VÀI KỶ NIỆM VUI BUỒN
HUỲNH VĂN CÔNG
|
-x-x-x-x-x-
Tôi chọn về Trường Nông Lâm Súc Bình Dương do sự toan tính cho tương lai của mình. Tôi là con của nông dân nghèo, ba mẹ tôi chỉ biết làm ruộng vườn, vì bị ảnh hưởng của chiến tranh tàn khốc, phải thường xuyên chạy giặc, gần như không một ngày nào yên ổn để làm ăn; do đó tôi không thể có điều kiện học hành theo mong muốn, mà phải cố gắng vươn lên từ nấc một. Khi tôi tốt nghiệp, trường Bình Dương và Cần Thơ đều có nhu cầu Giáo Sư, tôi quê Sadec nhưng đi học ở Cần Thơ rất nhiều năm từ thời nhỏ, chọn Cần Thơ coi như là về quê nhà nhưng phải chọn Bình Dương để tiện về Saigon đi học kiếm thêm vài chữ nghĩa. Tôi về trường năm 1969 với Sự Vụ Lệnh của Nha Học Vụ Nông Lâm Súc Saigon, phụ trách: Giáo Sư Bộ Môn Nông Trại Đệ II cấp. Nhìn vào Sự Vụ Lệnh tôi rất lo lắng, bởi vì Bộ Môn Nông Trại là môn chánh, rất quan trọng, hệ số 6, điểm lên lớp hoặc thi lấy văn bằng, nếu môn nầy dưới 6/ 20 là bị loại. Dạy lý thuyết rất dễ, soạn trước, có bài bản rõ ràng, trong khi dạy Bộ Môn Nông Trại đòi hỏi Giáo Sư cần phải biết nhiều về lý thuyết và thực hành, phải trau dồi kiến thức chuyên môn cho rộng, bởi vì khi đi thực hành hoặc đi du sát, thấy thực tế bất cứ điều gì không hiểu, học trò đều có thể hỏi, mình phải biết trả lời thông suốt, nếu lấn cấn, học trò mất niềm tin ở mình, rất khó dạy.
Cũng may, khi đến trường trình Sự Vụ Lệnh, Ban Giám Đốc không sắp xếp cho tôi dạy theo Sự Vụ Lệnh mà xếp dạy môn Nông Học lớp Tám và Chín, tôi mừng quá, nhẹ nhỏm. (Ban Giám Đốc lúc nầy: Hiệu Trưởng: Ông Huỳnh Kim Ngọc, Tổng Giám Canh: Ông Cao Đức Thịnh, Giám Học: Ông Hà Văn Mới). Tôi chỉ dạy được một thời gian ngắn thì Ông Cao Đức Thịnh về Saigon làm cho Tổng Cục Thực Phẩm, Anh Trần Xuân Hòa lên thay làm Tổng Giám Canh. Tôi và anh Hòa mới biết nhau sơ sơ nhưng không biết sao, một hôm anh gọi tôi vào văn phòng Tổng Giám Canh và thuyết phục tôi làm Phụ tá cho anh. Có lẽ những Giáo Sư khác không ai chịu làm, cực và mất nhiều thì giờ, dạy lớp sướng hơn, một tuần chỉ dạy 3-4 ngày là đủ giờ, những ngày nghỉ sẽ làm nhiều việc khác. Tôi suy nghĩ, mình nghèo cần tiền, làm văn phòng được miễn dạy, dạy thêm giờ nào ăn tiền giờ đó, coi như hai đầu lương, có lý nên nhận đại. Từ đó cái nghiệp chướng văn phòng trồng vào cổ tôi cho đến ngày 30.4.75, phụ trách đủ mọi việc như Phụ Tá Tổng Giám Canh, Trưởng Ban Kỷ Luật( tạm coi như Tổng Giám Thị Trường Phổ Thông), Quản Lý Kế Toán Quỹ Sản Xuất (ngân khoản do Nha Học Vụ NLS cấp hàng năm để chi phí cho việc điều hành Phòng Thí Nghiệm, Phòng Sưu Tập, Nông trại, chuồng trại, nông cơ, nông cụ, phân bón, thức ăn gia súc, du sát... Tiền gởi ở Ty Ngân Khố Tỉnh, khi cần mới được phép rút ra), Tổng Giám Canh (Khi Anh Huỳnh Kim Ngọc và Anh Trần Xuân Hòa được học bổng đi du học để lấy bằng Bác Sĩ Thú Y ở Thái Lan thì Anh Nguyễn Văn Hạnh về thay Anh Ngọc, tôi thay anh Hòa), vài lần XLTV Hiệu Trưởng khi Hiệu Trưởng có việc phải vắng mặt nhiều ngày.
Trong suốt thời gian ở trường với những công việc nầy, gặp và đụng chạm không biết bao nhiêu chuyện vui buồn, nhưng có hai chuyện, một buồn, một vui, hai dấu ấn nầy ăn sâu vào hồn tôi, không làm sao tôi có thể quên được. Tôi xin kể, coi như ghi lại một kỷ niệm buồn cũng như vui đều rất đáng nhớ.
-----------------
I. Một hôm vào khoảng 10 giờ sáng, tôi đang làm việc trong văn phòng, Cô Ng. A hơ hãi vào gặp tôi, tôi chưa kịp mời ngồi, cô bảo : - Chết tôi rồi anh Công ơi, tôi bỏ quên xách tay trong Phòng Giáo Sư, xuống lớp dạy, chợt nhớ, trở lại lấy thì mất tiêu một tháng lương tôi vừa mới lãnh. Tôi bảo chị:
- Chị ráng bình tỉnh, nên giữ yên, đừng cho ai biết, chị về lớp dạy đi để tôi suy nghĩ và tìm cách. Tôi cho gọi chị Mit vào văn phòng, chị Mít là nhân viên chuyên đánh kẻng cho mỗi giờ học, đem công văn hay thông báo đến các lớp, quét dọn hành lang ... Tôi hỏi chị:
- Mới đây chị thấy có em học trò nào vào Phòng Giáo Sư không?
Chị bảo:
- Có.
Chị có nhớ mặt và vào lớp nào không?
- Em nhớ mặt và biết lớp.
- Vậy thì chị đi gọi em đó lên gặp tôi.
Trong đầu tôi suy nghĩ, chắc nó chứ không ai vô đây, tôi thật tức giận. Nhưng khi em bước vào phòng, thấy mặt em bơ phờ, hốc hác, ăn mặc lôi thôi, hình ảnh của một học trò khó, kém ăn, thiếu mặc. Tự dưng tôi bị xúc động và liên tưởng đến nhân vật chánh trong truyện”NHỮNG KẺ KHỐN CÙNG” của Văn hào Pháp Victor Hugo, lòng tốt nhưng vì quá nghèo nên phải đi ăn cắp bánh mì về cho cháu của mình ăn. Sau trở thành một Thị Trưởng tài ba và rất được kính trọng của một thành phố. Tôi nhẹ nhàng hỏi em:
- Em tên gì?
Em lẩm bẩm cho biết tên. Vẫn giọng từ tốn hỏi
- Học lớp nào?
Em nói lớp học của mình.
- Em mới vào Phòng Giáo Sư phải không?
- Dạ phải.
- Em vào để làm gi?
- Em vào để lấy phấn cho thầy An.
Tôi ôn tồn nói với em:
- Cô Ng. A để xách tay trong Phòng Giáo Sư, xuống lớp dạy, khi chợt nhớ, trở lại lấy thì mất nguyên một tháng lương vừa lãnh. Cô Ng. A là cô có dạy em, như em thấy, cô đi dạy ăn mặc rất đơn giản, chứng tỏ cô không phải là người giàu có, chỉ trông cậy vào tháng lương ít ỏi tạm trang trải cho gia đình, bây giờ mất cả tháng lương, cuộc sống của gia đình cô sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thầy khuyên em nên suy nghĩ lại và hãy thương cô, nếu em lỡ dại lấy tiền của cô thì hãy trả lại cho cô. Cuộc đời đâu phải ai cũng là thánh, ai cũng có thể phạm lỗi lầm, nhưng người nầy cao thượng hơn người kia là ở chổ biết sai thì nhận lỗi và sửa lỗi. Tôi hứa với em là tôi sẽ giữ kín việc nầy, không cho bất cứ người nào biết, tôi cũng không phạt em. Tôi sẽ bảo với Cô Ng. A cũng phải hứa với em như vậy.
Tôi vừa nói xong thì em khóc.
Em bảo:
- Em xin lỗi thầy, vì nghèo quá nên em lỡ dại mới lấy tiền của cô. Xin thầy tha thứ.
- Em biết nhận lỗi là một hành động can đảm rất đáng khen, ít người làm được như em. Thầy thương em lắm, thầy sẽ giữ lời hứa với em. Em hãy về lớp lấy tiền lên đây trả lại cho Cô.
Khi em ra khỏi phòng, tôi bảo chị Mít đi mời Cô Ng. A lên văn phòng gặp tôi. Em học trò vừa trở lại thì Cô Ng. A đến. Tôi mời cả hai ngồi. Tôi nói với Cô Ng. A:
- Chị nhìn em học trò nầy, đối với tôi thật đáng thương, vì gia đình nghèo nên lỡ dại lấy tiền của chị, đã nhận lỗi, xin trả tiền lại cho chị, rất mong chị tha thứ cho em. Tôi đã hứa với em là không cho bất cứ ai biết việc nầy và cũng không phạt em. Xin chị vui lòng hứa với em như vậy. Chị Ng. A có vẽ buồn và cảm động, đồng ý hứa với em như tôi đã hứa. Sau cùng, một lần nữa em xin lỗi Cô Ng. A và tôi. Cô Ng. A xuống lớp dạy và em trở về lớp học bình thường, coi như không có chuyện gì xảy ra. Văn phòng tôi riêng biệt chỉ có một mình tôi, do đó tôi tin câu chuyện nầy chỉ có tôi, Cô Ng. A và em biết mà thôi cho tới ngày hôm nay. Từ đó tôi thường lưu tâm tới em, rất may là em tỏ ra ngoan và cố gắng học cho đến khi hoàn tất lớp 12, đậu Tú Tài 2 mới rời khỏi trường.
Thú thật, có lẽ nhờ ơn trên phò hộ, tự dưng tôi cảm thấy thương và tội nghiệp em, nên ngọt ngào, thật nhẹ nhàng nói chuyện với em, nhờ vậy làm em xúc động, khóc và hối hận. Nếu tôi nóng, hâm he, nạt nộ, rất có thể tính ngang bướng của tuổi trẻ, bất chấp mọi hậu quả, nhất quyết không chịu nhận lỗi để đưa đến việc, tôi phải cho xét cập đựng tập vở của em thì tiêu tan hết, mất hết. Trường, lớp, thầy, cô mất đi đứa học trò, đẩy học trò mình thành đứa trẻ lang thang thất học, biết đâu sẽ trở thành người xấu cho xã hội. Bạn bè mất đi người bạn, biết đâu đó là người bạn tốt, đang đầy ấp tương lai trước mắt và sẽ trở thành người hữu dụng cho đất nước và gia đình.
Bây giờ tôi vẫn nhớ và muốn biết tin tức về em, nhưng hoàn toàn bặt vô âm tín. Thôi thì, em ở nơi nào đó, tôi thương chúc cho em vẫn luôn khỏe mạnh, bình yên, hạnh phúc.
---------------------------------------------
II. Cuộc đời cười khóc khó đoán. Cũng như chuyện "Tái Ông Mất Ngựa” trong cái rủi cũng có cái may. Như ai cũng biết, thanh niên là rường cột của đất nước, khi đến tuổi thì phải thi hành nghĩa vụ quân sự, tôi không ngoại lệ, đến tuổi thì phải nhập ngũ, nhưng sau khi thụ huấn quân sự xong, vì nhu cầu giáo dục, được trở về trường dạy học lại, không làm nhiệm vụ nào khác, đơn giản như 1 với 1 là 2, tôi biết, bạn bè biết, trời biết nhưng sau 30.4.75 chánh quyền bên thắng cuộc bảo tôi mang nhiều tội ác với nhân dân nên bị bắt đi tù cải tạo để đền tội. Sau 3 năm tù về quê làm ruộng phụ với cha mẹ để nhờ hột cơm manh áo giống như thời còn con nít. Thế mà có yên thân được đâu, chánh quyền địa phương vẫn coi tôi là kẻ thù, tìm mọi cách đì và trù dập. Khi có lễ lộc, bắt vô đình hay chùa, ban đêm ngủ có lính gác xung quanh, ban ngày bắt đi lao động không công, hết lễ mới thả về. Ngoài ra, thường xuyên bắt đi làm thủy lợi hoặc đi xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, có khi phải đi xa 10 ngày, nửa tháng, tự túc mang theo gạo, tiền, cuốc, xẻng... Có thể nói, chết sướng hơn sống. Theo kinh sách mô tả về địa ngục, tôi thấy vẫn nhẹ nhàn dễ thở hơn nhiều so với cảnh tôi bị trả thù mà mình không hề vay. Muốn thoát khỏi thảm họa nầy chỉ có cách liều mạng vượt biên, nhưng một chỉ vàng đeo làm dáng cũng không có, tiền đâu mua vé vượt biên.
Đúng là, cuộc đời không bao giờ ngờ, thằng bạn thời nối khố ở Trung Học, Trần Bá Nghiệp, Trung Úy Truyền Tin, sau 5 năm tù về, tự đóng tàu vượt biên để hy vọng thoát nạn, cho tôi đi ké miễn phí mới còn có được ngày hôm nay.
Khi tới trại tỵ nạn Sungei Besi Malaysia tình cờ gặp em Lê Hồng Sơn, dân Lái Thiêu, Bình Dương, học trò Nông Lâm Súc. Nơi đất lạ, thầy trò gặp nhau quá mừng và vô cùng an ủi. Vài ba ngày sau em mang đến cho tôi một hộp sữa bột lớn tương tự như sữa ENSURE bây giờ và một hộp bánh tây. Em bảo: “Em vừa nhận được tiền của bà chị ở Pháp gởi cho, em mua liền hộp sửa và hộp bánh đem cho thầy bồi dưỡng”. Trời ơi! Tôi nghẹn ngào không nói nên lời, chỉ ngồi yên lặng, chảy nước mắt. Ai đã từng ở trại tỵ nạn, nếu không có thân nhân từ các nước khác yểm trợ thì thiếu thốn mọi bề. Sợ Cha Mẹ buồn lo, tôi trốn chỉ với bộ đồ nông dân không gì dính túi. Đối với tôi hộp sữa và hộp bánh của em Lê Hồng Sơn mãi mãi là món quà vô giá, mãi mãi tôi nhớ ơn em. Lúc đó tôi mới thật sự thấu hiểu hết chân lý:”Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Hiện gia đình em sống ở Melbourne, Australia rất ổn định, em làm Thông Dịch viên cho chánh phủ, các con của em đều thành đạt, nên người. Thầy trò tôi thường xuyên liên lạc qua email, qua điện thoại. Lâu lâu tôi đi Melbourne hoặc Sơn lên Sydney để thầy trò thăm nhau.
Tôi bất tài vô tướng, hình như để bù trừ cho tôi, ơn trên luôn phò hộ và trao cho tôi nhiều bạn, nhiều học trò quá tốt. Nhờ bạn mà tôi đi tìm được đất sống an lành, các con tôi được học hành đàng hoàng không bị phân biệt đối xử, không bị xét lý lịch 3 đời. Nơi xứ lạ quê người, thiếu cha vắng mẹ, thân nhân họ hàng chẳng bao nhiêu, bù lại, các học trò cũ ở Trường Nông Lâm Súc Bình Dương dù tôi có dạy hay không, em nào cũng thương tôi, luôn chia sẻ và giúp đỡ gia đình tôi nhiều thứ. Những em ở xa thì email, điện thoại thăm hỏi, ở gần thì thường tới lui thăm viếng.
Có thể nói, đời tôi vô cùng may mắn và thật diễm phúc. Có cha mẹ hết lòng thương yêu, hy sinh, cho tôi được học hành. Có bạn hiền để giúp tôi đi lánh nạn. Có học trò tốt để được an ủi chia sẻ vui buồn. Cũng có thể nói, gia đình tôi có được như ngày hôm nay, ngoài ơn sâu nghĩa nặng của Cha Mẹ, tôi còn thọ ơn biết bao nhiêu của bạn và của học trò.
Cuối cuộc đời, khi nhìn lại, không biết nói gì hơn, tôi xin cúi đầu tạ ơn Trời Phật, xin thành kính tạ ơn Cha Mẹ, xin thành tâm cám ơn tình bạn, xin thương lắm cám ơn các em học trò.
Huỳnh Văn Công
Sydney, 8.8.16