-60 cm cách mặt nước.
Sau đây là bản tóm lược hay cẩm nang cho người đi câu:
Loại cá
|
Mồi***
|
Con nước
|
Thời gian(âm lịch)
|
Bông lau
|
Tươi hoặc thúi
Sên, dán, bần, tôm tép, cá con, mồi thuốc
|
Cá đi theo con nước mặn, câu ở vùng nước lợ
|
Trong mùa gió chướng, tháng 11-4
|
Cá Ngát
|
Mồi tươi, Tôm, tép,cá sống
|
Nước rong,Chảy vừa đến nhanh
|
Ngày 11-12, 20-21, 27-28
|
Cá Chạch Lấu
|
Tép sống hoặc tép ươn
|
Nước kém
|
Ngày 9-10, 24-25
|
Cá Tra
|
Mồi cám, bánh mì, chuối chín, phô mai, mồi thuốc
|
Không kén nước, chảy nhẹ
|
Mọi ngày
|
Cá Mè, cá He
|
Dây Cứt Quạ,xà lách,khoai lang, tép
|
Không kén nước
|
Mọi ngày, nhiều trong mùa nước đổ
|
Cá Út
|
Nghêu
|
Không kén nước
|
Mọi ngày
|
Lời trần tình của tác giả
Tác giả nói thì hay nhưng câu rất dở! Vì dở quá nên mới đi tìm thầy học đạo, nhờ vậy mới có bài viết nầy. Nếu đọc giả sử dụng kiến thức trong bài nầy có kết quả tốt thì khen tác giả, còn nếu thất bại cứ đem Sư Phụ Mười Năn ra mà “quở”. Tác giả đã “quở” Sư phụ nhiều lần, ông Mười chỉ cười và nói “ Tui có hơn đâu mà trách, hôm nào “trúng” thì mình nổ cho thiên hạ “lé mắt” chơi.” còn nếu “thua” ai biểu khai chi cho họ biết họ cười!”
Khi tôi đi câu với Sư phụ, ông giựt cá lia lịa, còn tôi thì hết mồi lia lịa! Tôi thắc mắc với sư phụ, được Sư phụ giải thích theo luật âm dương, ngủ hành, tương sinh tương khắc****. Cá ở trong nước, nước là thủy. Người nặng bóng vía tránh câu bờ (đất là thổ), thổ khắc thủy, nên câu bằng tàu gổ (gổ là mộc), thủy sinh mộc. Người đi câu cá không ăn vì dương quá thịnh nên phải đi câu đêm, đêm thuộc âm. Nếu dày công thực tập câu đêm, âm dương sẽ hợp nhất, bảo đảm sẽ câu được cá to. Đó là kinh nghiệm bản thân của sư phụ Mười Năn, kiên nhẫn câu đêm đã bắt được con cá mẹ, thêm một bầy cá con năm đứa, nuôi sói đầu luôn. Ha ha ha!!!
Cám ơn ông Mười Năn đã truyền nghề và cho phép phổ biến bài thuốc câu cá Bông Lau. Cám ơn chú Út Ninh đã hướng dẫn từng chi tiết trong bài nầy.
Vĩnh Hòa 12/29/2015
Văn Ni
______________________________
* Bài được viết dựa theo kinh nghiệm dân gian, không được kiểm chứng theo khoa học nên có thể có những sai lầm về kỹ thuật.
** Tùy muốn làm nhiều hay ít, 1 phần thường là nửa lượng ( năm chỉ)
** * Mồi tép là mồi thông dụng, hầu như mọi loại cá đều ăn mồi nầy.
**** Ông Mười chế bậy đó, ai làm theo lở bắt được cá to thì ráng chịu!