24/4/2016
Chào các bạn,
Như vậy, trong thời gian ngắn ngủi của buổi chiều ngày 02-11-2014, tôi tạm thời hoàn tất 1 vòng nhỏ loanh quanh khu phố cổ Yangon mà lần đi năm trước, tôi và bà xã chưa có dịp thực hiện. Thật sự Yangon còn rất nhiều nơi thú vị mà du khách nên khám phá nếu có thời gian. Bây giờ, tôi phải tiếp tục cuộc hành trình để “Trở lại Kalaw”.
Từ Yangon, để đến được Bagan, Mandalay, Kalaw, Bago, Hpa-An, Pyay…khách đi đường bộ phải tới bến xe Aung Mingalar, nằm ở đường Thudhamma, phía Bắc quận Okkalarpa, Yangon, cách trung tâm thành phố khoảng 20km, cách sân bay quốc tế khoảng 8km. Anh bạn Zaw Minn đã tách khỏi đường Pyay ở đoạn gần trường Đại học Phật giáo để rẻ phải qua đường Thudhamma . Lúc này là giờ tan sở nên lưu lượng xe trên đường tăng vọt và thảm họa kẹt xe cũng …giống Sài Gòn! Bình thường, chỉ mất khoảng 50 đến 60 phút cho lộ trình này; nhưng chúng tôi phải di chuyển trong thời gian từ 17h10 đến 19h20 mới đến nơi. Đây là lần thứ 2 tôi đến bến xe này, cách lần trước đúng tròn 1 năm, cả 2 lần đều vào ban đêm nên không nhìn thấy được cái toàn cảnh, đành phải mượn tạm vài hình ảnh của Rolf Zimmermann để các bạn đi sau tham khảo.
Từ Yangon, du khách có thể đến Kalaw bằng 2 cách:
1/Đường không, khách mua vé bay từ Yangon đến phi trường Heho, nằm ở khoảng giữa đường Kalaw-Taunggyi, cách Kalaw khoảng 38km.
2/Đường bộ, khách mua vé xe bus tại bến Aung Mingalar, như tôi vào tối nay.
Thật ra, mọi chuyện này đều do anh bạn Zaw Minn thực hiện theo sự sắp xếp của Sư H, kể cả việc tiếp đón tôi từ phi trường. Tôi chẳng tốn một cent nào từ lúc đặt chân tới Yangon. Như lần trước, anh bạn Zaw Minn dẫn tôi đến phòng vé của công ty Shwe Nan Taw, là hãng xe tốc hành đi Taunggyi, thủ phủ của bang Shan, xe sẽ dừng tại Kalaw trước khi tiếp tục đoạn cuối dài khoảng 52km. Vì tôi là người nước ngoài nên phải xuất trình passport và chịu mức giá 17 USD thay vì chỉ khoảng 12USD cho người bản xứ.
Theo lời những người đã đến Myanmar trước ngày đất nước này mở cửa, thì tình trạng giao thông rất tệ, từ hạ tầng cơ sở đến phương tiện vận chuyển. Nhưng chỉ sau vài năm, sự thay đổi rất ấn tượng, nhất là các quốc lộ chính xuyên liên bang, còn hệ thống xe bus phục vụ hành khách thì hiện đại không kém gì quốc gia phát triển cận kề, Thái Lan. Những chuyến xe bus đêm đi về các vùng, bang phía miền Trung và Bắc Myanmar đều sử dụng loại xe cao cấp, ghế ngồi rộng rãi, bậc ngã lưng rất thoải mái. Ngoài lái chính, xe còn có 1 nam tiếp viên(kiêm lái phụ) và 1 nữ tiếp viên xinh đẹp, phục vụ rất chuyên nghiệp. Máy điều hòa trên xe được bậc tối đa, nhiệt độ luôn dưới 20độ C, tôi đã phải thay chiếc áo thun xanh ngắn tay bằng chiếc sơ mi tay dài và quấn khăn kín cổ. Hành khách được phục vụ “tận răng”, đúng từ nghĩa đen lẫn bóng, gồm 1 chiếc mền cuộn tròn trong bao giấy có băng dán bảo đảm đã giặt sạch, nhét dưới lưng ghế(không như các hãng xe Việt Nam cứ xếp đại trên giá, mạnh ai nấy lấy dùng, dù có hơi chút “tởm” bởi biết chắc mền đã được dùng nhiều lần, chưa giặt!), 1 hộp thức ăn khuya rất lịch sự và 1 tách cà phê Rich…để thức mà cảm nhận cái đêm tối đen bên ngoài khung cửa! Còn nữa, có hãng rất chu đáo cung cấp thêm bàn chải đánh răng để khách vệ sinh trước khi rời xe vào sáng sớm!
Hãy thử so sánh, 1 lộ trình dài 800km, có cung cấp thức ăn lót dạ, cung cách phục vụ lịch sự, chu đáo, giá 17USD, khoảng 380.000 đồng VN và 1 lộ trình dài 190km từ Long Xuyên đi Sài gòn, bị ép vào điểm dừng chân “chặt đẹp”, có giá 140.000 đồng VN thì đúng như báo chí nói, phí vận chuyển đường bộ của Việt Nam thuộc loại mắc nhất thế giới! (Nếu giá cho khách nội địa chỉ có khoảng 12.000 kyat, chừng 250.000 đồng VN, thì còn rẻ hơn nữa).
Sau khi mua vé xong, Zaw Minn chào từ giã, tôi cảm ơn anh bạn người Miến vô cùng, đã giúp tôi bớt nhiều khó khăn trong buổi chiều trở lại Yangon lần này. Tôi quảy hành lý lên xe, nhìn lại bến Aung Magalar nhập nhòa ánh sáng, Myanmar vẫn còn thiếu điện rất nhiều, vậy mà họ đã dũng cảm cắt bỏ dự án đập Myitson trị giá 20 tỉ USD, thoát khỏi bàn tay đen đúa của kẻ lưu manh phương Bắc, để đón lấy ánh bình minh rực rỡ của tự do và phát triển. Từ bây giờ, tôi sẽ trở lại làm kẻ lữ hành cô độc, chuẩn bị tận hưởng một giấc ngủ “lắc lư” trên hành trình dài 790km, để rồi cũng sẽ đón lấy ánh bình minh yên bình trên cao nguyên Shan, nổi tiếng với loài hoa…Anh Túc!
Ngoài phần lớn là khách nội địa, tôi thấy trên xe có 2 Tây ba lô cùng đi với một người hướng dẫn, có lẽ chúng tôi là 3 người nước ngoài duy nhất trên chuyến bus đêm khởi hành lúc 21h đêm nay. Hi hi, tôi chợt cười thầm vì một ý tưởng thoáng qua, 2 vị khách Tây này chắc nghĩ chỉ có họ là người ngoại quốc, vì tôi chẳng khác nào một Burmese!
Thời gian cũng chẳng còn nhiều để tôi rong chơi thỏa thích, Zaw Minn mời tôi và cô bạn học vào quán kem, giải khát đồng thời cũng để tránh bớt cái nóng của buổi chiều Yangon đổ lửa. Có lẽ đây là quán hiếm hoi ở nơi này, có máy lạnh và khá lịch sự.
Rời quán kem, sau khi chia tay cô bạn gái, Zaw Minn tiếp tục dẫn tôi theo đường Pasodan, rồi qua đường Maha Bandoola. Vài sạp bán điện thoại vĩa hè khiến tôi chú ý, vì nó chứng tỏ Internet đang bắt đầu phát triền ở xứ này.
Có lẽ đây là con đường “ăn uống” vì có nhiều hàng ăn vĩa hè đang hiện diện một cách rất “bình dân Miến Điện”. Ở Việt Nam, nơi nào tập trung nhiều hàng quán, phần lớn là tụ điểm “ăn nhậu”, Myanmar không thế, chẳng biết có phải vì tôi không là tín đồ của thi sĩ Tản Đà, mà tôi rất ít thấy chỗ bán bia rượu tại những nơi công cộng trên đất nước này?
Với nhiều người, đi du lịch là dịp để thưởng thức món ngon vật lạ nơi họ tới thăm, thậm chí họ còn chủ động săn lùng các món ăn “độc địa” tại xứ lạ, quê người. Đó thật sự là một trãi nghiệm thú vị ! Nhưng tôi thì lại không có thói quen đó, nên cũng mất đi một chút “hương xa” trên bước đường phiêu bạt! Khi song hành cùng bà xã, thì tôi luôn được “hưởng xái” cái tinh thần “ăn uống” của bà ấy, bây giờ, một mình lang thang giữa “Yangon món ngon vật lạ vĩa hè”, tôi chỉ biết quan sát để kể lại.
Món ăn thường thấy mà tôi từng “quan tâm” trong kỳ đi trước, đó là cái món “tạp pí lù” thịt con gì(?), được nhúng vào nồi nước lèo đun sôi rồi vớt ra dĩa cho thực khách, ngồi lúp xúp chung quanh.
Còn đây là món “bún nước lèo Miến Điện”, tên này do tôi đặt đại! Đặc biệt, “giò cháo quảy” Miến Điện rất ngon.
Cuối đoạn đường “ăn uống’ này là nhà thờ Immanuel Paptist. Bên góc lề phải con đường Maha Bandoola là Aya Bank, Zaw Minn dẫn tôi qua đó, đi loanh quanh khu vực này, gồm Hội trường thành phố, thánh đường Bengal Sunny Jameh Mosque … rồi trở lại xe, chấm dứt buổi chiều rong chơi nơi phố cổ Yangon.
Zaw Minn lái xe theo đường Kabar Aye Pagoda, đưa tôi thẳng tới bến xe Yangon, dọc đường tôi bất ngờ gặp một công trình xây dựng có sự tham gia của doanh nghiệp Quân Đạt, Việt Nam. Đây là thời điểm thích hợp để các công ty Việt tìm cơ hội nơi xứ sở chùa vàng này. Năm rồi tôi đã thấy một cao ốc do Hoàng Anh Gia Lai xây dựng trên đường Pyay.
Mời các bạn theo đường link này để dạo quanh khu vực Chùa Sule cho vui.
https://www.youtube.com/watch?v=h-Bs7331yTQ
https://www.youtube.com/watch?v=syFwwlXP9ro
Nhưng tôi chợt bắt gặp 1 góc văn hóa khá đặc trưng mà dường như gần giống với Sài Gòn quen thuộc, nhiều nơi bán sách dọc đường Pasodan tương tự trên đường Trần Nhân Tôn, bên hông hảng thuốc lá Mic, quận 5. Cho tới bây giờ, đây là sự giống nhau mà tôi chưa thấy ở Vientianne, PhnomPenh hay Bangkok (có thể chưa thấy vì tôi chưa đi hết các thành phố này?).
Với tôi, đây là một bất ngờ rất thú vị! Từ nhỏ, tôi có thói quen la cà các tiệm bán sách “sôn” ở đường Lê Văn Duyệt, đoạn gần rạp chiếu bóng Nam Quang, vừa tìm mua sách rẻ để đọc, vừa mua …để dành. Hồi đó, đây là chốn ghi dấu 1 trong những nét đẹp của Sài Gòn xưa cũ, nơi những cô cậu sinh viên, học trò thường xuyên lui tới, nhiều khi chẳng mua quyển nào, chỉ lật dở vài trang để tìm tư liệu, mà đôi khi không có trong thư viện!
Ôi, Sài gòn một thuở với bao nhiêu chợ “đặc sản” như chợ gạo Trần Chánh Chiếu, chợ cá Trần Quốc Toản, chợ thuốc lá Học Lạc…và đặc biệt, trong đó, có một “đặc sản” độc đáo, mang tính văn hóa cao, đó là sách! Chợ Đũi, trên đường Lê văn Duyệt, đoạn gần rạp hát Nam Quang mà tôi vừa kể, một thời kinh doanh “đặc sản này, nên người Sài Gòn sống trước 1975, mấy ai lại không biết đến chợ Đũi bán sách?
Thực ra, tên chợ Đũi xuất phát từ lúc mới thành lập vào đầu thế kỷ 19.Theo ông Lê Trung Hoa thì “Đũi là thứ hàng dệt bằng tơ gốc, hàng thô. Chợ Đũi đầu tiên ra đời đầu thế kỷ 19 tại phường Phạm Ngũ Lão quận 1, nay dời về góc đường Võ Văn Tần(Trần Quí Cáp cũ)-Cách mạng tháng Tám(Lê Văn Duyệt cũ), quận 3”. Chợ này, thời đó chuyên bán tơ lụa “đũi”, về sau mới chuyên buôn bán sách. Ngoài ra, sách cũng còn bán tại những kiosque dọc theo đường Lê Lợi, đối diện với nhà sách Khai Trí nổi tiếng trước 1975.
Ngày nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin khiến mọi người dễ dàng truy tìm kiến thức, loại kiến thức luôn được cập nhật, chỉ bằng một cái click chuột, trên máy tính, nên sách gần như chẳng còn mấy công dụng.
Cái “văn hóa đọc” rồi đây sẽ mất dần, biết sao được!
Bây giờ tại Yangon, nhìn thấy những quán sách vĩa hè, những “chiếu” sách bày bán trên vệ đường, trên sạp ván dọc các lối đi bộ, rất giống với Sài gòn, tôi bổng nhớ về một thời “văn học” thật đáng yêu, về cái thời trẻ tuổi cùng bạn bè lang thang …săn sách!
Còn tiếp