|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Ao Bà om |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
24/7/2016
Mùng 4 Tết Bính Thân, một nhóm cựu học sinh NLSBD khóa 2 gồm CN và MS hẹn nhau tại nhà của bạn Phạm Thị Xuân Hồng (CN1/K2) vào lúc 9 giờ tối để đến Trà Vinh thăm gia đình bạn Hạ Thị Cẩm Hồng (CN2/K2). Hai Râu tôi cũng được các bạn mời đi, nhưng vì lý do gia đình nên đã từ chối. Sáng ngày hôm đó, nhìn vẻ u sầu tiều tụy của tôi sau nhiều đêm thức trắng vì nhà có việc quan trọng của người em cột chèo, bà xã tôi thấy cảm động bèn tạm tháo dỡ lệnh cấm vận. Thế là Hai Râu tôi quơ vội vài cái áo bỏ vào ba lô lên đường nhập cuộc cùng các bạn. Lúc 6 giờ chiều, tôi đón phà từ Nhị Bình qua An Sơn. Qua tới bến, tôi được người cháu đón bằng xe gắn máy chở lên điểm hẹn. Tới nơi, nhìn đồng hồ tôi biết mình đến quá sớm. Do dự vài giây, tôi lấy thuốc làm một điếu cho bớt run và hồi hộp, rồi lấy điện thoại ra gọi. Có tiếng chuông reng trên máy:
- A lô
- Tôi là Hai Râu đây
- Anh Hai đó hả, mời anh vào nhà. Sao hôm trước anh bảo không đi được?
- Có vài việc nho nhỏ của gia đình.
Từ trong nhà có người ra mở cổng, tôi chăm chú nhìn mà tim đánh lô tô… Gặp lại người bạn học cũ sau hơn 43 năm xa cách. Những câu hỏi thăm nhau về gia đình, con cháu, đời sống tôi bớt dần sự hồi hộp và rất mừng khi bạn mình có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Vài phút sau, có người một cô gái bước vào, Hồng giới thiệu đây là Ánh học ban MS/K2 sẽ là trưởng đoàn hướng dẫn chúng tôi du lịch. Trí nhớ tôi quay chầm chậm, thú thiệt, nghe qua lời giới thiệu tôi chỉ hình dung man mán một chút gì về Ánh trong quá khứ. Khi tất cả mọi người đến đông đủ, tôi nhận ra ngay vài bạn cùng lớp, vài bạn khác lớp, khác ban dù đã sau hơn 43 năm xa cách: chị Nguyễn Thị Bé (Bé Bự CN1/K2), Nguyễn Thị Huê (CN1/K2), Cao Văn Tân (CN2/K2), anh Tòng và một số bạn mà tôi không nhớ tên. Đặc biệt có hai chàng không hẹn mà gặp lại tại VN là Nguyễn Văn Phước (CN1/K2 San Jose CA - USA), Nguyễn Văn Hoa (CN1/K2 Australia). Sau khi hàn huyên tâm sự, nhắc cho nhau những kỷ niệm của một thời Áo Nâu, trưởng đoàn Ánh bắt đầu điểm danh tất cả trước khi lên đường. Chuyến đi nầy thiếu hai bạn Ngô Thị Hồng (CN1/K2) và Nguyễn Ngọc Anh (CN1/K2). Vì Ánh có độ cao lý tưởng, tôi thầm nhủ sẽ gọi cô là Ánh cao đẳng. Theo chương trình Ánh sẽ hướng dẫn tài xế lái xe.
- Tài xế nữ mấy bà ơi, Bé Bự lên tiếng.
- Chắc cú, có sao đâu. Tôi lên tiếng trấn an mọi người.
Có lẽ đây là lần đầu tiên mấy bà ngoại, bà nội thấy tài xế nữ lái xe 29 chỗ ngồi nên hơi ngạc nhiên. Riêng đối với tôi đây là chuyện bình thường nơi xứ Mỹ, hơn nữa tôi hơi vững bụng với hai tài xế nữ nầy, lý do ba ngày Tết mấy ông lỡ vui chơi quá trớn, nhậu nhẹt mút chỉ, nếu lái xe ban đêm mà ngủ ngục là cả đám hui nhị tì.
Xe bắt đầu khởi hành từ đại lộ Bình Dương (quốc lộ 13 cũ, cạnh Bệnh Viện 4 Dã Chiến cũ và ngã tư Gò Đậu) hướng về Sài Gòn. Trên xe âm thịnh nam suy nên mặc sức quý bà tán dóc, nhất là Bé Bự, Ánh cao đẳng thường xuyên đứng lên lái tài xế. Ngồi phía sau, tôi hơi bực mình. Vì muốn an toàn giao thông và tài xế không bị phân tâm, tôi lên tiếng nhắc nhở:
- Xin quý bà làm ơn đừng lái tài xế nữa, dễ gây ra tai nạn lắm, nếu tôi là tài xế thì coi chừng tôi cho mấy bà xuống xe giữa đường.
Đến ngã tư Hàng Xanh, xe ngừng lại đón thêm nhị vị cô nương Trần Thị Thắm (MS/K2) và Nguyễn Thị Phước (CN1/K2). Tiếp tục cuộc hành trình, xe hướng về Gò Vấp đón thêm một nhân vật nữ đặc biệt. Lần nầy Nguyễn Thị Huê (CN1/K2) lên ngồi gần tài xế để chỉ đường thay thế cho Ánh cao đẳng. Từ giây phút nầy mọi cặp mắt và đề tài đều hướng về anh chàng xứ căng-gu-ru, ba cặp loa thùng hơi rè nhưng âm thanh HiFi vẫn còn tốt của Cô Thắm, Bé bự và Phước (gái) thi nhau hót. Tôi thấy anh chàng chỉ mỉm chi cười ruồi, mặt thì ửng đỏ. Tôi di chuyển sang ngồi kế để ủng hộ tinh thần.
- Ê chuyện gì đây mầy kể cho tao nghe, sao mấy bà tấn công dữ vậy
- Cha nội Hai vô duyên, trở về chỗ cũ, ghế đó dành cho người đẹp. Tôi chưa kịp hiểu người đẹp nào thì Bé bự nói tiếp.
- Tới chưa mậy, sao lâu quá vậy?
- Lạc đường rồi bà ơi, bảo tài xế lái ngược lại.
Thì ra vì giữa khuya đèn đường không rõ, chị Huê lái tài xế vào vùng “cấm,” hên không bị bạn dân “chích.” Tài xế nữ bị mấy bà thay phiên nhau “dò trên, dò dưới, hết phải, qua trái te tua” cuối cùng cũng đến được điểm hẹn. Bước lên xe là người đẹp Hồ Thị Điệp (CN1/K2). Hình như có sự sắp đặt trước hay sau gì đó, Hai râu thấy Điệp giơ tay chào mọi người và bị ép chấp nhận ngồi kế bên” người tình không chân dung” sao một hồi em chả, em nem.
Kể từ phút nầy, xe sẽ chạy thẳng một mạch đến Trà Vinh. Đài phát thanh của Ánh cao đẳng giới thiệu tổng quát về chương trình thăm viếng nhà bạn Hạ Thị Cẩm Hồng và một số thắng cảnh tại Trà Vinh. Tiếp theo quý Bà: Bé bự, Phước (gái) thi nhau hót liên khúc: chuyện tình thời chinh chiến của dân Áo Nâu, đặc biệt theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên bất đắc dĩ cô Thắm về làng (Trần Thị Thắm MS- K2) sẽ kể cho chúng tôi nghe về truyền thuyết di tích lịch sử câu chuyện Ao bà Om tại Trà Vinh như sau:
“Ao Bà Om xuất phát từ thuở xa xưa của dân tộc Khờ Me. Trong dịp lễ hội làng, để thi tài nam thanh nữ tú, làng cử ra hai đội: một nam, một nữ dự thi đào ao (không biết để nuôi cá, tôm hay dẫn thủy nhập điền…) Mỗi đội gồm 20 người. Khi tiếng coòng chiêng trổi lên cả hai đội tiến vào trận đấu. Đội nam mình trần vai u thịt bắp, đội nữ quấn xà-rong, áo mỏng bó chật thân người lộ lên vùng núi đồi trùng điệp. Từng thuổng đất được thẩy lên bờ càng ngày càng cao bên phía đội nam trong tiếng reo hò, vỗ tay của dân làng, ngược lại đội nữ mồ hôi nhuể nhải ra sức cố gắng nhưng không đi được tới đâu. Tàn cây nhang, trận đấu tạm dừng nghỉ giải lao. Cả dân làng nhìn đội nữ trong ánh mắt đầy thương hại, quái lạ thay toàn đội nữ miệng mỉm cười, tay vẫy chào mọi người giống như kẻ chiến thắng…!
Tiếng coòng trổi lên, hiệp hai bắt đầu. Từng thuổng đất bên nam tiếp tục thẩy lên, bỗng nhiên tất cả dân làng đều trố mắt nhìn, bên đội nữ mười cô gái xinh đẹp bỏ thuổng tiến về phía bên nam, từng cô một ôm choàng lấy eo phía sau mười thanh niên tuấn tú, ngực tựa sát vào phía sau lưng các chàng trai, miệng thì thầm… Các chàng trai còn lại đứng nhìn như trời trồng, sau đó mười cô khác thay nhau đổi chỗ. Cuối cùng các chàng trai đành bỏ thuổng chịu thua trước mỹ nhân kế của các người đẹp. Từ đó vùng địa danh nầy có tên “Ao Bà Om.”
Thực sự ra câu chuyện truyền thuyết về Ao bà Om không đúng như lời cô Thắm kể, nhưng biết đâu một ngày nào đó trở thành sự thật thì sao? Tôi chấp nhận câu chuyện nầy, dầu sao đi nữa cũng nhờ có cô Thắm mà đoạn đường dài từ Sài Gòn đến Trà Vinh ngắn lại. Âu cũng là mua vui được vài trống canh, không chết thằng Tây nào. (1)
Ngày nay, đây là nơi hẹn hò của các cặp nhân tình, những nụ hôn, những vòng tay ghì chặt của những kẻ yêu nhau, những lời thề nguyền, ước hẹn:
”Khi nào cá lội trên bờ,
Bà Ốm cạn nước, lời thề mới phải.”
Riêng tôi vì quá mệt mỏi, mắt nhắm, mắt mở, hồn bay tận đâu đâu. Tôi thấy mình lạc vào xứ sở thần tiên, gặp lại người xưa Hoàng Thị… qua câu chuyện kể của cô Thắm.
“Vào thuở xa xưa có một nàng, một nàng trinh nữ…” Câu chuyện Tình xa xưa đầy hư cấu trong giấc ngủ chập chờn cách đây 43 năm được quay lại:
“Thuở đó Chàng và Nàng học cùng lớp, cùng trường NLSBD bắt đầu từ năm lớp 6 hay lớp 8 gì đó….! Có những buổi trưa ở lại chờ học tiếp lớp buổi chiều, Chàng và Nàng trốn tìm những góc nhỏ bên hông khu nông trại để tâm sự về những ước mơ trong tương lai sau khi tốt nghiệp ra trường. Hai đứa sẽ mở nông trại nho nhỏ, chàng lo việc đồng án, nàng lo bầy gia súc, thỉnh thoảng chàng sẽ đưa nàng đi dạo chơi quanh vùng hay thăm bà con láng giềng bằng chiếc máy kéo JONHDEER… Những lời hứa hẹn, những viễn cảnh tương lai hòa làn gió mát dưới bóng hàng tre, làm cho tâm hồn hai kẻ yêu mến nhau thêm thắm thiết, dù chưa một lần nắm tay nhau, hay một nụ hôn nào đó. Hoặc giả họ giúp nhau trong giờ thực hành nông trại: chàng giúp cho nàng lên liếp rau, chia nhau từng xẻn phân, nắm đất. Nàng rải hột ươm mầm, ước nguyện mong sao cây lớn xanh tươi giống như chuyện tình hai đứa. Cuộc tình kéo dài tới năm lớp 10 thì các lớp bị phân ban CN, MS, CT. Trước ngã ba đường họ không biết về đâu. Giữ lời hứa chàng chọn ban CN, còn nàng trước ngã ba đường hơi lưỡng lự, chọn MS thì đúng theo ước nguyện ban đầu, nhưng e rằng xa mặt cách lòng, lỡ có người đẹp nào theo chàng thì mình biết làm sao đây! Cuối cùng sau những đêm dài không ngủ, đắn đo suy nghĩ, quyết giữ được chàng, nàng đành phải chấp nhận chọn ban CN để cận kề bên nhau, không có đứa nào lỗi hẹn hay bị phá đám.
Cuối năm lớp 12, hai đứa bịn rịn tạm chia tay, lần nầy chàng bạo dạn hơn cầm tay nàng thủ thỉ,"phi cao đẳng bất thành phu phụ, anh hứa ráng cố gắng học thành tài, sau này hai đứa cùng mở nông trại nhe em." Nghe chàng nói, nàng xụt xì, xụt xị, lệ chảy đầm đìa trên má, nàng thỏ thẻ trong ngấn lệ, "em sẽ vào cao đẳng sư phạm để sau này lo dạy con cái và trẻ em quanh vùng, hướng dẫn bà con bỏ hủ tục du canh, cải tiến nông nghiệp để không còn cảnh cái cày đi trước con người đi sau." Ôi! thương quá làm sao câu chuyện tình của dân áo Nâu Nông Lâm Súc.
Rồi thời gian đi qua, đáp lời kêu gọi của Tổ Quốc, chàng xếp bút nghiêng lên đường nhập ngũ tòng chinh, làm tròn nhiệm vụ của người trai trong thời ly loạn.
Sau 30 tháng Tư 1975, trời đất ngả nghiêng, lòng người đảo ngược. Chàng bôn ba tìm kiếm Nàng, để rồi khi gặp lại nhau, nàng nói lời chia tay trong đầm đìa nước mắt, "anh ơi, làm thân con gái, áo mặc sao qua khỏi đầu, cha em và anh khác chiến tuyến nên gia đình khó chấp nhận chuyện hôn nhân của chúng mình, thôi mình chia tay anh nhé!" Chàng chết đứng như Từ Hải trong truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du. Ôi! Bao nhiêu năm ôm ấp mối tình đầu giờ đây đành tan vỡ chỉ vì định kiến chánh trị của gia đình nàng.
Trận chiến chưa kết thúc đã thua, tình yêu sao bao nhiêu năm ấp ủ giờ đã mất. Chàng sống lặng lẽ khổ đau theo năm tháng tù đày, nghiệt ngã. Sau khi ra tù, chàng bỏ lại sau lưng quê hương dấu yêu, mối tình đầu dang dở. Lưu lạc nơi xứ người, nhưng đêm đêm chàng vẫn nhớ về nàng, mối tình đầu khó phai trong dĩ vãng. Chàng vẫn luôn theo dõi bước chân nàng, dẫu biết rằng nàng bây giờ là một cán bộ cao cấp. Hằng đêm chàng cầu Trời khấn Phật, mong ước nàng có cuộc sống hạnh phúc và những thế hệ đi sau trong tình yêu không có hận thù giai cấp, bất đồng chính kiến.
Một hôm, theo tiếng gọi đàn của những con chim áo Nâu nơi niềm viễn xứ, chàng bay về vùng nắng ấm Cali, để gặp lại Thầy Cô bạn bè sau thời gian dài xa cách. Cứ tưởng chừng như thời gian là liều thuốc nhiệm mầu chữa được vết thương lòng quá khứ. Nhưng không, chính trong giây phút trùng phùng của đại gia đình NLSBD tại hải ngoại, chàng biết được tin người thương của mình vẫn sống một mình, vẫn tôn thờ mối tình đầu bất diệt. Nàng đã không dám phản đối lệnh Mẹ Cha, nhưng thề không bao giờ lập gia đình với người khác. Sau lần họp mặt đó, chàng quyết định trở về Việt Nam tìm lại người xưa yêu dấu...
Trong cơn mơ, Hai Râu tôi chợt tỉnh vì âm thanh HiFi của Bé Bự:
- Ê bà Ánh, liên lạc với Cẩm Hồng coi nó ra đón tụi mình chưa?
- Nhớ bảo nó đừng mặc đồ trắng, nửa đêm đứng ngoài đường vẫy vẫy coi chừng tài xế cho xe xuống ruộng là chết cả đám. Phước (gái) tiếp lời kèm theo là những tràng cười của mấy bà Nội, bà ngoại trên xe.
- Rồi rồi tới rồi, nó đón tụi mình tại cây xăng sau khi Ánh cao đẳng hướng dẫn tài xế vượt qua hai cái cầu.
Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Nữa đêm gà gáy canh ba,
Ra đường đón bạn xót xa mủi lòng.
Thế là đám nhà lá, nhà tranh, nhà rách đã đến tới Trà Vinh khi trời còn mờ sương, mờ đất. Phái đoàn vào nhà Cẩm Hồng, trong lúc chờ quý bà trang điểm lại dung nhan mùa Hạ, thì phe mày râu tìm quán cà phê tán dóc, nhã khói phun châu sau chặng đường dài cấm hút thuốc trên xe. Lát sau, mấy bà ra tới quán cà phê, lần nầy Hai Râu tôi mới có dịp ngắm kỹ lại dung nhan của mấy bà sau bao nhiêu năm không gặp.
Bao năm xa cách mình không gặp
Tìm lại thời gian, tóc bạc màu
Người xưa ngồi đó, mình như tưởng
Cái thuở đầu tiên buổi hẹn hò.
Trở lại nhà Cẩm Hồng, buổi ăn sáng được vợ chồng Cẩm Hồng dọn sẵn, lo lắng từng chút, thôi thì ăn nói, nói ăn rôm rã. Đến 10 giờ 30 phái đoàn đón thêm vị khách mới Nguyễn Thị Huỳnh Hoa (CN1/K2) đi cùng gia đình du lịch miền Tây Đô, sẽ tháp tùng đám tụi nầy. Kỷ niệm xưa tràn về trong ký ức kể từ lúc chia tay nhau lớp 12 năm ấy cũng đông đủ bạn bè như lúc nầy…
Vài phút sau, tất cả mọi người lên xe đi thăm những thắng cảnh du lịch vùng đất Trà Vinh nơi quê hương của người Khờ Me - Thủy Chân Lạp sinh sống, trong số đó có di tích Ao Bà Om.
Sau đó, bọn chúng tôi trở về lại nhà của vợ chồng Cẩm Hồng, phái đoàn được khoản đãi thêm những món đặc sản của Trà Vinh trước khi chia tay trở về Sài Gòn và Bình Dương. Chân thành cám ơn tấm lòng hiếu khách, ân cần, chu đáo của gia đình cô bạn học cũ Áo Nâu NLSBD.
Trên đường trở về Sài Gòn, không biết bị say nắng hay say tình, mơ mơ màng màng, hình như có tiếng gọi của cô Thắm
- Anh Hai, anh là người lớn tuổi nhất trong đoàn, anh đại diện cho tụi nầy “tái duyên kỳ họp” cho ông lão bà lão đi. Lời kêu gọi thiết tha của cô Thắm.
Nhìn quanh quất xem lại coi còn có ai lớn tuổi hơn mình không, có ai thứ ba, thứ tư gì không, Hai Râu tôi nghe lời xúi dại của cô Thắm kèm theo tràng pháo tay rôm rả của của quý ông bà lão trong đoàn, trịnh trọng sửa lại quần áo, vuốt lại hàm râu ấp chiến lược của mình. Hướng mặt về di tích lịch sử Ao bà Om nơi hò hẹn, lời thề gắn bó keo sơn của những cặp tình nhân chung thủy. Tôi đến gần chàng và nàng, cầm tay của hai người đặt chồng lên nhau
- Hôm nay ngày lành tháng tốt, giông tố đã đi qua, mùa Xuân trở về trên đất Mẹ, tình yêu chung thủy đã thắng được những định kiến giai cấp, những bất đồng chính kiến, những dị biệt trong tư tưởng. Cầu chúc hai bạn có thời gian còn lại sống mãi bên nhau đến răng long tóc bạc. Cô Thắm tiếp lời tôi bắt hai TRẺ phải ôm nhau đúng theo truyền thuyết câu chuyện. Phước (gái), Bé bự nhảy vào ăn có, “phải có hun nữa… ha ha ha...” Trong lúc đó thì Phước phó nhòm bấm máy IPad lia lịa.
- Có ai mua đặc sản về làm quà cho gia đình thì xuống xe nghe.
- Ê gọi cha nội Hai râu coi, chắc ổng đang đi mây về gió.
Tôi giựt mình ngồi dậy nhưng chưa tỉnh hẳn: Ủa kỳ lạ vậy ta!? Trong giấc mơ, tôi đã gặp lại nàng của tôi và chính tôi lại làm ông mai tái duyên kỳ hợp cho mình. Rõ ràng là giấc mơ nhiều rắc rối và không thể hiểu nổi, nhưng dù sao đó cũng là giấc mơ đẹp.
Riêng Hai Râu tôi xin chân thành cám ơn các bạn nhất là cô Thắm về làng, Bé bự, Phước (gái), Xuân Hồng, Ánh cao đẳng và tất cả các bạn khác đã cho tôi thêm nhiều kỷ niệm lúc tuổi xế chiều trong chuyến trở về thăm lại gia đình. Cám ơn cơ hội gặp lại những người bạn áo NÂU năm xưa, một thời để yêu và để nhớ.
Tình đồng môn NLSBD mãi mãi bất diệt.
TN 10-05-2016
Hai Râu NLSBD
Ghi chú của tác giả:
(1) Xin vào Google search bạn sẽ đọc được về truyền thuyết AO Bà Om
(2) Hàng ngồi tính từ trái qua phải: Nguyễn Thị Ánh MS-K2, Phạm Văn Bé CN1-K2, Nguyễn Văn Hoa CN1-K2, Lê Hồng Anh CN1-K2, Nguyễn Văn Phước CN1-K2, không biết tên, phu quân Cẩm Hồng
Hàng đứng từ trái qua phải: Người thứ nhất không biết tên, Trần Thị Thắm MS-K2, Nguyễn Thị Phước CN1-K2, Phạm Thị Thành CN2-K2, Nguyễn Thị Huỳnh Hoa CN1-K2, Cao Văn Tân CN2-K2, Phạm thị Xuân Hồng CN1-K2, không biết tên, Hồ Thị Điệp CN1-K2, ba chị kế tiếp không biết tên, Võ Thị Bé CN1-K2, Nguyễn Thị Huê CN1-K2, Hạ Thị Cẩm Hồng CN2-K2, không biết tên, Trần Văn Hai CN1-K2
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1063205 visitors (3178585 hits) |