Vừa tới ngạch cửa, nghe tiếng cạo nồi rột rột. Tâm phóng tót xuống bếp “ Cơm trộn hả Má ? Con đói bụng quá” Má hứ một tiếng mắng yêu “Đá banh chạy nhảy đã rồi đói bụng hả con”. Má chừa lại nửa chén cho thằng cháu ngoại đầu lòng, Tâm vùng vằng, Má lại trêu “ Làm Cậu mà giành ăn với cháu...” Tuy nói vậy chứ lúc nào Má cũng dành cho Tâm phần nhiều vì nó đang vào tuổi lớn so với cháu ngoại chỉ lẳm đẳm 3,4 tuổi
Nồi thịt kho qua tết được Má chăm sóc kỷ, vừa dặn dò vừa chỉ dạy hai chị của Tâm cách nào để giữ thịt không thiu lại không hôi dầu. Qua nhiều ngày ăn, khi gần cạn, để kết thúc nồi thịt kho hột vịt Má riu sệt trên chảo gang rồi múc ra tô nhỏ để ăn với rau luộc, và…cơm nóng trộn đáy chảo là phần của cậu cháu Tâm, hai chị chỉ được nhìn...tức chảy nước miếng
Bạc Liêu ăn cá bỏ đầu
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều châu.
...Câu vè dân gian trên có lẻ ám chỉ đầu cá chốt, hoặc cá trê… Chứ quê tôi cá lóc cá kèo ai đời nào bỏ đầu, tụi nhỏ léng phéng gắp hổn nhiều khi còn bị bô lão gỏ đủa.
Tới con nước rông lé đé sàn lản ( sàn nước nhô ra kênh rạch ). Khi những đàn cá chốt non từng bầy dạn dĩ tấp vào 2 bờ rạch để tìm cặn thức ăn, là lúc bọn Tâm thi nhau xúc cá, mồi nhử là những nắm cám khô, phải xúc thật nhanh, những rổ đầu bao giờ cũng được hàng chục con, càng về sau thấy động chúng dạt ra xa hoặc lặn sâu...Cá chốt non hoặc đầu cá chốt to chỉ dùng để nấu lấy nước trộn cháo heo, nhiệm vụ của Tâm khi ấy là bằm sơ để cho heo khỏi mắc ngạnh xương cá rồi giao cho chị bắc lên lò trấu, để hứng lửa riu riu ở cái họng lò cuối cùng gần ống khói. Khi Má cho heo ăn Tâm luôn khoái lảnh nhiệm vụ múc nước cá đổ vào máng để nhìn đám heo hỉnh hỉnh theo cái gáo rồi nhào xuống máng táp phầm phập…
... Cá chốt kho tộ nhiều lửa thường được Má ưu tiên tận dụng sớm làm cơm trộn. Món kho nhiều lửa (kho đi kho lại ) càng thấm càng ngon. Cá chốt ít béo, Má thường cho vài lát ba rọi vào, những đợt cá chạy nò có trứng thì khỏi phải nói. Những cặp trứng vàng tươm được bỏ riêng vào chén, khi cá bắt đầu thấm sệt nước thì cho trứng vào, trứng cá càng già lửa càng cứng, thỉnh thoảng Tâm len lén chọc đủa vào khuấy cho những cặp trứng tơi bể, mục đích cuối cùng vẫn là để có món cơm trộn ngon hơn sau này. Vụn cá, vụn trứng…và các thứ vụn keo quện dính ở đáy nồi. Tắt lửa, bỏ cơm nóng rồi trộn…và cạo. Cơm trộn không cần cạo thì thường không ngon thơm bằng …
Biết cậu cháu Tâm thích, có hôm thiếu thốn, chỉ với ít tóp mở, nước mắm Má cũng có thể hô biến thành món cơm nửa chiên nửa trộn...Buổi trưa chìu con cháu, thỉnh thoảng lại “khuyến mải” thêm mấy cái bánh tai yến, Má mua cái chảo nhôm nhỏ xíu để xuống nền đất dùng cán búa dộng mấy cái cho đáy chảo thụng xuống, cháu Tâm hỏi “ Làm vậy để chi Ngoại ” Má trả lời như ngầm cho Tâm hiểu “ Để khi chiên bột sẽ phồng vảnh vành tai lên, giòn và ngon” Má nhồi bột với nước và đường, để dăm phút rồi chiên, mình bánh như thân đĩa bay xé ra có rể tre, vành tai bánh giòn rụm
Có lần ghé nhà Tiến, bạn thời đại học, sẳn bửa được mời, Tâm ngồi vào bàn. Chị giúp việc múc cá kho ra tô và...trộn nồi. Tâm chìa chén...chị ta ngạc nhiên “Trời, chú cũng thích món này...” Tâm quay sang cười vả lả với Vũ, cậu con trai của Tiến “ Cho bác hớt của con nửa chén...nghen ”
... Mở ngăn đông tủ lạnh, nhìn 2 lát cá ba sa siêu thị ướp sẳn đã phủ tuyết trắng xóa, nhìn lại cái hạn sử dụng...Tâm thở dài lấy ra bỏ vào thùng rác ( Anh nhủ thầm Má mà biết thế nào cũng rầy...quỉ (hủy) của ) . Chợt thấy rằng dù mình có cạo nồi trộn cơm bây giờ thì hình như cái âm thanh ấy trong không gian đơn lẻ này nghe sẽ vô duyên và buồn tẻ làm sao …