Xóm cụt.
Truyện ngắn
Con hẻm nhỏ xíu ấy trông nửa quê nửa tỉnh, chắc còn sót lại duy nhất ở một nơi mà tốc độ đổi thay từng ngày nhanh chóng mặt. Tỉnh, vì nó trực thuộc quận. Quê, vì trong hẻm còn lồ lộ hai mảnh đất trống to đùng cộng lại đến hơn một hécta của mấy đại gia dư tiền mua xong bỏ đó, chẳng thèm đầu tư. Họ là dân kinh doanh, tiền phải đẻ ra tiền, nên tiền rải vô đất sẽ chắc như bắp, vì họ nắm rõ qui luật: quỹ đất thì giới hạn, còn người ta thì nở nồi. Họ rải nhiều đến nỗi không còn nhớ mình có bao nhiêu miếng đất, nằm những đâu, lớn nhỏ ra sao…, nên bỏ thí thành đất hoang từ khi mua đến giờ vẫn còn hoang, chẳng màng lui tới. Đất để trống hoác bao năm nay không động tĩnh động thổ gì, còn vì một lý do khác nữa: không có đường cho xe đổ đất vô san lấp mặt bằng.
Dân trong hẻm thì gọi đó là hẻm ‘’cổ chai’’, còn phường thì gọi theo đơn vị hành chánh, là xóm cụt( hổng phải dân đây bị què cụt tay chân gì đâu nha). Lịch sử hình thành cái hẻm: một hộ đầu kia của hẻm bít chịt lại mất tiêu, còn một hộ đầu nọ chỉ nhí ra chút éc, vừa đủ cho một chiếc xe máy chạy ra vô, lỡ có hai chiếc vô ra cùng lúc thì chẳng cần phải học phép lịch sự cũng biết là xe này phải nhường đường cho xe nớ. Lý do sao bít hả. Họ viện dẫn ngày xưa nó là đất ruộng của họ, bây giờ đất lên đời quá xá, đất không còn ruộng, cũng không còn lúa, mà được gắn mác bằng mấy cái tên nghe thiệt mỹ miều: thổ cư, thổ vườn, thổ trạch… Tấc đất đã trở thành tấc vàng, ngu sao không bít. Rồi tại sao đầu nọ nhí có chút éc? Cùng lý do trên: đất trong tờ bằng khoán điền thổ của ông cố ông sơ để lại bao gồm nó. Vì chậm chân hơn, người kia bít rồi thì người nọ buộc lòng phải nhí ra cho mấy chục hộ phía trong có lối đi, chứ hông lẽ cả trăm nhân khẩu trong đó phải tập bay như chim. Còn chủ nhân của cuộc đất nằm lọt thỏm phía trong hai ông họ Bít thì lúc nào cũng than túng tiền, gặp ai cũng hỏi “có mua đất hôn, bán rẻ cho”( vừa bán vừa cho?). Vậy là từ cuộc đất bự trà bá khi xưa giờ được chia nhỏ, phân lô, bán nền…. kéo dài đằng đẵng qua bao nhiêu giai đoạn, từ khi mới xảy ra những cơn sốt đất( thập niên 90), đến lúc đất đóng băng( 2000), rồi tiếp theo là thị trường bất động sản đang ấm dần lên, phục hồi trở lại( 2010)…ổng vẫn còn rao bán dài dài …Mấy người nông dân ngoài làm ruộng đâu biết làm gì khác, nay được thừa kế đất đai của ông cha, trong cơn lốc kim tiền chỉ biết bán dần đi bỏ bụng. Cơn lốc thật độc địa, cuốn phăng một loáng là đi hết ruộng lúa, vườn tược một thời sum suê. Và hậu quả, cuộc đất ngày càng được chia nhỏ thêm, thành nhiều chục cái nền xí xi vậy đó.
Trước khi bán đất, mấy ông điền chủ đã từng có cuộc ngồi thương lượng đâu đó với nhau, vậy mà trong thời gian đầu cái hộ nhín chút éc lợi dụng ma mới còn đang chưn ướt chưn ráo, đóng kịch làm dữ kiểu “ăn hiếp” được đồng nào hay đồng đó, đòi tiền “mãi lộ”, nghĩa là “mua đường”, ai ra vô phải nạp một số tiền nhiêu nhiêu đó. Vào cái buổi nhá nhem, dân còn lưa thưa, họ còn sợ ”ma cũ” thổ địa tại đây. Càng về sau dân tình đông lên, khôn ra nên phản ứng quá ể, chửi tên bán đất “bán đất không có đường”, chửi luôn cả thằng mở đường ti hí bất nhơn “chừa đường như cái lỗ kim”. Kết quả là, sau một thời gian chửi bới hằm hè, rủa xả qua lại giữa mấy người từng là hàng xóm của nhau, còn thề độc không nhìn mặt nhau, thì con đường được hình thành như hiện hữu, thế này đây.
Ban đầu thì thấy khó chịu thiệt, đường gì còn thua đường làng, nhà mới mọc lên đúng nghĩa là chỗ chui ra chui vô, nghĩa là không còn chỗ trống để hưởng thụ gì ngoài việc ăn và ở. Nhưng may sao, mấy đại điền chủ cỡ bự thì chưa vội cất lầu đài, biệt thự, nên tạm thời đất kia chưa được ngó ngàng. Bất chiến tự nhiên thành, dân tình trong đây ở thành phố lớn mà bỗng dưng có hẳn một không gian mở miễn phí hiếm hoi quý giá. Thế là dân đây tha hồ “tự qui hoạch”, mỗi người xí một khoảnh nhỏ trồng rau sạch. Cái buổi nhìn đâu cũng thực phẩm bẩn, thì đất của người ta chưa xài tới mình có quyền xài tạm. Tấc đất cũng là tấc tiền, mấy hộ siêng năng sáng bón chiều tưới mấy cái đám rau muống, rau lang, mồng tơi, rau dền, rau đay, bồ ngót…, mấy cây nhất niên: chuối, đu đủ, mãng cầu….Năng nhặt chặt bị, cái bị của mỗi hộ ngày nào cũng lượm được khá bộn bạc. Họ tự bào chữa cho cái việc mình làm (chiếm dụng đất) là mấy thứ rau rác kia, khi nào chủ đòi lại thì nhổ, thì chặt một phát trong một buổi là đi đoong cả lũ, dễ như không ấy mà, trả đất nguyên trạng mấy hồi. Kệ, xem như lộc người giàu san sẻ bớt cho người nghèo đi, dù chủ kia chẳng hề nhân đạo mà nghĩ và làm được như thế. Chủ chưa nghé thì họ cứ trồng, còn hơn để không, cỏ cao lút đầu người, chỉ tổ rắn rít, muỗi mòng làm ổ dịch nguy hiểm( lại một lý do tự biện hộ). Nhắm nhắm thấy lâu ngày không ai nói gì, có hộ bèn tậu vài con gà trống đá, con gà đẻ lấy trứng, cả xóm sáng sáng lại được nghe gà gáy te te, trưa trưa thanh vắng thưởng thức tiếng cục tác, chừng tháng sau lại được nhìn ngắm đàn gà con líu ríu theo mẹ đi kiếm mồi. Quây chuồng lại, lâu lâu còn xúc được cả đống phân gà tưới lên mấy cây ớt hiểm. Chậc, có mà cay xé lưỡi. Có hộ còn nuôi ngỗng, mỗi lần xóm nghe tiếng kêu quang quác là biết ngỗng đẻ, trứng ngỗng cho mấy bà bầu đắt hàng không thua tôm tươi. Có hộ sáng kiến gầy đàn heo, nhưng được một lứa phải dẹp vì mùi heo nặng quá, không như mùi gà, ô nhiễm cả không gian đang trong lành thế kia, cư dân hẻm chịu không nổi, lên tiếng phàn nàn, thế là phải bỏ không nuôi nữa. Nhưng với chó mèo thì vô tư, miễn là giữ chúng trong nhà, đừng lợi dụng trời vừa tờ mờ lén thả chó ra đường ỉa bậy, chạy rông táp càn, hay để mèo sểnh ra, lẻn sang nhà hàng xóm ăn vụng, có bị đập chết, chủ ráng chịu, không được kêu ca. Mấy lúc trời mưa lớn, con lộ đất tèm nhẹp sình lầy, nước từ cống dâng tràn ngập mắt cá chân, mấy con lóc, con trê, con lươn từ sông từ ruộng quanh đó theo luồng nước nhảy tanh tách vào tận trong nhà, tha hồ bắt sống, vui hết biết. Chịu khó sống chung với ngập sẽ có cá đồng ăn dài dài.
Nỗi sợ rắn rít muỗi mòng thì mơ hồ, chưa nghe có người nào bị rắn cắn hay mắc bệnh sốt xuất huyết, nhưng chim chóc kéo về làm tổ thì đã tận mắt chứng kiến. Gọi là đất trống vì chưa được lên nhà thôi, chứ trên cuộc đất vẫn còn sót lại của chủ trước hơn chục cây dừa lão, những bụi bàng rậm rạp như cái dù thiên nhiên, gốc xoài cổ thụ tới mùa là có trái ăn mệt nghỉ, cây trứng cá dễ sống mọc thành rừng cho chim trời tụ hội về: sẻ có, bìm bịp có, chích chòe có, có lúc còn nghe cả tiếng quạ, tiếng cú, tiếng con cuốc nữa….Sáng chưa bảnh mắt, đã nghe tiếng chim ríu rít ngoài bìa rừng( rừng thiệt, ở đâu có cây ở đó có rừng). Nhà nào nhín được một khoảnh vườn con con có trồng vài cây trái con con thì không những nghe được tiếng chim hót líu lo, mà còn được trông thấy chúng nhảy nhót chuyền từ cành nọ sang cành kia. Mấy công viên bự chảng trong thành phố chưa chắc đã theo kịp xóm cụt cái vụ này. Vào mùa hè, khi đám con nít trong xóm cười nói râm ran suốt ngày trên con lộ đất vì không phải đi học là biết trên mấy cây phượng trồng dọc lối hẻm sẽ nở hoa đỏ ối, chẳng cần đến tận cổng trường mới nhìn thấy màu của hoa phượng. Ban đêm, không biết ve ở đâu chui ra kêu ồn ã lay động khắp không gian thanh vắng ( à, chú thích chút: chỉ cần ra khỏi con hẻm cụt này là hòa vào dòng xe cộ tấp nập ngay, nhưng trong đây thì tách biệt hẳn, vắng vẻ lạ thường). Mùa mưa, nhất là có mưa đêm, còn nghe cả dàn đồng ca dế rúc rích, ếch nhái, ễnh ương hát oàm oạp, vừa vui tai, vừa dỗ giấc. Nếu thao thức vì tiếng hát ấy to quá, lúc ấy sẽ cần đến phần việc của trí tưởng tượng hướng về một miền quê xa lắc nào để nhớ.
Khách đến chơi, họ đều cảnh báo: ở cái hẻm cụt bầy hầy như vầy, không chừng không thoát khỏi tầm ngắm của mấy ông qui hoạch. Mà thiệt, ai đời giữa một thành phố văn minh, hiện đại, được mệnh danh là thành phố năng động nhất nước mà vẫn còn tồn tại một cái xóm mang tên xóm cụt nhếch nhác thua cả một xóm miệt quê. Nói dại, nếu có sự cố chập điện cháy nhà( từ bên ngoài) chẳng hạn, thì dân đây không biết chạy ra đàng nào, xe chữa cháy làm sao chui lọt vô cái hẻm nhỏ xíu nút chai? Các quan nhà nước chỉ ngó đến khi nào muốn qui hoạch thôi, vì biết chắc vị trí đó sẽ hái ra tiền, còn sự sống chết của dân nơi đây ra sao thì …dân phải tự xoay sở lấy, mặc kệ chúng mày. Dân đây thấp cổ bé miệng, kêu rên bao nhiêu năm vẫn chưa thấy ai động lòng ghé mắt đến nên đành im luôn, tự an ủi lẫn nhau, chưa xảy ra sự cố nào thì chưa nên sợ. Người ta kia còn sống chung với dây điện giăng ngang giăng dọc trên nóc nhà, sống chung với rác rưởi nhét cống ở dưới đất, với nước ngập, với chung cư sắp sập, với nhà cổ sắp đổ…..còn được nữa thì đít chai hay cổ chai nhằm nhò gì. Thôi thì trước mắt có nhiêu hay nhiêu, có gì hưởng nấy vậy. Hưởng thụ thiên nhiên ngay bên nách mình nè, dễ dầu ai có điều kiện mà ở được trong cái hẻm cụt, là cư dân của xóm cụt, để được ….ăn rau sạch, để được báo thức không phải bằng cái đồng hồ hẹn giờ mà từ tiếng gà gáy, tiếng chim hót; được ru ngủ bằng tiếng ve, tiếng dế, tiếng ễnh ương; được nhìn hoa đủ màu sắc, trái đủ kiểu ngọt, lá đủ kiểu xanh….Mấy thứ đó cách đây nhiều thập niên( nói văn vẻ chút mà, còn nói trơn tuột thì hơn ba chục năm nay) vũ như cẫn( vẫn như cũ).
Đừng lên tiếng ta thán sao nó lạc hậu so với sự văn minh của thành phố xung quanh nó. Nó đã bị bỏ quên. Nhưng bù trừ cho sự lãng quên đó là dân đây được sống chậm lại, bình yên hơn. Vậy thì phải cám ơn cái xóm cụt, cám ơn cái hẻm cổ chai mới đúng chớ.
01/9/2016
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
Ảnh có tính minh họa-internet