1/2/2016
CẦU TRE LẮC LẺO GẬP GHỀNH KHÓ ĐI
Ngọc Huệ-Diệp Lục Tố
|
“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.
Câu hát ru ngày nào còn văng vẳng trong tâm trí người đã từng lớn lên trong lời ru của mẹ, trong nhịp lắc lư của chiếc võng đong đưa. Hình ảnh chiếc cầu tre lắc lẻo gập gềnh gợi nhớ quê hương vùng sông nước, với những dòng kênh uốn lượn, con lạch nhỏ nước chảy lửng lờ giữa hai bờ xanh um cây cối, thỉnh thoảng dòng nước nhỏ mang bóng hình của những rặng dừa xanh, lá reo vui khi từng cơn gió đi qua. Ngày trước, nơi vùng quê còn nghèo, cây cầu tre đã chung tình với mảnh đất quê hương, quen thuộc với người dân nông thôn. Khi chân bước lên cầu tre từ người lớn đến trẻ em dường như đã quen với điệu lắc theo nhịp bước, chiếc cầu như đùa giỡn dưới chân, làm người đi qua phải lo lắng có cảm tưởng như muốn bị rơi xuống nước. Làm tư thế người khi qua cầu phải lom khom, nên những chiếc cầu loại này có tên gọi rất lạ đó là cầu khỉ.
Cầu khỉ xuất hiện nhiều nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu long, vì nét đặc thù nhiều sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt nên cần những chiếc cầu bắc qua. Cầu khỉ gắn liền với đời sống sông nước miệt vườn, đã trở thành hình ảnh quen thuộc và rất đỗi thân thương đã in sâu vào ký ức, là nét đẹp hết sức độc đáo về cảnh quan và sinh hoạt của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Cầu khỉ có thân cầu thường làm bằng cây tre (gọi là cầu tre), thân cây dừa (gọi là cầu dừa) hay cây gỗ nằm trên những cây tre bắt chéo cắm xuống đất trong lòng dòng nước; dọc theo cây bắc làm cầu có cột phía trên những cây bắt chéo, làm thành cầu có tay vịn. Cầu khỉ là nét văn hóa đặc trưng không thể lẫn vào đâu của miền đất đồng bằng sông Cửu Long. Nếu hình ảnh cây cầu khỉ quen thuộc với người dân miệt vườn thì nó lại rất kỳ thú của người dân chốn thị thành, cũng làm họ ríu chân sợ hãi khi phải đi qua cây cầu nhỏ dễ sợ để qua bờ bên kia. Cây cầu khỉ (cầu dừa) đã đi vào lời ca tiếng nhạc:
Đã lâu lắm rồi em về thăm lại chốn xưa
Đã lâu lắm rồi em về đi qua cầu dừa.
Cầu dừa trơn trợt lắm em ơi,
Ai mà không khéo té như chơi,
Môi son má hồng chân guốc cao gót,
Làm sao qua cầu dừa......
(trích lời nhạc "Cây cầu dừa" của nhạc sĩ Hàn Châu)
Cây cầu khỉ đã đưa chân mẹ qua suốt tháng ngày tảo tần hai sương một nắng của một kiếp người, nhưng nó cũng là niềm vui khi con mẹ lớn lên, mẹ đưa con đi học trường làng, mẹ dắt tay con qua cây cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi, để con dần lớn lên và trưởng thành, đi xa dần làng quê, xa tổ ấm để con đi vào cuộc hành trình sống cho đáng sống của một kiếp người. Theo thời gian, nhiều mùa xuân qua đi rồi trở lại, hình ảnh mẹ bước qua những nhịp cầu tre nhỏ gập gềnh cũng phải đi vào ký ức của con và sống luôn trong đó. Ngày trở lại, bâng khuâng trong lòng khi trở về mái nhà xưa, mái nhà có cha, có mẹ và tuổi thơ. Quang cảnh đã khác xưa, xóm làng không còn giống như ngày trước, những chiếc cầu khỉ nhỏ bé lắc lư được thay vào đó là những chiếc cầu đúc bằng bê-tông, chắc hơn, lớn hơn, dễ đi hơn.
Những cây cầu đúc bằng xi măng dần dần xuất hiện thay thế, nên những cây cầu tre mất dần. Ngày nay, khó còn có thể bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ nhỏ bắt đầu tập đi một mình qua cầu khỉ bằng cách ngồi bệt lên cây tre làm thân cầu mà nhích nhích từng chút để qua được bờ bên kia, ở nông thôn ít có trò chơi, nên đây cũng là một trò chơi lý thú cho các em. Những cây cầu tre gập ghềnh ngày nào giờ còn lại trong câu ca dao thắm đượm tình dân tộc, trong điệu nhớ quê hương. Theo trào lưu tiến bộ, những chương trình xây dựng nông thôn mới đã biến những con đường đất lầy lội, ngõ hẹp được đắp lên cao hơn, được lót bằng những tấm đan sạch sẽ. Những xóm làng bị ngăn cách bởi những dòng sông, con lạch, được nối lại bằng những cây cầu bê tông cốt thép vững chắc hơn, công năng xử dụng tốt hơn, để nông thôn bắt kịp tiến độ phát triển của thành thị về mọi mặt, để đời sống người dân nông thôn được hưởng những phúc lợi xã hội không thua người thành thị. Tuy nhiên, trong nhịp sống làng quê miền sông nước cũng không thể nào bê tông hóa tất cả những cây cầu, vì hãy còn những dòng nước nhỏ chảy len lỏi theo những con mương chia cách từ nhà này sang nhà khác, nên vẫn còn cần những cây cầu khỉ nối hai bờ lại với nhau. Về sâu trong từng ngõ ngách thôn xóm, vẫn còn bắt gặp đâu đó vài chiếc cầu tre vẫn đang vươn mình soi bóng chờ những bước chân người đi qua đi lại. Có thể nói, cây cầu khỉ như là một biểu tượng cho vùng đất và con người miền sông nước, những dòng nước chở phù sa bồi đắp, làm mầu mở thêm lên cho đất. Cũng giống như vậy, hình ảnh của cây cầu khỉ thân thương ngày nào đã đi vào ký ức của con người mộc mạc nhưng ấm áp nghĩa tình, làm tô đậm nét kẻ nối liền của hôm qua và ngày nay. Cho dù quê hương có nhiều chiếc cầu mới thay thế, nhưng cây cầu khỉ vẫn còn ở trong tâm thức của người dân thôn dã, của những người từ làng quê đi ra thành thị để họ trở thành những thị dân, nhưng chắc trong thâm tâm của mỗi người vẫn nhớ lại một thời chính mình đã nhờ những cây cầu khỉ nâng bước chân, nhắc lại một thời gợi nhớ “Cầu tre lắc lẻo gập gình khó đi, khó đi mẹ dắt con đi…”
NGỌC HUỆ - DIỆP LỤC TỐ