1/2/2016
Truyện ngắn
Gần đến giờ giao thừa, mẹ gọi hai anh em lại để dặn dò lần nữa:
--Nè, nghe mẹ dặn lần thứ một trăm lẻ …nhiều chục lần nữa nè. Có kiêng có lành,từ giao thừa cho đến hết ngày mùng ba tết, người ta hay nói là “ba ngày tết” đó mà, phải kiêng khem giùm mẹ chút, nghe. Là không được kêu trời ơi, không được nói chết chửa, không được than thúi hẻo, không được gào rớt rồi….Kiêng cãi nhau, đánh nhau, la hét ỏm tỏi, kiêng quét nhà, kiêng lau nhà, kiêng …kiêng và kiêng kiêng….Kẻo lại “rông “ cả năm, hiểu chưa?.
Hai đứa, dù chả biết “rông “ là cái con gì, có dữ như con cọp, con sư tử trong sở thú hay không, nhưng thấy mẹ ra chiều trịnh trọng, nên dạ rân, ngoan ngoãn ra phết, dù sau đó những cái mẹ dặn không được, không được…cứ từ tai này bay vèo sang tai kia, rồi lọt ra ngoài rớt mất tiêu. Chúng đành mặc định với nhau thế này: việc nào “bình thường”, mọi ngày hay xảy ra như cãi lộn, đánh lộn, lèm bèm….thì mình sẽ tạm ngưng (chỉ trong vòng ba ngày thôi mà), rồi mình ráng làm …ngược lại mấy thứ đó, nghĩa là anh em hòa thuận, tươi cười mí nhau, nói năng nhỏ nhẹ như con mèo, đi đứng chậm rãi, khoan thai như là một ….quý tộc, thì chắc chắn …đạt yêu cầu mẹ ra “đề cương”. Có thế mới mong được ba mẹ yêu thương hơn, và sẽ được lì xì nhiều bằng năm bằng mười năm ngoái. Nghĩ đến việc được nhiều tiền lì xì, hai đứa hí hửng hẳn lên. Có tiền mình sẽ mua cái này, cái này….Hai đứa bắt đầu ngồi mơ.
Mọi việc diễn ra gần như suông sẻ, từ lúc bầu trời được thắp sáng bởi màn bắn pháo bông hoành tráng, xen lẫn là tiếng còi hụ báo thời khắc giao thừa đã điểm,cho đến tối mùng một tết, khi trong túi áo của hai anh em đã ú hụ những phong bao đỏ dày cộm. Ngày mùng một là ngày quan trọng nhất mà, cái gì số một cũng năm bờ oăn (number one) mờ, số một là nhất, số một là …số dzách, số hai cũng không bằng, dù nó chỉ kém số một có ….một số…Hai đứa thường hay nghe người lớn nói vậy.
Cả ngày mùng một, mẹ thấy hai đứa hòa thuận, vui vẻ mí nhau, anh Bi gọi em là bé nghe êm ái lắm, còn em Ti gọi anh là Bi ơi, Bi à, nghe thân thiết làm sao. Mẹ cười tít mắt, mẹ cũng bắt chước hai đứa gọi ba: anh hỡi, dù mọi ngày ba mẹ thường kêu nhau ông ơi, bà à không hà.
Anh em Bi và Ti tha hồ ăn nhiều món rồi xả rác đầy nhà mà không thấy mẹ la tiếng nào. Nào hạt dưa, nào vỏ quýt, nào vỏ kẹo. Uống nước thì cứ tu ừng ực chai xá xị này, đến chai coca kia, không cần phải từ tốn rót ra ly, uống nhâm nhi như mọi ngày, mà mẹ thường bảo như vậy trông mới “soang”, mới chính hiệu “quý sờ tộc”. Sở dĩ mẹ không la mắng, cho tự do ăn uống như vậy, vì mẹ kiêng, mẹ sợ nếu không được thoải mái đầu năm (thoải mái cái gì cũng được) thì cả năm sẽ không được thoải mái (bất cứ cái gì)!.Ôi,tết sao mà sướng, mình được thể hiện là …chính mình (ẩu tả, bừa bộn), không bị gò bó chuyện gì cả, mẹ chẳng cấm đóan chuyện gì, thật thích. Ước gì ngày nào cũng là ngày tết, hai đứa tha hồ làm những gì mình thích nhỉ!
Cuối ngày, hai anh em xúm lại với nhau, tổng kết tiền lì xì (thường thì cả hai có số tiền lì xì bằng nhau, nếu không thì sẽ rầy rà to), vừa đếm, vừa hát hò ỏm tỏi: tết tết tết đến rồi, tết tết tết đến rồi, tết đến cho vui mọi nhà. Giọng ồm ồm của anh, chen lẫn giọng the thé của em, nghe sao mà “đồng ca hòa bình”quá đỗi. Mẹ vội vàng đi kiếm cái máy chụp hình, giương lên chụp lia chụp lịa những pô hình rất hiếm hoi ít gặp, lòng thầm “ao ước” phải chi ngày nào cũng …là ngày tết, để anh em hòa thuận vầy hoài thì sướng biết mấy.
Hai đứa bắt đầu giở bộ bầu cua cá cọp ra chơi, trò chơi mà ngày thường sẽ bị cấm tiệt vì “cờ bạc là bác thằng bần”, mẹ đã răn đe. Cái từ ”Tết mà” không biết phổ biến từ đời nào mà người ta (cụ thể là người lớn) thường tự biện hộ, rồi sa đà hoài dẫn đến cay cú hơn thua, nhất là trong “lãnh vực” cờ bạc từ cái món bầu cua nhỏ xíu của con nít này. Mẹ chỉ thả lỏng chút đỉnh trong mấy ngày tết thôi, rồi khi xong tết phải xếp xó ngay, không thôi sẽ ảnh hưởng đến việc học, và nhiều hệ lụy khác, không tốt.
Đang xóc bầu cua êm thấm, cu Bi bỗng dở chứng gây sự. Chả là thấy em Ti làm nhà cái quơ được cả đống tiền mới cáu đặt trước mặt như trêu ngươi, cu Bi đâm tức. Nó vu vạ nhà cái lắc ăn gian, lắc nhẹ hều nên hột không lăn, rồi hột bị kênh mà bé Ti cũng cứ quơ tiền là sao. Bé Ti không vừa, bảo tại anh Bi cứ khoái ăn cá làm chi, đặt có mỗi tụ cá, không chịu đặt tụ con cua, hay tụ con tôm, mấy con đó cũng ngon sao không chịu ăn. Còn nếu Bi sợ gà bị H5N1 thì ăn khô nai, hay ăn bầu lồ lô của Tôn Ngộ Không cũng ngon dzậy, sao không chịu thay đổi tư duy, bảo thủ làm chi…(Ờ hén, điểm mặt đủ sáu tụ rồi đâu thấy có con cọp, vậy sao người ta gọi là trò bầu cua cá cọp nhỉ). Thế là cãi nhau. Cu Bi đòi quyền làm cái thì mới chơi tiếp, còn em Ti tính toán thấy lời nhiều rồi, muốn ăn non, tuyên bố nghỉ. Bi không biết làm sao với cái mồm dẻo như kẹo sing gôm của bé Ti, nên thò tay sang cốc lên đầu em mấy cái đau điếng. Bé Ti ré lên khóc. Mẹ đang rửa chén phía sau, hốt hoảng chạy lên:
--Chết chửa, lại chuyện gì thế? Đã bảo đầu năm đầu tháng không được cãi nhau, đánh nhau, la khóc…sao hai đứa không chịu kiêng cữ gì hết vậy hả?
Vừa nói xong, mẹ chợt bụm miệng “trời ơi”….à không, đừng chết chửa, đừng trời …Phải nói sao nhỉ, thay mấy tiếng cảm thán đó bằng chữ gì giờ nhỉ. Đáng lẽ mẹ phải nói là là …ơ hay chưa thì …hay hơn nhỉ !!!
Trong khi mẹ đang loay hoay tìm thán từ “vui vẻ” để diễn tả cái chuyện không …vui vẻ, thì cu Bi đã giật phắt mớ tiền nó vừa bị thua chạy bắn vào nhà trong, mặc kệ nhỏ em vừa la vừa chạy theo đòi lại. Chúng chạy nhanh quá, không để ý đến nền nhà trơn như mỡ vì đầy chướng ngại vật mà chúng vừa được cho phép tự do tha hồ xả rác bừa bãi cả ngày, nên lần lượt cả hai té ạch đụi ,chổng kềnh lên nhau. Lại ré lên khóc ỏm tỏi, lần này dàn đồng ca có phần inh tai nhức óc hơn vì “chiến tranh” đã nổ ra.
Mẹ vội vàng túm lấy cái chổi, vừa quét vừa cằn nhằn: đã bảo không được xả rác bừa bãi….Mẹ chợt im, vì đã “phạm quy”, cái “quy” mà chính mẹ đặt, là không được quét nhà vì sợ tiền ra…Nói túm lại, là cả mẹ lẫn con đã phạm quy tá lả!
Mẹ ngồi thừ người, vừa để nghỉ mệt, vừa để ….tiếc. Phải chi mình đừng nói cái này (chết chửa, trời ơi…), đừng làm cái này (quét nhà…).Vậy là hết kiêng với cữ!
Hai anh em thấy mẹ buồn hiu, chúng nín khóc ngay, rà rà đến đứng xớ rớ bên cạnh mẹ, có vẻ hối hận. Chúng biết mình có lỗi không chịu kiêng cữ giùm mẹ, nên bây giờ mẹ mới ngồi thừ, hành động mẹ hay làm khi mẹ buồn. Mặt chúng lấm la lấm lét, hết nhìn nhau, rồi nhìn mẹ, chờ mẹ lên tiếng để giải tỏa cái sự căng thẳng này. Cả hai nghĩ đến con “rông”, lại tưởng tượng ra cái sự ghê gớm của nó, không biết mặt mũi nó ra sao mà mẹ chúng lại sợ đến như thế nhỉ?
Thấy mặt hai đứa nghệt ra thật tội, mẹ bỗng bật cười:
--Thôi, chẳng kiêng với cữ gì hết, mệt quá. Nhưng…(mẹ tự an ủi), cũng may bây giờ đã là tối mùng một, sắp sang mùng hai rồi, mà sắp sang mùng hai thì cứ coi là mùng hai, mà ….mùng hai thì không phải …mùng một (cái lý luận ở trên lại tái diễn ở đây), nên nó không còn quan trọng nữa, chắc xuê xoa cũng được. Mà nhìn cái nhà bừa bộn như thế này, mẹ cũng chịu không nổi đâu. Mẹ phải quét thôi!
Hai đứa thấy mẹ hết buồn, hết giận, nhảy cẫng lên, gào:Hooray! (hoan hô)
18/1/2016
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN