|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Bản nhạc mùa hè |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
22/10/2015
|
BẢN NHẠC MÙA HÈ
Phạm Thanh Khâm
|
|
(Thân tặng Bạn Văn Lương Lệ Huyền Chiêu)
Suốt bao năm làm việc trong ngành phát triển sản xuất nông nghiệp, yếu tố thời tiết của bốn mùa đều được tôi điều nghiên kỹ lưỡng tại những vùng đất tôi đến công tác vì ngành sản xuất này có rất nhiều rủi ro. Văn thi nhạc sĩ có cái nhìn khác về bốn mùa nào hoa xuân đẹp, nắng hạ ấm, thu quyến rũ thế nào rồi mùa đông xứ lạnh nhưng tình nồng làm sao, vân vân và vân vân…
Khi làm việc ở vùng Sahel Nam Sa mạc Sahara, thấy cảnh dân các vùng phía bắc xứ Mauritania dắt díu di tản về vùng ven sông Sénégal để tránh cái nắng nóng của sa mạc, tôi có thể hình dung được sự ao ước của họ muốn có một mùa đông giá buốt nhưng tình nồng. Ngược lại người Eskimo ở vùng băng giá rất vui nhìn được tia nắng mới sau những đêm đông dài. Có điều người Eskimo may mắn không có giặc giã triền miên như xứ sản xuất nhiều á phiện nhứt thế giới. Mùa hè ở Kabul nắng dịu như Đà Lạt chỉ có khác là cây cỏ xơ xác nhưng mùa đông có gió lạnh miền bắc cực thổi làm nhiệt độ xuống dưới 20 độ F. Thiếu điện thiếu nước, nơi cư ngụ thiếu phương tiện sưởi ấm đã làm chết trẻ con với mức kỷ lục cao nhứt thế giới. Họ luôn ao ước một mùa hè dài.
Tôi thấy mình may mắn sinh sống ở những vùng đất có bốn mùa rõ rệt. Bây giờ tôi đã nghỉ hưu trí không còn bận tâm gì các con số, biểu đồ thời tiết của bốn mùa ngọai trừ mấy người xướng ngôn viên đài truyền hình dự báo thời tiết nhắc nhở cư dân lúc nào mang dù hay mang áo ấm mỗi khi phải ra đường vì mỗi mùa có những sắc thái riêng ảnh hưởng đến mọi sinh vật trên quả địa cầu này. Riêng tôi có lẽ mùa hè cho tôi nhiều kỷ niệm trong cuộc sống.
Nhớ lại từ ngày mới lớn, tôi không có ý niệm mùa hè là gì chỉ biết là được đi tắm ở sông Dinh mệt nghỉ. Mùa hè học trò lại được nghỉ học. Khi tôi chưa đi học, người anh Phạm Hồ Tôn con của Ông Bác của tôi, cho tôi biết thêm tiếng mới “nghỉ nắng”, rồi Ông nhạc sĩ Hùng Lân cho ra bài Hè Về, anh em tôi hát mà tôi cứ thắc mắc câu hát chót “Hè về nắng thông reo”.
Cái thắc mắc của tôi ngớ ngẩn thực. Mùa hè thì có nắng, còn thông làm sao reo. Ôi chao Ông nhạc sĩ Hùng Lân đặt lời khó hiểu quá. Khi tôi học ở trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc trên Bảo Lộc phải học một môn về rừng biết được cây thông có hai lá, cây có ba lá tên họ khoa học gọi là gì tôi lại thấy dễ hiểu hơn, nhưng sau ngày thi, trả chữ nghĩa hết cho thầy, tôi mới hiểu được hè về có nắng thông reo.
Sáu sinh viên khóa 2 Cao Đẳng Nông Lâm Súc,
ở nội trú cùng phòng. Ảnh chụp 1960 ở Bảo Lộc.
Từ trái sang phải, giường từng trên: Đinh Nguyên Trình Giang, Phạm Xuân Bách, Đào Trung Kiều. Hàng trước: Phạm Thanh Khâm (đứng), Nguyễn Đình Hải (cầm đàn guitar), Lê Văn Ngọc
Ảnh của tôi chụp tại Kabul mùa đông 2005.
Có lẽ tôi đang nhớ hè về nắng thông reo
Những tháng hè khi học trường Võ Tánh, tôi phải về Ninh-Hòa. Ông cụ của tôi thường trưng dụng tôi phụ trách các lớp học của ông để ông đi lo vài công việc khác. Tự nhiên tôi thấy mình như người anh cả trông nom đám đàn em của mình, không có vẻ là người phụ giáo tí ti nào cả. Sau mỗi mùa hè tôi lại thay đổi các bộ quần áo mới vào Nha Trang cho niên học mới do bà cụ tôi may, thay đổi cỡ giày vì tôi lớn như thổi. Chỉ trong ba mùa hè từ một một cậu học trò vừa làm phụ giáo thuộc loại nhỏ con trong lớp đã vượt đến chiều cao 1,8 thước. Bạn bè thân thương cùng lớp đăt cho tôi nhiều tên cúng cơm như Ngưòi Việt Gốc Tre, Sếu Vườn ...
Những mùa hè đi tập sự để có điểm ra trường. Không những chỉ học về cây lúa sau này ở Đại học Hawaii, Viện IRRI ở Phi Luật Tân được ghi trong bài viết “Tản Mạn Lúa Việt Lúa Mỹ”, tôi đã phải học nhiều thứ khác chẳng hạn mùa hè 1961, tôi và bạn Bửu Cảnh được trường gửi đi tập sự ở đồn điền cao su Xuân Lộc như ảnh minh họa sau đây
Hai sinh viên Phạm Thanh Khâm (hình trái) & Bửu Cảnh
(hình phải) học cách cạo mủ cây cao su.
Ảnh chụp vào mùa hè 1961 tại đồn điền cao su Xuân Lộc
Mùa hè 1997 tôi trở về Sài Gòn trong chuyến công tác cho FAO. Sau một ngày hội họp dài, tôi cố dành vài giờ đến khu Bàn Cờ thăm bạn cũ của mình. Bửu Cảnh và tôi ngồi bên nhau hết buổi tối ôn lại chuyện đời sau gần hơn hai thập niên mới gặp lại nhau. Bồi hồi cảm động.
Rồi bạn Đinh Nguyên Trình Giang ở Na-Uy biệt tích giang hồ khá lâu bỗng dưng làm bài thơ nhớ bạn mình, nhầm lẫn ra sao nói Nguyễn Đình Hải đã đi về thế giới bên kia. Chánh án Nguyễn Trọng Nho và Lê Văn Ngọc phải cải chính nói bạn mình còn sống. Đinh nguyên Trình Giang lại vất vả làm bài thơ mới nhận hết lỗi lầm. Anh nhắc hồi còn trẻ trong bài thơ nhớ bạn:”P. Khâm chơi bóng, Đ. Giang chơi bài”. Đã nửa thế kỷ, biết bao nhiêu tình và đầy ắp kỷ niệm.
Mùa hè 1996, sau chuyến công tác cho FAO ở vùng Sahel nam sa mạc Sahara, tôi dừng chân ở Rome nộp bản phúc trình rồi sau đó đi Bergen thăm bạn mình sau 25 năm xa cách . Anh Chị Đinh Nguyên Trình Giang đã thết đãi tôi những bữa ăn ngon không thể tìm thấy ở vùng Bắc Âu. Ngày giã từ, anh chị đưa tôi ra phi trường để trở về Mỹ. Anh dặn dò tôi: “ Sếu Vườn, nhớ viết lại những chuyện đường xa nghe chưa.” Vâng, bạn hãy đọc tập “ Thuở Phiêu Bồng” xuất bản vào mùa hè 2013 trước đi. Chuyện còn dài như hậu chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm của xứ Ba Tư.
Những mùa hè của thập niên 1980’s là những ngày tháng tôi tìm được cách để đoàn tụ với gia đình tôi. Các khế ước làm việc dài hạn của tôi trong thời gian này ở Phi Châu không cho tôi ở chung hàng ngày cạnh các con học tại Mỹ. Theo sắp xếp của khế ước, tôi được 2 tháng vacation/năm có lương như được ghi trong bài “Thịt Chà Bong”. Tôi về nhà với vợ con được 2 tháng. Mùa hè các con tôi được mẹ dẫn đi Phi Châu ở với tôi được gần 3 tháng. Bà xã tôi có thêm 2 chuyến đi thăm tôi trung bình 1 tháng rưỡi mỗi chuyến mỗi năm. Tính ra tôi có được 5 tháng/năm sống cạnh các con và 8 tháng/năm sống với bà xã . Tôi cảm nhận ngày hạnh phúc nhất trong đời vào ngày lễ Father’s Day để tưởng nhớ đến cha ông của tôi và tất cả các ông cha đang âm thầm nuôi dưỡng tổ ấm của mình.
Trong một đoản văn “Tiếng Vọng” của bài viết “Tạp Ghi Viễn Xứ”, tôi có nhắc nhạc sĩ Văn Phụng đã soạn cho dương cầm bài “Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn” gửi cho tôi sau 1975 cho các con tôi học đánh bản này. Mấy tháng sau, từ Arlington, Va ông viết thư cho tôi nói rằng một người bạn cho ông biết đã nghe các cháu đánh bài này khá lắm. Tôi hồi âm nói cho ông vui là đứa con gái lớn Linh Thảo rất thích bản này. Văn Phụng đã ra đi.
Gái lớn Linh Thảo được hai chúng tôi mua cho cây đàn
mới lúc 16 tuổi
Ba mươi sáu năm sau, vào mùa hè 2013, gái lớn Linh Thảo nói cho tôi biết là đứa cháu Zack 16 tuổi muốn đánh bài này trên chiếc dương cầm của Ông Bà Ngoại cho mẹ nó có ảnh trên đây để chúc mừng Ông Bà Ngoại của nó nhân kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Hai chúng tôi nghe lại bản nhạc, lòng thực vui và cảm động. Tôi muốn gửi quà tặng của đứa cháu Zack đến anh Thành đưa lên trang nhà để các bạn cùng nghe, và đặc biệt tôi viết bài tạp ghi này đề tặng tác giả Lương Lệ Huyền Chiêu đã viết bài “Phạm Thanh Khâm – Cánh Chim Giang Hồ Vẫn Trôi Giữa Dòng Đời” trong tác phẩm “Thuở Phiêu Bồng” do www.ninh-hoa.com xuất bàn năm 2013.
http://youtu.be/H0dV8F5vF1M
Viết tại Houston Texas
Ngày Sinh Nhựt của gái lớn Linh Thảo 2013
Phạm Thanh Khâm
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1063241 visitors (3178664 hits) |