Tỉnh An Giang với Ông
Thoại Ngọc Hầu
|
- Mong Phước Minh -
|
Tỉnh An Giang với Ông Thoại Ngọc Hầu
Chào các bạn, trước khi hoàn tất chuyến đi 1 vòng An Giang để trở về tp Long Xuyên, tôi viết tiếp đoạn cuối cùng này với biết bao tâm trạng. Với tôi, có lẽ đây là đoạn tuyệt vời nhất mà tôi không thể nào có thể viết được lại lần thứ 2, nếu lỡ như lạc mất bản thảo. Mong rằng đoạn này không làm mọi người thất vọng. Thân ái.
Nhắc đến Ông Thoại Ngọc Hầu, tuy nỗi oan đã giải, chốn tuyền đài chắc Người đã nguôi ngoai, chỉ có kẻ hậu sinh còn thơ thẩn trên cõi hồng trần, vẫn mãi vướng vương một niềm riêng khó tả, vừa vui mừng khi thấy giá trị thật được tái lập, lại vừa ngậm ngùi về một giai đoạn lịch sử lắm trớ trêu, khiến một nhà thơ đã bằng tâm huyết phải thốt lên nỗi đoạn trường thay Tiền Nhân nơi chín suối.
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Thực sự, trước đây tôi không hề nghe nói đến cái tên Huỳnh văn Nghệ, cũng chẳng hề biết đến 1 ông Tướng quê vùng Tân Uyên, Biên Hòa, từng là cựu học sinh trường Pétrus Ký, yêu quê hương, đã vô bưng, theo Việt Minh, kháng chiến, đặc biệt, ông Tướng ấy giỏi làm thơ và đã làm nên những câu thơ “thần thánh” kể trên.
Theo tư liệu, năm 1940, khi khánh thành đường sắt Bắc Nam, chính quyền thực dân có dành 1 số suất cho nhân viên Sở Hỏa xa Sài gòn đi chơi Hà Nội, Huỳnh văn Nghệ bóc trúng thăm, nhưng trước khi đi 2 ngày, ông đã tặng lá phiếu may mắn này lại cho bạn đồng nghiệp vốn rất cần để được về quê sau nhiều năm xa cách. Sau khi tiễn bạn tại sân ga, Huỳnh văn Nghệ đã ngậm ngùi xúc động viết lên những câu thơ xuất thần mà sau này nhiều nhà thơ lớn đã xem như tuyệt phẩm. Bởi lẽ, ngoài nỗi niềm của 1 người con xa xứ, ngậm ngùi nhớ lại đất tổ, quê xa, bài thơ còn toát lên cái hào khí ngất trời của người Anh Hùng đi mở cỏi.
Ai đi về Bắc, ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương!
Vẫn nghe tiếng hát trời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn nhớ, vẫn thương mùa vải đỏ
Mỗi lần man mác hương sầu riêng...
Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền,
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm!
Muốn trở về quê, mơ cánh tiên.
Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồn xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ mang kiếm trả dân ta?
(Ga Sài Gòn, 1940)
Dù đã đọc rất nhiều lần bài thơ này, nhưng mỗi lần đọc lại tôi đều thấy xúc động đến... sởn da gà!
Vâng, hỏi rằng mấy ai không xúc động khi đọc hết bài thơ “Nhớ Bắc” ấy? Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Ông Huỳnh văn Nghệ bày tỏ tấm lòng của người anh hùng Nguyễn Hoàng trong vần thơ tuyệt tác. Sinh năm 1914, ông vốn là hậu duệ của những người dân đất Quảng năm xưa, đã theo mệnh nước nổi trôi, đến định cư vùng Đồng Nai Nam bộ. Và có lẽ bản chất của người dân Việt ta là không thể nào dễ quên nguồn cội, nên nỗi khắc khoải nhớ quê luôn bàng bạc trong tâm khảm, chợt bùng phát bất ngờ vì 1 duyên cớ “bâng quơ”! Là con người có học, chắc chắn Ông đã tìm hiểu cặn kẻ cuộc đời và công lao mở nước của Chúa, là con người văn nghệ, nhiều lòng xúc cảm, chắc chắn Ông đã thấm đẩm nỗi niềm đau đớn của Nguyễn Hoàng khi dứt áo, xuôi Nam!
Vâng, “Nhớ Bắc” không chỉ đơn thuần là một bài thơ thông thường, mà trên hết, đó là một sự bùng nổ tuyệt vời của cái nỗi niềm khắc khoải dồn nén bao năm, khi suy nghĩ về số phận nghiệt ngã của một đấng quân vương(dù Ông chỉ là Chúa), vì nghiệp cả đã gầy dựng thêm một nửa giang sơn gấm vóc này! Khi người anh ruột, Nguyễn Uông bị anh rễ là Trịnh Kiểm sát hại, theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông nhờ chị là Ngọc Bảo(vợ Trịnh Kiểm) vận động cho được cử vào trấn đất Thuận Hóa phương Nam. Năm 1558, cùng gia quyến và tùy tùng, chuyến ra đi hoành tráng đầy bi thương, đã mở đầu cho cuộc Nam tiến vĩ đại để cuối cùng hoàn thành 1 chặng đường lịch sử mở nước xuống tận-cùng-bờ-cỏi hôm nay!
Đời Ông, Nguyễn Hoàng, là 1 bi kịch, nhưng là 1 bi kịch vĩ đại, xin nhắc lại, một bi kịch vĩ đại xứng đáng để muôn đời con cháu mang ơn!
Rồi bi kịch ấy lại kéo dài thêm mấy mươi năm nữa khi cả giòng họ bị lên án bán nước, hại dân. Cả Vua lẫn quan nhà Nguyễn tiếp tục bị dập vùi không thương tiếc. Đền thờ, tranh tượng bị đập phá, dỡ bỏ...Trường học, đường sá, chợ búa mang tên các vị trên đều bị xóa bỏ. May mắn lắm mới có vài người “ít tội” được tai qua nạn khỏi nhờ có chút công! Phan Thanh Giãn, Thoại Ngọc Hầu, Petrus Truong Vĩnh Ký, Gia Long...cùng chung số phận, bị lên án, phỉ nhổ, gạch tên...mà không thể nào lên tiếng thanh minh được, chỉ có đất trời chứng giám, chỉ còn lịch sử được viết bởi những công tâm trong sáng mới giúp các ngài sống mãi với non sông!
Đó là các học giã chân chính, là những tiếng nói lương tri trong giới nghiên cứu lịch sử khách quan, nên sau nhiều cố gắng...các vị này đã dũng cảm thanh minh cho nỗi hàm oan tồi tệ nhất thời cận đại để rồi sau nhiều lần hội thảo, các Tiền Nhân khả kính, các Vua tôi nhà Nguyễn mới được những kẻ hậu sinh cho “phục hồi nhân phẩm”.
Và thế là trường cũ có thể may mắn được mang lại danh xưng cũ, tên xưa có thể được trả lại cho con đường. Cụ thể như tại Thành phố Long Xuyên, Ông Thoại Ngọc Hầu lại được về nơi trường cũ, tượng đồng ngày xưa đã bị dẹp mất, nay được phục hồi bằng tượng đá uy nghi!
Thành thật mà nói, trường hợp Ông Thoại Ngọc Hầu ở An Giang không nghiêm trọng lắm, ngoại trừ trường Thoại Ngọc Hầu bị thay tên thì đường Thoại Ngọc Hầu vẫn tồn tại, Lăng của Ông ở Châu Đốc và đền thờ Ông ở Núi Sập vẫn được phụng cúng liên tục. Có lẽ một số giới chức thời đó của An Giang cũng lờ mờ nhận thấy Ông là người có công lớn với địa phương, nên đã không có những ứng xử cực đoan.
Và như đã nói, sau này, một số anh chị em cựu học sinh, đã cố gắng vận động phục hồi lại tên cũ nơi trường xưa, đặt lại tượng Thoại Ngọc Hầu và xây mới Niệm Sư Từ. Lịch sử rồi cũng vẫn là lịch sử, không thể bóp méo, vo tròn ...mà đắc tội với tiền nhân!
“Lịch sử không phải để gây thêm hận thù mà chỉ để con cháu nhớ và biết ơn những người có công với nước, để nhìn thấy những sai lầm mà sửa đổi về sau, để thấy họa mà tránh, thấy nguy mà phòng!”
Chỉ mong sao, những ai đã trót sai lầm khi lên án, nhục mạ Vua quan nhà Nguyễn...hãy thành tâm xin lỗi Tiền nhân, khi dâng hương lễ bái trong những ngày cúng giỗ, kỹ niệm!
Bây giờ, xin mời các bạn xem chút hình ảnh nơi mà Đức Thoại Ngọc Hầu được ghi công trên sông, núi, nơi mà đền thờ, bia đá được gìn giữ và để các bạn thấy thêm một không gian đẹp chưa được biết đến nhiều chung quanh chân Núi Sập. Có lẽ đây cũng là một điểm son mà chính quyền tỉnh An Giang đã thực hiện, góp phần tôn vinh công đức của Ông Thoại Ngọc Hầu đối với dân An Giang.
Cũng cần phải nói thêm chút ít về cái không gian này để các bạn ở xa khi ghé qua An Giang, nên thử đến đây, vừa thăm 1 di tích của vị công thần nhà Nguyễn, vừa tìm chút tĩnh lặng trong không khí mát mẻ trên đỉnh núi, hoặc ngồi thư giản đâu đó bên bờ hồ nước trong lồng lộng bóng non xanh.
Như chúng ta biết, Núi Sập là một núi nhỏ trong hệ thống Thất Sơn, cao chỉ chừng 85m, từ trước năm 1975, cùng chung số phận của các núi nhỏ khác, bị khai thác theo kiễu tận thu để lấy đá cung cấp cho nhu cầu xây dựng dân dụng và cầu đường, khả năng biến mất trong tương lai là không tránh khỏi. Thế nhưng 1 quyết định kịp thời của chính quyền tỉnh An Giang đã giữ lại ngọn núi và nhờ đó duy trì một di tích quí giá. Chẳng những thế, trong giai đoạn cuối cùng trước khi ngưng hẳn việc bắn núi lấy đá, chính quyền An Giang và Thoại Sơn đã cùng các chuyên gia qui hoạch, khai thác “tạo hình” rất ấn tượng, bằng cách đào lấy đá theo chiều sâu để hình thành 3 hồ nước trong veo nơi chân núi, từ hồ 2 sang hồ 3 còn có 1 đường hầm “xuyên sơn”, khiến du khách rất ấn tượng khi bơi thuyền qua đó. Thật sự, nếu chỉ là cởi ngựa xem hoa, nhiều người sẽ không thấy được những cái đáng yêu của Núi Sập, xin hãy một lần nhẫn nha đến đó, vượt qua lớp nhà đơn sơ nơi chân núi hoặc rặng cây thưa thoang thoáng bóng sườn non, mọi người sẽ ồ lên kinh ngạc: ô hay có một hồ nước hoang sơ với cảnh đẹp kề bên mà sao ta mới biết?!
Lịch sử (history - English, histoire - Francais) hay ictoria (Russian), đều có gốc từ tiếng Hy Lạp historía... là chuyện kể về quá khứ và là 1 khoa học nghiên cứu về quá khứ. Riêng tôi thì thấy thích định nghĩa của Ts. Sue Peabod: lịch sử là một câu chuyện chúng ta nói chúng ta là ai.
Cho nên, dù được viết lại hay kể lại (thậm chí không được kể lại, nhưng có lưu những dấu tích để người đời sau tìm hiểu), lịch sử là một hình thành tất yếu trong suốt quá trình xuất hiện và tồn tại của loài người, nó luôn khách quan với mọi định chế xã hội. Nói 1 cách đơn giản nó chỉ làm nhiệm vụ kể lại sự kiện mà không cần phán xét, không thêm, không bớt.
Có như thế, người đời sau sẽ dễ dàng đánh giá các sự kiện, các biến cố...đã diễn ra, rồi phân định phải trái, đúng sai.
Trong một xã hội lương thiện, lịch sử không phải để gây thêm hận thù mà chỉ để con cháu nhớ và biết ơn những tiền nhân có công với nước, để nhìn thấy những sai lầm mà sửa đổi về sau, để thấy họa mà tránh, thấy nguy mà phòng!
Và như thế, đã từ lâu, lịch sử luôn gắn liền với giáo dục, vì giáo dục là truyền dạy kiến thức, trong đó có kiến thức về lịch sử. Nhưng từ đây, ta lại cần phải bàn thêm 1 chút về cái nhiệm vụ khác của giáo dục, cái nhiệm vụ này chắc chắn cao cả hơn, đó là truyền dạy nhân cách cho con người! Một trong những nhân cách đó chính là lòng tự trọng, là cái sĩ của người được giáo dục, khiến 1 người tạm gọi là có học, thà im lặng chứ quyết không nói điều nghịch nhỉ. Nhất là điều nghịch nhỉ ấy lại là việc phỉ báng Tiền Nhân, hay bao che cho điều đó!
Là cựu học sinh Thoại Ngọc Hầu, tôi chỉ là chứng nhân 1 thời, nên xem những gì mình biết cũng chỉ là 1 sự kiện nhỏ của lịch sử nhà trường cùng lịch sử của Niệm Sư Từ, vốn tồn tại gần như song song suốt mấy chục năm.
Niệm Sư Từ được xây dựng từ năm 1943 nằm trong “khu giáo dục” tỉnh Long Xuyên, bao gồm Ty Giáo dục, Trường Nữ và Trường Nam Tiểu học tỉnh thành Long Xuyên, đến năm 1948 có thêm Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu, được xây dựng sau nhưng lại vinh dự là nơi an vị ngôi Miếu tôn nghiêm này; nằm ngay góc đường Đinh Tiên Hoàng, dưới chân cầu Hoàng Diệu.
Mục đích miếu Niệm Sư Từ là để lưu danh và tưởng niệm những Thầy Cô quá vãng, nhưng qua đó vô hình trung trở thành “biễu tượng” để dạy học trò cái lễ kính trọng “Ân Sư”.
Theo những hình ảnh lưu lại, cùng với ký ức thời học sinh, tôi thấy Niệm Sư Từ tuy không lớn nhưng được xây cất rất vững chãi, nên đến năm 1975, ngôi Miếu này vẫn chẳng có dấu hiệu hư hao.
Rồi khi trường Thoại Ngọc Hầu thay tên đổi họ, cái cổng trường xưa bị đập bỏ để thay bằng nhiều biển hiệu khác, tượng của Ông cũng bị phá đi, theo sự thay đổi mục đích giảng dạy của ngôi trường này, thì cái “biễu tượng” Niệm Sư Từ cũng chẳng còn được ai hương khói. Và cuối cùng, theo ghi nhận của “lịch sử khách quan”, ngôi miếu Tiên Sư xưa đã cùng chung số phận, bị dở bỏ. Người ta nói rằng vì ngôi miếu xuống cấp, có kèo cột bị hư...và nhất là cần “giải phóng” để lấy mặt bằng cho tư nhân thuê làm cơ cở sản xuất nước đá, cãi thiện đời sống công nhân viên!
Thật tình, đó là một ngụy biện, bởi lẽ, một công trình tương đối vững chắc như hình ảnh đã minh chứng, nếu được chăm sóc, khói hương kỹ lưỡng thì không thể nào xuống cấp đến độ phải đập bỏ. Và hồi đập bỏ đâu phải để làm lại cho chắc, mà đơn giản chỉ là xem thường tiền nhân, chối bỏ ân sư.
Thật ra, cũng không thể trách, bởi họ đâu phải là cựu học sinh Thoại Ngọc Hầu! Cái Miếu cũng chỉ là một trường hợp cá biệt vì dính liền đến ngôi trường mang tên nhân vật lịch sử là Quan to của Nguyễn triều, khi thình lình giòng chảy lịch sử cuốn phăng mọi công lao nhà Nguyễn, dìm sâu xuống bùn nhơ. Thân phận Vua Chúa bị truy xét là tội đồ bán nước, nguyền rủa là phong kiến hại dân, đã đành; danh phận của các quan lại cũng cùng chung số phận, bị vùi dập theo kiễu “cá mè một lứa”. Riêng cách hành xử nặng, nhẹ là tùy từng địa phương. Ở Sài gòn, một loạt các tên đường, trường học, công viên...bị tước đoạt danh hiệu, đại lộ Nguyễn văn Thoại chạy ngang cổng trường đại học Bách khoa Phú Thọ không còn, rồi Phan Thanh Giản, Pétrus Ký, Trần Quang Diệu, Gia Long, Thành Thái, Duy Tân...dành cho những trường học, những con đường...đều chỉ còn trong quá khứ. Đó mới là bi kịch, một bi kịch còn lớn hơn cái nỗi oan của Ông Thoại Ngọc Hầu khi bị Võ Du xàm tấu.
May mắn tại An Giang, tên đường vẫn còn, tên trường đổi khác nhưng chỉ đổi là phổ thông trung học...nên vẫn còn”cửa” để phục hồi. Và cuối cùng nhờ nhiệt huyết của một số cựu học sinh, cùng nhận thức nghiêm túc của lãnh đạo tỉnh An Giang, trường được phục hồi tên cũ, tượng đá của Ông được dựng lại và Niệm Sư Từ phiên bản mới được xây dựng cách nền cũ không xa. Âu cũng là một kết thúc có hậu!