14/1/2016
ẢNH HƯỞNG CỦA EL NINO VÀO SẢN SUẤT NGŨ CỐC
Trần Đăng Hồng, PhD
|
Ảnh hưởng của hạn hán và sóng nhiệt lên sản xuất ngũ cốc toàn cầu.
Từ trước đến nay, các nhà nông học đều nhận thấy là vào những năm xảy ra El Niño thì mùa màng thất bát, vì El Niño gây ra khí hậu bất thường như sóng nhiệt (heat wave), hạn hán, lụt lội trầm trọng. Tuy biết như vậy cho từng địa phương, nhưng chưa có một nghiên cứu chi tiết trên phạm vi toàn cầu cho biết sự thất bát mùa màng như thế nào. Tạp chí khoa học Nature ngày 6/1/2016 đăng tải một nghiên cứu ước tính sự thất bát mùa màng do hạn hán và sóng nhiệt cao gây ra trên toàn cầu trong thời gian 1964 – 2007.
Nghiên cứu tập trung vào 16 loại ngũ cốc (cereals) trong 177 quốc gia trên thế giới liên quan tới 2800 biến cố thiên tai do thời tiết xảy ra trong thời gian 1964 – 2007.
Kết quả phân tích cho thấy sản lượng ngũ cốc giảm 9 – 10% do hạn hán và sóng nhiệt cao. Các trận hạn hán trong thời gian từ 1985 -2007 gây tác hại nặng hơn trước kia.
Hình 1. Số sóng nhiệt (màu đỏ) và hạn hán (màu nâu) xảy ra mỗi năm kể từ 1964 đến 2007. Chú ý là sóng nhiệt và hạn hán gia tăng nhiều sau 1985
Hạn hán làm giảm sản lượng ngũ cốc ở Bắc Mỹ, Âu châu và Úc châu khoảng 19,9%, cao gấp đôi so với các nước khác trên thế giới (Hình 2). Sở dỉ có tình trạng khác biệt lớn như vậy vì ở các nước phát triển, ngũ cốc được canh tác quy mô lớn, cùng một giống đồng nhất, nên một khi bị hạn hán mà giống bị cảm nhiễm thì thiệt hại lớn, ngược lại ở các nước kém phát triển canh tác trên diện tích nhỏ, manh mún, với nhiều loại giống khác nhau nên nếu có thiệt hại nặng ở đám ruộng này thì có đám ruộng khác ít thiệt hại, kết quả chung của vùng thì thiệt hại ít hơn khi có hạn hán.
Hình 2. Hạn hán làm giảm sản lượng 10,1% còn sóng nhiệt làm giảm 9,1%. Các quốc gia Bắc Mỹ và Âu Châu thiệt hại lớn nhất so với các nước kém phát triển.
Các phân tích cũng cho thấy là ảnh hưởng xấu chỉ xảy ra năm có hạn hán, các năm sau với khí hậu bình thường thì sản lượng cũng như năng xuất trở lại bình thường.
Ảnh hưởng của El Niño vào sản xuất lúa vùng Đông Nam Á.
Một cách tổng quát, El Niño không có ảnh hưởng rõ rệt trên năng xuất lúa. Chẳng hạn, Hình 3 biểu diễn sự thăng trầm năng xuất lúa qua 10 biến cố El Niño trong thời gian 1982 - 2010, khi có năng xuất cao hơn tới 7% (năm 1987/88), có khi năng xuất giảm tới 2,5% (1986/87) so với năm bình thường. Sở dỉ như vậy, vì lúa canh tác ở Đông Nam Á trong ruộng nước có hệ thống dẫn thủy chiếm 45% (khoảng 21 triệu ha), và 55% diện tích lúa canh tác nhờ nước mưa. Nơi nào canh tác nhờ nước mưa thì bị tác động nặng của hạn hán do El Niño gây ra.
Hình 3. Biến thiên năng xuất lúa toàn vùng Đông Năm Á qua 10 biến cố El Niño trong thời gian 1985 -2010.
Các giống lúa trồng ở Đông Nam Á rất cảm nhiểm với hạn hán, và nếu hạn hán xảy ra trong thời gian kéo dài từ 1 tháng trước khi trỗ tới 3 tuần sau khi trỗ thì thiệt lại lên năng xuất rất nặng nề.
Trong vùng canh tác lúa có hệ thống dẫn thủy, lúa trồng 2-3 vụ một năm, mà diện tích mỗi gia đình chỉ 0,5 – 2 ha nên ảnh hưởng của hạn hán rất ít so với sản lượng sản xuất nguyên năm.
Hình 4. Diện tích canh tác lúa và tỉ lệ sản lượng gạo sản xuất ở Đông Nam Á
Indonesia và Philippines thường bị ảnh hưởng tác hại nhất vì thiếu nước mưa bởi El Niño.
Một cách tổng quát, Việt Nam coi như không bị ảnh hưởng nhiều trên năng xuất lúa do hạn hán gây ra bởi El Niño. Năng xuất lúa gia tăng đều và cao nhất Đông Nam Á ngay cả những năm có El Niño (Hình 5).
Hình 5. Năng xuất lúa (ton/ha) tại 8 nước Đông Nam Á.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Corey Lesk, Pedram Rowhani & Navin Ramankutty (6/1/2016). Influence of extreme weather disasters on global crop production. Nature 529, 84-87.
USDA, Foreign Agricultural Service (2015). Southeast Asia: 2015/16 Rice Production Outlook at Record Levels.
http://www.pecad.fas.usda.gov/highlights/2015/06/Southeast_Asia/Index.htm
Reading, 1/2016