1/2/2016
PHẦN VI: ĐÓNG GÓP CỦA LÚA GẠO VÀO XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
Sau thời kỳ Đá Mới, con người đã bắt đầu sống chung với nhau và lập ra làng xã và xã hội. Công việc sản xuất lúa gạo không những tạo ra thức ăn tiền của mà củng có nhiều đóng góp trong việc tạo dựng gia đình. Chồng, vợ, và con cái là những thành phần căn bản của một gia đình. Nhiều gia đình tạo thành làng xã, nhiều làng xã lập ra tỉnh, lập ra nước. Làm được một vụ lúa tốt là đạt được một chi tiêu cao và được ngưỡng mộ bởi gia đình và láng giềng. Những trang dưới đây ghi lại các ca dao, tục ngữ và dân ca về về đóng góp của những công việc sản xuất lúa gạo vào xây dựng gia đình và xã hội.
Xây Dựng Gia Đình: Tình Yêu Trai Gái
Những cô gái trong tuổi sắp lấy chồng hay những cậu con trai trong tuổi đi kiếm vợ luôn cố gắng ra công để cho ruộng lúa của mình được xanh tươi và có nhiều bông lúa.
Lúa trổ mâm xôi, dẫy nồi chồng vợ
Thân em như chẹn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai
Người ta rượu sớm trà trưa
Em nay đi nắng về mưa đã nhiều
Lạy trời mưa thuận gió đều
Cho đồng lúa tốt, cho vừa lòng anh
Lòng em đã quyết thi hành
Đi cấy đi gặt cùng anh một mùa
Ruộng nhà em lúa xanh xanh ngát
Ruộng nhà anh lúa dạt ngàn bông
Lúa xanh đẹp xóm, đẹp đồng
Cho mình sớm họp thành đôi vợ chồng
Đôi ta như lúa đòng đòng,
Đẹp duyên nhưng chẳng đẹp lòng mẹ cha
Trời cho cày cấy đầy đồng,
Xứ nào xứ nấy trong lòng vui ghê.
Nắng chiều, lúa nghẹn, anh ơi
Mình lấy sức người chống lại thiên tai
Mấy anh tát một gàu giai
Chúng em hai đứa tát hai gàu sòng
Đêm ngày đem nước vào đồng
Lúa mình lại đẹp, thì lòng lại vui
Một mai gặt lúa đem về,
Thờ cha kính mẹ nhiều bề hiếu trung.
Rồi mùa rạ tốt rơm khô
Bạn về xứ bạn biết mô mà tìm
Anh thưa với mẹ cùng cha
Nếp mà lộn tẻ, lựa ra hay đừng ?
Đò đưa đến bến đò ngừng
Anh thương em thuở trước, nửa chừng lại thôi !
Cắt cỏ, tưới nước, bón phân và chăm sóc ruộng lúa nói chung tạo cơ hội cho trai gái trao đổi câu chuyện và gợi tình ý.
Hỡi cô tát nước lên đồng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
Ánh trăng em chẳng thiếu chi
Anh có lúa giống, em thì đổi cho
Ngày xưa có tục lệ đi làm rể. Đóng góp vào công việc trồng lúa là cách tốt nhất để lấy lòng cha mẹ của cô gái.
Công anh làm rễ đã hai năm ròng
Nhà em làm ruộng, làm đồng
Bắt anh tát nước, cực lòng anh thay
Tháng Chín mưa bụi gió bay
Cất đi gầu nước, hai tay rụng rời
Ngày xưa khi chưa có máy xây lúa tối tân, nông dân dùng cối chày để giã gạo. Thường các thiếu nữ hay các bà vợ có trách nhiệm chính trong việc giã gạo và họ thường họ hát trong khi làm việc. Tiếng hò, tiếng hát giã gạo thường tràn ngập không khí làng quê Việt Nam sau ngày gặt lúa. Các cô thôn nữ thường mời các cậu thanh niên giúp tay vào công việc giã gạo. Một nhạc sĩ có viết những dòng sau Đêm trăng trong tiếng chày quanh có tiếng ca tiếng hò thanh thanh. Vô đây anh, đừng sợ trời khuya không có ai đưa anh về. Sau khi các thanh niên đã ghé vô nơi giã gạo, các cô thiếu nữ đưa câu mời chọc.
Đến đây chẳng những ngồi không?
Nhờ chàng giã gạo, cho đông tiếng hò
Những chàng trai thanh niên cũng không chịu thua. Họ giã gạo và rồi họ hát đối.
Đố ai biết lúa mấy cây?
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng?
Sau khi đã trao đổi và đã biết nhau hơn, các chàng trai mạnh dạn hơn và bắt đầu ngõ lời đề nghị đến các cô gái.
Nàng về giã gạo ba trăng
Để anh gánh nước Cao Bằng về ngâm
Nước Cao Bằng ngâm thì trắng gạo
Không biết em có liệu được chăng ?
Trần trần Cuội ngủ cùng trăng
Biết chăng cha mẹ vừa lòng hay không?
Được cha mẹ nhà gái chấp thuận, người con trai bắt đầu lo lễ vật cho tiệc cưới.
Giúp em một thùng xôi vò
Một con lớn béo, một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi tằm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau
Xây Dựng Gia Đình: Tình Vợ Chồng
Sau khi lấy nhau, vợ chồng chung sức để xây dựng gia đình.
Qua đồng ghé nón thăm đồng
Đồng bao nhiêu lúa thương chồng bấy nhiêu
Khuyên em chớ ngại nắng mưa
Của chồng công vợ bao giờ quên nhau
Mặt trời tang tảng rạng đông
Mình ơi! Thức dậy ra đồng kéo trưa
Phận hèn bao quản nắng mưa
Cày sâu bừa kỹ, được mùa có khi
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa
Ai ai cũng vợ cũng chồng
Chồng cày, vợ cấy trong lòng vui thay
Mặt trời tang tảng rạng đông
Mình ơi! Thức dậy ra đồng kéo trưa
Phận hèn bao quản nắng mưa
Cày sâu bừa kỹ, được mùa có khi
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa
Ai ai cũng vợ cũng chồng
Chồng cày, vợ cấy trong lòng vui thay
Đồng mình trứơc bữa anh đi
Đất chưa cày ãi, mạ thì chưa gieo
Bây giờ ruộng đã kín bèo
Lúa xanh một giãi luồn theo núi đồi
Mong anh giữ vững biễn trời
Quê nhà đã có em rồi, đừng lo
Vợ anh như thể dĩa xôi
Anh còn phụ bạc nữa tôi cơm đàn
Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê
Khuyến Khích Công Việc Sản Xuất Lúa
Hay gì để ruộng mà ngăn
Làm ruộng cấy lúa, chăn tằm lấy tơ
Tằm có lứa, ruộng có mùa
Chăm làm trời cũng đền bù có khi
Mồ hôi mà đổ xuống đồng
Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương
Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa
Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn nơi thì cày sâu
Công lênh chẳng quản bao lâu
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng
Ai ơi! Chớ bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tất đất tất vàng bấy nhiêu
Nhớ ơn Người Nông Dân Trồng Lúa
NgườiViệt Nam đã đánh giá vai trò của nông dân trồng lúa rất cao.
Nhất sĩ, nhì nông
Hết gạo chạy rông
Nhất nông, nhì sĩ
Văn chương phú lục chẳng hay
Trở về làng cũ học cày cho xong
Họ nhận thức cái khó nhọc của công việc sản xuất lúa
Cày đồng vào buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay trăm phần
Biết Ơn Đến Nông Dân, Thú Vật Và Dụng Cụ Trồng Lúa
Người Việt Nam rất biết ơn đến những đóng góp đưa đến một mùa lúa tốt có năng suất cao. Họ biết ơn đến Trời, đến Phật, đến tổ tiên ông bà, đến láng giềng, đến bạn bè và ngay cả đến súc vật và dụng cụ dùng trong công việc sản xuất lúa gạo.
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công
Bao giờ lúa chín đầy đồng
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn
Trả ơn cái cối cái chày
Nữa đêm gà gáy, có mày có tao
MỘT VÀI TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bánh Trái Ngày Tết http://www.cadaotucngu.com/phorum/topic.asp?TOPIC_ID=854
2. http://e-cadao.com/Cadaochude/cadaobanh.htm
3. http://poem.tkaraoke.com/14115/Dac_San_Que_Em.html
4. Nguyễn Văn Ngưu 2001 The Vietnamese Rice Farmer. Pp 97-129 in VIETNAMOLOGICA, Montreal, Quebec, Canada
5. Nguyễn Văn Ngưu 2007 Nghành Sản Xuất Lúa Việt Nam - Nhìn Qua Lịch Sử, Văn Hóa Và Kỹ Thuật. Nhà Xuất Bản Nông Nghiệp. TP Hồ Chí Minh. 232 pp
6. Tìm Ca Dao Theo Các Tỉnh http://e-cadao.com/cadaocactinh.asp
7. Trần Văn Đạt 2003 Tiến Trình PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT LÚA GẠO TẠI VIỆT NAM Từ Thời Nguyên Thủy Đến Hiện Đại. Nhà Xuất Bản Nông Nghiệp. TP Hồ Chí Minh. 315 pp
8. Văn Hóa Nông Nghiệp Qua Ca Dao Tục Ngữ. VĂN HÓA VIỆT. http://e-cadao.com/tieuluan/vanhoa/vanhoanongnghiep.htm
9. Vũ Ngọc Phan 1999 Tục Ngữ, Ca Dao, Dân Ca Việt Nam. Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội. Hà Nội. 832 pp