14/12/2015
VIẾT VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG
Nguyễn thị Huyền Ngân
|
(Nhân dịp trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao vừa kỷ niệm 60 năm thành lập,ngày 12/12/2015).
...........................................................................................................................
Tôi không có nhiều kỷ niệm với ngôi trường này, đơn giản vì tôi không xuất thân từ đây. Nhưng vì nó là tiền thân của trường Đại Học Nông Nghiệp Sài Gòn, ngôi trường mà tuổi thanh xuân của tôi đã từng gắn bó, nên ít nhiều gì thì cũng “dính dáng”với nhau, như một mối lương duyên đẹp, mà mỗi khi nghĩ đến, trong tôi lại dấy lên một cảm giác thương thương, trân quý.
Lần đầu tiên tôi biết trường là vào mùa hè năm 1974, khi vừa hoàn thành xong năm học thứ nhất của trường NLS Sài Gòn. Bạn tôi, dân Bảo Lộc, là cựu học sinh của trường, dân “áo nâu” chính hiệu, rủ rê nhóm bạn thân (gồm 4 đứa) đi nghỉ hè ở nhà nó. Bạn có cái tên rất"thơ”, Hoàng Vân. Không thơ sao được, khi không gian của Blao khi ấy nhìn đâu người ta cũng có thể làm thơ được: nào mây, nào núi, nào đồi, nào sương, nào khói….Và cả con người nơi đây cũng đẹp nốt. Chỉ nhìn Vân là có thể đoán được dân xứ này dễ thương như thế nào. Vân dáng người cao dong dỏng, khuôn mặt thanh tú, cử chỉ khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn…. khi nàng nói cười là như thấy được cả ….trời Bảo Lộc.
Nhà Vân ở ngay mặt tiền Quốc lộ 20, là một tiệm trà nho nhỏ, cũng giống như tất cả những nhà khác ở nơi đây. Đàng sau nhà là cả một thung lũng trà rộng mênh mông, quanh năm được phủ xanh lá trà và luôn được ướp thơm bởi mùi trà sấy. Thỉnh thoảng, xen giữa những vạt trà xanh là màu trắng của dòng suối nhỏ, ngày đêm róc rách chảy, nhìn xa xa trông như bức tranh thủy mặc hữu tình. Vân giành dòng suối đó là “suối mơ”cho riêng mình, và chắc hẳn cô nàng đã làm không ít bài thơ cho dòng suối mơ ấy. Vân là người mơ mộng (dĩ nhiên rồi, sống giữa khung cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên như thế, không mơ mộng mới là lạ), lâu lâu lại thấy cô nàng “hồn thơ mộng thả bên ngoài cửa lớp”, và hay hát, hay đọc những vần thơ, của thi sĩ, mà cũng có thể là của Vân. Dù đã lên Đại Học, nhưng Vân vẫn trung thành với chiếc áo màu nâu đặc trưng của các trường trung học Nông Lâm Súc miền Nam thuở ấy, dù có đôi khi cô nàng cũng điệu đàng với tà áo dài tím, hay áo dài hoa của thời thiếu nữ. Nhờ chiếc áo nâu ấy, mà chúng tôi mới biết được gốc gác của nhau (các kỳ thi tuyển vào trường khi ấy đều dành 20% suất học cho các trường trung học NLS, còn như chúng tôi thì từ trường trung học phổ thông thi tuyển vào, tỷ lệ đối đầu khá cao, 1 chọi 30).
May mắn (cho riêng tôi), là nhóm tôi có Vân, vì tôi cũng vốn thích mộng mơ, y như Vân vậy. Và lần đi Bảo Lộc lần đầu tiên ấy đã gây cho tôi một ấn tượng mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thể nào quên. Trời ạ, sao mà khung cảnh Bảo Lộc đẹp đến mê mẩn cả tâm hồn đến vậy. Xa xa là núi xanh trập trùng, gần gần là đồi chè nhấp nhô cũng một màu xanh, vài con suối nhỏ trắng muốt như dải lụa vắt ngang hay trải dọc nương dâu xanh, khẽ khàng róc rách ngày đêm, mây quấn quanh núi, sương lãng đãng quanh người, tiếng nói theo làn khói nhẹ vương vương….ôi chao, sao mà đẹp thế. Lại nữa, không khí được lọc sạch bởi mùi trà, ướp hương tỏa ngát cả một trời thật thơ. Dân Bảo Lộc mà không biết làm thơ thì thật là uổng lắm!
Và cũng lần đầu tiên tôi được bước vào khuôn viên trường, trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao (tên trường đầu tiên khi mới thành lập). Choáng ngợp với không gian bao la rộng đến 600 mẫu, Vân, cựu học sinh của trường, là người hướng dẫn chúng tôi biết đâu là Đại Thính Đường rộng lớn, đâu là lưu xá E của nữ, nơi những nữ sinh ở xa đến trọ học (còn Vân nhà gần, chỉ đi bộ chừng 200m là tới), đâu là dãy biệt thự, là nơi ở của các thầy cô, rồi kia là sân vận động, võ đường, kia thư viện, nọ đài khí tượng, các dãy lưu xá A,B,C của nam sinh….(trường còn hoàn chỉnh đến mức có cả máy phát điện, nhà máy nước riêng cho sinh hoạt của trường nữa). Chúng tôi thả bộ cả một ngày thư thả dưới tán lá rộng của các cây sao, cây muồng, và không thể quên đi vào Hoàng Hoa Lộ, cái đích đến cuối cùng của tất cả những ai muốn đến thăm ngôi trường đẹp nhất nhì Đông Nam Á, và đẹp nhất trong các trường học của miền nam thưở đó.
Tôi đoan chắc rằng bất cứ một cựu học sinh nào của trường cũng đều yêu con đường dẫn đến lớp học dưới hàng cây hoa vàng rực rỡ này. Ngay như tôi, người “ngoại đạo”, mà chỉ diện kiến (đúng có một lần ấy), mà trong tôi lúc nào cũng mơ màng về Hoàng Hoa Lộ mãi không thôi, huống chi “thần dân” của NLM Blao, họ yêu Hoàng Hoa Lộ, và đặt nó trong trái tim một cách trân trọng ra sao. Dù bên cạnh đó, còn có Hoàng Mai Lộ, rồi Đỗ Mai Lộ,,hay Bằng Lăng Lộ….gì gì thì Hoàng Hoa Lộ vẫn chiếm vị trí độc tôn không thể thay thế….
Không thể không nhắc đến công lao của các bậc đại sư phụ.
Công đầu thành lập trường phải kể đến là vị Thành Hoàng của ngành NLS miền Nam, bác sĩ Thú Y Vũ Ngọc Tân (thầy đã mất vào tháng 5/1981). Thầy là vị Hiệu Trưởng đầu tiên của trường (1955-1958), và là người kiến tạo nên ngôi trường đẹp và thơ mộng này, với đầy đủ những vườn trà, vườn cà phê, vườn cỏ, vườn ươm, vườn sưu tập trong khu liên hoàn rộng đến 200 mẫu, (mà nếu kể luôn cả khu rừng cho học sinh thực tập thì tổng diện tích đến 600 mẫu). "Khi về SG, có thời gian Thầy làm Giám Đốc Thão Cầm Viên Sai Gòn".
Còn thầy Đặng Quan Điện lại là người có công chuyển trường từ Bảo Lộc về Sài Gòn (tọa lạc tại 45 Cường Để ), và trở thành trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn, tiền thân của Đại Học Nông Nghiệp Sài Gòn sau này. Thầy làm Hiệu trưởng từ năm 1962-1964, và đã mất tại Sài Gòn vào tháng 11/2007.
“Tứ trụ” sáng lập trường còn phải kể đến là thầy Bùi Huy Thục (Giám Đốc Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp Sài Gòn từ năm 1968-1970) và thầy Lê Văn Ký (Hiệu Trưởng trường Đại Học Nông Nghiệp năm 1974-1975).
Chúng tôi may mắn học được hai trong tứ trụ là thầy Tân và thầy Điện trong những năm ngồi trên ghế giảng đường. Hai thầy rất giống nhau ở chỗ có tinh thần trách nhiệm, giản dị trong cuộc sống, tận tâm trong giảng dạy, và yêu thương học trò như con.
….Tôi đã đi Đà Lạt hàng trăm lần, và lần nào cũng vậy, khi đi trên Quốc lộ 20, nơi tôi từng đến Bảo Lộc lần đầu tiên năm 1974, tôi cũng căng mắt ra tìm kiếm chút dấu tích xa xăm căn nhà của bạn tôi, nơi có một tiệm trà nho nhỏ, bên hông nhà có chái nhà dùng làm nơi sấy trà, và phía sau nhà chắc chắn là cả một thung trà mênh mông vây quanh lấy con suối mơ của bạn, nơi mà bạn đã dặn đi dặn lại nhiều lần: "khi nào xe dừng đến chỗ ăn cơm trưa là đến nhà Vân”, vậy mà chưa bao giờ tôi có thể định vị chính xác căn nhà thơ mộng ấy, vì đã có quá nhiều thay đổi không còn nhận ra chút gì quen thuộc nữa. Và bao giờ đi ngang qua trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao cũ (nay là trường Cao Đẳng Công Nghệ Bảo Lộc), như một quán tính, tôi cũng nhìn mãi cho đến lúc thật khuất tầm mắt mới thôi, một ngôi trường mà chắc hẳn in thật sâu đậm trong tim của biết bao nhiêu thế hệ học trò từng theo học, thuở thanh xuân.
Nghe đồn rằng sau lễ kỷ niệm 60 năm thành lập, trường sẽ bị đập bỏ để xây mới .Tấc đất tấc vàng, huống gì một ngôi trường (thời bây giờ) thì cần chi đến những 200 mẫu hay 600 mẫu! Nghe mà xót xa, nghe mà tiếc nuối! Dân NLM Blao xưa ơi, có thấy buồn không, khi ngôi trường một thời tuổi trẻ, dù có mãi tồn tại trong trái tim đến đâu, nhưng rồi sẽ không còn tồn tại trong hiện hữu nữa. Và bạn tôi, cô bạn thơ, ở phương trời tây xa xôi, khi nghe được tin này, chắc hẳn là buồn lắm?
13/12/2015
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
Đại tính đường
Thầy Cựu Giám Học Châu Kim Lang phát biểu