|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Bi kịch chiến tranh... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
9/4/2017
BI KỊCH CHIẾN TRANH VÀ NHỮNG NGÀY ĐÓI KHỔ
Sáu mươi lăm năm cuộc đời tôi đã trải qua bao phong ba bão táp. Những cay đắng ngọt bùi vinh nhục đều nếm đủ. Đã hiểu được kiếp nhân sinh số phận của con ngưòi. Điều may mắn đã giúp tôi vượt qua được và có được hạnh phúc như ngày hôm nay. Có những việc trải qua đã thành quá khứ. Nhưng có quá khứ không thể nào quên được khi nó biến đổi số phận một con người. Những đau thương nghiệt ngã cũng là trải nghiệm sống để giúp mình sống lắng đọng và tử tế hơn khi đã từng vượt qua cái chết. Tôi xin được kể lại thân phận của mình qua biến cố lịch sử của hơn 40 năm về trước.
Ông bà ta có câu: Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Cái no đủ có khi đã thèm lại chóng quên. Cái đói nghiệt ngã lại hằn sâu trong ký ức. Đã hơn 40 năm mà tưởng như mới hôm nào. Nhớ những ngày cuối tháng 3/1975 đơn vị tôi đóng tại căn cứ Đệ Đức thuộc huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định.
Ngày 28/3 Quảng Ngãi đã mất nên thiếu tá Mười tiểu đoàn trưởng quyết định di tản. Đơn vị cho phá hủy căn cứ,đốt kho xăng, kho đạn với những tiếng nổ kinh hoàng làm cả một vùng trời rực đỏ. Tất cả hỗn loạn theo quốc lộ 1 rút về Qui Nhơn. Đi suốt cả đêm và một ngày về đến đèo Nhông. Một cảnh hỗn độn xảy ra với một đoàn quân xa chất đầy lính và dân di tản tránh vùng chiến sự. Người ta đeo bám bất cứ nơi nào có thể bám víu được. Không thể nào lên xe được, tôi đành băng đường ruộng vượt lên núi mà rút lui. Không ngờ đèo Nhông lọt vào ổ phục kích của bộ đội cách mạng. Với cả một hỏa lực hùng hậu trang bị AK,12 ly 7,B40 nhắm vào đoàn người hỗn quan hỗn quân di tản nên tổn thất thật nặng nề. Để thoát thân dưới bao làn mưa đạn, tôi đành vứt ba lô để chạy lên núi. Đến lưng chừng núi do mệt và đói khát tôi bị kiệt sức không thể nào tiếp tục đi được. Một người lính định dìu tôi đi,tôi ra hiệu cho anh cứ đi còn tôi nằm lại rồi lấy trong túi áo ống thuốc trợ tim để tự tiêm cho mình. Do quá khát và ba lô đã vứt đi, tôi đành tiểu vào nón sắt để uống, sau đó tôi ngủ thiếp đi lúc nào mà không hề hay biết. Được đánh thức dậy bởi ánh nắng chói chang của mặt trời chiếu vào mặt. Nhìn xung quanh im ắng không một bóng người, mới biết là tôi đã ngủ một mình suốt đêm ở bìa rừng.
Cái đói khát bắt đầu hành hạ vì đã 2 ngày chưa hề ăn uống. Tôi đã tìm vũng nước ở bìa ruộng để uống cho đã khát. Gặp mấy vòng khoai lang, tôi bới tìm củ để ăn. Vì khoai mới trồng nên chưa có củ. Tình cờ bắt gặp một con gà bỏ trong bao cát, chắc do dân di tản bỏ lại. Với cái đói hành hạ và bản năng sinh tồn. Tôi dùng lưỡi lê cắt cái đùi gà, lột lông rồi ăn sống. Làm sao mà có thể nhai sống đùi gà được nên tôi đành vứt đi. Không thể đốt lửa vì sợ lộ mục tiêu, tôi đành tìm nơi trú ẩn để ban đêm tìm đường thoát thân. Nằm chờ vài giờ, bỗng nghe tiếng nổ của pháo binh bắn vào các điểm cao trên núi để mở đường rút binh di tản. Rồi nghe tiếng lao xao và tiếng những bước chân thình thịch, tôi bắt gặp những người lính của trung đoàn 47 sư đoàn 22 mở đường rút lui. Khi biết tôi thất lạc đơn vị, các anh bảo: Thiếu úy đi với chúng tôi , chúng tôi sẽ lo cho thiếu úy. Tôi đi với các anh để mở đường ra quốc lộ. Đến quốc lộ, bắt gặp thiếu úy Be chỉ huy chi đội thiết giáp, tôi chặn xe lại và lên xe cùng thiếu úy Be. Vào thùng xe tôi gặp trung sĩ Ngân là người cùng chung đơn vị. Anh cho tôi mấy miếng khoai lang khô ăn cho đỡ đói.
Phải mở đường qua đèo Nhông khi hằng chục chiếc xe bị bắn phá hư hại nặng, hằng trăm xác người tung tóe khắp nơi. Một cảnh tượng kinh hoàng không thể nào quên được. Vượt qua đèo Nhông , về đến Phù Mỹ . Vào đến hậu cứ , tất cả mọi người đã di tản. Anh Ngân dẫn tôi vào câu lạc bộ rồi mua con gà nấu cháo để 2 người cùng ăn. Chi khu Phù Mỹ với hàng ngàn người bị dồn ứ lại, với đủ mọi sắc lính. Đường về Qui Nhơn đã bị chia cắt. Bộ đội miền Bắc đã bao vây và nả vào hàng trăm quả pháo.
Ngày 31/3 với sự yểm trợ của trực thăng, các đơn vị sắp xếp lại đội hình mở đường về Qui Nhơn. Được thông báo Phù Cát đã treo cờ giải phóng. Đoàn quân hỗn loạn mở đường vào phi trường Phù Cát. Hai chiếc máy bay C130 dự trù đưa quân di tản phải cất cánh bay đi, trước cảnh giành giật bắn nhau để tìm cách thoát thân của những người lính.
Cái cảnh tan hoang của phi trường với đồ đạc chất đống ngỗn ngang vứt lại. Những khuôn mặt hoang mang ngơ ngác xen lẫn hận thù. Tôi leo vội lên xe thiết giáp mở đường thoát ở phi trường. Nhưng phi trường đã bị bao vây. Hàng loạt tiếng súng bắn vào. Người lính ngồi sau lưng tôi bị đạn bắn vào đầu. Anh ngã xuống và chết ngay tại chỗ. Anh đã chết thay tôi trong nghiệt ngã. Tôi nhảy xuống khỏi xe thiết giáp và bám theo các anh không quân. Các anh điều hành không lưu được hứa là sẽ có trực thăng đến rước. Nhưng là lời thất hứa đáng nguyền rủa trong giây phút thập tử nhất sinh này. Một đêm qua đi với bao tiếng súng, tiếng nổ mìn vì những người lính cố thoát qua vòng kẽm gai bảo vệ của phi trường. Những cái chết không được báo cáo và sẽ mãi mãi không tìm thấy thân xác trong thời khắc lịch sử này.
Sáng ngày 1/4, những chiếc nón cối xanh dày đặc xuất hiện tiếng phát loa kêu gọi đầu hàng. Dấu chấm hết một cuộc đời tưởng đã bắt đầu từ đây. Cầm cây súng M16 trên tay. Tôi định kết liễu cuộc đời mình. Chợt nghĩ,nếu chết gia đình sẽ mãi mãi khổ đau vì bặt vô âm tín. Làm tù binh còn có hy vọng ngày về. Buông khẩu súng , gỡ vội bông mai trên cổ áo cùng giấy tờ tùy thân vứt bỏ. Lần đầu tiên nhìn rõ mặt đối phương cảm giác sợ hãi không còn, lòng ngập tràn nỗi buồn u uất. Không tiếng quát tháo, không lời đe dọa. Những khuôn mặt thư sinh chừng như vừa khoác vội áo lính, tập họp chúng tôi vào doanh trại. Mấy chục con người thất trận lặng im chờ đợi. Chúng tôi được dẫn ra khỏi phi trường giao cho du kích địa phương. Hằng trăm người được dồn vào trường học. Có mấy tay phi công bị nguyền rủa là giặc lái ác ôn. Tất cả quân trang bị tịch thu. Mỗi anh chỉ còn bộ quần áo dính thân trên người. Các đôi giày được cởi bỏ. Hành trình những đôi chân trần của kiếp tù binh. Một vắt cơm trộn muối hột được phát cho. Miếng ăn đầu tiên nếm trải trong nghẹn ngào.
Đoàn tù binh với hằng trăm con người xếp theo hàng một được dẫn đi. Kèm cặp xung quanh bao tay súng sẵn sàng nả đạn. Ngày đi đêm nghỉ , dưới cơn mưa như trút nước , như thử thách và trêu chọc kiếp người. Qua mấy ngày , lòng bàn chân đã bắt đầu có chỗ phồng dộp. Khốn nạn , nếu chỗ phồng dộp vô tình giẫm lên viên sỏi đá, một cảm giác đau nhói tận tim. Đường quốc lộ 19 không một bóng người, thỉnh thoảng bắt gặp những chiếc quân xa bị phá hủy. Đây đó những bộ xương khô trắng bên cạnh cái nón sắt và chiếc ba lô. Chứng tích thật tàn nhẫn của chiến tranh lộ rõ nguyên hình.
Rồi cũng đến nơi cần đến. Trại tù binh trong mật khu Vĩnh Thạnh nằm ẩn sâu trong rừng rậm. Mấy trăm con người được khai báo và phân loại: sĩ quan,hạ sĩ quan và binh lính. Những bữa ăn với gạo độn mì và sự chờ đợi trong vô vọng. Cái tin giải phóng hoàn toàn miền Nam được thông báo đã kết thúc cuộc chiến tranh, nhưng chưa biết được số phận của kiếp người. Hãy cứ sống để tồn tại.
Qua 2 tháng, tôi bị phù thủng, hai chân tê cứng và phù nề, rất may gặp được chuẩn úy Vinh. Anh quê ở Bình Định và cùng chung đơn vị với tôi. Nhờ sự tiếp tế của gia đình anh. Anh đã chia sẻ cho tôi thức ăn, thuốc uống và đôi dép cao su để mang. Anh là ân nhân đã cứu mạng tôi trong cơn khốn cùng. Bốn tháng tại trại Vĩnh Thạnh cũng qua đi. Những người lính và hạ sĩ quan được thả về. Toàn bộ sĩ quan được đưa về An Trường tổ chức lao động học tập cải tạo. Tôi cũng nhắn tin được cho gia đình vì có một anh lính không quân quê ở Cần Thơ bị giam giữ chung trong trại Vĩnh Thạnh.
Tại trại 2 tổng trại tù binh 4 quân khu 5 ở An Trường. Tôi được phân công làm nhiệm vụ Y Tế , chăm sóc sức khỏe cho anh em trong trại vì tôi là thiếu úy sĩ quan Trợ Y. Không phải vất vả đi lao động bên ngoài nên cũng an nhàn.
Cuối tháng 7/1976 được tha về với 5 đồng 2 hào lộ phí. Có những tấm lòng sẻ chia của mấy người mà tôi chẳng hề biết tên. Anh xe lam chở từ ngã ba Phú Tài về Qui Nhơn đã chở chúng tôi miễn phí. Bữa cơm nóng của một gia đình ở Nha Trang đã nấu cho chúng tôi ăn. Những người phụ nữ đã dúi vào tay chúng tôi những cái bánh trên toa xe lửa từ Nha Trang về Sài Gòn. Đến ga xe lửa Sài Gòn , một anh lính đã mời tôi một tô mì , ly cà phê sữa đá và điếu thuốc thơm. Những con người đó, dù bây giờ không biết tên và nhớ mặt nhưng sẽ đau đáu trong tôi đến hết cuộc đời. Bởi lẽ , miếng ăn ân tình không bao giờ tiêu hóa hết.
Ngày .../.../...
Đỗ Trí
|
Vượt Đèo ( Ảnh minh họa internet) |
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1063479 visitors (3179247 hits) |