(Phần 2)
Nói đến Hàn mà không nhắc đến mỹ phẩm và giải phẫu thẩm mỹ là một thiếu sót. Mỹ phẩm và công nghệ giải phẫu của Hàn nổi tiếng ngang nhau. Người ta nói: đến Thái Lan để giải phẫu từ …cái cổ trở xuống, còn đến Hàn Quốc thì giải phẫu từ cái cằm trở lên, quả đúng vậy. 90% người Hàn (đa số nữ giới) đều có giải phẫu một món gì đó trên khuôn mặt, nhưng giải phẫu rất khéo nên nhìn không có nét giả tạo, trái lại trông họ rất xinh: cô nào nước da cũng trắng như trứng gà bóc (tự nhiên), nhưng đều giống nhau “má đỏ môi hồng”, mũi cao, lông mày lá liễu, môi hình tim…do phẫu thuật, nên na ná nhau, cộng thêm hàng tá mỹ phẩm trét lên mặt, giống như đúc từ khuôn. Nhìn chung thì cô nào cũng đẹp, nhưng nếu chỉ trông thoáng qua thì cô nào cũng giống cô nào. Còn nam giới ngày xưa ta hay gọi họ là “cao ly”, nghĩa là chỉ cao bằng cái ly, nhưng bây giờ thì họ “cao bằng cái chai” rồi, nghĩa là rất cao, vượt chuẩn, trông to lớn, mạnh mẽ lắm, không hiểu dinh dưỡng họ có gì vượt trội, hay nhờ có…nhân sâm và kim chi?
Hàn Quốc còn có nhiều cái khác nữa: sòng bạc Casino Walker Hill dành riêng cho người nước ngoài (để thu ngoại tệ), nhưng cấm tiệt dân Hàn bén mảng đến (sợ sa đà), khu phố cổ Insa-dong còn giữ nguyên những nếp nhà gỗ mái ngói âm dương xa xưa, chen lẫn đó là một tòa nhà mua sắm Ssamzie-gil 4 tầng nhưng không có cầu thang, mà thông nhau bằng những lối đi dốc thoai thoải cao dần. Ở đây du khách có thể tìm thấy những món quà lưu niệm đậm màu sắc Hàn: gốm sứ, giấy dó truyền thống, tranh ảnh, đồ thủ công mỹ nghệ, gốm sứ. Nơi đây được xem là phố đi bộ nổi tiếng nhất, lại nằm ngay trung tâm Seoul nhưng không mất đi sự cổ kính cần thiết. Công viên Lotte World, là khu phức hợp vui chơi hấp dẫn nhất thế giới, có 2 khu vực, khu vực trong nhà có những trò chơi nhẹ nhàng,khu vực ngoài trời dành riêng cho những người thích cảm giác mạnh: tàu lượn, đu quay, rơi tự do….Nanta Show là một nghệ thuật biểu diễn độc đáo của người Hàn: chỉ dùng những dụng cụ nhà bếp như: nồi niêu xoong chảo, dao thớt muỗng nỉa…. những thứ này khi sử dụng sẽ phát ra những âm thanh nhanh chậm, lớn nhỏ, mạnh yếu …thành đa âm sắc, mà không cần bất cứ nhạc cụ thông thường yểm trợ, lồng vào đấy là một vở kịch vui, một buổi trình diễn kéo dài 2 tiếng đồng hồ mà khán giả vẫn say mê theo dõi, mới thật thú vị. Còn những ai mê phim Hàn tình cảm sướt mướt, ủy mị thì không thể không đến đảo Nami (cách Seoul 63km), nổi tiếng nhờ phim “Bản tình ca mùa đông” (Winter Sonata) lấy bối cảnh tại đây. Đây là một hòn đảo nhân tạo, đi 10 phút phà là đến với thế giới thần tiên với hàng dãy những cây ngân hạnh thẳng tắp nên thơ, những tán lá phong mát rượi…giữa khung cảnh sông núi mộng mơ…
Về lại quảng trường Quang Hóa Môn (Gwanghwamun) ngay trung tâm Seoul. Năm 1392, triều đại Joseon (triều đại Triều Tiên) lên nắm quyền, dời kinh thành về Hangyang (Hán Dương), sau đổi là Hanseong (Hán Thành, tức Seoul ngày nay) xây dựng cung Geongbok, bao bọc xung quanh là 4 ngọn núi:nam có Mongmyeon, tây có Inwang,đông có Naksan, và bắc có Bugaksan nằm ngay sau hoàng cung. Cửa chính của cung Gyeongbok nhìn ra Quảng Hóa Môn. Nơi đây là trung tâm văn hóa, chính trị của triều đại Joseon. Nhân dịp World Cup 2002, nơi đây được chỉnh trang để người dân tụ tập, cổ vũ cho đội tuyển. Và mùa bóng đá qua đi thì nó trở thành điểm hẹn cho người dân đến vui chơi, có sân trượt băng vào mùa đông, là nơi biểu diễn ngoài trời vào những ngày lễ hay những ngày cuối tuần. Ở quảng trường này sừng sững bức tượng của đô đốc hải quân Lý Thuấn Thần (Yi Sun Shin), người sáng tạo ra chiếc thuyền rùa độc đáo, là vị tướng bất tử trong lòng dân Hàn, người chiến chiến thắng lực lượng hải quân Nhật trong chiến tranh Nhật Bản –Triều Tiên(1592-1598).Và một dòng kênh nước trong xanh như ngọc. Trước, nó là con kênh đen ngòm chứa nước thải, đã được thị trưởng Lee Myung Bak (sau thành tổng thống thứ 10 của Hàn) ban lệnh cải tạo nó mới được ra như vậy.
…..Trước 1975, Nam Hàn thua Việt Nam rất xa. Miền nam VN là điểm đến cho hàng ngàn du học sinh Hàn. Và Saigon Hòn Ngọc Viễn Đông từng là tấm gương chói lọi cho người Đại Hàn phấn đấu. Vậy mà chỉ 40 năm, họ đã vượt lên với khoảng cách quá xa, ta khó lòng bắt kịp. Chiếc đũa thần kỳ nào đã khiến họ trỗi dậy mạnh mẽ như vậy? Và tại sao ta lại tụt hậu thê thảm vậy? Câu trả lời, không nói ra chắc ai cũng hiểu.
Chú thích:
(*)Duyên nợ Hàn Việt:
1/ Dòng họ Lý Tinh Thiện. Năm 1150, Đô đốc Thủy Quân Lý Dương Côn cùng gia tộc dong thuyền lưu vong sang Cao Ly tị nạn để tránh bị giết trong cuộc tranh giành ngôi báu lúc bấy giờ. Lý Dương Côn là hoàng tử con nuôi vua Lý Nhân Tông. Khi Lý Thần Tông băng hà, triều thần muốn đưa Lý Dương Côn lên làm vua nhưng không được, nên ông phải ra đi để tránh hậu họa. Hậu duệ đời thứ 6 của Lý Dương Côn là Lý Nghĩa Mẫn (Lee Ui Min) là nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Cao Ly, làm tể tướng từ 1170-1179.
2/ Dòng họ Lý Hoa Sơn. Lý Long Tường sinh năm 1174, là con thứ 7 của vua Lý Anh Tông (1138-1175), em vua Lý Cao Tông (1176-1210), chú vua Lý Huệ Tông (1211-1225). Lý Huệ Tông không có con trai, nên lập Lý Chiêu Hoàng làm vua năm 1225. Năm 1226, Trần Thủ Độ âm mưu cho Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng. Nhân dịp tông thất Lý tập trung vào ngày giỗ Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), TrầnThủ Độ ra tay thanh trừng cả 300 tông thất Lý (nhổ cỏ nhổ cả rễ) bắt đổi sang họ Nguyễn, đày lên vùng núi non hiểm trở. Lý Long Tường là thân vương duy nhất còn sót lại, là người nắm nhiều quyền hành nên lo sợ sớm muộn gì cũng bị diệt. Để bảo toàn tính mệnh và dòng họ, năm 1226, Lý Long Tường cùng 6000 gia thuộc mang đồ thờ cúng, vương miện, long bào, thượng phương bảo kiếm từ đời Lý Thái Tổ qua cửa Thần Phù (Thanh Hóa) chạy ra biển đông. Đoàn thuyền bị bão dạt vào Trấn Sơn, tỉnh Hoàng Hải, phía bờ đông Cao Ly (gần Busan nay). Sau đó, khi quân Mông Cổ xâm lăng Cao Ly hai lần vào năm 1232 và 1253 Lý Long Tường khi ấy đã xấp xỉ 80 mà vẫn đứng ra lãnh đạo nhân dân chống giặc thành công. Sau chiến công này vua Cao Ly đổi Trấn Sơn thành Hoa Sơn, phong tước Hoa Sơn Tướng Quân (Hwasan Sanggun) cho Lý Long Tường (Yi Yong Sang), cấp đất làm thái ấp để phụng thờ tổ tiên, cho lập bia ghi công trạng. Trấn Sơn, hay Hoa Sơn là quê hương thứ hai của Lý Long Tường khi ông nhập cư vào Cao Ly. Lý Hoa Sơn chính là ông tổ 1 dòng họ Lý ngày nay ở Hàn Quốc. Vài tờ báo hải ngoại phong ông là ông tổ thuyền nhân, ông tổ tị nạn. Kể từ 1994 đến nay, hàng năm, hậu duệ của dòng họ Lý vẫn hành hương về dự lễ hội tại đền Lý Bát Đế (Đình Bảng, Bắc Ninh). Nói thêm: Nhà Lý (1009-1225) có 8 đời vua gọi là Lý Bát Đế (quê quán Từ Sơn, Bắc Ninh). Năm 1010 Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình đến thành Đại La (thành Thăng Long, Hà Nội nay). Nhà Trần (1226-1400) có 12 đời vua (quê quán Nam Định).
3/ Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee, Li Sung Man, Yi Sung Man) (1875-1965) là tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân quốc 3 nhiệm kỳ (1948-1960) từng tuyên bố tổ tiên ông là người Việt. Dòng họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc cũng thừa nhận ông là hậu duệ thứ 25 của hoàng thân Lý Long Tường.
4/ Lý Xương Căn (Lee Chang Kun), hậu duệ đời 26 của Lý Long Tường.Là chủ tịch một tập đoàn tài chính ở Seoul, năm 1994 đã tìm đến từ đường dòng họ Lý ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để thắp hương. Lý Xương Căn sinh năm 1958 tại Seoul, hiện đã đưa vợ con về nhập tịch Việt Nam (năm 2000). Nay là chủ tịch HĐQT công ty TNHH Việt Lý miền Trung (Đà Nẵng), chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ nông nghiệp từ các nguyên liệu tái chế để bảo vệ môi trường. Ông còn là phó chủ tịch hội người Hàn Quốc ở Đà Nẵng để xây dựng mối quan hệ hữu nghị Hàn Việt ngày càng bền chặt. Ông còn lập ra hội giao lưu văn hóa Hàn Việt nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước và hội kỷ niệm Lý Long Tường nhằm nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, tổ tiên. Con người hai nước tương đồng về văn hóa, lịch sử, có mối quan hệ vô cùng gần gũi từ năm 1150, bắt đầu từ khi Lý Dương Côn lánh nạn sang Cao Ly (hơn 800 năm).
5/ Mới nhất là ngày 23/5/2015, trong một hoạt động cá nhân, ông Ban Ki Moon (Pan Gi Mun, Phan Cơ Văn), Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đã cùng vợ đến dâng hương tại nhà thờ họ Phan Huy (Phan Huy Chú, Phan Huy Ích….) ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ông viết lưu bút nhận là một người con của dòng họ Phan Huy, sau đó còn chụp ảnh lưu niệm cùng người trong tộc họ Phan. Thực hư thế nào chưa rõ, nhưng phải thừa nhận, theo tiếng Hàn, ông đúng là họ Phan. (Ở Hàn Quốc, có 3 họ phổ biến là họ Lee, Kim và Park).
(Tất cả những chú thích trên đây đều lấy từ nhiều nguồn trên internet).
29 Tháng 3 năm 2016
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN