Cuộc lang thang lớn cuối năm |
- Mong Phước Minh- |
Cuộc lang thang lớn cuối năm
Cao tốc CT14 dẫn chúng tôi đến Đà Lạt khi trời vừa sụp tối. Tính khám phá, phiêu lưu đã thật sự chấm dứt khi xe dừng bánh ở khách sạn Đỗ Quyên. Những ngày ở Đà Lạt chỉ để thăm vài ngôi chùa “điểm” của Má như Thiền Viện Trúc Lâm, chùa chén kiễu Linh Phước, chùa Tàu và Thiền viện Vạn Hạnh; Vườn hoa thành phố và thung lũng Vàng... là vài địa chỉ “ăn theo”!
1/ Thiền viện Trúc Lâm(xây năm1994), Thiền Viện Trúc Lâm là thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thiền viện cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5 km, nằm trên núi Phụng Hoàng, phía trên Hồ Tuyền Lâm. Đây không chỉ là thiền viện lớn nhất Lâm Đồng, mà còn là điểm tham quan và chiêm bái của nhiều du khách trong và ngoài nước, bởi cảnh quan xinh đẹp(Wikipedia). Có lẽ đây là lần thứ 5 tôi tới đây, ngoại trừ lần đầu tiên, 1998, do tôi tự lái xe đưa vợ con và 2 đứa cháu đến, thì các lần khác đều đi theo lịch của các đoàn. Chúng tôi thường đến vào buổi sáng, lúc khách du lịch đông đảo, nên không khí thanh tịnh cần thiết chốn thiền môn chẳng thấy, công việc Phật sự của các ni, sư đều diễn ra trước mắt khách tham quan, tạo nên một hình ảnh thật đáng quan tâm, nhất là với khách phương Tây. Thông thường tôi không hay vào chánh điện để lễ bái, mà đi loanh quanh tìm kiếm những góc đẹp cho riêng mình. Và bây giờ, với tôi, có lẽ hồ Tuyền Lâm là nơi đẹp nhất!
2/ Chùa Linh Phước (xây năm1950), tọa lạc tại số 120 Tự Phước, thuộc địa bàn Trại Mát, trên quốc lộ 20, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 8 km. Nhưng trước khi thăm chùa này, xin mời các bạn ghé qua một ngôi chùa khác ở tận...miền Tây.
Đó là Sóc Trăng, nơi có một ngôi chùa tên là Sà Lôn(Wat Sro Loun). Đây là 1 ngôi chùa cổ bằng gỗ, lập nên từ 1815, được xây dựng lại bằng vật liệu kiên cố vào năm 1969; nhưng vì thiếu kinh phí nên các Sư đã có sáng kiến quyên góp mảnh vở chai lọ, chén dĩa...rồi dán vào bên ngoài công trình theo một cách rất “mỹ thuật”,,, kiễu dân gian Nam bộ, nên chùa lại mang thêm tên là Chùa chén kiểu, đã được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa!
Thật ra, chúng ta cũng phải ngưỡng mộ tính sáng tạo và công sức xây dựng ngôi chùa này. Theo truyền thống, các chùa Khmer thường do các Sư Sãi trong chùa cùng một số bà con dân tộc địa phương tự chung tay xây dựng, trang trí...trong nhiều năm. Công sức trong hình thành ý tưởng và trong việc gắn kết các mảnh vở thật không phải là nhỏ, đó là cái giá trị “không giống ai”của công trình. Cho nên, đến chùa chén kiểu, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng một công trình nghệ thuật dân gian vừa ngộ nghĩnh dễ thương, lại vừa duyên dáng đậm đà tính chơn chất, bình dị! Các ảnh sau đây được lấy từ http://soha.vn/…/can-canh-ngoi-chua-doc-nhat-vo-nhi-dung-ch…)
Bây giờ, trở lại chùa Linh Phước, còn được gọi là Chùa Ve Chai, vì trong sân chùa (Hoa Long Viên) có con rồng dài 49 m, vây rồng được làm bằng 12.000 vỏ chai bia, miệng rồng che phủ tượng Phật Di Lặc. Trước Hoa Long Viên là tòa Linh Tháp 7 tầng cao 36 m có treo Đại Hồng Chung cao 4,3 m, miệng chuông rộng 2,33 m, nặng 8.500 kg, được đúc vào năm 1999 và được xem là chuông nặng nhất Việt Nam. Trước sân chùa là đài Quán Thế Âm. Ngoài ra, nơi đây còn có nhà trưng bày đá quý, sành sứ cổ và đồ gỗ mỹ nghệ(theo Wikipedia). Chùa Linh Phước là một công trình kiến trúc khảm sành đặc sắc của thành phố ĐàLạt. Chánh điện dài 33 m, rộng 12 m có 2 hàng cột rồng khảm sành, bên trên là nhiều bức phù điêu khảm sành giới thiệu về lịch sử Phật Thích Ca và những điển tích trong các kinh Pháp hoa, kinh A di đà.
Hôm nay, tôi thấy chùa đã mở rộng thêm về phía đối diện với tháp chuông cao và công trình phụ có chỗ đậu xe thật rộng rãi nhằm đáp ứng số lượng du khách ngày càng đông. Miểng chai, mảnh vở gốm sứ vẫn là vật liệu trang trí chủ đạo của công trình, phải chăng đó chính là yếu tố tạo nên “thương hiệu” chùa ve chai, thu hút ngày càng đông khách du lịch trong và ngoài nước
3/ Thiền viện Vạn Hạnh(Thành lập năm 1952, là Niệm Phật Đường Đông Thành, đến năm 1994 thì xây dựng lại thành Thiền Viện Vạn Hạnh), tọa lạc tại địa chỉ: 39 Đường Phù Đổng Thiên Vương, phường 8, thành phố Đà Lạt. Đây là ngôi thiền viện thu hút tăng ni khắp nơi, vừa là điểm tham quan hấp dẫn của thành phố Đà Lạt. Đặc sắc nhất của thiền viện chính là bức tượng "Phật Thích Ca niêm hoa vi tiếu" ngoài trời. Bảo tượng cao 24 m, rộng 20 m, tay phải cầm cánh hoa sen, hình ảnh này đặc biệt trong Thiền Tông gọi là "niêm hoa vi tiếu".
Hôm nay, trong thời gian chờ Má, tôi thấy có nhiều đoàn khách Nga tới viếng, chắc là nằm trong gói du lịch có sẳn.
Như các bạn đã đọc trong bài tường thuật vào tối ngày 18-11-2016, khi chúng tôi tới Đà Lạt. Hôm đó, vì rất thích thú sau khi vượt qua đường 28 quá đẹp nhờ băng ngang qua khu vực núi rừng còn khá hoang sơ, lại là cung đường ít người nơi khác biết, nên tôi đã cố gắng cập nhật ngay những gì mình vừa chứng kiến kèm chút ít cảm nhận tức thời để chia sẻ cùng các bạn, bỏ qua đoạn Bình Dương-Gia Nghĩa vừa kể.
Bây giờ để tiếp tục, tôi xin bổ sung thêm chút ít hình ảnh về đoạn quốc lộ28, đoạn đường ngoài dự kiến, nhưng nhờ thế chúng tôi được biết thêm một số địa danh lạ quắc mà rất đẹp, như Dak Nia, Dak Glong, Dak Som, Dak P’lao...
Như đã nói, chúng tôi theo đường 28 từ Gia Nghĩa đi Di Linh, tuy nhiên, ta cũng có thể ra quốc lộ 20 ở Liên Khương thay vì Di Linh, bằng cách rẻ qua đường 27 khi tới ngã tư Tân Lâm, nơi có tỉnh lộ 725 cắt ngang. Tại đây, ta rẻ trái qua địa phận xã Tân Thượng, huyện Di linh, rồi tiếp tục đi tới gặp quốc lộ 27 ở Lâm Hà, và cuối cùng rẻ phải về gặp quốc lộ 20 ở Liên Khương, ngay sau đó vào cao tốc CT14 lên Đà Lạt. Theo đường này ta sẽ gần hơn khoảng 13km, nhưng nhìn vào bản đồ chắc chắn đây cũng là 1 cung đường lắt léo đầy thú vị! Nhất là đoạn tỉnh lộ 725, Tân Lâm-Lâm Hà dài 43km.
Trong khi đó chúng tôi chỉ mất 26km để tới Di Linh trên đoạn đường có vẻ dễ đi hơn.
Do đã có 2 quyết định mang tính “phiêu lưu” trong ngày hôm nay, nên mọi người không muốn “hồi hộp” tiếp về 1 “cung đường chưa biết: Tân Lâm-Lâm Hà”, nhất là khi thấy Bà Má có vẻ mệt, nên thôi thì cứ nhắm hướng Di Linh thẳng tới. Đành phải vượt qua 55km quốc lộ 20 quen thuộc từ Di Linh tới Liên Khương, để dành việc khám phá đoạn tỉnh lộ 725 riêng cho 2 người vào dịp khác!
Trước đây tôi chỉ thấy Di Linh qua cái “mặt tiền” quay ra quốc lộ 20, bây giờ là lần đầu tới thị trấn này từ “ngã sau”, từ xa đó là một khu dân cư với nhà phố lô xô trên cao, con đường 28 càng vào gần thị trấn càng nhiều bụi và không còn vẻ mượt mà, xanh mát như phía trong kia. Thị trấn này có lẽ đã và đang phát triển nhiều do làn sóng nhập cư tràn vào, trong những năm sau ngày 30-4-1975. Cũng giống như thời 1954, với bản tính cần cù, đã quen chịu đựng và lao động cực khổ để tồn tại với xã hội, để mưu sinh trong điều kiện thiên nhiên bất lợi, người nhập cư từ các tỉnh phía Bắc sớm thích nghi với môi trường màu mỡ, giàu tiềm năng nơi đây nên mảnh đất Di Linh bây giờ đã khác xa thời trước, cái thời mà bọn sinh viên khóa 1 CĐNN Cần thơ chúng tôi ghé qua đồn điền trà của gia đình Thầy Phạm văn Kim.
Phố xá Di linh đông đúc, đầy màu sắc, trên cao nguyên giờ đã có vẻ khô khan! Chỉ những khóm dã quì là vẫn giữ nguyên màu vàng tươi rực rỡ, lúc lẽ loi, lúc “bầy đàn” khoe sắc dưới nắng chiều. Đó là chút xôn xao chợt đến trong tôi, trước khi đường 28 gặp quốc lộ 20 từ ngã 3 Dầu Giây chạy lên.
Như thế, sau khi vượt qua đoạn đường 28 Gia Nghĩa-Di Linh đầy bất ngờ thú vị, thì quốc lộ 20 dẫn lên Đà lạt chẳng còn gì hấp dẫn, nhất là đoạn Di Linh-Liên Khương bây giờ đã “phố hóa” khá nhiều!
Đà lạt hồi mấy mươi năm trước, với chúng tôi thật là xa lạ, xa bởi khoảng đường vượt rừng, qua núi đến cao nguyên và xa bởi ước mơ được thăm với khả năng đạt được là 1 khoảng cách...mịt mù! Sinh viên Nông nghiệp những khóa đầu tiên nếu không có gốc gác Phan Rang, Bảo lộc thì khó có cơ hội đi thăm miền đất lạnh, ngoài 2 khóa 1 và 3.
Khi ấy, không chỉ học trò mà cả các quí Thầy cũng rất thú vị khi tham gia chương trình du sát, không khác gì 1 tour du lịch từ đồng bằng ra duyên hải Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang, rồi lên cao nguyên Dji Linh, Lang Biang, Nam Trung bộ. Phần lớn bọn sinh viên chúng tôi rất háo hức vì lần đầu vượt đèo lên núi, tiếp cận cái quan cảnh mà trước đó chỉ có thể tưởng tượng sau những bài học khô khan trong tường.
Những loại đất Cà Giang ở Ninh Thuận, latosol nâu, podzolic vàng đỏ...mà Thầy Thái Công Tụng dạy trong môn Thổ nhưỡng, Thầy Phi Long nói tới trong Nông học đại cương, chừng đó thật sự ấn tượng, chỉ một lần trông thấy qua sự hướng dẫn của Thầy Huỳnh Công Thọ, Thầy Nguyễn văn Nhiều, chúng tôi nhớ suốt đời!
Những loài tùng, bách chỉ có ở vùng khí hậu ôn đới, qua bài giảng môn “Sinh môi” đầy hấp dẫn của Thầy Phùng Trung Ngân, mà “thương hiệu” đã được khẳng định trong quyển sách giáo khoa “Thực vật học” lớp Đệ Nhị, chừng đó mới khiến mọi người mê mẫn khi các loài thông 3 lá(Pinus khasya hay Pinus kesiya), thông 2 lá(Pinus merkusii), thông 2 lá dẹt(Pinus kremfii hay Ducampopinus kremfii)hoặc thông 5 lá(Pinus dalatensis) xuất hiện và nhờ các Thầy Trần Đăng Hồng, Thầy Phạm văn Kim hướng dẫn, giải thích.
Rồi những đồi trà xanh ngăn ngắt, những rẫy cà phê chập chùng cao thấp đến tận dãy núi giăng mây mờ ảo phía trời xa. Những cô gái “Người Thượng” với gùi tre đeo vai, đi trên đường hay tham gia hái trà trong rẫy là những hình ảnh lạ lùng đối với các cô, cậu sinh viên từ đồng bằng Miền Tây mới lên, nhất là khi vài thằng chợt la hoảng khi thấy các cô gái Thượng đang “tắm tiên đờ-mi” trong suối vắng phía xa!
Ngày đó xe chưa có máy điều hòa, nên cái không khí lành lạnh cao nguyên cứ mơn trớn trên làn da, thớ thịt, len lỏi vào tận tâm hồn “thơ dại” tuổi học trò của mấy chục con người sắp sửa trưởng thành khiến mọi người thích thú! Ô hay, cái lạnh ấy sao mà ngọt ngào đáng nhớ, để dù Đà lạt vẫn còn ở trên cao, cũng làm chúng tôi nôn nao trên từng khúc uốn, làm mọi người...ngơ ngẫn đến ngất ngây!
Hồi đó, đường hẹp hơn bây giờ nhưng ít xe nên cũng dễ chạy, nhà cửa lưa thưa trên cao nguyên yên vắng, từng vạt bắp non đang lặng lẽ mướt xanh giữa chập chùng đất đỏ mênh mông. Xe vượt đèo cao, mãi xế mà vẫn chửa đến nơi, nhờ vậy chúng tôi mới thấy cái đẹp của ngôi thánh đường thấp toáng trong xa, lẻ loi trên ngọn đồi chiều nghiêng bóng nắng!
Những địa danh xa lạ giờ đây trở nên...càng xa lạ, Krong Pha, Dji linh, Finom, Dran...dù mang âm hưởng hoang dại núi rừng, nhưng nó không “quê mùa” như Chắc Cà Đao, Trà Ôn, Cái Răng, Cái Tắc...mà lại giống như...Tây. Thôi kệ, mình cứ khoái cái vẻ Tây trên vùng đất mà chính mấy Ông Tây đã dày công khám phá, để lần đầu tiên bước tới, chắc chắn không thể nào lãng quên!