|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
trở lại... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
22/5/2016
Trở lại Kalaw… (tt)
Ô hay, tiếng cười của Sư vẫn tếu như của thằng Trần Thiện Hoài ngày nào, bây giờ, giữa núi rừng hoang vắng trên cao nguyên lành lạnh sương lam, bổng làm tôi quên nỗi mệt nhọc sau khi vượt đoạn đường gian khổ, vì… có thấm gì đâu một chút trắc trở, khó khăn!
Sư Hoài, một bác sĩ đang an nhàn với công ăn việc làm, sống tại Hoa Kỳ, xứ sở nhiều tiện nghi, hiện đại…chợt bỏ ngang, rồi đến nơi núi rừng xa lạ, không người thân, thiếu thốn đủ thứ…vui sống cùng với những người dân quê hiền hòa như Bụt, con đường đá sỏi, lầy lội kia… có cũng như không!
Nhưng sau khi qua hết những đoạn này thì đổ xuống một con dốc đầy đá tảng, phía cuối dốc, chẳng còn gay go nữa, mà là thật …kinh hoàng, đó là đoạn đường ngập trong bùn khá sâu, lầy lội bùn đỏ, chỉ có đi bộ hoặc cỡi xe bò! Tình hình này đòi hỏi sự …liều mạng. Tôi nói Sư ơi, nếu chưa muốn… lên Niết bàn sớm thì Sư xuống lội bộ …để tui ráng sức một mình… “tự độ” qua cái cua “địa ngục” này! He he, không cần nhắc lần 2, Sư Hoài lẹ làng tuột xuống đất, túm y, lần bước qua “vũng lầy của chúng ta”. Còn tôi không còn cách nào khác, trổ hết tài khéo léovà liều mạng, rồ ga lũi vô cái vũng lồi lõm sình lầy phía trước, bánh sau thảy qua bên này rồi …trượt qua bên kia, bánh trước thì chỉ có may mắn mới bám được đường sình! Thiệt sự là một kỳ công tốn nhiều…mồ hôi hột! Qua được vũng lầy, tôi nhìn lại thấy Sư đi bộ mà…phát thèm!
Trên đường về Chùa, Sư chỉ tôi theo một lối khác, Sư nói, năm rồi ông Minh thắc mắc về cây mè đen, chiều nay tôi dẫn ông Minh tới chỗ có trồng cây đó. Theo Sư, đây là loại cây lấy dầu mà chính phủ Nhật bản hổ trợ cho nông dân bang Shan trồng để thay thế cho cây Anh Túc, sản xuất á phiện, chế biến heroin.
Năm 2013, tôi chỉ ngổi trong xe chụp những cánh đồng “mè đen” đẹp lộng lẫy trên các dãy đồi chạy dọc ven đường. Bỏ nghề gần 40 năm, thiếu kiến thức chuyên môn nên khi kể lại loại cây “mè đen” có hoa vàng rực rỡ thì anh bạn Dương Minh, Khoa Nông nghiệp Cần thơ đã cẩn thận cho hay “anh Minh ơi xem lại coi, theo tôi biết, cây mè, dù đen hay trắng cũng không có hoa màu vàng rực như vậy”, có khi ông Sư bạn của anh đã đổi nghề nông sang nghề Y nên nhầm lẫn chăng? Ha ha, thật là thú vị, Dương Minh đã khiến tôi giật mình, bèn tìm lại dữ liệu cây mè. Trên thế giới, mè được trồng là Sesamun indicum L. có số lượng nhiễm sắc thể 2n = 26, ngoài ra còn có S. Capennsen, S. alanum, S. chenkii, S. Laniniatum có 2n = 64. (thuộc họ Pedaliaceae) và rõ ràng loài cây này chỉ có hoa trắng phớt vàng hay tím thật nhạt . Hay là Nhật đã tạo ra một loại “mè đen” mới bằng kỹ thuật di truyền? Chúng tôi đã bí lối trong việc xác định đây là cây mè gì, bởi lẽ yếu tố quan trọng nhất là hình cận ảnh của cây và hoa không có. Tình hình không thay đổi, dù có cả sự góp ý của Ao văn Thinh, cũng chỉ là chưa thấy cây mè có hoa màu vàng!
Bây giờ nghe Sư nói, tôi thấy cơ hội để làm rõ cây “mè đen Miến Điện” là cây gì không còn khó khăn nữa, nên tôi đã chụp một số ảnh, cùng những hạt “mè” đen tôi hái được.
Trước tiên, tôi nhận ra ngay loài cây này thuộc họ Cúc (Asteraceae), vì hoa giống y hoa Dã quỳ (Tithonia diversifolia, Asteraceae), nhưng nhỏ hơn, còn hạt thì như hạt Sao nháy (Cosmos sulphureus, C.caudatus, C. diversifolius…, Asteraceae), nhưng lớn hơn, có màu đen giống hạt mè (có lẽ vì vậy mà gọi mè đen?).
Hình ảnh và hoa, tôi đã gửi cho Thầy Trần Đăng Hồng nhờ định danh và nhanh chóng được Thầy cho kết quả: đó là cây Niger Seed hay cây Guizotia (Guizotia abyssinica, Asteraceae) có nguồn gốc từ cao nguyên Ethiopia và Malawi, được trồng để lấy dầu(hàm lượng 30-40%). Vậy là mọi chuyện đã kết thúc…có hậu!
Điều quan trọng là tôi sẽ trở lại những cánh đồng “mè đen” đẹp đến rơi nước mắt trong dịp này, chắc chắn như thế!
Tôi hỏi sắp tới có còn vũng nào nữa không Sư? Sư nói còn một chỗ mà hổng biết có …dễ đi hơn không, chắc tại mấy hôm nay mưa dầm…đáng lẽ mùa này bớt mưa rồi, thôi tới luôn…bác tài, vừa nói, Sư vừa cười hề hề y như cái hồi còn tếu táu Cao Đẳng Nông Nghiệp Cần Thơ…
He he, vừa quanh qua một khúc cua, cả 2 chúng tôi ngao ngán nhìn đoạn đường trước mặt, lầy lội loại đất bùn … dẽo quẹo, chiếc xe bò vượt qua còn khó khăn, thì con 2 bánh của chùa chắc không “lành lặn” vượt nổi. Tình hình này nếu tiếp tục vô làng thì có khi …quăng cả người và xe xuống đất…rồi sau đó cạy bùn bánh xe…mệt xỉu!
Thôi, về ông Minh ơi, bửa khác đi, nhiều khi mình muốn mà …đường không cho đi thì chịu thôi! Ha ha ha…
3-11-2014. Buổi chiều.
Có cao độ khoảng 1400m, Kalaw là một thị trấn thật dễ thương thuộc Quận Taunggyi, bang Shan, Myanmar. Do nằm sâu trong nội địa, lại ở cùng vĩ độ với Hà Nội(20độ vĩ Bắc), trên cao nguyên Shan rộng lớn nên Kalaw có khí hậu mát mẻ quanh năm, thậm chí lạnh hơn cả Đà Lạt.
Năm 2013, tôi và bà xã chỉ lưu lại Kalaw 3 ngày để dự Lễ Dâng Y rồi thăm Hồ Inlay, thủ phủ Taunggyi và hang động Phật Pindaya. Sau đó rời hẳn Kalaw để cùng Sư theo 1 hành trình viếng các di tích nổi tiếng khác ở Bagan, Mandalay, Kyaikhtiyo…trước khi trở lại Yangon đáp chuyến bay về Bangkok. Cho nên với tôi, thị trấn Kalaw bình yên và dễ thương chỉ là những kỹ niệm thoáng qua, thật mơ hồ, như những sớm mai sương mờ hư ảo!
Lần này, với nửa tháng sống tại Kalaw, chắc chắn tôi sẽ có nhiều thú vị cho riêng mình.
Hôm nay, sau buổi sáng đi chợ phiên Aungpan, rồi được thưởng thức hương vị tuyệt vời của trái mãng cầu dai Myanmar vào bữa ăn trưa, tôi chỉ mới bắt đầu những “trãi nghiệm Kalaw” trong lần thứ 2 hội ngộ thị trấn bình yên này. Sư Hoài bảo tôi nghĩ cho khỏe rồi chiều đi thăm làng với Sư. Khi trở về phòng, tôi thấy đang có 1 vị Sư Tây cùng nghĩ trong nhà khách, rất trẻ, có lẽ vừa thọ giới Tỳ kheo chưa lâu, đang ngồi thiền định tại khu phơi đồ.
Chùa có 1 xe gắn máy để làm phương tiện đi lại, theo luật Phật, Sư Miến Điện không được lái xe, dù 2 hay 4 bánh; nên khi có việc đi gần quanh thị trấn, Sư thường nhờ đệ tử Koto(gọi là Cồ Tô) chở đi. Hôm nay, đệ tử Cồ Tô còn thi tốt nghiệp Cử Nhân Luật ở Taunggyi, nên “đệ tử” “Cồ Minh” được phước chở Sư đi thăm làng. Sau khi soạn lấy một ít thuốc men thông thường và dầu gió cho vào bị, Sư khoát lên vai rồi dẫn tôi xuống chỗ để xe.
Thị trấn Kalaw nhỏ hơn 1 huyện lỵ của Việt Nam, làng mạc nằm lẫn trong cả nội ô, nên có khi đi vào làng cũng là đi vào …rừng. Hồi Sư mới đến đây tìm nơi xây dựng chùa, khu vực này rất hoang vắng, đất của Thiền viện hoàn toàn nằm trong rừng, thường xuyên có thú hoang lai vãng. Bây giờ, tuy có thay đổi, nhà cửa nhiều hơn, nhưng vẫn mang dáng dấp của một làng quê nơi bìa rừng hẻo lánh. Từ con đường cái qua làng dẫn đến thị trấn, muốn vào chùa phải theo một lối mòn chừng 100m, phía Bắc chùa là nối tiếp với nhà dân trong các khu vườn, rẫy nhỏ, phía Tây và Nam chùa là rừng, nhưng đã có chủ, rớ vào rất dễ bị…phỏng tay!
Tôi dắt xe ra, lúc này đã 3 giờ chiều, trời Kalaw gay lạnh, Sư bảo đội nón sắt lên, bên này Cảnh sát nó không phạt, nhưng mình là người ngoại quốc, cẩn thận để tránh rắc rối! He he, chiếc nón cũ mèm, dơ hầy, chắc cả năm rồi không ai đội.
Qua sự hướng dẫn của Sư, tôi chạy theo những lối mòn ngoằng ngoèo, lên đồi, xuống dốc chẳng biết đâu mà lần, khá gay go!
Còn tiếp
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1064656 visitors (3181533 hits) |