15/5/2016
Trở lại Kalaw (tt)
Ở khu vực nhiệt đới, gió mùa, mưa thường bắt đầu rơi vào khoảng tháng tư dương lịch, từ ngày 20 trở đi, nên theo âm lịch, đây là tiết Cốc Vũ, theo sau tiết Thanh Minh, báo hiệu mùa mưa sắp tới. Thật sự, những cơn mưa già sẽ đến từ tháng 5, tháng 6, kéo dài đến hết tháng 9, tháng 10. Cùng với mùa mưa là sự đâm chồi, nẫy lộc của cỏ cây, hoa lá… kéo theo sự phát triển tất yếu của muôn thú, côn trùng…Đó là một trở ngại cho những người xuất gia theo Phật giáo. Trở ngại do thời tiết không thuận lợi trên bước đường đi hoằng pháp của chư Tăng, trở ngại do có nguy cơ cao giẫm đạp phải những sinh vật nhỏ bé đang sinh sôi, nẩy nở bên bờ cây, buội cỏ… vô tình phạm vào sát giới.
Đó là lý do khiến Đức Phật, khi còn tại thế, đã dạy trong 3 tháng mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9, hoặc tháng 7 đến tháng 10, các Tỳ kheo phải ngưng đi hoằng pháp ở ngoài, nghĩa là ngưng việc “giác tha”, “lợi tha” mà tập trung lại một chỗ để tu học, thiền định… nhằm nâng cao đạo lực của mình, tức là cách “tự giác, tự lợi”.
Mùa mưa cũng là mùa Hạ, nên tục này được gọi là “An cư kiết hạ” hay gọi tắt là “Kiết Hạ” hay “Nhập Hạ”. Sau thời kỳ này, các Sư sẽ “ra Hạ” để bắt đầu một chu kỳ đi hoằng pháp tiếp theo. Lúc đó, các Sư cũng cần có bộ y mới để thay thế cho bộ y cũ đã hư, rách và một tập tục Phật giáo còn lưu truyền sau hơn 2500 năm tồn tại, đó là tục “Dâng Y” Kathina, mà ngày nay tại các nước theo Phật giáo Nguyên thủy(Nam Tông), tục này trở thành Đại Lễ, kéo dài 1 tháng từ 16 tháng 9 đến ngày Rằm tháng 10 âm lịch. Tùy theo sắp xếp mà các chùa tổ chức Lễ Dâng Y vào ngày thích hợp, nhiều chùa trong khu vực các Sư thường luân phiên đi dự Lễ Dâng Y tại các chùa bạn.
Riêng Thiền Viện Shwe Oo Min Dhammadayada của Sư Hoài thì thường tổ chức vào đầu tháng 11. Năm nay, 2014, Lễ Dâng Y đã tổ chức xong, tôi không có dịp tham dự, nên post lại hình cũ, năm 2013. Bây giờ là lúc Sư Hoài rổi rảnh để dẫn bạn đi chơi và chuẩn bị trở về Mỹ trước Lễ Giáng sinh.
Đại Lễ Dâng Y cũng là sự thể hiện “Hạnh Bố thí”, 1 trong những hạnh quan trọng trong Ba la Mật Đa. Vào thời gian này, Phật tử tại các nước Lào, Cambodia, Thái, Miến, Srilanka…cùng nhau chung tay cúng dường vật phẩm, y bát…cho chùa để các sư có phương tiện sử dụng trong mùa hoằng pháp mới.
Hôm nay là 3-11-2014, nhằm vào tháng Dâng Y, cho nên khi thấy có 2 đoàn diễu hành trên đường phố Aungpan, tôi tưởng rằng người ta đang chuẩn bị cho Lễ Dâng Y. Hóa ra không phải, đây là lễ đưa những thanh niên, thiếu nữ vào chùa tu, gọi là Shin Pyu.
Đầu tiên là một đoàn xe gắn máy(có thể là các anh em xe ôm), mặc đồng phục (1 đoàn đồng phục trắng, 1 đoàn đồng phục xanh) chạy chậm dẫn đường, tiếp theo là các nam phật tử ôm bình bát, để thọ nhận vật phẩm của bá tánh (có thể cả tiền bạc), để sắm sửa Y, bát và hàng tiêu dùng giúp cho các cháu bé xuất gia. Thời gian xuất gia của các cháu có thể là 1 tuần, 1 tháng hoặc vài năm …rồi trở lại cuộc sống đời thường, có người tiếp tục con đường tu tập, trở thành Sa di, Tỳ kheo. Việc tu này cũng có thể lập lại nhiều lần. Ví dụ gần đây, hôm 4-4-2016, cựu Tổng thống Myanmar, Thein Sein cũng đã xuống tóc qui y 5 ngày.
Ở vùng quê các cháu ăn mặc đẹp đẻ, đi ngựa, giống như thuở Thái Tử Sĩ Đạt Ta rời kinh đô đi tu, ngày nay ở chợ, các cháu đi xe hơi trong một đoàn diễu hành đầy màu sắc như hình ảnh tôi chứng kiến, hôm nay.
Cuối cùng Sư cũng tìm mua được một ít mãng cầu Miến Điện để đãi ban, bác tài Molash giúp Sư lấy tiền thanh toán cho chủ hàng, chấm dứt buổi đi chợ đầu tiên của tôi khi tới Miến Điện lần 2. (Theo luật Sư không được phép đụng chạm tới tiền bạc, dĩ nhiên trong xã hội ngày nay, điều đó là không thể khiêng cử tuyệt đối, nên chỉ là hạn chế tối đa, tôi cũng thường làm việc này giúp Sư khi 2 "anh em" đi shopping).
Sau một lúc loanh quanh trên tháp, tôi trở lại phòng để lấy mấy thứ mà Sư dặn mua mang xuống phòng Sư, đó là thuốc và dầu gió mà Sư dành để mang cho dân trong làng. Sư hỏi tôi ngủ được không? Bây giờ có muốn đi chợ Aungpan không, để tôi tìm mua mãng cầu dai cho ông Minh ăn, ngon lắm, do mấy người trên núi mang xuống bán? Dĩ nhiên tôi không thể từ chối cơ hội được tiếp cận với không khí đầy màu sắc của phiên chợ vùng cao có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống.
Ngoài người Bamar chiếm 68% dân số, thì Shan là sắc tộc lớn thứ 2 với số dân khoảng gần 6 triệu, tức khoảng 9%, hầu hết họ sống tại bang Shan, nên tên bang cũng là tên của tộc người này. Các thành phố có nhiều người Shan sinh sống là thủ phủTaunggyi, với số lượng khoảng 150.000, Thibaw(Hsipaw), Lashio, Kengton và đặc biệt là Tachileik, vùng đất nổi tiếng với loài Anh Túc tuyệt đẹp và cũng tuyệt độc, mà thế giới biết tiếng qua tên Tam giác vàng(The Golden Triangle) với thủ lĩnh Khun Sa một thời lừng lẫy.
Sư vừa nhập từ Nhật một chiếc Honda 7 chỗ đã qua sử dụng, nên sự đi lại không còn lệ thuộc việc thuê mướn xe nữa, ngoại trừ bác tài. Chuyện này cũng chẳng khó vì lúc nào cũng có một anh chàng lái xe người Ấn rất dễ thương, luôn theo sát Sư trên …từng cây số. Ngộ một điều anh ta lại là người Muslim, tên là Molash.
Người dân tộc sống ở vùng cao Bắc Miến Điện và Bắc Việt Nam tuy cách xa nhau, nhưng lại có một hoạt động khá giống nhau, đó là việc họp các buổi chợ phiên, để họ có thể mua bán trao đổi các sản vật tự nuôi trồng nơi thôn, bản. Tuy nhiên, trong khi Việt Nam ta họp vào ngày cố định trong tuần thì Miến Điện lại họp theo chu kỳ 5 ngày luân phiên giữa các chợ gần nhau trong từng khu vực, “gần” là khoảng vài chục cây số! Ví dụ hôm nay 03-11-2014 là chợ phiên ở Aungpan, thì phiên chợ tiếp theo sẽ là ngày 08-11-2014. Còn kỳ họp sắp tới của chợ phiên Kalaw là vào ngày 05-11-2014, phiên kế tiếp sẽ là 10-11-2014. Xen giữa các ngày này là chợ phiên ở các nơi khác, có chỗ cách Kalaw tới 50km như chợ phiên ở Pindaya, nằm trên đường 41bắt đầu từ ngã 3 Aungpan.
Và để mua được mãng cầu lớn thì phải đến chợ kịp lúc người dân vừa mang hàng từ trên núi xuống! Mãng cầu này rất to, nhiều quả gần bằng đầu gối của người lớn, ít hạt và rất ngọt.
Chợ Aungpan có vẻ sầm quất hơn Kalaw, qui mô gần như chợ huyện ở nước ta. Chợ họp ngay trên đường phố nội thị, bán đủ thứ hàng nông sản như rau, củ, quả…khô, cá, thịt làm sẳn. Hơn 80% dân Miến theo Phật giáo, họ chỉ ăn thịt cá làm sẳn chứ không mua loại còn sống về giết mổ, việc này do những người đạo khác làm.
Có một điều chắc chắn là nông sản của họ rất sạch vì phương thức sản xuất còn rất thủ công, giống như các chợ phiên ở miền Việt Bắc nước ta. Các loại nông sản bày bán trông thật là ngon lành!
Hôm nay Sư muốn tìm mua mãng cầu để đãi tôi, đồng thời cho tôi có dịp thỏa mãn thú vui chụp ảnh của mình, ông bạn thật là “điệu nghệ”!