|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Thảo cầm viên |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
31/7/2016
Thảo cầm viên Sài Gòn,
chút gì để nhớ… - Thu Hà
Sau ba năm học ở trường Trung Học Nông Lâm Súc Bình Dương, tôi từ giã mái trường thân thương nhiều kỷ niệm để về lại Sài Gòn, nộp đơn thi vào ngành Sư Phạm NLS, ban Sinh Hoạt Gia Đình theo ý của Ba tôi. Ông bảo: “Phụ nữ, làm cô giáo và ban SHGĐ, cũng hơi giống bộ môn Nữ Công của các trường Phổ Thông thì thích hợp cho gia đình sau này hơn.” Tôi nghe cũng có lý, vì thật ra ba năm học ở Bình Dương tôi ham vui nhiều hơn là thích ngành NLS.
Con đường học vấn của tôi tương đối suôn sẻ. Tôi lại trúng tuyển đúng ý của Ba tôi. Học cùng lớp lần nầy lại có thêm năm bạn của trường BD nữa là Minh Tâm, Ngọc Thu, Lê thị Cúc, Kim Chung và Thu Lan. Trong năm bạn nầy, Kim Chung là cô bạn ngồi cùng bàn với tôi suốt ba năm thời trung học. Nhà trọ cả hai lại gần nhau, nên sáng chiều ngày hai buổi con đường từ Búng đến trường đều in dấu chân hai đứa. Như vậy trong sỉ số 20 sinh viên của lớp Sư Phạm, phe ta chiếm hơn một phần tư rồi, còn lại là của Huế, Cần Thơ, Bảo Lộc nên tôi cảm thấy thật vui và nhiều tự tin trước khi vào khóa học!
Trường mới của tôi là Nha Học Vụ NLS, số 9 đường Mạc Đỉnh Chi, ở phía sau lưng Tòa Đại Sứ Mỹ, tương đối gần Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Có lẽ Lớp SHGĐ chúng tôi toàn con gái nên được ưu đãi một chút. Lớp học là phòng họp ở trên lầu có balcon nhìn xuống đường. Ở cái balcon nầy cũng thật nhiều kỷ niệm. Những khi chưa đến giờ học, đứng ở balcon nhìn xuống đường, nhìn xe cộ qua lại, nhìn bạn bè đến trường rồi chọc phá, cáp đôi và cười vui vẻ. Những giờ rảnh rỗi đứng nhìn trời mây, chúng tôi lại lo lắng về tương lai, về những ngày sẽ làm cô giáo trẻ ở một nơi nào đó mà mình cũng chưa biết… Cũng ở cái balcon ấy mỗi khi nghe tiếng súng vọng từ xa, chúng tôi chia sẻ những lo lắng về người thân của mình đang trong quân ngũ, về các bạn nam giáo sinh cùng khóa… (vì sau khi tốt nghiệp các bạn phải nhập ngũ, thụ huấn quân sự tại Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.)
Mặc dù khác ban nhưng cùng ngành Sư Phạm nên chúng tôi vẫn có những giờ học chung với nhau như: Phuơng Pháp Giảng Dạy, Dụng Cụ Thính Thị, Thực Hành Nông Trại… Đặc biệt nhất và cũng “nhiều chuyện” để nói là lớp DCTT của Thầy Nghiêm Xuân Thịnh. Lớp nầy chúng tôi học ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn mà cũng còn một từ rất dễ gọi, rất bình dân là: “SỞ THÚ”
Thế là một tuần chúng tôi được dịp đến đây một lần. Một địa điểm học lý tưởng cho các bạn nam thanh nữ tú NLS. Ngoài cảnh vật thật lý tưởng, nơi đây lúc nào cũng dập dìu khách viếng, sinh viên đi nghiên cứu của trường Đại Học Y Dược, thỉnh thoảng lại thấp thoáng các tà áo dài Trưng Vương của những cô nàng ham vui trốn học… Buồn cười nhất là các anh chàng giáo sinh nhà mình, rất kinh nghiệm “tán gái ” làm các cô nàng lầm tưởng các anh là sinh viên Trường Dược! (Trường nữ Trung Học Trưng Vương nằm kế bên Sở Thú Sài Gòn) Vừa rồi, nhân lúc gặp lại nhau ở ngày Đại Hội III, anh bạn lớp tôi nhắc lại kỷ niệm ngày xưa, có những chiều về mấy chàng còn “lên đồ” để còn dẫn các em đi ăn chè hay đi uống sinh tố nữa…
Giờ của Thầy Thịnh ở một môi trường như thế thì chúng tôi ắt hẳn “lo ra hơn là lo học”… Thầy cũng đã làm học trò rồi và giờ là thầy của mấy cô cậu NLS nên Thầy luôn nhắc nhở, răn đe chúng tôi, là giờ ra chơi không được đi quá xa vì chỉ có mười lăm phút thôi. Đôi lúc Thầy còn giới hạn trong phạm vi bao nhiêu mét nữa mà tôi quên, chỉ nhớ là cả lớp phì cười sau khi Thầy nói! Mặc Thầy luôn nhắc đi, nhắc lại điều nầy, vẫn có khá nhiều “con nhạn" cuối đầu đi nhanh về chỗ ngồi khi giờ học đã trở lại…
Viết đến đây kỷ niệm về Thầy và các bạn trong tôi vẫn rõ như ngày nào… Thầy tôi lúc nào cũng ăn mặc bảnh bao, tóc thì luôn chải bri-ăn-tin láng mướt. Chúng tôi thường đùa: “con ruồi mà đáp lên tóc Thầy chắc phải té quá!” Thật lòng mà nói, sự tươm tất của Thầy đã góp phần nào cho giờ học DCTT có cái gì đó hay hay, vui vui và luôn có đề tài để bọn tôi nhỏ to… Chú ý về hình thức khi lên bục giảng, thể hiện sự tôn trọng học sinh hay đối tượng của mình, cũng nằm trong phương pháp giảng dạy mà chúng tôi thường được Thầy Cô nhắc nhở. Điều nầy tôi rất đắc ý vì lại có thêm một lý do chính đáng để… điệu đà!
Kỷ niệm về Thầy Thịnh vẫn chưa dừng lại ở đây, ấy là Thầy không được cao cho lắm, chỉ hơi thăm thấp một chút thôi nên đây là một đề tài chúng tôi chọc phá Thầy. Bạn nào hơi cao một chút là bọn tôi “xúi dại” là tìm cách đi gần hay ngang qua Thầy để chúng tôi đo lén để rồi lại cười với nhau. Đặc biệt nhất có Hà Bạch Ngọc, mà lớp tôi gọi là “Bột Ngọt.” Ngọc, em của Thầy Hà Văn Mới, cũng gầy và cao lêu khêu như ông anh mình; Ngọc cũng ham vui, nên đôi khi cao hứng, chứ không đợi “xúi” cũng tìm cách đi gần Thầy để đo cao thấp… Trong hình đính kèm phía dưới, Ngọc đứng ngoài cùng bên phải.
Quanh quẩn ghẹo Thầy với các bạn cùng lớp hoài cũng chán, nên có cơ hội là bọn tôi “chộp” ngay. Hôm đó sau giờ học của Thầy, lớp tôi mời Thầy, hay Thầy kêu chụp hình kỷ niệm tôi không nhớ rõ. Tình cờ nhỏ Hồng (Nguyễn Thị Hồng cùng lớp với tôi và Kim Chung) ghé thăm. Không hẹn hò gì trước cả, hôm đó Hồng cũng diện áo dài trông rất xinh tươi, tóc dài, dáng dong dỏng cao, thế là bọn tôi rù rì: “Thầy hay Hồng ai cao hơn?” Sau cùng cả bọn bài kế bạn Hồng đứng phía sau Thầy là thượng sách! Hồng phải nói là hiền nhất của lớp MSKI, nhưng lại ham vui, vì thế sau khi biết ý đồ bọn tôi, bạn đồng ý ngay không chờ năn nỉ. Thế là chúng tôi có được tấm hình kỷ niệm của thời “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò!”
Thỉnh thoảng nhìn lại tấm hình kỷ niệm nầy, tôi vẫn có cảm giác thật gần, mới ngày nào thôi, Thầy Cô, bạn bè đó cùng tuổi mộng mơ ngày nào…
Sau ngày tốt nghiệp vào “Mùa Hè Đỏ Lửa, 1972” đến nay tôi chưa đuợc dịp gặp lại Thầy Thịnh thân thương của lớp tôi, SHGD K6! Mặc dù hay chọc phá thầy như thế nhưng chúng tôi phải đều công nhận và thường nói, “Thầy mình nhìn OÁCH thật!"
Thảo Cầm Viên Sài Gòn của tôi ngày đó còn gợi nhớ một kỷ niệm… “khó quên”của những hơn bốn mươi năm qua… Một chút gì để nhớ rất nhẹ nhàng, dễ thương của thời đi học mà tôi đã, đang và sẽ mãi trân quý… Giờ ra chơi ở Thảo Cầm Viên năm ấy có một bài thơ không còn nằm trong vỡ nữa, đến giờ chơi mang đến đưa tận tay nàng… Tác giả bài thơ ấy giờ đã thật sự rời xa Thầy Cô, bạn bè, thật sự xa tôi… Cầu mong bạn bình an nơi xa ấy…
Cảm ơn tuổi học trò, cảm ơn Thầy Cô, trường xưa, bạn cũ…
Thu Hà (NLS/BD) MS2
Nha Học Vụ NLS/SG số 9 Mạc Đỉnh Chi duy nhứt còn sót lại
- Thầy Nghiêm Xuân Thịnh và lớp Sư Phạm Sinh Hoạt Gia Đình
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1063408 visitors (3179073 hits) |