LÀM SAO CÂN BẰNG ĐỊA ĐIỂM CÁC ĐẬP THỦY ĐIỆN ĐỂ BẢO VỆ ĐA DẠNG SINH HỌC TRÊN CÁC DÒNG SÔNG MEKONG, AMAZON VÀ CONGO
Nguyễn Văn Khuy
(tiếp theo)
Mekong River : Phát nguồn từ Lasagongma Spring trên cao nguyên Tây Tạng , dài 4,300 km, chảy qua Trung Hoa, Miến Điện , Thái Lan, Lào và Việt Nam. Chỉ riêng Trung Quốc đã xây sáu đập lớn ở thượng nguồn từ giữa thập niên 1990 . Nhiều đập được dự trù và ít nhất 11 đập nữa nằm trong kế hoạch phát triển tại trung tâm và hạ lưu của châu thổ sông Mekong . Những vùng nông thôn ở hạ lưu phụ thuộc vào đánh bắt cá sẽ bị ảnh hưởng do các loài di ngư bơi ngược dòng về nơi đẻ trứng sẽ bị ngăn cản trầm trọng ở dòng sông chính và ngay ở cả các phụ lưu (sông nhánh ). Chẳng hạn như đập ở Mun Rier đã ảnh hưởng rộng rãi và tại hại về xã hội và kinh tế cho khu vực. Để duy trì an toàn cho nguồn thực phẩm địa phương đối với sự thiệt hại về nguồn thủy sản từ 88 đập mới dự trù cho đến năm 2030 đòi hỏi phải tăng diện tích đất đai canh tác từ 19 đến 63 %.
Hàng năm cứ vào tháng tư , Pa nyawn catfish , loại cá trê lớn bơi ngược dòng về một lòng sông nhỏ hẹp ở vùng thác Khone , miền nam nước Lào để đẻ trứng . Dân làng ở đây thường dùng lưới bắt được vài trăm ngàn cá con. Năm 2014 lòng sông được mở rộng để xây đập đã ngăn cản cá di chuyển về đây và phá hủy hoàn toàn khu vực đánh bắt cá. Mặc dầu hai năm nữa đập mới hoàn tất nhưng khu vực đã phá hủy và vùng ngư nghiệp cho loại cá trê Pa nyawn ở Sahong channel đã biến mất. Sự mất đi một vùng ngư nghiệp lớn cung cấp thực phẩm đã đe dọa lưu vực sông Mekong vì nước Lào vì các quốc gia láng giềng rất cần nguồn điện lực .
Don Sahong là đập thứ 2 đang kiến trúc là động mạch lớn nối liền với Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cao Mên và Việt Nam. Lào dự trù khởi sự xây đập Pak Beng, là đập thứ ba gần biên giới Thái Lan vào năm 2017. Ngoài ra còn vài chục dự án xây trên các sông nhánh lớn được dự trù . Sự chận lại các đường lưu thông cho di ngư và phù sa vào châu thổ vùng hạ lưu sông Mekong sẽ làm mất đi 1/3 ngư sản hàng năm , nơi sinh sống của hơn 60 triệu người.
Hy vọng biết trước các tai ương nhiều khoa học gia về môi trường đề nghị với các công ty xây đập phải tạo ra những lối thông thoát cho cá di chuyển (fish passage) trong họa đồ kiến trúc như bậc thang ( passage ladder ) hay các channel vòng quanh đập . Một hội nghị về làm sao cho cá tự do di chuyển không bị đập thủy điện ngăn cản đã làm cho các nhà khoa học lạc quan. Nhiều đề nghị yêu cầu Lào giảm bớt các dự án xây đập và giữ cho nước sông Mekong vùng hạ lưu vẫn chảy xuôi dòng không bị các đập thủy điện cản trở.
Ian Cows, nhà sinh vật học của the University of Hull in the United Kingdom đề nghị các chính phủ liên quan nên họp bàn để có thể chỉ hy sinh một phần tối thiểu của phía hạ lưu sông Mekong và cần phải giữ lại phần lớn vùng hạ lưu rất quan trọng này.
Cowx đề nghị phải quan sát xem kế hoạch cải thiện đập cho các loài di ngư của công ty xây đập Xayaburi Power Company có thực sự hữu ích hay không vì vùng cho di ngư trên khúc sông rất dài. Ngay cả lối thoát cho di ngư hiệu nghiệm nhưng các hồ chứa nước phía sau những con đập sẽ phá hủy những vùng đất cho cá đẻ trứng . Hồ chứa nước là nơi không thích hợp cho cá con vì chứa chất đầy các chất ô nhiễm.
Chính phủ Lào không dấu diếm tham vọng muốn trở thành một quốc gia có nguồn điện lực lớn nhất của vùng Đông Nam Á Châu với chín đập ở hạ lưu sông Mekong. Sông Mekong chảy ngang qua Vientiane, thủ đô của Lào . Đập Xayaburi đầu tiên khởi sự từ 2010 và dự trù hoàn tất vào năm 2019, mặc dầu Việt Nam và Cao Mên bầy tỏ những lo ngại về phù sa và các chất dinh dưỡng bị cản trở , là chướng ngại vật cho các loài di ngư.
Một loại cá dolphin nước ngọt ( Orcaella brevirostris ) sinh sống trong khúc sông từ thác Khone Falls , gần biên giới Lào và Cao Mên cho tới miền nam Cao Mên cũng có nguy cơ tuyệt chủng.
The Irrawaddy dolphin in the Mekong River
Xa hơn đập Xayaburi dưới hạ nguồn công trình xây đập Don Sahong đang chuẩn bị khởi sự nhưng the Save the Mekong coalition , một tổ chức phi chính phủ kêu gọi các nhà thầu xây dựng hãy ngưng công trình cho đến khi có thông tin rõ ràng về ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên và đời sống xã hội.
Các dự án xây đập ở Cambodia cũng là mối đe dọa cực lớn. Đập Sesan 2 trên con sông nhánh lớn của sông Mekong là một lỗi lầm nghiêm trọng . Đây là cảnh giác của các chuyên viên , cố vấn khảo cứu canh nông quốc tế ở Vientiane. Công trình đã hoàn thành 60%, đập sẽ làm mất đi 9% số lượng cá ở lưu vực sông Mekong.
Các công ty phát triển đập cố gắng làm giảm đi số lượng cá bị ngăn cản lưu thông . Xayaburi Power company bỏ ra 400 triệu để cải thiện đập với lối vượt thoát đặc biệt dành cho cá có thể bơi qua không bị cản trở . Phương pháp cải thiện này sẽ giảm di sự suy thoái của hệ sinh thái và làm gương cho các công ty phát triển đập thủy điện khác bắt chước. Đây là một việc bắt buộc phải thực hiện, không thể bỏ qua môi trường thiên nhiên và cần theo dõi hiệu ứng để giảm tối thiểu những thiệt hại.
Cows sau khi nghe kế hoạch xây đập của Lào cho rằng đó là một tai họa chưa từng thấy trong đời . Ngay cả phương pháp làm bậc thang hay các lối thoát cho cá có kết qủa thì những hồ chứa nước phía sau đập như Xyaburi sẽ phá hủy nơi cá đẻ trứng và vùng nước yên lặng sẽ là nơi giam giữ cá con. Guy Lanza, nhà sinh vật học của the State University of New York College of Environmental Science and Forestery in Syracuse đã làm khảo cứu về đập Xyaburi . Kết qủa cho biết các hồ chứa nước nơi đây sẽ trở thành một vùng thác nước lớn không tốt cho môi trường sinh sống, gồm cá chết vì các hóa chất độc hại được thải vào nguồn nước.
Gần cửa sông ,nước mặn sẽ tràn vào ảnh hưởng xấu đến cá nước ngọt. Nước biển dâng lên vì khí hậu thay đổi do băng đá tan ra ở vùng bắc cực . Hơn nữa đập đã ngăn chặn phù sa làm mặt nước sông thấp hơn biển nên dễ bị xâm mặn. Các đập tại thượng nguồn do Trung Hoa xây cất làm phù sa ngừng lại.
Matti Kummu, chuyên viên thủy lợi của Alto University in Espoo, Finland cho biết tại Lào và Thái Lan dòng nước không còn mầu đỏ vì ít phù sa hơn trước . Bờ sông đang bị xoáy mòn bởi dòng nước nhẹ phù sa. Các đập thủy điện ở hạ lưu sông Mekong sẽ làm vấn đề trầm trọng hơn. Phúc trình khảo cứu của Kummu và các đồng nghiệp cho biết phù sa vùng tam gíác châu sông Mekong giảm đi 52 million tons trong vòng 25 năm tính đến năm 2015.
Các chuyên gia ước lượng nếu 11 đập thủy điện xây trên dòng sông chính và 77 đập tại phụ lưu của vùng hạ lưu sông Mekong được hoàn tất vào năm 2030 thì số lượng cá sẽ mất đi khoảng 880,000 tons hay 42% mỗi năm. Đa dạng sinh học bị ảnh hưởng, nơi sinh sống của tám loại cá lớn nước ngọt, bao gồm Mekong catfish khổng lồ dài tới 3 m ( the dog eating catfish) , nặng gần 800 lbs và loại cá chép Thái Lan khổng lồ ( Siamese carp). Các loại cá này có nguy cơ tuyệt chủng vì chúng cần phải bơi ngược dòng hàng vài trăm km để đẻ trứng và dinh dưỡng cá con.
Mekong River Commission , một ủy ban cố vấn bao gồm các quốc gia vùng hạ lưu sông Mekong đã tỏ ra bất bình về tình trạng này và khuyến khích các nhà thầu và kiến trúc đập phải sửa đổi thiết kế nhưng ủy ban không có thẩm quyền bắt ngưng xây cất. Các quốc gia Việt Nam và Cao Mên cần thương thảo với Lào về vấn nạn này vì rất bất mãn về những gì đã sảy ra trên dòng sông chính và vùng châu thổ sông Mekong. Nếu tình trạng an toàn thực phẩm bị khủng hoảng thì Lào có thể bị đưa ra toàn án quốc tế La Hague tại Hòa Lan. Tuy nhiên qúa trễ để cứu sông Mekong.
Lào thông báo cho uỷ ban bốn quốc gia trong đó có Cao Mên , Thái Lan và Việt Nam là họ sửa soạn xây đập thứ ba , Pak Beng Dam, trên dòng sông chính của sông Mekong , thuộc tỉnh Oydomsay , phía bắc nước Lào, với công xuất 912 MW. Đây là chương trình xây 11 đập trên vùng hạ lưu sông Mekong và cũng là chìa khóa của chương trình phát triển kinh tế mặc dầu phần lớn để bán điện dàì hạn cho Thái Lan .
Tuy nhiên Maureen Harris, giám đốc vùng đông nam Á Châu của the Non- government International Rivers đã cảnh cáo rằng Pak Beng Dam gia tăng thêm sự hủy hoại trầm trọng đến hệ sinh thái của 60 triệu người đang sinh sống trong khu vực. Ảnh hưởng đáng kể cho khu vực phía Nam vì phần lớn các đập nằm về phía Bắc. Ảnh hưởng trầm trọng đến phù sa và riêng ngư nghiệp theo ước lượng của the World Wildlife Fund lên đến 17 billions.
Rober Mather, cố vấn và cựu giám đốc của the International Union for Conservation of Nature (IUCN) cho biết Trung Hoa có kế hoạch thực hiện thay đổi thủy vận tại tỉnh Luang Prabang để cho tầu bè với trọng tải 500 tấn có thể di chuyển. Nếu thực hiện sẽ phải phá hủy nhiều thác nước, đá, vùng nước cạn để kiến trúc hải cảng cùng một thời gian xây đập Pak Beng trên cùng một dòng sông. Những dự án lớn này không được phối hợp với nhau và hơn nữa các cơ quan khác nhau thúc đẩy cho các chương trình nghị sự riêng của họ.
Các cuộc khảo cứu đã dự đoán sản lượng lúa gạo địa phương sẽ giảm do các đập thủy điện ở Lào, ngăn cản phù sa, giảm sút các chất dinh dưỡng và nguồn dự trữ cá bởi làm gián đoạn chu kỳ sinh sản của các loài di ngư. Cư dân các vùng này là những người nghèo nhất , đời sống của họ phụ thuộc vào tôm cá tuơi là thực phẩm.
Chris Barlow, chuyên viên ngư nghiệp của của the Australian Centre for International Agricultural Research (ACIAR) cảnh báo rằng ảnh hưởng sảy ra tức thời về lượng thủy sản suy giảm và sẽ dẫn đến khủng hoảng thực phẩm . Chỉ có một cách là chính phủ phải tìm cách thay thế bằng nguồn thực phẩm khác. The Mekong River Commisson (MRC) đang gặp sự chỉ trích về trách nhiệm trong vai trò điều hành việc thảo luận và bàn cãi về xây qúa nhiều đập .
Amazon River : Phát nguồn từ Mantano River, miền Tây Nam của Peru, chiều dài 6,520 km, là sông rất lớn có chiều dài nhất cũng như thể tích lớn nhất thế giới. Thủy điện sản xuất từ các đập trên dòng sông này lên đến 16% của nhu cầu năng lượng thế giới nhưng 70% con số này cần thiết cho vùng châu Mỹ La Tinh . Hiện nay đã có 416 đập hiện hữu và hơn 334 đập được dự trù xây cất trong tương lai trên dòng sông Amazon. Tuy nhiên 3/4 năng lượng sản suất do thủy điện cần thiết cho Brasil , quốc gia có dân số 200 triệu với diện tích gần bằng Hoa Kỳ .
Brazil là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất của Châu Mỹ La Tinh. Do các chương trình phát triển kỹ nghệ và cung cấp điện cho các thành phố lớn nên quốc gia này cần rất nhiều điện lực. Hiện nay chính phủ chấp thuận cho xây hàng loạt các đập thủy điện trên các con sông của vùng rừng mưa nhiệt đới Amazon. Bộ trưởng năng lượng Brazil hy vọng nước này sẽ gia tăng sản xuất năng lượng hơn 50%. Vì gía điện sản xuất bởi các nhiên liệu qúa cao nên chỉ có thủy đìện mới đáp ứng cho nhu cầu trong nước.
Một trong những dự án này là Belo Monte Dam , ở gần cửa sông Amazon. Khi hoàn tất sẽ là đập lớn thứ ba trên thế giới để cung cấp điện cho kỹ nghệ khai thác hầm mỏ. Công xuất tối đa là 11, 233 MW vào mùa mưa và tối thiểu là 4, 571 MW cho mùa khô hạn . Đập khởi sự xây vào năm 2010 và dự trù cung cấp điện vào năm 2019. Đập có chiều cao 90 m, chiều rộng 3,545 m ,với tổn phí 18.5 tỉ dollars. Vì ở vùng hạ lưu châu thổ đồng bằng sông Amazon nên các hồ dự trữ nước rất rộng , có diện tích tương đương với tiểu bang Rhode Island. Sự lựa chọn địa điểm này làm mất đi đa dạng sinh học rất lớn. Amazon nổi tiếng là vùng có đa dạng sinh học với nhiều mầu sắc rực rỡ.
Một đập lớn nữa cũng đang được xây cất trên dòng sông Madeira River , một trong các phụ lưu lớn nhất của Amazon River. Với 50 turbines để có thể cung cấp điện cho các thành phố lớn vùng Đông Nam như Sao Paolo.
Brazil dự trù vào năm 2025 sẽ xây thêm hàng trăm đập thủy điện nữa, phần lớn là các đập nhỏ tại vùng rừng rậm Amazon để điều hòa dòng nuớc và cung cấp điện cho các khu kỹ nghệ nhỏ địa phương. Nếu thực hiện sẽ phải tái định cư một số lượng cư dân sống quanh địa điểm xây đập và mất đi rất nhiều rừng.
Tuy nhiên kế hoạch phát triển thủy điện của Brazil cũng gặp chống đối từ nhiều phía. Các nhà môi trường cảnh cáo rằng rừng mưa nhiệt đới ở Brazil là nơi cư trú thiên nhiên cuối cùng của các loại động vật và thực vật trên thế giới. Là nơi hấp thụ carbon dioxide, sản xuất oxygen và điều hòa khí hậu với hơn 1/5 lượng nước ngọt của thế giới đến từ vùng châu thổ sông Amazon. Các loại cá có gía trị cao , nhất là di ngư có thể bơi ngược dòng một khoảng cách rất xa, hơn 1, 000 miles để về những nơi thuận lợi cho việc đẻ trứng và nuôi dưỡng cá con.
Ngoài ra rất nhiều bộ tộc da đỏ phải dời đi nơi khác và thay đổi phương tiện sinh sống . Bộ tộc Buendia đang lo ngại chính phủ dự trù xây đập ở Ene River sẽ làm mất đi lãnh thổ của sắc dân này với nhiều diện tích rừng và nguồn lợi kinh tế.
Congo River : Phát nguồn từ Taganyila Lake của Congo , chiều dài 4,700 km, sông lớn thứ hai trên thế giới về thể tích. Congo có ít đập hơn Amazon và Mekong nhưng nước này có tham vọng thực hiện dự án xây Grand Inga Dam sẽ là đập lớn nhất thế giới mà không cần khảo cứu về những hậu qủa sảy ra cho xã hội và môi trường . Grand Inga là đập thứ tư xây gần thác Inga fall, chỉ cách Inga 1 có 4 miles, Inga 2, 4.5 miles và Inga 3, 5miles, bốn con đập sát cạnh nhau thuộc vùng châu thổ hạ lưu Congo river. Nếu thực hiện được thì đập này có công xuất gần 40,000 MW , tương đương với 20 lò phản ứng hạch nhân, lớn gấp đôi đập Tam Hiệp của Trung Hoa. Chính phủ Congo cho biết họ không còn con đường nào lựa chọn nào khác vì dân Phi Châu cần điện . Chính phủ đã ký hiệp ước với South Africa để cung cấp 2,500 MW cho nước này vào năm 2021.
Congo chọn một trong hai công ty lớn của Trung Hoa để xây đập. Tuy nhiên chính phủ Trung Hoa chỉ thị cho các công ty xây đập không được xây bất cứ đập nào của nước ngoài nếu không có Environmental Impact Assessment ( EIA ). Xây đập lớn ở các nước đang phát triển đã khiến cho nhiều triệu người phải rời nơi cư trú và là nguyên nhân gây ra ảnh hưởng xấu cho môi trường . Tổ chức phát triển và môi trường áp lực các cơ quan tài chánh cho vay tiền và chính phủ phải thực hiện việc khảo cứu và lượng gía để giảm thiểu sự hủy hoại môi trường .
Các chuyên gia đủ mọi lãnh vực đã đưa ra những nhận xét và khuyến cáo hữu ích cho các quốc gia đang phát triển để tránh phải trả giá qúa đắt trước khi khởi sự các dự án thủy điện.
Ảnh hưởng bất lợi lâu dài cho hệ sinh thái và đa dạng sinh học rất hiếm được cân nhắc kỹ lưỡng cho dự án xây đập ở các vùng nhiệt đới. Vẫn còn là một nghi vấn là liệu cư dân tại vùng nông thôn ở châu thổ của sông Mekong , Amazon, Congo có được hưởng lợi ích xây đập để sản xuất năng lượng dùng phát triển công nghệ , tạo thêm công việc làm , nâng cao đời sống của họ , đền bù xứng đáng lại sự mất mát về nguồn lợi ngư sản , nông nghiệp và tài sản. Việc cải thiện về lượng gía kế hoạch xây các đập thủy điện là điều bắt buộc phải thực hiện.
Kế họach và chiến lược phải thực hiện ngay tại vùng châu thổ giữa tiềm năng thủy điện và chìa khóa bảo đảm những tài nguyên thiên nhiên. Những phương pháp phân tích mới có thể cho biết những ảnh hưởng chồng chất của nhiều đập đối với thủy lợi, động lực làm lắng đọng các chất bị cuốn theo dòng nước, phong phú của hệ sinh thái, ngư nghiệp sông và những sinh kế của cư dân vùng nông thôn đang sinh sống quanh vùng sông nước.
Các cơ quan cấp phép và yểm trợ tài chính cho các dự án phát triển thủy điện phải điều tra rõ ràng về những ảnh hưởng chồng chất và sự thay đổi khí hậu. Địa điểm chọn xây đập phải lượng gía trong hồ sơ tài liệu và họa đồ có thể chấp nhận cho những dịch vụ bảo vệ hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học. Những phương pháp đánh giá hợp lý sẽ bảo đảm được mục tiêu xã hội cho việc sản xuất năng lượng đạt được thành qủa. Nếu không hoạch định thận trọng thì các loại sinh vật thiên nhiên sẽ bị tuyệt chủng và nền ngư nhiệp , nông nghiệp sẽ suy giảm tại những lưu vực lớn và hệ sinh thái sẽ biến đổi hay biến mất trên những con sông to lớn trong vùng nhiệt đới của thế giới.
Nguyễn văn Khuy
|