11/10/2015
TRUYỆN NGẮN
Tôi tung cọc tiền lên trời trước ánh mắt buồn bã, tiếc nuối, tuyệt vọng của Linh. Cuối cùng, tôi vẫn thắng nó, qua một cuộc đỏ đen.
Linh là bạn học cùng lớp với tôi. Nhà hai đứa gần bên, đều nghèo. Lẽ ra, chúng tôi phải hiểu nhau, thân thiết, gắn bó mới phải. Đằng nầy, giữa hai đứa là một khoảng cách rất rõ, dù tôi có nhiều cố gắng để rút ngắn, nhưng không kết quả.
Trong lớp , tôi học không giỏi, bài vở không đạt đến mức xuất sắc, tối ưu nhưng thầy cô bộ môn ít phải phiền lòng vì tôi. Linh thì khác. Nó thông minh, nhạy bén hơn tôi nhiều. Linh giải toán rất cừ, làm văn cũng khá. Chỉ tiếc là nó bộp chộp, thiếu cẩn thận nên trong những lần thi thường vướng một số lỗi nhỏ để bị điểm thấp, ít vượt qua tôi. Thấy được điểm yếu đó, thầy chủ nhiệm có nêu nhận xét trước lớp để Linh và chúng tôi rút kinh nghiệm trong học tập. Linh không nghĩ thế. Nó cho rằng thầy không ưa nó chỉ vì cái nghèo thâm căn cố đế của gia đình và cái tật hay nói đay nói nghiến , châm biếm của nó. Đúng là Linh có tất cả những khuyết điểm mà tự nó kể ra. Thay vì sửa đổi để được thầy yêu, Linh lại ganh tị. Đối tượng mà nó chọn là tôi.
Chẳng phải tôi tốt lành gì dễ dàng bỏ qua cho Linh. Thật ra, Linh giận cũng có cơ sở. Thầy chủ nhiệm đem tôi ra làm tấm gương bảo Linh soi. Nó không thấy tôi chăm chỉ học hành, cần cù lao động, hòa nhã với bạn bè mà hình ảnh phản chiếu là một thằng nhóc nịnh nọt đến độ nhu nhược, sẵn sàng cho mọi người lấn lướt, miễn được yên thân thì thôi. Đã vậy, tôi là đứa ngu, học như vẹt, như cuốc kêu ra rả. Tôi chỉ biết lặp lại những điều nhớ được, chẳng chút sáng kiến, chẳng biết vận dụng. Tóm lại, đó là học gạo. Linh cay đắng bảo:”Tiếc là gạo lại làm cho người ăn …được no”. Thằng no là tôi. Nó đói, nó ghét cũng phải.
Gia đình tôi cũng nghèo., cái nghèo lưu truyền từ đời cố tổ đến giờ. Ít khi tôi được ăn no.Đơn giản là vì thiếu gạo, nhà đông người. Một chục chẵn. Ba người lớn và bảy đứa trẻ. Ông nội tôi già yếu, mất sức lao động. Ba mẹ tôi rất siêng năng làm lụng nhưng không đủ đâu vào đâu. Khi đói, hai đầu gối phải bò. Tôi là đứa lớn nhất, tôi đi làm thêm đâu có gì lạ! Để không ảnhhưởng chuyện học hành, tôi chọn nghề bán bánh mì đêm.
Nắng chiều chụp xuống ngọn cây xa. Ánh sáng ửng hồng rực rỡ nấn níu thêm giây lâu rồi mới chịu chìm vào lòng đất. Bóng tối êm đềm lan tỏa . Đèn đường bật sáng. Đó là giờ lao động của tôi. Sau khi ăn tối qua loa, tôi vác cái bao ra lò bánh mì nhận vài chục ổ rồi rảo bước khắp các ngõ hẽm. Mãi đến khi ánh đèn từ các khung cửa sổ tắt lịm, tôi mới quay về. Thường thì khoảng mười một giờ khuya. Số tiền lời kiếm được chỉ đủ mua bốn lít gạo. Tuy ít nhưng gia đình tôi cũng ấm bụng phần nào. Cũng chính vì vậy, tôi phải chịu đựng nhiều thứ, kể cả Linh.
. Cũng như tôi, nó bán bánh mì. Linh oai hơn tôi ở chỗ có xe đạp. Nó luôn đến lò trước, chọn bánh ngon và đi rao hàng trước. Chẳng hiểu sao Linh không chọn một con đường khác mà cứ phóng xe qua lại những chỗ tôi cuốc bộ. Nó chờ có ai gọi :”Bánh mì”. Lập tức, Linh vòng xe lại bán chận. Đã vậy, nó cười nhăn nhở như ngầm bảo:”Đừng hòng qua mặt tao!” Lúc đầu, tôi ức lắm, muốn đập nó một trận để chừa cái thói vô duyên.
Nhưng nghĩ lại, chẳng ích gì. Có làm nó u đầu, sứt trán cũng chỉ đào sâu thêm hố ngăn cách, tạo thêm mầm móng thù hằn.. Tôi nhịn, nó càng lấn tới. Cúng vì vậy mà hôm nào tôi cũng là người bán hết sau cùng. Về nhad muộn nhất. Con đường vắng tênh, không có ai ngoài tôi với chiếc bóng của mình./Đôi khi, tôi dừng lại bên một gốc cây, gục đầu vào đôi bàn tay. Tôi muốn khóc để vơi đi phần nào thua thiệt. Nhưng, lúc đó, mắt lại ráo hoảnh, tôi cảm thấy bình tâm hơn, mạnh mẽ hơn và rộng lượng hơn. Tội nghiệp Linh. Nó nghèo vật chất lẫn tinh thần . Mọi người, kể cả ba mẹ nó Chỉ tại cái tật hay nói, nói dai, nói đùa, nói chẳng kịp nghĩ suy. Linh há miệng như người ta giương cung không nhắm hướng . Mũi tên muốn bay đi đâu cũng được. Chết ai nấy chịu. Cũng vất vả nuôi gia đình nhưng do tật kể lể ơn nghĩa mà người nhận khó chịu, bực bội hơn là ghi nhớ công lao của nó.
Mùa hè năm nay tôi bán đắt hơn thường lệ nhờ những trận bóng đá tranh giải “vô địch”. Đêm nào có trận đấu, tôi bán bánh mì mau hết hơn. Số lượng bánh cũng tăng nhờ mấy pha “cá độ”. Trong đó có cả cá “ ăn bánh mì”. Người nào thua trả tiền mua bánh. Đây là loại cá độ có tính cách mua vui hơn là sống chết như nhiều hình thức khác. Cứ sau một màn đá bóng, bánh mì, xôi, chè, cháo…thi nhau chui vào bụng khán giả bên thắng và tiền chui khỏi hầu bao bên thua để lọt vào túi bọn tôi. Tôi rất thích, vừa được xem tranh giải vừa bán đắt.
Đêm nay, Cộng hòa Séc đấu với Đức để tranh giả vô địch bóng đá Châu Âu. Quán cà phê chật cứng khách hàng. Bán đắt điên. Tôi vù đi láy thêm bánh ba lần mà không đủ bán. Số tiền lời tăng gấp mấy lần. Mân mê những tờ giấy bạc trong tay, tôi liên tưởng đến cây bút máy, bộ sách giáo khoa và quà bánh cho em út mà lòng lâng lâng vui sướng. Bỗng có ai đập mạnh vào vai tôi. Quay lại, tôi bắt gặp khuôn mặt ma mảnh của Linh. Nó nhìn tôi, nheo một mắt.
- Ê Quí, cá độ không mậy?
Tôi lắc đầu:
- Thôi, tao không dám đâu.
Nó chợt rắn giọng như ra lệnh:
- Mầy phải chơi! Nhóm bán bánh mì đêm đều cá độ, thằng nào từ chối thì… đừng trách.
Tôi bất bình, nói lớn:
- Cá độ hay không là quyền của mỗi người, không ai bắt buộc ai được hết.
- Nhưng tao bắt buộc mày, được không? Muốn tỏ ra hiền hậu , đàng hoàng hả mậy?
Nhìn khuôn măt vênh váo đưa tới trước, tôi muốn đấm một cái vào đó cho bỏ ghét nhưng nén được. Rõ ràng là nó lại muốn gây sự. Chưa biết tính sao thì có giọng nói của anh Tư cùng xóm chen vào:
- Thôi, phá lệ một bữa đi Quí. Mỗi thằng bỏ ra có năm mươi ngàn đồng, thấm tháp gì. Nếu thua, mầy kể như hôm nay lời ít một chút chớ gì.
Tôi không nghĩ như anh Tư nhưng thấy bỏ ra năm mươi ngàn đồng để êm chuyện thì cũng được. Dù đó là đồng tiền lao động cực khổ của tôi. Tôi móc túi lấy tiền đưa cho Linh, tham dự cuộc đỏ đen đầu tiên trong đời mình. Và, tôi đã thắng cuộc. Số tiền chia ra được bốn trăm ngàn đồng, cộng với tiền lời bán bánh nữa thì ra con số bất ngờ, lý thú: Sáu trăm ngàn đồng. Tôi trở nên “giàu có”. Chưa bao giờ tôi được số tiền to như thế. So với người khác thì nó chỉ là một con số nhỏ nhoi, khiêm tốn. Nhưng với tôi là một gia tài . Tôi nhẩy cẩng, tung tiền lên cao rồi chụp lấy. Tôi mừng như thể đã giành được chiếc cúp bạc.
Đường về nhà hôm nay đẹp quá. Trăng nghiêng nghiêng bên hàng cau. Những chiếc lá đẫm màu đen bóng, lung linh, xao động. Tôi vừa đi vừa hát, những khúc ca vui nhộn, thân quen. Xa xa, ánh đèn từ ô cửa nhà tôi hắt ra một vệt sáng ấm áp, chờ mong. Tôi biết mẹ tôi vẫn còn thao thức đợi tôi trong đó. Mấy củ khoai lùi mẹ lột võ sẵn dành cho tôi. Cái mùng cũ cũng đã được giăng lên, chờ tôi về và tôi sẽ thiếp đi trong hạnh phúc ngọt ngào.
Tôi chợt nhớ tới Linh, chắc nó sẽ không ngủ được. Linh thường phàn nàn với bạn bè như thế . Nó bảo không bao giờ có ai chờ nó. Về tới, Linh luồn tay vào khe vách, mở cái móc sắt, cửa bật ra. Nó lách vào. Bên trong tối thui. Nó nổi cáu, đá mạnh vào cái ghế, va vào vách đánh thức mọi người và lầu bầu, trách móc của ba mẹ nó tuôn ra. Đêm nay, chắc cũng thế. Khoảng sân nhà Linh tối om. Chẳng có ánh đèn nào soi tỏ lối đi của Linh. Bỗng dưng tôi cảm thấy có lỗi vì đã thắng nó trong lần nầy. Tôi đã cướp mất của nó một phần tiền lời, dù không cố ý. Linh như người ngã ngựa mà tôi còn nhẫn tâm giành lấy vũ khí của nó, số tiền lời, uy tín của nó đối với đàn em và ba mẹ…Tôi ngồi bệt xuống bên đường chờ Linh.
Không phải đợi lâu. Nó đạp xe cọc cạch, vòng vèo tiến dần đến. Tôi chạy ra, đưa tay chặn. Nó đỗ xe lại bên đường, quắc mắt, hỏi:
- Ê, mày muốn gì?
Tôi ôn tồn:
- Tao muốn gặp mầy.
- Gặp tao làm gì?
Nhét tờ năm mươi ngàn vào túi Linh, tôi nói:
- Trả tiền lại cho mầy chớ chi.
Nó trố mắt nhìn tôi:
- Tao…không cần.
Tôi nắm tay nó:
- Biết rồi! Nhưng đó là tiền của mầy, lấy lại đi. Tao đã bảo là không thích cá độ mà. Mai tao sẽ trả lại cho mấy thằng kia luôn. Ăn tiền của tụi mầy tao nuốt không vô đâu.
Linh chợt xiết tay tôi. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy ánh mắt thân thiện của nó, những tia sáng ấm áp tình người, tình bạn.
Tranh sưu tầm