Viết theo lời kể lại của mẹ tôi
Tiếng gà gáy sáng, con gọi con trả lời, chuyền nhau từ nhà nầy sang nhà khác, từ xóm dưới sang xóm trên cho đến lúc cả khu cùng gáy rộ. Trâm đã thức giấc từ lâu, khi gà gáy hiệp đầu, trằn trọc trong cô đơn, một cực hình mà Trâm phải trải qua từng đêm, từng đêm một. Nổi cô đơn như một loại ung thư đang gậm nhấm từng tế bào trong cơ thể mỏi mòn thương nhớ. Trâm nhớ chồng, nhớ con, nhớ đến hạnh phúc gia đình.
Sợ nước mắt sẻ trào ra như những lần trước nên Trâm ngồi bật dậy, chấm dứt dòng tư tưởng miên man, uỷ mị. Trâm bước xuống giường, đốt sáng lên ngọn đèn dầu để xua đuổi cái bóng đêm ma quái, cái ám ảnh mà Trâm phải đối diện hằng đêm.
Trâm biết là mình đã sống qua thêm được một đêm.
o---o---o---o
Nơi đây là quê hương của Trâm. Mười mấy năm lam lũ cần cù, vợ chồng Trâm làm chủ được mấy thữa ruộng vườn nên bị xem là địa chủ trong làng. Nhiều địa chủ không chịu nổi áp lực của chiến tranh đã bỏ xứ ra đi, đất đai bị tịch thu. Vợ chồng Trâm với bất cứ giá nào vẫn cố bám víu vào ruộng vườn mà sống. Đó là mồ hôi nước mắt của hai vợ chồng.
Chiến tranh càng lúc càng thêm khốc liệt. Ban ngày lính hành quân bắn phá xóm làng bừa bãi, ban đêm du kích quân về đánh đồn phá bót. Hai bên săn lùng giết nhau như thú dữ săn mồi. Mạng sống con người xem nhẹ như lông. Gần đây gia đình Trâm là nạn nhân của một trận pháo kích đêm. Đạn pháo binh rơi trúng nhà Trâm, nhà cửa tan nát, hầm trú bom bị sập. Chồng Tâm bị thương nặng suýt chết phải di tản về tỉnh chữa thương. Sau một thời gian tản cư, Trâm quyết định để chồng ở lại tỉnh dưỡng thương, một mình trở về quê để giữ đất đai khỏi bị tịch thu, và để thu hoạch ít lợi tức nuôi sống gia đình trong cơn hoạn nạn. Sự xuất hiện của Trâm làm thất vọng những người có ý đồ chiếm hữu đất đai của Trâm. Trâm phó thác sinh mạng mình cho số mệnh, thân gái một mình chịu đựng gian truân, vì chồng, vì con.
o---o---o---o
Hôm nay Trâm với chú Tư đi thu hoạch dừa khô trong miếng vườn xa. Mặt trời đã xế bóng nhưng vẫn còn một bờ dừa để bẻ. Bờ ranh cỏ mọc um tùm, cao quá gối, cây dại cao hơn đầu che khuất tầm mắt, nhưng Trâm vẫn trông thấy một buồng chuối chín bói. Trâm lấy làm lạ tự hỏi:
“ Sao bọn trộm lại tử tế, chừa lại cho mình buồng chuối thế nầy?”
Bọn trộm biết Trâm thân phận đàn bà, lại đơn chiếc nên họ không biết sợ. Chuối chưa già đã bị chặt. Từ lâu rồi Trâm đâu có bán được buồng chuối nào đâu!
Trâm sinh nghi khi nhìn thấy đám cỏ bên bờ ranh bị ngả rạp về một hướng. Đã có người đi qua đây không lâu. Linh tính báo cho Trâm biết có điều gì không ổn nên Trâm quyết định không đi qua bờ mương ranh nữa, bèn gọi chú Tư bẻ dừa:
“Chú Tư ơi, tối rồi, thôi đi về, mai bẻ tiếp. Sẵn tay chú quơ cái buồng chuối chín đem về cho mấy đứa nhỏ ăn.”
Chú Tư “ờ” một tiếng rồi lội mương sang bờ ranh, tay cầm cái “hái” để chặt buồn chuối.
Trong khi ấy, Trâm gom dừa khô ra bờ sông, nơi có chiếc ghe nhà đang đậu để chở dừa.
o---o---o---o
Một tiếng nổ vang rền tiếp theo là tiếng rên la của chú Tư:
“Chết tui rồi chị Bảy ơi, tụi nó gài lựu đạn”!!!
Trâm rụng rời, vất mấy trái dừa khô lăn long lóc, vụt chạy về hướng bờ ranh.
Chú Tư nằm run rẩy trên cỏ, máu đỏ bê bết cả người, miệng kêu rên trong đau đớn. Giọng chú càng lúc càng nhỏ dần.
Trâm sợ điếng hồn, chạy ngược ra bờ sông miệng la bài hải cầu cứu.
Ở quê lúc bấy giờ nhà cửa thưa thớt, nhưng tiếng lựu đạn nổ lớn, đã khiến nhiều người nghe, hớt hải chạy đến xem có chuyện gì. Họ xúm nhau hì hục mang chú Tư ra ngoài bờ sông cấp cứu.
Sau phút hoàn hồn, Trâm quyết định phải cứu chú Tư dù phải hy sinh tánh mạng của mình. Trâm là người đàn bà thông minh và can cường, giải quyết mọi vấn đề nhanh chóng và sáng suốt cho mọi tình huống. Trong thời buổi loạn ly, phương tiện y tế hoàn toàn không có ở nhà quê. Nếu đợi đến ngày mai để chở bằng ghe lên nhà thương lớn, mất cả ngày, thì làm sao chú Tư chịu nổi? Trâm quyết định chở chú Tư đến đồn lính quận, cầu cứu họ đánh điện xin phương tiện sơ tán khẩn cấp.
Khi khiên được chú Tư xuống ghe thì trời đã xụp tối. Ở vùng “xôi đậu”, dân dã không ai dám đi đêm.Trâm cho thắp đèn sáng trưng trên ghe, tay lại quơ thêm ngọn đuốc. Chú Tư nằm co ro trên sàn ghe trống trơn để lính trên đồn dễ dàng trông thấy nạn nhân. Đích thân Trâm bơi ghe chở chú Tư đến đồn lính. Trưởng đồn là người cháu ruột nên biết mặt Trâm.
Cách xa đồn trăm thước, có tiếng súng nổ chỉ thiên từ vọng gác và tiếng la lanh lảnh trên mặt sông.
“Ai đó dừng lại”
Tay nâng cao ngọn đuốc sáng choang, Trâm la lớn:
“Nói giùm với Thiếu Úy Đông, có cô Bảy Trâm chở người bị thương nặng cần cấp cứu.”
Đèn pha từ đồn lính chiếu sáng ngời, quét đi quét lại khắp dòng sông nơi có chiếc xuồng trơ trọi với ánh đuốc lập lòe giữa dòng sông nước đen ngòm. Trâm đứng trước mủi ghe, tay quơ ngọn đuốc, chết điếng cã người vì chỉ một chút sơ hở thôi, Trâm sẽ là mục tiêu của bao họng súng trên đồn nhả đạn thẳng vào Trâm. May mắn thay Thiếu Úy Đông nhận diện được Trâm, cho lệnh cấp cứu.
Chú Tư được mang lên đồn băng bó tạm thời để được di tản sáng sớm ngày hôm sau. Nhưng bất hạnh thay, đêm ấy Chú qua đời.
Trâm đau đớn mang xác chú Tư về với gia đình, cắn răng nuốt dòng nước mắt đang chảy ngược vào tim. Gia đình tang tóc, khóc không ra lời, đón xác chú Tư với những đôi mắt đỏ hoe, ngây dại. Đám trẻ con ngơ ngác nhìn xác cha, không hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Trâm cho mai táng và giúp tiền nhang khói cho gia đình chú Tư. Cả gia đình chú Tư, vợ và mấy đưa con nheo nhóc, chấp nhận số phận hẩm hiu, không một chút thắc mắc, không một lời phàn nàn hay trách móc.
Tội nghiệp thay cho người dân vô tội, âm thầm chịu đựng bao tan thương. Ôi! Chiến tranh!!
Chú Tư đã chết thay cho Trâm.
Văn Ni
(Chú Chín Cali)