25/112/2016
Cuộc lang thang lớn cuối năm
|
- Mong Phước Minh -
|
Cuộc đi chơi hôm nay, dẫn chúng tôi đến một “Rừng Hoa” công nghệ cao như thế, sau khi rời Thiền viện Vạn Hạnh. Tôi thật sự ngạc nhiên trước qui mô công nghiệp của một công ty trồng trọt tư nhân. Công ty CP Công Nghệ Sinh Học RỪNG HOA ĐÀ LẠT được thành lập năm 2003 với chức năng nghiên cứu và ứng dụng KHKT trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất - kinh doanh xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp. Và đây chỉ là một trong nhiều công ty, cơ sở ...lớn nhỏ nằm rải rác trên địa bàn thành phố, áp dụng kỹ thuật cao trong công nghệ sinh học. Chuổi nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cà phê...chỉ là đầu ra của một cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như đã nói. Bây giờ Đà Lạt là như thế!
Dẫu có tiếc những sắc màu tự nhiên của Đà Lạt rau hoa một thuở, ta vẫn phải chấp nhận những đổi thay hiện tại nơi đây. Để, thảnh thơi đi tìm nơi đâu đó những mảng đồi xanh có thông già gió núi, hay 1 góc quán lạ yên bình, đốt cho mình một điếu thuốc, rồi lặng lẽ nhả những vòng khói bay, mà bâng khuâng nhớ lại một Đà Lạt thuở nào, như vừa mới hôm qua!
Sau khi tới Dalat vào chiều tối hôm trước, trong ngày thứ 2, chúng tôi lần lượt thăm Thiền viện Trúc Lâm, Chùa Linh Phước vào buổi sáng và đầu giờ chiều là thăm Thiền viện Vạn Hạnh như đã kể ở phần trước. Nay xin tiếp tục câu chuyện.
Buổi sáng, tại1 cao điểm từ chùa Linh Phước và buổi chiều cùng ngày, từ Thiền Viện Vạn Hạnh, tôi phóng tầm mắt nhìn chen qua khoảng trống của phố xá và cây xanh, để thấy 1 vài góc nhỏ của Đà Lạt hôm nay. Tôi thật sự ấn tượng vì Đà Lạt giờ đây quá rộng, khi nhìn thấy phố thị nhuộm sắc, tô màu từ gần đến xa. Một vùng đồi núi bao la phủ đầy thông xanh ngày trước, bây giờ là chập chùng lũng thấp, đồi cao, với tầng tầng lớp lớp phố nhà chen chúc, cùng những mái nhựa PE lô nhô đầy mặt đất. Đó chính là những nhà lưới được người nông dân dựng lên để trồng rau, hoa...theo công nghệ cao. Do khí hậu mát mẻ quanh năm, Đà Lạt như một “nhà kính” (greenhouse) khổng lồ mà không cần phải trang bị máy điều hòa, nên khá dễ dàng cho ngành nông nghiệp thay đổi phương thức canh tác theo những tiến bộ của kỹ thuật mới đương thời.
Tôi nhớ lại vào năm 1977, được Anh Trần Thượng Tuấn (vừa về phụ trách Phòng SLTV) gợi ý cho tôi xây dựng dự án lập phòng nuôi cấy mô tế bào tại khoa Trồng trọt Cần Thơ, theo mô hình của Phân Viện Khoa học Việt Nam(số 2, đường Mạc Đỉnh Chi, SG), đồng thời giới thiệu tôi lên tập huấn tại Trung Tâm Sinh học thực nghiệm Đà Lạt, số 31 đường Đinh Tiên Hoàng. Đây là cơ sở 2 của Phân Viện, do PGS TS Nguyễn văn Uyển phụ trách, người trực tiếp điều hành và thực hiện các nghiên cứu tại Trung tâm là anh Trần Lệ, tốt nghiệp từ Hungary. Đó là 1 tháng đáng nhớ trong cuộc đời “mần khoa học” ngắn ngủi của tôi, bởi nhờ vậy tôi có được chút ít kiến thức về ngành sinh học mới mẻ này, vốn được xem là “mũi nhọn” tương lai. Đó cũng là lần đầu tiên tôi tiếp xúc trực tiếp với những cây khoai tây nuôi cấy “in vitro”, học hỏi cách xây dựng và tổ chức một phòng thí nghiệm sinh học phân tử trong điều kiện hạn chế về trang thiết bị. Thật ra, so với nơi khác, bộ môn SLTV là nơi có nhiều trang thiết bị hiện đại, lại may mắn có sẳn 1 số chất điều hòa sinh trưởng(plant growth regulators) quan trọng trong tủ lạnh như IAA, NAA, GA3, Cytokinin..., nên đã có nhiều thuận lợi trong việc thực hiện dự án.
Và suốt trong 2 năm từ 1977 đến 1979, tôi đã tự tay lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên các kệ do Nhật viện trợ, làm 1 tủ cấy bằng mica trong, cùng tận dụng những thiết bị cao cấp thời đó của bộ môn SLTV...để cơ bản hoàn thành và hoạt động ngay 1 phòng thí nghiệm “Nuôi cấy mô và tế bào thực vật”. Từ nguồn cây con của Phân viện, tôi đã tiếp tục nhân giống in vitro một số cây như khóm, khoai tây, tạo mô sẹo(callus), nuôi cấy đỉnh sinh trưởng hoa lan... rồi...bỏ lại đó, để bắt đầu những tháng ngày lang thang vô định. Đáng tiếc là cuộc lang thang đó chẳng theo con đường mình chọn, phải rẻ theo một hướng xa dần cuộc chơi sinh học đầy thú vị mà khi vào trường CĐNNCT tôi đã ước mơ.
Nhưng nhờ thế, Đà Lạt lại ghi thêm vào cuộc đời tôi những kỹ niệm ngọt ngào đáng nhớ, khiến mỗi lần ngược đường lên chốn đó, tôi xem như là một “trở về”... chốn thân quen!
Những hình ảnh sau đây được lấy từ internet, hoàn toàn giống với 1 phòng “Nuôi cấy mô và tế bào thực vật” hồi 40 năm trước. Chỉ khác là không còn cái tủ cấy lạc hậu vướn víu, mà thay vào đó là những “bàn cấy vô trùng bằng giòng không khí thổi qua màng lọc HEPA” laminar flow cabinet ( hay laminar flow closet hoặc tissue culture hood)
(4)
Thêm một điều đáng nhớ khác chính là những kỹ niệm cùng anh Trần Lệ tại căn biệt thự dùng làm nơi ở của nhân viên “Trung Tâm Sinh học thực nghiệm” (sau 1980 đổi tên là Trạm cấy mô, TCM)trên đường Đinh Tiên Hoàng, cách phòng thí nghiệm không xa.Trong nhà, ngoài Trần Lệ còn có anh Trần Lục, 1 kỹ sư người Nghệ An nói giọng rất khó nghe, nhưng thật dễ thương, và 2 sinh viên đang làm luận văn tốt nghiệp. Hai em đang thực hiện một đề tài khép kín từ khâu nuôi cấy nhân giống trong ống nghiệm đến việc đưa những cây khoai tây in vitro ra trồng trên đất, kết quả thu được là những viên khoai bi sạch bệnh, có khả năng thay thế những củ giống vừa to vừa không an toàn từng được sử dụng trong dân gian từ trước đến giờ!
Dù chỉ quen biết trong thời gian ngắn nhưng suốt đời tôi chẳng quên Trần Lệ, bởi tính tình hiền hòa, vui vẻ cùng dáng vẻ phong trần của một gã lãng tử “có trình độ”, lãng tử vì mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ và trình độ vì khả năng chuyên môn được rèn giũa sau mấy năm học hành và làm việc tại Hungary. Anh đã giúp đở trực tiếp cho tôi thật nhiệt tình và thân tình trong suốt thời gian tập huấn. Cái không khí gây lạnh của Đà Lạt năm ấy, càng làm ấm thêm tình cảm của chúng tôi trong những ngày hội ngộ, dù tình cảnh mọi người vào những năm sau “giải phóng”ngày càng khó khăn. Thời điểm này khi bo bo là lương thực chính, anh em trong Trung Tâm ăn không vô(mà thực ra có ai ăn vô?), cứ chơi ròng rã mì sợi, lúc xào, lúc luộc với khoai tây, cà rốt, củ su...xịt nước tương! Vậy mà mọi người đều sống và làm việc cùng nhau thật vui vẻ!
Tôi và Ngọc Cúc lập gia đình cuối năm 1974, chưa kịp... trăng mật, trăng đường gì thì “đứt phim”, những ngày tháng tiếp theo khó khăn chồng chất, làm sao dám nghĩ tới “hưởng tuần đường, mật”, nên sẳn dịp này, bà xã xin nghĩ phép năm, gửi thằng con (Du 2 tuổi) cho Ông, Bà Ngoại rồi khăn gói lên thăm chồng. Tôi nhớ, Trần Lệ đã dành riêng phòng nghĩ của anh cho 2 chúng tôi trong suốt 1 tuần lễ phép.
Vào thời này, việc đi lại ở Đà lạt thuận tiện và rẻ là xe lam, tôi cùng bà xã đã dùng phương tiện này để loanh quanh nhiều nơi trong thành phố. Ngày cuối cùng trước khi bà xã về, chúng tôi ra vùng trồng rau Trại Mát để mua khoai tây cải bắp làm quà biếu, cũng bằng xe Lam. Đó là phương tiện giao thông nội tỉnh phổ biến ở Đà Lạt từ trước năm 1975. Ngoài ra còn có taxi(sơn 2 màu đen, trắng thay vì xanh, trắng như ở Sài gòn) và xe lô chạy đường liên quận, nội tỉnh(sử dụng dòng xe Renault mũi bằng của Pháp).
Dĩ nhiên, thời này cải bắp, su hào, khoai tây, hoa kiểng...hoàn toàn được canh tác theo phương pháp thủ công truyền thống, được những người nông dân Hà Nội mang vào từ phía Bắc, những làng rau, hoa Hà Đông, Thái Phiên, Vạn Thành...đã nổi tiếng lâu đời.
(5)
Dĩ nhiên, thời này cải bắp, su hào, khoai tây, hoa cảnh...hoàn toàn được canh tác theo phương pháp truyền thống, có mấy ai biết rằng những cây khoai tây in vitro đang được nâng niu, chăm chút trong các ống nghiệm tại một phòng lab khiêm nhường trên phố Đinh Tiên Hoàng, bởi những chàng trai, cô gái còn ít tuổi nhưng nhiều nhiệt huyết trong nghiên cứu khoa học để không lâu sau, mở đầu 1 trang mới trong sản xuất nông nghiệp trên vùng đất thơ mộng này!
Trần Lệ tếu táo và đôi khi kể chuyện tiếu lâm rất duyên, cùng tuổi chuột giống tôi, giống cả mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ, nên 2 thằng có lẽ mang ít nhiều máu mạo hiễm của những kẻ lãng tử giang hồ! Chỉ có điều 2 chàng lãng tử đã đi theo những hướng phiêu lưu khác nhau, khi anh cao bồi Hải Phòng đã bỏ đất cảng lang thang rồi mọc rễ nơi vùng núi Langbiang, thì gã “giang hồ vặt” sau thất bại trong mưu toan chinh phục miền viễn Tây, chỉ lẫn quẩn nơi ruộng đồng 2 mùa mưa, nắng, bây giờ về già, làm kiếp rong chơi cùng gió núi mây ngàn!
Trần Lệ, cùng bà xã, vốn là kỹ thuật viên dưới quyền, sau đó đã thôi công tác tại phân viện, ra ngoài tổ chức sản xuất dựa theo kiến thức và kinh nghiệm quí báu trong thực tiễn nghiên cứu tại Trung Tâm, đã gặt hái những thành công rực rỡ! Những cây khoai tây cấy mô đã đường hoàng bước ra khỏi các ống thủy tinh chật chội, sống mãnh liệt giữa trời đất hiền hòa tươi đẹp nơi xứ sở sương mù! Trần Lệ, tuy rời khỏi cơ quan nhà nước, nhưng vẫn thường xuyên liên hệ với chuyên môn, thời điểm này tôi có gặp anh Uyển một lần tại nhà ở khu vực trước Dinh Thống Nhất, anh nói tuy ra ngoài nhưng Trần Lệ lại có đóng góp cho khoa học và cộng đồng nhiều hơn khi còn nằm trong biên chế nhà nước!
Và có vẻ như chính các anh Nguyễn văn Uyển, Trần Lệ cùng các cộng sự đã “đánh thức” cả một vùng rau, hoa truyền thống nổi tiếng, khiến người nông dân Đà Lạt thay đổi phương thức sản xuất, để có những thành tựu hôm nay.
Trần Lệ, gã “lãng tử khoa học”, từ những năm 70 thế kỷ trước, đã đắm mình vào cuộc chơi công nghệ, lang thang từ những thí nghiệm in vitro trong phòng lab. đến các ứng dụng thực tiễn trên nương rẫy đất podzol, tạo nên những thành tựu có tính cách mạng.
Ban đầu là trong việc cung cấp giống khoai tây sạch bệnh đã được phục tráng sau nuôi cấy mô, tạo khoai bi giúp làm giảm khối lượng củ giống cung cấp ra đồng. Trước khi công nghệ sinh học chứng minh hiệu quả trên nương rẫy, người nông dân Đà Lạt đã phải tốn từ 500kg đến 1,5 tấn củ giống(nặng từ 15 đến 50g/củ) để trồng cho 1 ha đất, nghĩa là sẽ phung phí 1 lượng rất lớn lương thực trên diện tích hàng ngàn ha của thành phố này! Nếu trồng khoai bi chỉ cần chừng 35kg củ giống là đủ để trồng trên 1 ha.
Dĩ nhiên, về phương diện kỹ thuật, việc đưa được cây khoai tây sạch bệnh từ ống nghiệm ra môi trường tự nhiên để thu được khoai tây thương phẩm với nhiều lợi ích vượt trội, không phải là điều dơn giản; nó không chỉ là thành quả của 1 người, đồng thời nó cũng không chỉ đơn giản nhờ riêng “nuôi cấy mô”, mà phải kết hợp thêm các giải pháp khác, như qua 2, 3 bước làm “mạ”, trồng dày để lấy khoai bi... và sau này là “khí canh” (aeroponics). một giải pháp hay trong sản xuất khoai bi từ cây cấy mô...
Còn tiếp
KS Mong Phước Minh