9/9/2015
NẠN PHÁ RỪNG HIỆN NAY TRÊN THẾ GIỚI
Trần Đăng Hồng, PhD
|
Hình 1. Bản đồ rừng vùng Đông Nam Á năm 2000 vẽ từ không ảnh vệ tinh Landsat (Theo FAO, 2012)
Theo một bài nghiên cứu của nhóm khoa học lâm nghiệp Đại Học Maryland (Hoa Kỳ) phát hành trong tạp chí Geophysical Research Letter ngày 25/2/2015 về điều tra tình trạng rừng nhiệt đới của 34 quốc gia có diện tích rừng quan trọng trên thế giới, gồm 14 quốc gia ở Trung và Nam Mỹ, 12 quốc gia Á Châu đa số là Đông Nam Á và 8 quốc gia Phi Châu, v.v. bằng phân tích không ảnh với độ phân giãi cao do vệ tinh Landsat cung cấp cho thấy sự tàn phá rừng trong thập niên 2000-2010 tiếp tục gia tăng 62% so với thời gian của thập niên 1990-2000 (Do-Hyung Kim et al., 2015). Như vậy, có sự khác biệt quá lớn giữa con số ước lượng của không ảnh cung cấp trong bài nghiên cứu này với con số thống kê của cơ quan Lương Nông Quốc Tế (FAO, 2012). Theo cơ quan này thì việc phá rừng đã giảm nhanh, rừng chỉ bị tàn phá khoảng 25% trong thời gian 1990-2010. Các nhà khoa học giải thích sự khác biệt lớn giữa hai thống kê là do phương pháp ước tính, ảnh hưởng mây mù trong không ảnh, định nghĩa rừng khác nhau của các quốc gia, và có thể do cách hạ thấp số tàn phá rừng có định hướng tường trình đến cơ quan quốc tế này. Sau đây xin trình bày con số ước lượng của ba tài liệu.
Số liệu của Lương Nông Quốc Tế FAO.
Theo tường trình của FAO năm 2012, toàn thế giới có 3,8 tỉ ha rừng vào năm 2005, bao phủ 30% diện tích đất toàn thế giới. Cũng theo tường trình này, trong thời gian 1990-2000, toàn thế giới mất 8,9 triệu ha rừng/năm, nhưng trong thời gian 2000-2005 mất rừng giảm xuống 7,3 triệu ha/năm. Một cách tổng quát thế giới mất khoảng 3% rừng hàng năm trong thời gian 1990-2005, hay trung bình mất khoảng 200 cây số vuông/ngày.
Trong thời gian 2000-2005, nạn phá rừng trầm trọng nhất là Nam Mỹ, tiếp theo là Phi Châu, rồi Á Châu. Trong thập niên 1990s, Á Châu mất trung bình 800.000 ha/năm. Cũng theo tường trình của FAO, trong thời gian 2000-2005, Á châu gia tăng rừng khoảng 1 triệu ha/năm, mặc dầu rừng tàn phá nhiều ở các nước Đông Nam Á. Gia tăng rừng là do trồng rừng, quan trọng nhất là China. Âu Châu cũng gia tăng rừng, ngược lại Bắc và Trung Mỹ và Đại Dương Châu thì rừng bị giảm (FAO, 2012).
Năm quốc gia tường trình mất rừng nhiều nhất trong thời gian 2000-2005 là Brazil, Indonesia, Sudan, Myanmar và Zambia (FAO, 2012).
Năm quốc gia được tường trình có diện tích rừng gia tăng trong thời gian này là China, Spain, Việt nam, Hoa Kỳ và Italy (FAO, 2012).
Chile, Costa Rica, Ấn độ và Việt Nam là các quốc gia từ mất rừng nay trở thành có rừng che phủ gia tăng (FAO, 2012).
Hình 2. Bản đồ rừng thế giới năm 2006. Màu đỏ là diện tích rừng bị phá, màu xanh nhạt là rừng hiện hữu năm 2005 (Theo UNEP, 2009).
Con số ước tính của Hansen et al (2013) (nhóm nghiên cứu Địa Lý Đại học Maryland)
Phân tích các không ảnh của vệ tinh Landsat cho biết trong 12 năm qua (2000 – 2012) diện tích rừng toàn cầu bị hủy diệt là 2,3 triệu km2 (cây số vuông) nhưng đồng thời rừng tái tạo và trồng lại rừng là 0,8 triệu km2 (Hansen et al., 2013).
Riêng rừng nhiệt đới và bán nhiệt đới toàn cầu bị phá hủy nhiều nhất, vừa mất rừng toàn diện, vừa mất mật độ che phủ do lạm thác, hàng năm trung bình mất khoảng 2101 km2/năm (gần 3/4 diện tích Việt Nam). Chỉ có rừng Amazon của Brazil là giảm đáng kể việc phá rừng, trong lúc các rừng nhiệt đới gia tăng tàn phá. Ở Trung và Nam Mỹ, rừng mất nhiều nhất là Argentina, Paraguay và Bolivia. Rừng Phi Châu gia tăng tàn phá ở Zambia và Angola. Còn rừng nhiệt đới thuộc vùng Âu-Á (Eurasia) cũng mất nhiều ở Liên Xô (cũ). Ở Á Châu rừng mất nhiều ở Indonesia, Malaysia và nhiều quốc gia khác. Còn rừng vùng lạnh (boreal forest) gần cực mất vì cháy rừng, trong lúc mất rừng nhiệt đới là do phá rừng để lấy đất canh tác là chính.
Việc phá rừng Amazon của Brazil có khuynh hướng giảm rõ rệt, từ 40.000 km2/năm trong thời gian 2003-2004, xuống 20.000 km2/năm trong thời gian 2010-2011, ngày nay chỉ mất khoảng 1318 km2/năm (Hình 3).
Hình 3. Diện tích mất rừng hàng năm (km2/năm) tại Brazil trong thời gian 1994-2013. Cước chú: Chính phủ Brazil ban hành ngăn cấm phá rừng năm 2004 (Theo Tollefson Jeff, 2015).
So với thập niên 1990s, vận tốc phá rừng nhiệt đới vùng Âu-Á (Eurasia) gia tăng, khoảng 1392 km2/năm, rừng nhiệt đới Phi Châu gia tăng vận tốc phá rừng 536 km2/năm.
Trong khu vực Đông Nam Á, phá rừng ở Indonesia gia tăng, từ khoảng 10.000 km2/năm trong thời gian 2000-2003, gia tăng lên 20.000 km2 /năm trong thời gian 2011-2012 (Hình 4).
Hình 4. Khuynh hướng gia tăng diện tích phá mất rừng hàng năm (km2/năm) tại Indonesia trong thời gian 2000-2012 (Theo Hansen et al., 2013).
Cũng theo bài nghiên cứu này, trong thời gian 20 năm 1990 -2010, rừng bị tàn phá nhất là từ 2000 đến 2005, và có giảm sút xuống khoảng 7% trong thời gian 2005-2010 so với trước.
Trong suốt nửa thế kỷ 1950-2000, khoảng 20% rừng Amazon của Brazil bị hủy diệt. So với các quốc gia khác, Brazil đã giảm thiểu rất đáng kể việc phá rừng Amazon, giảm 75% so với thập niên 1990-2000, việc phá rừng Amazon hầu như không đáng kể từ 2010 (1318 km2/năm so với 40.000 km2/năm trong thập niên trước) (Hình 3). Vì diện tích phá rừng giảm nhiều ở Brazil nên che phủ rừng bị tàn phá ở nơi khác, nên ta thấy có khuynh hướng làm giảm phá rừng trên phạm vi toàn thế giới, nhưng thật sự phần còn lại của thế giới vẫn tiếp tục phá rừng.
Trong khu vực Đông Nam Á, phá rừng trầm trọng nhất là Indonesia. Tại Indonesia, trong thời gian 10 năm từ 2000 đến 2010 khoảng 14,7 triệu ha rừng già bị tàn phá, trong số này 12,8% phá rừng để trồng Acacia mangium cho công nghiệp làm bột giấy, 12,5% do khai thác gỗ, 6,8% cho các đồn điền dừa dầu (oil palm) phần còn lại là phá rừng để khai thác mỏ và các nhượng địa cho các tập đoàn kinh tế như Wilmar International (trồng dừa dầu), và Asia Pacific Resources International (làm bột giấy). Phần rừng bị tàn phá nhiều nhất, khoảng 45% trong tổng số rừng bị tàn phá, là từ các nhượng địa cho công nghiệp. Vì áp lực của thế giới bảo vệ môi trường và giảm khí thải nhà kính, từ năm 2011 chánh phủ Indonesia ra lệnh đình chỉ việc khai phá khoảng 64 triệu ha rừng do các tập đoàn công nghiệp đã lên dự án. Các tường trình cho biết việc cấm phá rừng ở Indonesia tỏ ra ít hiệu quả.
Con số ước lượng của nhóm Do-Hyung Kim et al. (2015) (nhóm khoa học Lâm Nghiệp Đại học Maryland).
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra bằng không ảnh có độ phân giãi cao cung cấp bởi vệ tinh Landsat của NASA của nhóm khoa Lâm học Đại Học Maryland (Do-Hyung Kim et al., 2015) thì nạn phá rừng càng ngày càng gia tăng mặc dầu chánh phủ nào cũng cam kết bảo vệ rừng từ 4 thập niên qua. Kết quả phân tích không ảnh cho thấy diện tích phá rừng trong thập niên 2000-2010 gia tăng 62% so với thời gian của thập niên 1990-2000.
Theo kết quả này, thì trong thời gian 1990-2000, rừng trong 34 quốc gia nghiên cứu mất 4,9 triệu ha/năm, đồng thời rừng tái tạo (mọc lại tự nhiên) và trồng rừng được 0,9 triệu ha/năm, như vậy rừng mất thật sự là 4 triệu ha/năm. Trong thời gian 2000-2010, rừng trong 34 quốc gia này mất 7,8 triệu ha/năm, đồng thời rừng mọc lại và trồng rừng là 1,3 triệu ha/năm, như vậy rừng mất thật sự là 6,5 triệu/năm.
So sánh giữa các lục địa, rừng nhiệt đới châu Mỹ Latinh mất rừng nhiều nhất trong suốt hai thập niên 1990 – 2010. Khuynh hướng mất rừng gia tăng ở Brazil tới 33%. Rừng nhiệt đới Á Châu cũng gia tăng mất rừng trong suốt thời gian này gồm Indonesia, Malaysia, Cambodia, Thái Lan và Philippines. Rừng nhiệt đới Phi Châu tương đối ít bị mất, chỉ có 2 quốc gia mất rừng nhiều là Congo và Madagascar.
Hình 5. Gia tăng phá rừng (màu càng đỏ) và giảm phá rừng (màu càng xanh) ở các rừng ẩm nhiệt đới trong giữa thời gian 1990-2000 và 2000-2010. Trị số gia tăng (+) hay giảm (-) là số bách phân (%) giữa khác biệt diện tích rừng giữa hai thời gian đó.
Như vậy trong thời gian 1990 – 2000, phá rừng nhiệt đới gia tăng 62% [(6,5 triệu – 4,0 triệu)/4 triệu = 62,5%] (Hình 5). Kết luận này trái ngược với tường trình của FAO (2012) là nạn phá rừng toàn thế giới giảm 25%, còn tường trình của Hansen et al. (2013) là giảm 7% rừng toàn thế giới trong thời kỳ này.
Còn rừng ở Đông Nam Á thì sao?
Theo Do-Hyung Kim et al (2015), diện tích rừng của tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều giảm trầm trọng, giảm nhiều nhất là Cambodia (19%), kế là Philippines và Việt Nam (14,2%) và Thái Lan (13,2%) trong thời gian 1990-2010 (Bảng 1).
Diện tích rừng của các quốc gia Đông Nam Á bị phá hủy tối đa trong thời gian 2000-2005 gồm Cambodia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan sau đó phá rừng giảm dần, trong lúc phá rừng tiếp tục gia tăng cho tới nay (2010) gồm Lào, Myanmar và Việt Nam (Bảng 2). Rừng bị tàn phá gấp 2 lần giữa thời gian 2005-2010 và 1990-2005 gồm Myanmar (254.410 ha/127.000 ha) và Việt Nam (234.620 ha/113.030 ha) (Bảng 2).
Theo tường trình của FAO (2012), diện tích rừng bao phủ gia tăng ở Việt Nam (từ 28% lên 30%) và Thái Lan (từ 28% lên 29%) trong thời gian 1990- 2000 (Bảng 3) trong lúc thống kê do Landsat cung cấp thì giảm nhiều ở 2 quốc gia này (Bảng 1).
Bảng 1. Ước tính diện tích rừng bằng không ảnh vệ tinh Landsat (triệu ha) của vài nước Đông Nam Á trong các năm 1990, 2000 và 2010 (Theo Do-Hyung Kim et al., 2015).
Bảng 2. Diện tích rừng bị mất (loss) và diện tích rừng trồng hay mọc lại (gain) (1.000 ha/năm) ở vài nước Đông Nam Á và tổng cộng rừng nhiệt đới (của 34 nước) trong thời gian 1990–2000, 2000–2005, và 2005–2010 (Theo Do-Hyung Kim et al., 2015).
Bảng 3. Biến đổi diện tích phủ rừng (% rừng trên diện tích đất toàn quốc) của vài nước Đông Nam Á (Theo FAO 2012).
Dựa trên Bảng 2, quốc gia nào cũng có trồng lại rừng. Nếu tính số phần trăm (%) cố gắng trồng rừng (gain, cột 7) với mất rừng (loss, cột 6), thì các quốc gia Đông Nam Á thực hiện từ cao xuống thấp lần lượt là: 1- Malaysia (59,1%); 2- Indonesia (39,5%); 3- Lào (36,8%); 4- Philippines (28,5%); 6- Myanmar (24,1%), 7- Việt Nam (16,7%); và 8- Cambodia (4%). Hai quốc gia sau cùng có tỉ số trồng rừng dưới mức trung bình của 34 quốc gia vùng nhiệt đới (20,0%).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Do-Hyung Kim, Joseph O. Sexton and John R. Townshend (2015). Accelerated deforestation in the humid tropics from the 1990s to the 2000s. Geography Research Letters. http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/2014GL062777/full
FAO - Food and Agricultural Organization of the United Nations, Global Forest Land-Use Change 1990-2005, FAO Forestry Paper No. 169 (Food and Agricultural Organization of the United Nations, Rome, 2012).
Hansen MC et al. (15/11/2013). High-resolution global maps of 21st-century forest cover change. Science 342, 850 – 853.
Tollefson, J. (26 February 2015). Tropical forest losses outpace UN estimates. http://www.nature.com/news/tropical-forest-losses-outpace-un-estimates-1.17009
Tollefson, J. (01 April 2015). Stopping deforestation: Battle for the Amazon. http://www.nature.com/news/stopping-deforestation-battle-for-the-amazon-1.17223.
UNEP (2009). Forest losses and gains: where do we stand. http://www.unep.org/vitalforest/Report/VFG-02-Forest-losses-and-gains.pdf
Reading, 9/2015
Trần-Đăng Hồng, PhD