8/10/2015
BỆNH VẨY NẾN
Y học thường thức – Bác sĩ Trần Văn Diên
Bệnh vẩy nến, tiếng Anh: Psoriasis và Psoriatic arthiritis, đây là bệnh ngoài da sau đó gây nên đau khớp xương. Ban đầu là ngứa da, sau đó da tróc lên từng vảy bạc (silvery scales), da tróc từng lớp mỏng như sáp mỏng của cây đèn cầy hay giống như vảy cá nên được danh gọi là bệnh vẩy nến, da sần sù tróc ra, gây ngứa ngái trên da liên quan đến gân sụn, dần dần khớp xương bị thoái hóa, đau đến khớp xương ban đầu xương lóng tay, bàn chân, rồi đến đầu gối, vai và mông. Nhưng không xảy ra ở xương cột sống.
Giai đoạn sau cùng các khớp xương bị mất từ từ (resorption), dễ thấy là bàn tay và bàn chân to lên vì khớp xương phù lên, nhưng bên dưới khớp xương bị mất hẳn làm ngón tay có dạng sần xù như quả ấu hay giống như ngón tay của Chị Doãn ‘chị Doãn có những ngón tay to và dài như những quả chuối ngự (trong truyện Lấy vợ xấu của Vũ Trọng Phụng, bài tập đọc năm lớp Tư)’.
Xét nghiệm máu thì không có rheumatoid factor, nhưng có sự hiện diện đặc thù của seronegative arthropathy.
X quang đôi bàn tay của bệnh nhân bị bệnh vảy nến nhiều năm, hiện diện những khớp xương bị hủy hoại, nhìn giống như bị lệch khớp xương, đó là hậu quả của bệnh vảy nến đến thời kỳ khớp xương mất dạng.
Hồi năm 1996 khi ấy làm việc ở miền bắc California, tôi có khám một bệnh nhân đang sinh sống ở Oakland, người này tuổi ngoài 50, có dáng đi xêu xạo chân bước không nhịp nhàng, hai cánh tay và bàn tay thể hiện làn da bù xù, mỗi lần gảy da đầu thì “hỏa mù” bay ngợp trời, phim chụp X quang hai bàn tay thì các khớp xương tay trống không (màu đen), anh tâm sự rằng:
- Trời kêu ai nấy dạ, bệnh vẩy nến tôi phải chịu chứng bệnh này đã lâu lắm rồi!
Bác sĩ Trần Văn Diên ngày 03/10/2015