6/8/2015
Bệnh Nói Láo
Y học thường thức – Bác sĩ Trần Văn Diên
|
Không biết hai chữ ‘Nói Láo’ xuất hiện trong tiếng Việt từ bao giờ? Hiện trong dân ca có bài ‘Lý Nói Láo’ như thế này:
Ngồi buồn nói chuyện láo thiên.
Hồi nhỏ tôi đi khiêng ông trời.
Ra đồng thấy muỗi bắt dơi.
Bọ hung làm giỗ, nó có mời ông voi…
Và có bài ‘Vè Nói Láo’ thật linh hoạt như sau đây:
Nói láo không ai dám bì.
Đi ngang cái biển Ô Kì.
Tàu Tây nó chạy nắm thì một tay…bài Vè Nói Láo này do Má của tôi truyền miệng lại cho tôi từ năm 1961.
Theo hồi ký của giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê thì bài Lý Nói Láo xuất phát từ miền sông Hương núi Ngự có từ thời Chúa Nguyễn thống lĩnh vùng phía nam. Còn bài Vè Nói Láo nguồn gốc tại vùng đồng bằng sông Cửu Long có từ thời Pháp thuộc.
Bệnh Nói Láo phát sinh từ đâu? Nguyên do là từ não bộ đấy các bạn ạ! Trong não bộ ở phần trung tâm não phía dưới cuống não có tập hợp một nhóm tế bào thần kinh phát động tâm tính gây nên hành động là “Limbic System” (Limbic tiếng Latin có nghĩa là tay chân). Khi tay chân hành động là do tư tưởng đầu óc phát sinh dòng lưu chất từ trong “tâm” điều khiển miệng, lưỡi, tay, chân… biểu hiện ngôn ngữ không đúng với sự thực và việc làm trái với đạo đức xã hội mà cố tình né tránh không chịu nhận những gì mình đã làm đó là triệu chứng của ‘bệnh nói láo’.
Một cơ thể bình thường nhưng khi dùng thuốc kích thích thần kinh quá độ lâu ngày cũng gây nên hiện tượng bất thường của vùng “limbic system” hậu quả làm chuyện sái quấy mà cố tình dấu nhẹm đó là vô tình bị… “bệnh nói láo”.
Những nhà phân tâm học nhất là nhân viên trong ngành tư pháp khẩn quản yêu cầu người được phỏng vấn hãy trình bày hết sự thật đã hành động mà lâu nay đã cố tình dấu nhẹm. Có lúc tự nhiên người được phỏng vấn chuyển ý cởi bỏ “bệnh nói láo” ngay tại chỗ. Nhưng đa số những người mắc “bệnh nói láo” đều cố dấu nhẹm hết chuyện thật trong thâm tâm không bao giờ nói hết sự thật. Nên phải có sự phán xét dựa vào tâm lý học để xét đoán.
Trước đây có một bệnh nhân của tôi biếu cho tôi những dĩa thâu lại nhiều buổi nói chuyện của các tu sĩ ở chùa Quằng Pháp (Hốc Môn). Những tu sĩ trong chùa này kể lại chuyện thật của cuộc đời họ trước khi vào chùa đi tu thì họ là những người chuyên môn cướp bóc giựt dọc trên xe lửa, xe đò, Bắc Mỹ Thuận, chợ Bến Thành… kể chuyện có thật trong quá khứ đời của họ mà xưa nay chưa hề tiết lộ cho ai biết. Nhà Phật gọi là “Sám Hối”.
Cách đây trên 10 năm chuyện xảy ra ở nam California, khi một người nam phạm tội hình đã cướp đi mạng sống của những người khác phái sau khi gặp gỡ. Khi ấy quan tòa gợi ý “khoan hồng” bằng cách bảo người tội nhân này nói lên sự thật là hành động bao nhiêu lần như thế thì ông chánh án sẽ “truyền lệnh” giữ nhịp tim bình thường ở tại chổ cho đến khi trái tim tự ngừng đập. Tội nhân ấy khai sự thật đã hành động như thế tất cả 33 lần..
Khi bệnh bị nhiểm vi trùng thì có cách trị ngay là dùng thuốc kháng sinh trong 10 ngày…, tránh bệnh cảm cúm do siêu vi khuẩn thì có thuốc ngừa cảm cúm… Còn “bệnh nói láo” do tâm não phát sinh hành động trái với lương tâm, chuyện có nói không, chuyện không nói có, thì nên tự hồi tâm sửa đổi, không có thuốc nào trị cho được. Tuy nhiên, có thể dùng phương pháp tâm lý học, môi trường sống, sự hỗ trợ vị tha về mặt tinh thần…
Dĩ nhiên ngành tâm lý học có rất nhiều cách để giúp giải tỏa cho “bệnh nói láo”. Khi lỡ hành động sái quấy trầm trọng không thể can đảm nói lên hết sự thật thì có tôn giáo luôn luôn mở rộng tình thương bao la vô tận, lòng vị tha vô bờ bến, “Rửa tội” hay “Sám hối” là dịp tự hối cải và tự sửa đổi khi không thể thố lộ cùng ai. Một điều răn trong tất cả tôn giáo là “không nói dối”.
Bác sĩ Trần Văn Diên, Texas USA ngày 04/08/2015
Học sinh ban Công Thôn 1970-1973 NLS Cần Thơ