19/11/2015
Mặt trời vừa lặn. Mẹ tôi đốt ngọn đèn dầu để giữa nhà lung linh ánh sáng vàng hoe. Cha tôi vừa cho ghe vào ụ. Ông bước vào nhà, vừa cày cái chốt cửa vừa nói vọng vào với mẹ tôi
“Chắc đêm nay êm hả mình?”
Mẹ tôi ngồi trên cái chổng tre đang may vá mấy cái quần áo rách, không vội trả lời. Không biết sao, cả ngày nay trông mẹ tôi có vẻ bồn chồn, như lo lắng chuyện gì.
“Sao tui lo quá mình à.”
“Thì đêm nào cũng vậy. Đạn pháo binh bắn như cò ỉa miệng chai. Hơi đâu mà mình lo cho mệt.”
Thuở ấy là thời điểm chiến sự đang lúc khốc liệt. Nhà tôi ở trong vùng oanh kích tự do nên thường bị pháo kích về đêm. Ba tôi cố trấn an mẹ, nhưng chính ông là người lo lắng nhiều nhất. Đêm qua, xóm Cầu Kinh hứng đủ mấy quả đạn pháo. Lại thêm mấy cái hố sâu bị đào xới lác đác đó đây. Chỉ có Ki Ki là vô tư. Nó nằm gác mỏ trên hai chân trước, lim dim ngủ.
Cứ đêm về, cả làng đều sống trong tình trạng phập phồng lo sợ. Tinh thần căng thẳng, nghe ngóng đợi chờ. Pháo kích có thể đến bất cứ lúc nào, ở đâu và không biết ai sẻ là nạn nhân đêm nay, có thể là chính mình.
Khoảng giữa đêm, trong giấc ngủ chập chờn, bổng có tiếng nổ “đì đùng” từ xa vọng lại.
Ki Ki đang nằm, bổng ngồi xổm dậy, hai tai dựng đứng nghe ngóng. Ba tôi bật dậy như cái lò xo, ôm vội lấy tôi nhảy thoắt xuống giường, kéo tay mẹ tôi chui vào hầm trú bom. Con Ki Ki, còn nhanh hơn chúng tôi, nó đã nằm sẵn trong hầm tự lúc nào.
Cái hầm trú bom do ba tôi làm khá kiên cố, nó có thể giúp tránh được các miểng bom đạn. Trong hầm tối thui. Mọi người đều im thin thít, nín thở theo dõi từng tiếng nổ đì đùng, khi xa khi gần, khi to khi nhỏ. Tiếng đạn pháo rít ngang đầu nghe ớn lạnh. Thời gian như lắng đọng.
Bổng một tiếng nổ như long trời lở đất, như sự sụp đổ của cả một vũ trụ nặng nề chụp xuống….và tiếp nối một sự yên lặng lạnh lùng.
0---0---0---0
Mẹ tôi vừa khóc, một tay ôm ghì tôi vào lòng, một tay lúc lắc ba tôi đang nằm yên bất động trên mặt đất, người phủ đầy cát bụi, giữa những ngổn ngang tan tát của căn nhà. Con Ki Ki kinh sợ, run rẩy chui đầu vào góc hầm.
Chưa kịp hoàn hồn, tôi nghe có tiếng kêu ơi ới của chú Ba ở cạnh nhà, đang hớt hải chạy đến, tay quơ quơ ngọn đuốc soi đường trong bụi khói mịt mù.
“Anh Bảy ơi, có sao không, có ai bị gì không hả chị Bảy?”
Rồi lập lòe mấy ánh đuốc khác cũng đang chạy đến tiếp cứu.
Mọi người lăng xăng, la lối ơi ới, kẻ khiêng người kéo, cố mang ba tôi ra khỏi cái hầm sụp đổ.
Cha tôi tỉnh dậy, rên rỉ vì đau đớn. Mẹ tôi òa lên khóc. Tôi cũng khóc theo vì vui mừng thấy ba tôi còn sống.
Chẳng may một viên đạn pháo đã rơi vào nhà tôi. Dưới sức nổ, căn nhà tan nát văng từng mảnh khắp nơi. May mắn thay, mọi người đều đã chui vào hầm. Tuy hầm bị sụp nhưng chỉ có Ba tôi là bị thương nặng.
Tình trạng của ba tôi rất tệ, bị gảy xương sườn và xương tay, cần phải chở đi cứu cấp ngay, nếu không có thể bị xuất huyết nội, nguy hiểm đến tánh mạng
Thuở ấy phương tiện di chuyển đường bộ gần như không có. Phải đi bằng ghe. Nhờ bà con lối xóm giúp đỡ và làm việc suốt đêm, cái ghe nhà được che cái mui bằng lá chầm. Họ tìm được miếng ván gổ cho Ba tôi nằm yên, không cục cựa. Chú Ba tình nguyện chèo ghe. Mẹ tôi thu nhặt ít quần áo văng tung tóe trong nhà và một vài món cần thiết, chuẩn bị đưa ba tôi đi cứu cấp ở bịnh viện tỉnh.
Trời chưa hừng sáng chúng tôi đã lên đường. Ngồi trên ghe, tôi bùi ngùi nhìn lại căn nhà xụp đổ. Ki Ki chạy lăng xăng đòi xuống ghe, nhưng bị chú Ba đánh đuổi. Nó đứng xa xa mà nhìn chiếc ghe rời bến. Trong tình huống như vầy, không ai còn tâm trí nào nghĩ đến Ki Ki. Nó bị bỏ lại một mình.
Trời còn tối, nhưng tôi thấy thấp thoáng bóng Ki Ki đang chạy dọc theo bờ sông, theo chiếc ghe. Đến trước nhà thờ, trên một một bãi đất trống, Ki Ki đang ngoắc đuôi đứng đợi, hy vọng ghe sẻ ghé qua đón nó. Tôi kéo áo mẹ tôi chỉ con Ki Ki trên bờ sông, nhưng mẹ tôi không thèm nhìn, phủi tay tôi, rồi bà lúi húi lo cho Ba.
Nhà thờ là ngã ba sông lớn. Chiếc ghe băng qua bên kia sông rồi đi thẳng, mờ dần trong sương mù buổi sáng.
Ki Ki thất vọng, chạy lăng xăng một lúc, rồi đứng yên trên bờ sông, nhìn theo chiếc ghe đang mang đi những người thân yêu của nó. Nó ngẩng cổ tru dài thật bi thảm. Tôi nhìn nó nước mắt rưng rưng.
0---0---0---0
Sáu tháng sau.
Cha tôi tuy đã hồi phục lại phần nào sức khỏe nhưng vẫn còn đang dưởng thương chưa có thể làm việc lại bình thường. Mẹ tôi quyết định để ông dưởng bịnh ở thành phố, bà về quê một mình để lo sửa sang nhà cửa, chăm sóc ruộng vườn, nếu không đất đai sẻ bị tịch biên vì bỏ đi như bao điền chủ khác. Tôi hồ hởi được đi theo mẹ tôi về quê găp lại Ki Ki.
Còn xa mới đến nhà, tôi đã ngóng tìm hình bóng Ki Ki. Trong sáu tháng trường xa cách, đêm nào tôi cũng nhớ đến Ki Ki. Tôi đã nằm mơ thấy Ki Ki đón mừng ngày tôi về quê tìm nó.
“Ki Ki đâu rồi sao không thấy?”. “Chuyện gì đã xảy ra cho Ki Ki?”.
Tôi hồi hợp, tim đập mạnh khi tôi nghỉ đến chuyện Ki Ki đã chết. Nhưng Ki Ki không thể chết, Ki Ki phải chờ tôi về tìm nó.
Căn nhà ngày nào bây giờ là một bải đất hoang, ngổn ngang các vật liệu từ căn nhà sụp đổ. Cỏ dại và dây leo đã mọc đầy. Tôi lục lọi quanh nhà tìm dấu vết của Ki Ki. Không thấy gì.
Ý tưởng Ki Ki đã chết nó ghê gớm quá làm tôi òa lên khóc. Tôi thét lớn gọi tên Ki Ki! Ki Ki!!!
Mẹ tôi thương hại ôm tôi vào lòng như muốn chia sẻ cảm xúc cùng tôi.
0---0---0---0
Từ xa xa, ở cuối con đường mòn, tôi thấy lờ mờ hình bóng Ki Ki qua màn nước mắt. Ki Ki đang hối hả chạy đến với tôi???
“Phải chăng tôi đang nằm mơ?”
Ki Ki nhảy chồm lên người tôi, miệng rên rỉ vui mừng. Tôi vừa ôm Ki Ki, vừa khóc.
“Đây là thật.” Tôi không nằm mơ! “Đây là thật”.
Garden Grove 10/05/2015
Văn Ni/Nguyễn.
Chú Chín Cali