5/6/2016
Hành trình về nhà chủ cũ của loài chó
|
- Nguyễn thị Kim Thu - |
“Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”. Kinh nghiệm dân gian cho biết chó và trâu là những con thú thông minh, biết tìm đường về nhà. Chó có thói quen trên đường đi thì tiểu vào gốc cây đánh dấu để tìm đường về lại nhà. Còn trâu thì khi đi ngóng cổ mũi thở khì khì. Đó là chuyện thông thường ai cũng biết chó và trâu có khả năng tìm đường về nhà với khoảng cách vài ba cây số.
Hồi nhỏ, chúng ta từng hào hứng xem phim “Lassie come home” của thời 1940 kể về cuộc hành trình dài hàng 400-500 km của chó Lassie với chặng đường rừng băng qua nhiều núi cao sông rộng lắm thác ghềnh từ cao nguyên xứ Tô Cách Lan (Scotland) đến Yorkshire của Anh. Nhưng đây là chuyện phim giả tưởng, do nhà làm phim tưởng tượng. Tuy nhiên, trong đời sống thực tế cũng có nhiều chuyện con chó bị lạc tìm về chủ cũ đầy gian nan. Sau đây là vài câu chuyện được báo chí tường trình chi tiết.
1. Chuyện con chó Pero. Trong cuối tháng 4/2016 vừa qua, các đài truyền hình thời sự quốc tế ở Anh như BBC 24 NEWS, ITM, SKY TV, v.v. và báo chí đăng tải lên trang đầu chuyện con chó chăn cừu tên Pero đã vượt chặng đường dài 410 km trong 12 ngày để về nhà chủ cũ.
Ảnh chó chăn cừu tên Pero
Một nông gia nuôi cừu tên Alan James cư ngụ trong một làng quê tại Penrhyncoch thuộc xứ Wales có một đàn chó 15 con mà ông huấn luyện để chăn cừu (sheepdog). Vào đầu tháng 3/2016, ông biếu một nông gia nuôi cừu khác ở Cockermouth, vùng Cumbria (thuộc Anh) một con chó 4 tuổi (hình trên) tên Pero để giúp chăn cừu. Vào ngày 8/4/2016, chó Pero theo chủ mới đến một cánh đồng để chăn cừu, nó không chăn giữ đàn cừu mà chạy vào khu rừng kế bên và biến mất. Ông nông gia này nghĩ rằng con chó sẽ quay trở về, hoặc nếu đi lạc thì sẽ có người mang trả lại vì chó Pero có mang microchip tên và địa chỉ. Nhưng chờ mải chó vẫn chưa về. Ông bèn điện thoại cho ông Alan James là chó Pero đi lạc mất, nhưng vẫn hy vọng là sẽ tìm được nay mai vì chó mang microchip. Vào ngày 20/4/2016, tức 12 ngày sau, vào đêm khuya ông bà Alan và Shan James nghe có tiếng quào cửa. Vừa mở cửa, hai ông bà sửng sốt vì thấy chó Pero chạy quấn quít quanh rồi nhảy vào lòng ông một cách mừng rỡ. Nó đã tìm về được nhà chủ cũ sau 12 ngày qua một chặng đường dài 410 km.
Lộ trình về quê cũ của chó Pero dài 240 miles (410 km) trong 12 ngày.
Mọi người, kể cả các nhà khoa học, không biết làm sao Pero biết đường về nhà cũ, bởi vì được chở đến nhà chủ mới trong xe hơi kín mít từ Penrhyncoch (Wales) đến Cockermouth (Cumbria), nó đâu thấy phong cảnh trên đường đi, nó đâu có tiểu dọc đường làm dấu, v.v. Hơn nữa trên lộ trình toàn là rừng, nông trại, xóm làng và nhất là làm sao nó an toàn vượt qua các hai xa lộ M6 và M62. Với lộ trình dài 410 km, trung bình mỗi ngày phải chạy 34 km, nếu không ngơi nghỉ, dừng chân tìm thức ăn hay ngủ?
2. Chuyện con chó Jack. Ông David Cooper và bà vợ là bác sĩ thú y Liz cư ngụ ở Penistone, Sheffield (Anh quốc) có con chó tên Jack. Vào ngày chủ nhật 16/5/2011, ông bà chở con chó đến công viên Dearne Valley Park ở Yorkshire, cách Penistone khoảng 25 km. Ở công viên này, hai ông bà dẫn con chó Jack đi bộ vào khu rừng. Gặp một đàn chó khác sủa, Jack hoảng hồn chạy vào rừng. Hai ông bà cùng với nhiều người dạo cảnh trong công viên, hợp lực đi tìm chó Jack. Sau mấy giờ đồng hồ không thấy, hai ông bà bỏ cuộc tìm kiếm.
Chó Jack
Chiều ngày hôm sau, trời tối nhá nhem, nhìn qua cửa sổ ông thấy có con vật đang bò lết ở vườn sau. Nhìn kỷ, ông nhận ra đó là con chó Jack. Nó đã trở về nhà với chặng đường dài 25 km trong 31 giờ đồng hồ. Nó đã vượt an toàn qua xa lộ M1 với 8 làn xe chạy như mắc cưởi với vận tốc xe trên 130 km/giờ, và qua 4 tỉnh lộ A61, A637, A628 và A629 với 4 làn xe và qua một đầm lầy dài hàng vài cây số.
3. Câu chuyện chó và mèo tìm về nhà cũ. Năm 1993 phim “Homeward Bound: The Incredible Journey” kể lại chuyện thật được báo chí tường trình về chuyện hai con chó tên Chance và Shadow và một con mèo tên Sassy tìm đường về nhà xa 400 km phải băng qua rừng hoang vu ở Canada.
4. Câu chuyện chó Bobby. Năm 1924, con chó săn 2 tuổi tên Bobby bị lạc trong lúc cùng gia đình chủ đi du lịch ở Indiana (Hoa Kỳ). Sau khi thất bại trong việc tìm kiếm, cả gia đình trở về nhà ở Oregon cách xa Indiana 4105 km, và ai cũng nghĩ rằng mất Bobby vĩnh viễn. Không ngờ, 6 tháng sau cả nhà sửng sốt thấy chó Bobby trở về, ốm yếu, chân bị thương tật chứng tỏ đã vượt chặng đường dài. Nó lặn lội tìm đường về nhà với chặng đường dài 4005 qua nhiều núi cao, sa mạc trong mùa đông giá lạnh, với vận tốc 23 km/ngày. Nó được nổi danh, và chính nó đóng vai trong phim “The call of the West” (Tiếng gọi Miền Tây). Bobby chết năm 1927 và được thành phố Oregon vinh danh và chôn trong nghĩa địa của Hội Thú Nuôi Nhân Bản Oregon.
Chó Bobby
5. Chó Bucky. Ông Mark Vessels ở Winchester Virginia (Hoa Kỳ) có con chó 3 tuổi tên Bucky. Năm 2012, vì công ăn việc làm ông đến cư ngụ ở Myrte Beach, South Carolina, cách xa 850 km và để con chó Bucky ở lại. Không ngờ, mấy tháng sau ông thấy chó Bucky đã tìm được ông ở địa chỉ mới.
6. Câu chuyện chó Prince vượt biển tìm chủ là lính chiến đấu ngoài mặt trận. Trong Đại Chiến Thế Giới thứ Nhất (1914-1917) một anh lính người Anh được chở qua biển Manche đến Pháp để chống Đức. Con chó nhỏ của anh tên Prince buồn và nhớ chủ đến nỗi không tha thiết việc ăn uống. Cuối cùng, nó bỏ nhà chạy mất. Mọi người không biết bằng cách nào nó vượt qua biển Manche được để đến Pháp, nó chạy lục lọi trong vùng đất đầy bom và lửa đạn của chiến tranh. Cuối cùng nó tìm được người chủ là anh lính đang nằm chiến đấu trong một hầm giao thông ở vùng Bắc nước Pháp.
Làm sao chó tìm được đường về nhà?
Chó là một loại thú rất thông minh, là bạn thân thiết và trung thành với chủ. Dầu chủ nghèo nàn đến đâu, thường bỏ đói hay đôi khi đánh hay hành hạ nó, chó không bao giờ bỏ chủ. Nhiều câu chuyện thật về đức tính trung thành của chó. Như trường hợp ông chủ chết, con chó hàng ngày đến nằm bên mộ chủ, có khi kéo dài tới 15 năm đến lúc nó già chết theo.
Làm sao chó tìm được đường về nhà khi bị lạc.
Thứ nhất, chó có khứu giác rất nhạy bén và tinh tế, nó ngửi biết mùi gì dầu mùi rất nhẹ. Vì vậy, chó được huấn luyện để khám phá thuốc phiện hay thuốc nỗ, v.v. Khi ra khỏi nhà, thỉnh thoảng chó dừng và đái một ít vào gốc cây hay bờ tường để đánh dấu. Mũi chó rất thính với nước tiểu của chính nó. Để tìm đường về, nó ngửi mùi nước tiểu của nó và theo dấu vết đã được đánh dấu bằng nước tiểu để về nhà.
Thứ hai, chó có khả năng định vị GPS như loài chim bồ câu để về chỗ cũ mà nó đã biết.
Nhưng làm sao chó biết chủ đang ở tại một địa chỉ mới xa lạ mà nó chưa hề từng trải để tìm đến? Về khả năng này, các nhà khoa học cho rằng chó có giác quan thứ 6 là “thần giao cách cảm” (telepathy). Các nghiên cứu công bố vào tháng 4/2016, các nhà khoa học cho biết chó có khả năng cảm thông với chủ, hể chủ vui nó vui theo, hể chủ buồn nó cũng buồn theo. Bản năng đặc biệt này là do chó cảm nhận được làn sóng não bộ (brain wave) của chủ, đó là khả năng “thần giao cách cảm”. Chó có bản năng định hướng làn sóng não bộ của chủ, và chó cứ theo hướng đó mà đi tìm.
Reading, 6/2016