|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Chuyện của tôi và sương |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
16/4/2016
Truyện ngắn:
CHUYỆN CỦA TÔI VÀ SƯƠNG
Nguyễn Thị Mây
|
Hôm ấy, vừa đến cổng, tôi đã gặp Sương. Bàn tay trái bịt mũi, bàn tay phải kéo sợi dây có buộc một con chuột cống chết sình. Mùi hôi của nó bốc lên làm tôi lợm giọng, buồn nôn. Tôi vội quay đi nơi khác nhổ một bãi nước bọt rồi cũng đưa tay bịt mũi
Thấy vậy, Sương bảo:
- Anh vào nhà ngồi nghỉ, chờ em ném “ cái của nợ “ này xuống sông cái đã.
Ngõ nhà Sương quay về hướng mặt trời lặn, đối diện dòng sông nhỏ. Dọc đôi bờ, hai hàng dừa nghiêng nghiêng, tạo nét duyên dáng cho cả một vùng quê yên ả.
Buổi chiều, khi mặt trời xuống thấp, những tia nắng đỏ rực tinh nghịch luồn lách qua thân dừa, phủ trùm mặt nước. Dòng sông lúc bấy giờ tựa như tấm lụa óng ánh nửa vàng, nửa đỏ trải dài.
Tôi yêu dòng sông kể từ ngày bắt gặp Sương đứng trên chiếc cầu nhỏ, tóc bết mồ hôi, rũ xuống trán. Cặp mắt to, đen láy lơ đễnh nhìn sóng nước nhấp nhô, ngầu đục. Sương khom người, hai tay nhận cặp thùng xuống rồi đứng vụt lên. Nước sóng sánh sắc đỏ trời chiều đầy tràn bên Sương. Tôi chợt nhớ câu:
Hỡi cô gánh nước quang mây
Cho anh xin nước tưới cây ngô đồng.
Gánh nước nặng oằn thế mà Sương bước thoăn thoắt, nhịp nhàng làm sao! Tôi vội đuổi theo, cất tiếng gọi:
- Cô, cô …cô ơi !
Sương đứng lại, lộ vẻ ngạc nhiên:
- Ông gọi tôi?
Bất giác, tôi đưa tay sờ càm. Có lẽ tại mấy cọng râu lún phún này đây. Tôi chợt mất bình tĩnh:
- Dạ … không dám…
Sương đặt gánh nước xuống, trố mắt nhìn tôi:
- Ông cần gì?
Quả thật. Tôi cũng chẳng biết mình cần gì nữa. Tôi càng lúng túng:
- Tôi muốn xin cô một gáo nước.
Sương thảng thốt kêu lên:
- Chi vậy?
- Để uống. Tôi khát quá!
Sương bật cười:
- Trời ơi! Nước đục ngầu mà uống cái nỗi gì!
Sương nghiêng đầu nhìn tôi. Có lẽ Sương đang tự hỏi gã đàn ông trước mặt có bị bệnh tâm thần không? Nhưng thấy vẻ mặt chân thành của tôi, Sương bảo:
- Nhà tôi ở gần đây, anh theo tôi tới đó rồi tôi rót nước cho uống.
Chưa bao giờ tôi hân hoan đến thế. Tôi được Sương mời vào phòng khách, cho uống nước trà hẳn hoi. Hôm sau, để đền ơn được ống nước, tôi mang đến nhà Sương một chục cam mật ngon hết ý. Tôi cứ “ơn đền, nghĩa trả” mà hai đứa trở thành thân thiết, khó rời.
Nghe Sương bảo ném con chuột xuống sông, tôi liên tưởng đến vô số mầm bệnh nằm trong con vật phình to, hôi hám ấy sẽ túa ra, hòa lẫn vào nước. Rồi, chút nữa đây Sương lại gánh nước vào nhà, đổ đầy cái lu để dành giặt giũ, nấu ăn, không chừng cũng đun sôi để nguội cho tôi uống.
Tôi kêu lên:
- Em đừng làm vậy, dơ lắm! Nước sông sẽ bị ô nhiễm.
Sương nhìn tôi:
- Vậy chứ quăng đi đâu? Chẳng lẽ liệng qua nhà hàng xóm cho người ta mắng.
Chẳng biết cái gì xui khiến mà tôi lại lên tiếng:
- Dù người ta không mắng mình cũng không được làm thế. Cái gì mình không muốn, không thích thì đừng làm cho người khác. Em hiểu không?
- Xí, đừng có tài lanh. Bộ anh không thấy chiều chiều người ta mang hết thùng rác này đến thùng rác nọ trút xuống sông đó sao? Như vậy không ô nhiễm chắc?
- Không lẽ thấy người ta làm sai mình cũng bắt chước. Mình phải có lập trường của mình. Mỗi người có ý thức thì dòng sông mới không bị vẩn đục.
Sương bắt đầu sụt sịt khóc:
- Ừ, tui vậy đó. Còn anh thì tốt lắm!
- Dĩ nhiên!
Nói xong, tôi mới biết mình hớ thì đã muộn. Sương bỏ chạy vào nhà, đóng chặt cửa. Bỏ tôi đứng ngẩn ngơ bên … chuột chết.
Cả tuần nay, Sương lánh mặt tôi như trốn chạy vi trùng dịch hạch, dịch tả. Cổng rào lúc nào cũng khóa chặt. Đã vậy. Vừa nhác thấy tôi thập thò, kiễng chân nhìn vào là Sương liền khép cửa. Tôi đau khổ vô cùng, định không tới nữa nhưng ngày nào không gặp mặt Sương là tôi như người chết nửa thân mình, ngẩn ngẩn ngơ ngơ như người mất trí.
Chiều nay, tôi thẫn thờ đi dọc bờ sông. Ngang qua chỗ hai đứa gặp nhau lần đầu, bỗng dưng tôi nghĩ ra một cách.
Đúng như tôi dự đoán. Khi nắng nhạt dần, nước mấp mé đôi bờ thì Sương gánh cặp thùng từ nhà đi ra sông. Chờ khi Sương quay trở về với đôi nước đầy tràn, tôi chạy đến trước mặt Sương, giăng hai tay chặn đường rồi nói như năn nỉ:
- Sương, anh… anh…
Sương trợn mắt nạt ngang:
- Dang ra, anh muốn gì?
Tôi ấp úng:
- Anh muốn xin em miếng nước. Anh khát lắm!
Không nén được, Sương bật cười. Đặt gánh nước xuống đất, Sương tinh nghịch bảo:
- Đó, uống đi!
Úy trời! Cô bé thật là tàn nhẫn. Cô chẳng thèm mời tôi vào nhà như lần trước mà lại bảo:
- Ủa, sao nói khát mà không uống? Vậy thì xê ra cho người ta gánh nước.
Tôi phát hoảng. Lỡ cơ hội ngàn vàng này chắc là “ ở lại ” luôn quá. Tôi lật đật chạy theo, dùng hai tay bụm nước rồi đưa lên miệng. Sương cũng giật nình khi thấy tôi nuốt đánh ực ngụm nước sông. Cô chớp mắt cảm động rồi bỗng dưng thút thít khóc.
Tôi cũng muốn khóc khi nhớ đến … con chuột chết. Chẳng biết có miếng thịt nào của nó tan lẫn trong ngụm nước vừa rồi không? Tôi buột miệng:
- Còn con chuột bữa hổm…?
Quên cả khóc, Sương che miệng cười khúc khích, hồi lâu mới lên tiếng:
- Em chôn nó dưới gốc cây nhãn rồi.
Mừng quá, tôi vồn vã:
- Vậy hả! Em tuyệt quá! Vậy để anh uống thêm vài ngụm nữa.
Sương cười thành tiếng. Cô nắm lấy tay tôi ngăn lại:
- Đừng anh! Dơ lắm! Không có xác chuột chết nhưng có rác đó. Vào nhà, em làm nước chanh cho anh uống.
Tôi theo Sương vào nhà, lòng vui như hội. Và tôi chợt chớ câu ca:
“ Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt…”
Tranh sưu tầm
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1064413 visitors (3181196 hits) |