1/2/2016
Anh Ni,
Đọc bài viết của anh sao mà tui thấy nó hay và cảm động quá, nhất là loạt bài đi làm chuyên gia châu Phi của anh!
Thì ra anh cũng cùng từ lò Cao đẳng Nông Lâm Súc Saigon, về làm cho Cao đẳng Nông Nghiệp Cần Thơ, và chắc là cũng có dạy Trung Học NLS Cần Thơ như tui, nhưng có lẽ tui chưa gặp anh vì lúc đó tui đã đi học xa mà chưa trở về thì anh lại đi du học rồi. Tiếc thật, nhưng mà cũng may được đọc bài viết của anh hôm nay, và biết đâu có ngày anh cũng trở về với “quê hương da vàng” của mình. Nói vậy thôi chớ ở bển coi bộ “khỏe” hơn, lâu lâu có nhớ thì về thăm chơi là được rồi…Tụi tôi ở đây cũng mới họp bàn về thành lập “Bảo tàng lịch sử tự nhiên Đồng bằng sông Cửu Long” (chút nữa sẽ kể) vì có nhiều cái cũng cần phải để dành lắm, thí dụ như lúa nổi, cá linh, cây cầu dừa…, và như là cây cóc chẳng hạn!
Ôi, cây cóc!
Anh còn nhớ cây cóc không (?) vì chắc bên “quê hương da đen hay da trắng” của anh không có. Ôi da nó mốc mốc, cành nó cong cong xòe tròn tán lá rậm ri mà xanh mướt, lòng thòng mấy chùm trái còn non trông mơn mởn. Thân nó khá cao nên tôi bổng phát hiện ra được nó từ xa, ở bên trên rặng lá dừa nước chạy dọc theo kinh Xẻo Rô đi vô ngọn Cóc Kèn ở miệt Ba Láng này. Nếu anh mà về chạy honda cà tàng để ngắm nhìn hai bên con “Lộ Nam Cần Thơ” vừa mới mở vào một chiều tà nào đó, có gió cuối năm nhè nhẹ mơn man tàu lá dừa, hay đùa theo hàng dừa nước kêu rào rào bên sông, rồi chợt thấy và nhận ra nó từ xa, chắc anh cũng phải ồ lên và biết đâu lạc tay lái lủi vô lùm như chơi, ha ha!! Bây giờ ở Cần Thơ vẫn còn mấy thứ này, nhất là dọc theo “Quản lộ Phụng Hiệp”.
Quản lộ Phụng Hiệp
Tui không biết sao người ta đặt cho nó cái tên này. Có lẽ vì từ Cần Thơ đi theo lộ Nam Cần Thơ mới mở, cho đến Phụng Hiệp thì nó tắt ngang bay qua (flyover) kinh này, rồi chạy song song và tiếp thẳng cho đến tận Cà Mau luôn, rút ngắn quảng đường này được khoảng 50 km mà đi luôn không có phải ghé đâu, vừa mới mở và cho lưu hành độ hai năm nay.
Hồi mới đi lần đầu tui thích quá, thấy như mình có dịp trở về quê nhà của thời tấm bé, hay như đi du lịch sinh thái vậy. Vì qua cầu Hưng Lợi (cũng mới mở ngang qua sông Cần Thơ) xong là đi thẳng dọc theo sông Hậu để xuống phía dưới Cái Cui, rồi rẻ ngang vô vườn để đi thẳng xuống miệt An Lạc Thôn của huyện Kế Sách mà trước đây chỉ có đi được bằng đò. Vì chạy cắt ngang vào thôn quê nên chó mèo trâu bò đôi lúc còn nghênh ngang giữa đường tránh muốn chết. Chớ còn hai bên đều là vườn, có nhiều cái nhà từ thời ông bà ông vải tới giờ mới chường ra được mặt lộ nên cũng coi bộ huyên thuyên hay xum xoe như chủ nhân của nó. Vùng này bà con trồng nhiều là vườn nhãn và cam sành hai bên ngút ngàn. Dạo cuối năm như thế này thì có thể mua cam sành, sa pô bán dọc hai bên đường, còn khoảng đầu mùa mưa thì ăn bắp nấu tại chỗ rất dẻo và ngọt vì mới vừa bẻ xong đem nấu ngay, chớ không phải như “bắp ghe” chở từ xa nên mất nước, ăn nhạt phèo. Như vậy nếu đi sớm thì hãy dành một bữa ăn sáng dọc đường vừa ngon, vừa vui lại rẻ tiền.
Đi miết một hồi , mà có nhìn hai bên thì chỉ nhìn cho vui thôi chớ đừng có rẽ vô mấy cái nẻo ra bến đò có bản chỉ dẫn là lạ mà quen quen như “Bến đò Ông Trang vô 100 mét”, “Đò dì Hai Thiệt cũ”, “Đò Út Mót 2”, thì đường quanh phải sau khi qua khỏi thị xã Ngã Bảy (tên mới của Phụng Hiệp, vì huyện lỵ này dời qua thị trấn Cây Dương cách đó độ chục cây), vượt qua bên kia kinh Quản lộ - Phụng Hiệp mà đi xéo về phía dưới để thẳng tới Cà Mau luôn, chỉ dài khoảng 110 km, so với đi đường cũ đến Sóc Trăng, qua Bạc Liêu mới đến Cà Mau theo quốc lộ 1.
Đường có hai làn xe khá rộng, lại còn có chừa lề hai bên cho xe thô sơ hay người đi bộ nữa chớ! Nói vậy chớ không phải vậy, vì mùa này bà con thường chiếm dụng phần hai bên này để làm đủ thứ, như phơi lúa, trồng rau cặp sát đường, che chòi bán khô bán bắp... Đặc biệt là đi ngang vùng lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp) thì có nhiều khô bổi cá sặt rằn, đôi khi lại có khô rắn. Nói nào ngay chớ cũng tội nghiệp, vì có lẽ ruộng vườn không đủ sống nên lúc nào ai cũng cố chường ra mặt lộ để bán buôn kiếm chút đồng ra đồng vào. Dân mình vậy, hổng có lúc nào chịu nghỉ, buông cái này bắt cái kia luôn tay nên nói ngay ở đâu cũng sống được!
Đường mới làm nên còn trơn láng mà hai bên lại là vườn nhà, ruộng hay rừng tràm nên tui nhìn ngắm thật đã con mắt. Sau lung Ngọc Hoàng thì đến thị trấn Ngã Năm (sao mà nhiều ngã quá vậy hổng biết!) rồi đến ngã tư đi vô Hồng Dân Giá Rai của Bạc Liêu, hay đi thẳng một dọt luôn tới Cà Mau. Tuy nhiên, có điều nói thiệt là nên chú ý nè: có lẽ vì đường mới quá nên nhiều chỗ chưa có đèn, vậy thì chớ có đi đêm (!); nhà cửa còn thưa thớt nên rủi gặp trời mưa hay bị hư xe giữa đường thì khó tìm chỗ trú, hay ráng chịu dẫn bộ có khi đến chục cây số mới có chỗ sửa. Nghe nói độ rày cũng có mấy vụ trấn lột hay “xin đểu” ở các chỗ cua vắng nhà… Nói vậy chớ cứ về chơi cho biết, hổng đến nỗi nào!
Tui tập làm “Oshin”
Đây là cái nghề mà sao tui thấy nó khó quá anh à! Thử hỏi đời nay có ông già nào đã 71 tuổi rồi mà phải tập chơi chung với đứa con nít mới có 9-10 tháng?! Tôi nhớ trong tranh Tứ Thời hồi xưa có ông già đã 70 tuổi mà còn “giả làm con nít cho cha cười mẹ vui”. Vậy cũng được đi, đỡ hơn nhiều, mặc dù là có lúc ông bà già cũng chỉ gượng cười. Đàng này thì ngôn ngữ “bất đồng”, nên mình phải cố gắng gác lại tâm tư để tìm ra trò chơi con nít, như ra bộ tịch rồi làm trò, cười giỡn sao cho nó vui. Dụ không được là nó khóc, nó không chịu uống sữa hay ăn, nên nhiều khi mình cũng phải bất lực, đành ngồi thừ ra đó mà thở không ra hơi!
Coi vậy chớ có khi cũng bị bất ngờ mà thành ra “sáng tạo” đó chớ. Bữa đó trong khi thằng anh 10 tuổi của nó đang lung tung xèng làm trò mà nó không chịu mở miệng cho bà ngoại đút cháo, thì tình cờ tôi thấy sao nó đang nhìn có vẻ chăm chú một con kiến nhỏ xíu đang bò trên tay áo của bà. Tôi bèn dí dí ngón tay cho con kiến bò theo thì nó cũng chăm chú dõi theo. Tui bèn bắt bỏ vào trong một cái hộp nhỏ, đưa ra trước mắt thì nó có vẻ thích thú nên mở miệng cho bà ngoại mừng quá đút liên tiếp được hai ba muỗng liền. Thì ra là con nít đang lớn nên nó phát triển nhanh lắm mà mình không hay, biết thêm chi tiết từng ngày, như có khi đưa con chó thì nó không lắc lắc đã rồi liệng nữa, mà lại lấy ngón tay rờ rờ vào con mắt nhỏ xíu, hay bấm vào cái nút để tình cờ phát ra tiếng nhạc làm nó giựt mình rồi cười toe… Ờ, thì mình chịu chú ý một chút có khi lại hay, nhiều khi đạt kết quả học tập ngoài ý muốn!
Chừng nào ăn xong rồi cho nó lên võng ngủ thì mình đỡ hơn, đặc biệt là ngày xưa không có chớ bây giờ là nhờ máy đưa võng và hát ru bằng iPad. Dù vậy cũng phải ra sức sửa giọng mà… Ầu ơ ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẽo gập ghình khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học mẹ đi trường đời… Một hồi thì coi bộ nó chú ý đến “Áo mới Cà Mau” hơn, nên bắt đầu nằm yên ra chiều suy tư và muốn ngủ… Mai mốt Cà Mau em lớn, tuy út mà “sửa soạn” đẹp hơn. Em đứng mình ên một hướng, về Cà Mau là thấy thương em rồi. Thì ít ra đôi khi nó cũng có gu coi bộ giống mình lắm chớ. Cám ơn nhạc sĩ Thanh Sơn, trước sau như một, bài nào nghe cũng thật đậm tình.
Nó ngủ rồi thì bà ngoại cùng với bà nội lo dọn dẹp sau nhà, nên tui được dịp ra ngồi ngoài hàng ba, rút cuốn tập ra viết này viết nọ, hay lấy bài ra đọc hoặc chấm để hẹn ngày cho sinh viên bảo vệ (research topics). Già vậy chớ cái đầu cũng còn khá tỉnh táo, lại chứa nhiều cái mà mấy cô chú trẻ cũng cần, nên đôi khi họ cũng khai thác theo kiểu “lump-sum” như mời đọc, viết, họp, hay hướng dẫn, và đôi khi đi thâu hình. Tỉ như con Muỗi nước (Chironomid midges) thì có gì đâu lạ trên đồng ruộng xứ mình. Vậy mà khi nghe tui nói chúng coi vậy chớ có lợi kép cho nhà nông mình đó nghen - như vừa làm thức ăn cho thiên địch, cá con trên đồng mà còn phân hủy rơm rạ để làm giàu cho đất nữa. Thế thì đài truyền hình Vĩnh Long kéo ngay đi luôn 2 ngày về vùng An Giang để thu hình con muỗi nước: vào lúc chiều mát để xem chúng làm nuptial dance trong gió, rồi đợi đến chạng vạng tối để xem chúng đáp xuống ruộng mạ non đẻ trứng thì bọn nhện Tetragnathid giăng lưới để đón bắt, rồi đến hôm sau khi trời vừa rựng sáng thì nhện này thu lưới lại, đem trốn một góc để ăn dần cho đến chiều. Khi nước ruộng mạ trong thì ấu trùng của chúng thường nhô đầu ngoa ngoe ở dưới đáy bùn, đặc biệt là chúng lại có haemoglobin nên bà con thường gọi là trùn đỏ… (THVL: Khoa học nông nghiệp: Muỗi nước trên ruộng lúa, 23/11/2015).
Xong xuôi thì bả ra để tui chở về cũng vào cở 10 rưởi, 11 giờ trưa và hẹn ngày mai tái ngộ. Cũng cở 7 giờ rưởi sáng hôm sau, ông lại chở bà mang theo ít trái đậu bắp, lá cải ngọt hay đọt chùm ngây (Malungay) trồng ngay trước nhà theo kiểu Organik chớ không dám mua rau chợ, ghé chợ chồm hỗm dọc đường mua mấy con cá nhỏ thuộc cở ôm ốm để nghĩ rằng chúng vừa được chài lưới dưới sông lên chớ không phải cá nuôi luôn bị cho tắm thuốc. Cho nên hôm nào vợ chồng già cũng trở về nhà lại ghé chợ mua ít thức ăn (lần này có dễ dãi hơn, vì già không sợ chết là mấy) để về nấu nướng, nên lại ăn cơm trễ, cở 1-2 giờ chiều, trong lúc người ta đang ngủ trưa hay đã đi làm từ lâu! Có thằng con ở chung thì nó kẹt lại trong trường nhiều hơn, nên thường thì chiều nó mới về để cả gia đình ba người cùng ăn tối. Nói vậy chớ hai vợ chồng tui ngồi ăn trước, còn nó thì thường “nấu cháo điện thoại” với vợ nó ở ngoài Hà Nội một hồi rồi mới chịu cầm đũa, loáng cái là xong. Tết này vợ nó sẽ vào ở cho đến ngày sanh luôn nên lúc đó chắc phải làm Oshin cho hai chỗ, hay cố gắng sắp xếp sao đây cho vẹn…Hứa hẹn nhiều tình tiết sẽ bất ngờ lắm đó!
Nói thì nói vậy chớ mà vui, con cháu mình chớ có ai vô đây đâu! Nó không trả công thì lâu lâu lại bắt vô trường (Đại học Y Dược Cần Thơ) để tụi nó siêu âm (Ultrasound) tim gan phèo phổi xem còn đỡ không, hay kiểm tra đốt sống lưng sống cổ mà trước giờ mình cứ tưởng là chưa đến nỗi nào cần (Cám ơn thiệt!).
Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đồng bằng sông Cửu Long