QUÁ KHỨ KHÔNG THỂ LÃNG QUÊN
Mỗi năm cứ ngày càng gần tới lễ kỷ niệm 30/4 là trong tôi lại dạt dào nhớ bao kỷ niệm, có lẽ mỗi người chúng ta sẽ có dấu ấn đậm nhất vào một thời tuổi trẻ ,nhất là sau đất nước hòa bình và ai cũng mong mình sẽ có nhiều cống hiến cho xã hội …
Ngày ấy, công tác trong phong trào đoàn ở một địa phương tôi mới thấy sự cống hiến của bao người mang hết nhiệt huyết của mình vào các phong trào mà nổi bật nhất là công tác thủy lợi , những ngày triền miên bám với ruộng đồng từ nơi này sang nơi khác cho tôi đặt chân đến hầu hết các vùng đất trong tỉnh và một phần của Bình Dương và thành phố Hồ chí Minh , ngày ấy bên cạnh tôi cũng có nhiều anh em rất thân quen ,chia sẻ nhau trong công việc và sinh hoạt , nên đến đâu dù hẻo lánh hay khó khăn cũng không thiếu vắng nụ cười
Trong đó,tôi gắn bó nhiều nhất với MH một cán bộ đoàn có năng lực và nhiệt tình trong công việc,sau này trưởng thành và nhận nhiệm vụ ở cấp tỉnh nhưng tình cảm vẫn khắn khít như những ngày đầu gian nan , khi tôi chuyển về Thành phố, anh em mất liên lạc nhau, cứ tưởng tình cảm như thế chỉ còn trong kỷ niệm nhưng có duyên gặp lại trên một trang mạng , giờ thì MH chửng chạc rất nhiều và lời bình làm tôi cảm động là vẫn nhớ đến người anh luôn gắn bó trong phong trào đoàn …
Về phong trào thủy lợi ,lúc đầu là một công tác thường xuyên như thủy lợi nội đồng với những tuyến kênh trong xã trong huyện, như tuyến kênh tiêu Long Trung , kênh nội đồng Trà Phí …sau này khi đã phát triển thành nghĩa vụ lao động thì mở rộng các công trình lớn như Phước Chỉ ( Trà Cao) và một đại công trường ở công trình hồ nước Dầu Tiếng Tây Ninh ..
Đây là một công trình tầm cở quốc gia với sự qui mô và tác động thúc đẩy phát triển kinh tế của nó nên sau đó được giao cho thế hệ trẻ thực hiện và đặt tên là “ CÔNG TRÌNH THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH” từ đó trong toàn tỉnh nơi nào cũng có hệ thống thủy lợi lấy nước từ lòng hồ Dầu Tiếng tưới mát ruộng đồng ,tăng diện tích từ 1 lên 2-3 vụ và cải tạo những vùng đất cằn cổi nhất thành đất chuyên canh như hoa màu hay cây công nghiệp …
Nhưng thành quả đó chỉ nhìn thấy khi hệ thống Lòng Hồ ,kênh mương đã hoàn thành , mà phải tốn nhiều năm với sự động viên cao nhất lực lượng lao động trong toàn tỉnh mới có kết quả ngày hôm nay..
Còn trong quá trình xây dựng chúng tôi thường xuyên đối diện với những ngày nắng cháy, đồng ruộng khát khao, những khó khăn về địa chất, về thiếu thốn phương tiện ,lương thực mà có khi tưởng như chùn lại, nhưng sau đó với bao nhiệt huyết của tuổi trẻ, những công trình lại vươn lên bừng bừng sức sống và những lời ca tiếng hát vẫn rộn ràng trên công trường ..
Nhớ có lần đón tiếp một đoàn khách đặc biệt, đó là những cán bộ trung ương đoàn TNCS Liên Xô, sau khi tham quan nơi đóng quân, xem sinh hoạt của lực lượng đoàn viên và thấy những hoạt động thi công hùng hậu nên công trường , các đồng chí ấy đã phát biểu :” Chúng tôi đã đến đây , tham gia sinh hoạt và cùng sống trong không khí sôi nổi của các bạn là thực sự đã thấy được những PaVen ( trong sách Thép đã tôi thế đấy) thực sự bằng xương bằng thịt, còn ở Liên Xô điều đó chỉ ở trong sách vở mà thôi …
Đó là lời ngợi khen chân thành để chúng ta tự hào nhưng ý chí vươn lên và cống hiến hết sức mình cho xã hội luôn lúc nào cũng hừng hực trong tuổi trẻ Việt Nam và điều đó đã thành hiện thực trên các mặt trận mà thanh niên tham gia .
Để kết thúc cho bài viết này tôi xin trích câu nói hay nhất trong quyển sách “ THÉP ĐÃ TÔI THẾ ĐẤY “;
“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...”
N.OSTROVSKI
Trần Chu Ngọc
|