Dấu tích trường xưa-
Có những ngôi nhà |
- BÙI THO -
|
DÂU TÍCH TRƯỜNG XƯA
Có Những Ngôi Nhà
Ở đây có biết bao điều để nhớ để thương, ngoài rừng cây thảm cỏ, ngoài những con đường. Chúng ta làm sao quên được chiếc cổng, văn phòng, 3 giảng đường: A, B, C, Đại Thính Đường, Thư viện... rồi câu lạc bộ, 5 lưu xá: A, B, C, D, E, những ngôi nhà cao cẳng, những cơ sở khác như nông xưởng, nhà xe, các chuồng trại, nhà máy đèn, tháp nước, sân bóng… và một dạng kiến trúc nữa chắc chắn chúng ta không thể nào quên, đó là những nhà ở của Giáo sư.
Những ngôi nhà ở của giáo sư có hai dạng:
1/- Có 15 nhà biệt lập mà ta quen gọi là bịêt thự: Ba nhà mang số 1-2-3 dọc theo quốc lộ 20, sáu nhà mang các số 4 đến 9 dọc theo Phượng Vĩ lộ, 5 nhà mang số 10 đến14 dọc theo con đường cuối Hòang hoa lộ và nhà thứ 15 đặc biệt nằm riêng một cõi ở trước vườn cam trên đường dẫn ra cổng phụ. Loại này gồm một nhà chính diện tích gần 100 mét vuông trong đó có 3 phòng ngủ, phòng ăn và phòng khách, một dãy nhà dưới gồm một nhà để xe, bếp và 2 phòng ngủ dược dành cho quản gia và tài xế. Dạng kiến trúc này nếu tinh ý ta còn phân biệt thành 2 dạng khác nhau là ngay cửa hông của nhà chạy thẳng vào garage là một vòm bê tông vòng xuống đất như một mái che, ở các nhà số 1 đến 10 và nhà số 15. Còn các nhà còn lại thay vì vòm cong xuống đất là tấm đan phẳng mà thôi, có lẽ đây là nhà được xây dựng sau loại kia mang số 11 đến 14.
2/- Có 6 nhà song lập nằm ở mạn đông vườn cam tiếp giáp với đường hoa móng bò. Trong đó có 3 nhà nhìn ra đường móng bò là lọai 2 phòng ngủ (dãy nhà thầy Lê Thịêp, cô Thế...) và 3 nhà theo đường đất, mặt nhà nhìn vào hướng tây có nghĩa là nhìn vào hông 3 nhà kia, loại này có một phòng ngủ.
Sự hình thành các nhà này có thể bắt đầu sau lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao, thời ấy hình dáng, cấu trúc, màu sắc…. dân địa phương gọi là nhà kiểu Mỹ, nhờ có nhóm đại diện nhà thầu xây dựng thuê nhà của bà cô tôi trước nhà số 1 nên tôi thường vào chơi nơi ấy và nhớ mang máng rằng ngôi nhà số của Giáo sư Tâm, có bà vợ người Pháp.
Đối với các nhà nhà biệt lập, không rõ từ lúc nào các nhà số 1, 2, 3 và 4 được nhượng cho quân đội Mỹ sử dụng làm cơ sở MACV vì khi chúng tôi vào học NLS 1963 thì không còn đi lại được con đường nối từ quốc lộ 20 vào gặp Hoàng hoa lộ trước nhà ngủ E nữa (có người gọi là Phượng Vĩ lộ, chạy bên hông Đại Thính Đường, thật sự chỉ có 1, 2 cây Phượng vĩ mà thôi có thể trước đó trồng phượng vĩ nhưng không mọc đều?). Đến năm 1973 cơ sở này được giao trả lại cho trường rồi sau đó nhà trường bố trí lại cho các gia đình thầy cô.
Cho đến năm 1975 là những căn nhà được các thầy sử dụng:
Nhà số 1-Từ Văn Trường
2-Nguyễn Văn Hanh
3-Đỗ Văn Quang
4-Nguyễn Khánh Kim
5-Nguyễn Mạnh Hùng (Hùng dollar)
6-Lê Anh Luân
7-Nguyễn Hữu Minh
8-Phan Bá Sáu
9-Trương Văn Trinh
10-Lê Quang Minh
11-Bùi Văn Tho
12-Vũ Xuân Tú & Nguyễn Ngọc Tản & Nguyễn văn Quí
13-Trương Văn Hy
14-Lê Đức Kính
15-Nguyễn Văn Khuy.
Còn các nhà song lập tôi nhớ mang máng là các thầy cô : Chúc Nghĩa, Trần Thanh Giang, Lê Thiệp, Đặng Văn Nước, Đỗ Thị Minh Nguyệt, Hương Lan, Vũ thị Minh Châu, Trần Thị Thành, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Huỳnh Thị Phấn, Trần Phát Ngôn, Phan thanh Kiếm….
Có lẽ chúng ta không thể nào quên những ngôi nhà ấy về hình dáng và cấu trúc như mái fibro cement, tường đá phối hợp với tường gạch tô, cửa gỗ kính, nền lát gạch hoa. Và cả màu sắc nữa ở nhà biệt lập các bạn còn nhớ không? Diềm mái, gỗ cửa mang màu đỏ nâu, tường quét vôi vàng. Còn ở nhà song lập với diềm mái màu đỏ, tường màu xanh thiên thanh và gỗ cửa là màu xanh lá mạ…. Thế đó, ở triều đại NLS những ngôi nhà ấy chưa tròn 10 năm tuổi, nó vẫn giữ nguyên hình nguyên trạng và cả khung cảnh chung quanh cho đến tuổi thứ 20 chứng kiến việc thay ngôi đổi chủ… rồi vì nhu cầu cuộc sống bấy giờ những người chủ tạm của nhưng ngôi nhà này tùy nghi thay hình đổi dạng không theo một mô hình, kiểu cách nào ngay cả việc thay cả mục tiêu sử dụng nữa làm tôi nhớ đến cái tờ giấy pelure mỏng dính đánh máy ngày nào tôi phải gìn giữ cẩn thận, đó là quyết định cấp nhà cho tôi trong đó ghi nhiều điều mà quan trọng nhất là không được can thiệp vào cấu trúc của nó, kể cả màu sắc nữa, tôi còn nhớ cả một năm nào đó thời thầy Khuy làm hiệu trưởng có cho biết vì ngân sách eo hẹp nên việc sửa chữa nhỏ các nhà ở của giáo sư không tiến hành được và năm đó nhà trường có phát cho mỗi nhà một thùng sơn 5 kg để mỗi nhà tự sơn làm đẹp nhà nột chút nhân ngày tết đến!
Tôi đã từng chứng kiến những vị chủ cũ ngày xưa một lần ghé thăm ôm cánh cửa nhà khóc nức nở, cũng có người mừng rỡ như Đặng Văn Nước khi nhìn thấy cái bệ xi măng anh đúc ngày xưa để dẫn chiếc Lambretta của anh ta vào nhà vẫn còn đó. Hay là tiếng la thảng thốt “Trời ơi, nhà tui đây hả!” của bà xã thầy Lê Quang Minh, sau 27 năm, khi về thăm lại nhà số 10 với những dấu tích hoang phế đến thảm hại.
Như vậy nếu tính thì đến nay những căn nhà ấy đã 55 tuổi rồi, nói theo tuổi nhà cửa là nó quá lão rồi, trên danh chính ngôn thuận là nhà trường mới đây đã cho hủy bỏ 2 nhà biệt lập số 6 và 7. Song song, 3 nhà song lập 2 phòng ngủ cũng đã bị đập bỏ thuộc dự án xây dựng khu dân cư, bởi lẽ khu vực này đã giao cho chủ mới là thành phố Bảo Lộc đã mấy năm nay...
Tưởng cũng nên nhắc lại một sự hóa thân ít ai biết đến, đó là bốn nhà biệt lập 1, 2, 3 và 4. Sự hóa thân này như chừng nó được bắt đầu từ năm 1973 và cả ảnh hưởng trước đó khi làm cơ sở MACV nữa. Theo tôi biết sau năm 1973 hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh cơ sở MACV được hoàn trả, nhà trường bấy giờ do thầy Nguyễn Văn Khuy Hiệu Trưởng đã phân bổ cho các thầy Trường, Hanh, Quang, Kim ở các nhà trên. Sau các nhà trên còn có một số cơ sở nhà cửa do MACV để lại, nhà trường bấy giờ kết hợp với một gia đình người Mỹ có vợ Việt là một công ty sản xuất nông nghiệp có tên gọi tắt là FFAD? Để kết hợp vừa dạy vừa sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Công việc mới mở đầu thì biến cố 1975 xảy ra. Trường lớp và các cơ sở bỏ trống. Nhà trường thì chưa có ai tiếp thu trong lúc khu nhà số 1 đến 4 vừa sát quốc lộ 20 thêm cơ sở mới thiết lập của công ty FFAD trong đó có một số máy móc chuyên dùng về cầu đường nên công ty cầu đường tiếp thu ngay, dù sau này ban lãnh đạo đương nhiệm có yêu cầu trả lại cho nhà trường nhưng cuối cùng vẫn không có kết quả và từ đó nó ở với người chủ khác. Vì thế sự thay hình đổi dạng của khu vực đó trong tôi vẫn không chút động tâm.
Mới đây trong lần trở lại quê nhà anh Từ Văn Trường chắc chắn đã ngồi trong khoảng không gian của một ngôi nhà biệt lập ngày xưa. Tại Phòng Khách? Phòng Ngủ ? Hay phòng ăn của ngày nào? Bây giờ là văn phòng đón khách tại Bảo Lộc của hãng xe Phương Trang, nó chính là ngôi nhà biệt lập số 1 của trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao, của trường Trung học Nông Lâm Súc Bảo lộc. Chính là ngôi nhà của anh đã ở trước năm 1975!
Thật là thiếu sót nếu không nói đến một ngôi nhà mà thần dân NLS đều biết, nó toạ lạc ngay góc vườn cam trên đường ra cổng phụ, kiến trúc khá đặc biệt và có tầng lầu, màu tường toàn trắng nên còn gọi là “Nhà Trắng”. Đó là nhà của vị lãnh đạo nhà trường: Hiệu Trưởng. Ở thời Nông Lâm Súc (hệ trung học) Kỹ Sư Đỗ Cao Thọ là người ở đầu tiên, kế đến là thầy Nghiêm Xuân Thịnh rồi đến thầy Nguyễn Phúc Chân, sau thời thầy Chân thì thầy Nguyễn Văn Khuy làm hiệu trưởng, thầy Khuy vẫn ở nhà cũ ở số 15 chứ không dọn vào Nhà Trắng. Đến khi thầy Nguyễn Văn Hanh làm hiệu trưởng cũng vậy. Có điều lạ là sau 1975, ngôi nhà trên các vị lãnh đạo kế tiếp không dọn vào ở chỉ dành cho ở tập thể, nhà trẻ, trạm xá và nhà khách nơi đây thầy Châu Kim Lang được mời thỉnh giảng môn Sư Phạm thường lên trú ngụ.
Tôi nhớ, một hôm đang làm việc thì một anh bảo vệ báo cho tôi có vợ chồng ông giám đốc cũ vào thăm nhà ở ngày xưa, tôi vội đến nhà này và nhận ra ngay ông Nguyễn Phúc Chân với vẻ mặt đăm chiêu nhìn vào nhà, ở đó bên cửa sổ một người đàn bà vừa nhìn vào trong vừa khóc nức nở. Tôi làm mặt nghiêm lên tiếng: “Ông kia ở đâu vào đây làm gì? Còn bà kia nữa có việc gì mà khóc lóc như vậy?” Ông bà nhìn tôi sửng sốt, qua khoảnh khắc bất ngờ đó, ông nhỏ nhẹ lên tiếng “Chúng tôi về thăm lại nhà cũ, bà nhà tôi nhớ ngày xưa chúng tôi sinh cháu gái nơi đây!” Tôi lại hỏi tiếp “Ông có phải là Nguyễn Phúc Chân không?” – “Phải, sao ông biết tên tôi?”- “Thưa ông Hiệu Trưởng, tôi Bùi Tho ban Thủy Lâm đây, rất mừng được gặp ông bà” “Trời ơi anh Tho”. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, gần 30 năm mới gặp lại, và đó lần gặp là cuối cùng vì không bao lâu nghe tin ông đã vĩnh viễn ra đi.
*Riêng về ngôi nhà này, ngôi nhà dành riêng cho người giữ chức vụ cao nhất trường đó, tôi đã có dự định từ lâu muốn hỏi thầy Nguyễn Văn Khuy là vì lý do gì mà thầy phá lệ, không chịu vào ở căn nhà nói trên để sau đó thầy Nguyễn Văn Hanh cũng không vào ở. Như vậy ngôi nhà uy nghi ấy chỉ phục vụ chính thức 3 đời hiệu trưởng từ năm 1964 đến năm 1971 .*
Giờ đây nhớ lại những dấu tích xưa: Trước hết cái cổng trường được xây bằng đá với bảng hiệu Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao đến năm 1963 là trường Trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Rồi vào khoảng 1966? Một xe công binh Mỹ đụng sập cái cổng đó, họ phải xây lại cũng bằng đá xanh nhưng không đẹp bằng cái trước và bảng hiệu chỉ còn Nông Lâm Súc Bảo Lộc... Đến 1975 thì bảng hiệu trường đã thay tên và phần vách đá của cổng được tô trát như ngày nay.
Cũng từ đó viên đá đầu tiên xây dựng trường do tổng thống Ngô Đình Diệm đặt và Phù điêu bằng đồng về tình hữu nghị Việt Mỹ tại văn phòng bị gỡ bỏ. Bảng ghi nhớ ngay cổng vào về hợp tác giáo dục nông nghiệp giữa Hoa Kỳ và Việt Nam bị phá hủy, theo thời gian một số các cơ sở kiến trúc khác lần lượt mất đi như hệ thống các nhà cao cẳng, cái cột cờ, thủy lầu bằng kim loại gần sân đá bóng, chuồng bò, chuồng heo… Đến bây giờ là những ngôi nhà của thầy cô sắp sửa được hóa thân, bởi lẽ giờ đây nó đã quá già rồi. Ở những căn nhà ấy trong anh em chúng ta cũng có người tá túc nhờ sự bao dung của các thầy cô trong những năm tháng theo học tại trường khi hệ thống ký túc xá không còn đủ chỗ. Tôi nhớ mang máng có Ngô Thành Khá, La cửu Chân, Tăng Ngọc Hiệp... ở nhà số 10, Lương Ba, Đinh Hồng Hải nhà 11, Tôn Ngọc Lăng, Trương Công Trí nhà 12, Ngô Trung Ơn nhà số 9, Nguyễn Trọng Hiếu nhà 15… và nhiều nữa.
may hay rủi, tôi sinh ra lớn lên gắn bó với Blao, sau nầy về phục vụ tại trường nên gần gũi, gắn bó với nó cho đến ngày nay và đã chứng kiến nhiều đổi thay, sự đổi thay theo lẽ Sinh, Diệt và cả sự đổi thay phá hủy nữa… trong cái sự phá hủy này, cả tôi cũng can dự, trong quá trình công tác sau này có thời gian tôi đảm trách công tác xây dựng vì thế phá cái này xây cái kia là chuyện thường ngày. “Tao từng học ở đây, tao cũng từng vào đập phá trường” câu nói vui anh thường nói khi gặp bạn bè NLS, đó là Thân Trọng Lộc CN 63 vốn là sĩ quan, sau cải tạo về phụ hồ nên anh ta đã theo nhà thầu làm việc tại trường vào những năm 77-78 anh làm công tác thủ công cho nhà thầu xây dựng! Vì học Canh Nông rồi vào quân trường mang cấp hàm hoa mai quen súng ống nay trở về biết nghề ngỗng gì, đành làm phụ hồ để kiếm gạo nuôi con nên sung vào đội chuyên đập phá ăn tiền, mà phá trường của mình mới lạ chứ! Cái đập phá này theo tôi không đáng sợ, mà sợ cái phá không dùng búa tạ, búa máy phá để rồi phá vào thành lũy uy danh nhà trường, của tình cảm anh em đồng môn, của truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn mà cha ông ta bao năm gìn giữ để truyền dạy cho chúng ta mới đáng ngại.
Vùng đất này, cơ ngơi này không còn như xưa, nhớ ngày nào chúng ta sống trong lòng của nó đến bây giờ thì nó đang sống trong lòng của ta. Cho nên dù cơ sở này, kiến trúc kia có vỡ tan, có mất đi nhưng trong ta nó luôn tồn tại. Hãy nhắm mắt lại, giữ một chút tĩnh lặng và hãy nhớ cái cổng, cái ghế tỳ tay, cái giường sắt, cái khay ăn, phòng học, nhà thầy Phan Bá Sáu, nhà thầy Khuy… hãy nhớ Đại Thính Đường, cột cờ, con đường Hòang Hoa Lộ…. nhớ quán bà Tề, nhớ bún bò chị Tráng, nhớ cái lạnh se sắt đêm Noel, nhớ mùi cay nồng hóa chất trong phòng thí nghiệm, nhớ vị ngọt chát của trái sa pô chê trên đường đi học, nhớ mùi vị khoai lang lùi nướng vội… nhớ màu áo nâu, nhớ cây xà bất…nhớ thầy, nhớ bạn….
Và nhớ cả chính mình! Vốn là học viên Nông Lâm Súc Bảo Lộc.
Phải chăng các bạn may mắn hơn tôi? Ảnh hình của quá khứ vẫn tròn đầy trong lòng các bạn? Với tôi cũng vậy ngôi nhà tôi từng ở ngày nào vẫn còn nguyên vẹn, nhưng ngày ngày qua lại chứng kiến, ảnh hình sẽ bị nhòe đi khi thanh thiên bạch nhật nhìn thấy nó đang vỡ tan từng mảnh, biến dạng từng ngày. Làm cho tôi nhớ lại câu nói thảng thốt của vợ thầy Minh lần về thăm nhà cũ “Trời ơi! Nhà tôi đây hả?” để thấy rằng ngôi nhà cô từng ở cách đây 35 năm trong lòng cô vẫn luôn luôn đẹp…
Bùi Tho