|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Cù lao Ông Chửơng.... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
12/2/2017
Cù Lao Ông Chưởng & Chợ Mới xưa nay
Có lẽ ở độ tuổi tôi, những ai là cư dân lâu dài trên đất phù sa Nam bộ này, đều thuộc nằm lòng câu hát “đưa em”:
Bao phen quạ nói với diều,
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm.
Thú thật dù tôi không xa lạ gì xứ Chợ Mới, vì vốn là cư dân Long xuyên từ hồi 10 tuổi(1958), có bạn thân ở Chợ Mới, nên đã không biết bao nhiêu lần tôi qua lại chốn này; nhưng có 2 cái cù lao mà mãi sau này tôi mới biết rõ hơn, dù đã từng nghe nói đến nó cũng không biết bao nhiêu lần, đó là cù lao Ông chưởng và cù lao Giêng. Thê thảm hơn, cù lao Ông Chưởng nó “chần dần” bên tay trái con đường mà tôi từng nhiều lần qua lại theo lộ cũ DT 946, nằm cặp bờ của kinh Long Xuyên-Chợ Mới, đó là cách tôi gọi trước thời điểm tôi biết kinh này là rạch Ông Chưởng hay sông Ông Chưởng, khi cầu Ông Chưởng hoàn thành.
Sông Ông Chưởng, rạch Ông Chưởng, lòng Ông Chưởng, Lễ Công giang, Ngư Ông Đà đều dành để chỉ con kinh dẫn từ Vàm Cái Hố(đối diện tp Long Xuyên, bờ Bắc sông Hậu) sang Vàm Ông Chưởng(bờ Nam sông Tiền, Chợ Mới), cặp theo nó là tỉnh lộ DT946, con lộ cũ từ phà An Hòa qua Vàm Cái Hố đi Bà Vệ, Long Điền...Chợ Mớí (lộ mới bây giờ đi qua ngã 3 kinh Cựu Hội).
Cù lao Ông Chưởng chính là dãy đất nằm giữa Sông Hậu, Sông Vàm Nao, Sông Tiền và rạch Ông Chưởng này. Trên bản đồ, ta thấy Chợ Mới là một vạt đất hoàn toàn liền với Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh(coi như là 1 cù lao lớn nằm giữa 2 nhánh Tiền Giang và Hậu Giang của nơi tận cùng hạ lưu sông Mekong) và sông Ông Chưởng không lớn hơn kinh Lấp Vò, sông Măng Thít...cũng là những đường thủy chính trong số rất nhiều kinh rạch đan xen mạng nhện trong khu vực, vận tải hàng hóa, nông sản từ vùng đất Nam sông Hậu qua sông Tiền...Cho nên tôi vẫn luôn thắc mắc về từ “cù lao”dành cho cù lao Ông Chưởng, không biết dựa vào đâu mà người ta gọi như thế?
Rồi tự mình giải thích cho vui, như sau: có lẽ xuất phát từ cách gọi do cư dân sống trên phần đất liền Bình Mỹ, Bình Thủy, Châu Thành, Long xuyên...( An Giang) hồi mới khai hoang, khi còn rừng rậm hoang vu, giòng sông Hậu trước mắt họ rộng mênh mông, nên trông vạt đất phía bên kia như cái cù lao lớn, họ gọi là cù lao Cây Sao, chắc vì có nhiều loài cây này mọc, không hình dung được đó là 1 vạt đất liền kéo dài ra tận biển Đông với chằng chịt kinh, rạch nhỏ bé, trong đó có kinh mà sau này cũng được đặt tên là kinh Ông Chưởng?
Thêm 1 cách giải thích nửa, đó là giữa 2 bờ của sông Mekong(bờ Bắc sông Tiền và bờ Nam sông Hậu) là rất nhiều cù lao lớn, nhỏ, cho nên phần đất Ông Chưởng cũng có thể được gọi là cù lao, vì nằm trên một cù lao lớn từ sông Vàm Nao ra tới biển Đông.
Thôi, điều quan trọng tôi muốn nói đến chính là chuyện tên Ông Chưởng được lấy để đặt cho cái-cù-lao-không-rõ-hình-tướng này. Thoạt tiên lưu dân gọi là cù lao Cây Sao, bởi có lẽ do có nhiều loài cây này mọc sẳn. Tập quán dùng tên cây, thú vật...để đặt tên một nơi chốn nào đó vốn rất phổ biến ở miệt vườn Nam Bộ(Cái Sao, Cái Sơn, Cái Dầu, Cù lao Ông Hổ...). Cây sao(Hopea odorata Dipterocarpaceae)có lẽ là loài cây mọc nhiều trong rừng rậm phương Nam thời mở cõi, không mối mọt ăn, chắc thẳng, chẳng hiểu sao người ta không dùng gỗ này để cất nhà mà dùng để dựng đình, chùa, đóng ghe và đóng...hòm!
Ông Chưởng là “Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh”, năm 1698, được Chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào Nam thành lập chính quyền, Ông chia đất Đông Phố (Đồng Nai ngày nay) làm huyện Phước Long (lập dinh Trấn Biên, tức Biên Hoà ngày nay); lấy xứ Sài –côn làm huyện Tân Bình (lập dinh Phiên Trấn, tức Gia Định ngày nay), lập làng, ấp, định ra thuế khoá.
Từ một vùng hoang vu, cù lao Cây Sao trở nên phồn thịnh sau lời kêu gọi khẩn hoang lập ấp của Ông, nên sau khi Ông mất, người dân nhớ ơn đặt tên là cù lao Ông Chưởng.
Trên cù lao này đền thờ Ông được lập ở 4 địa điểm khác nhau là Chưng Đùng, Long Kiến, Kiến An, Long Điền A.
. Công của Ông có thể tóm lượt như sau:
- Khai hoang mở cõi
- Dàn xếp biên cương
- Bảo vệ chủng dân và vùng đất mới
- Thiết lập cơ sở hành chính thôn xã có quy củ
- Lập phủ Gia Định và chính thức cho sát nhập vào bản đồ Đại Việt
- Đề xuất công trình chiêu mộ lưu dân và khuyến nông.
Ngày nay đền thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được bảo tồn ở nhiều địa phương, trong đó, lớn nhất là ở An Giang, Đồng Nai và Quảng Bình. Độc đáo hơn nữa là ở Nam Vang cũng có đền thờ ông.
Nhiều địa phương lấy tên hoặc chức tước của Ông đặt cho các công trình xây dựng công cộng như trường học, cầu, đường... như ở Long Xuyên, Chợ Mới, Biên Hòa, Vũng Tàu...(Chưởng Binh Lễ, Nguyễn Hữu Cành).
Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca
Trích:
Sông Lễ Công chỗ cù lao,
Miếu quan Chưởng Lễ thuở nào lưu lai.
Đồng Nai cũng có miễu ngài,
Nam Vang, Châu Đốc lại hai chỗ thờ.
Coi ra hiển hách bây giờ,
Cù lao ông Chưởng tư cơ đứng đầu.
(Nguyễn Liên Phong, 1909)
Và bài thơ luật Đường của T.T.T:
Cù lao Ông Chưởng
Noi dấu tôi công tự thuở giờ,
Cù lao ông Chưởng đó trơ trơ.
Xanh om mấy cụm bần theo bãi,
Trắng xóa đôi bên sóng phủ bờ.
Người chết nhang đèn chong vẫn tỏ,
Tên còn tre lụa nét không mờ.
Ngàn thu trở xuống nhuần ơn sót,
Châu Đốc, Nam Vang có miếu thờ.
Sông Vàm Nao nối liền giòng Bassac và nhánh Tiền Giang của Mekong, là ranh giới tự nhiên ngăn cách 2 huyện Phú Tân và Chợ Mới. Chỉ dài khoảng 7km, rộng trung bình 700m, cửa trên nằm ở bờ Nam sông Tiền, cửa dưới đổ ra tại bờ Bắc Hậu giang, nhưng rất quan trọng trong giao thông thủy nên được trung ương quản lý, thương thuyền từ Biển Đông muốn lên cập bến Nam Vang thì phải qua Sông Tiền bằng ngã Vàm Nao này.
Trên bờ sông này nghề làm gạch, gốm vẫn luôn sôi động, ngày đêm khói lữa ngút trời, từ Hòa Hảo đi Chợ Mới phải qua đò Vàm Nao, cho nên có câu ca dao:
Bắp non mà nướng lữa lò,
Đố ai ve được con đò Vàm Nao.
Bây giờ con đò đã đi xa lắc vào quá khứ, chàng trai trẻ Hòa Hảo muốn thăm người yêu bên Chợ Mới thì phải “lụy đò”Thuận Giang.
Phà Thuận Giang nối liền tỉnh lộ 954 phía Phú Tân, nằm cách trung tâm Hòa Hảo chừng 1km và tỉnh lộ 942 phía Chợ Mới, cách thị trấn huyện chừng 9km, đoạn này nằm vắt qua cù lao Ông Chưởng, như ta thấy trên bản đồ.
Mong Phước Minh
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1063869 visitors (3180201 hits) |