28/1/2016
Sản xuất lúa gạo thế giới liên tục tăng từ 2007 đến nay (Hình 1). Năm 2015, theo Cơ quan FAO (1), do ảnh hưởng hiện tượng El Niño, thay đổi khí hậu toàn cầu và giá cả, sản xuất lúa gạo thế giới giảm thấp, ước đoán hiện nay khoảng 740,2 triệu tấn lúa trồng trên 161,1 triệu ha, kém hơn 3,8 triệu tấn hay 5% so với 2014. Năng suất bình quân 4,6 t/ha. El Niño làm cho nhiệt độ mặt nước biển Thái Bình Dương vùng xích dạo ấm lên, gây ra khô hạn ở Châu Á và lụt lội tại miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Do đó, tại Á Châu, ngành trồng lúa bị khô hạn tại những nước như Ấn Độ, Myanmar, Cộng hòa Dân chủ Triều Tiên, Nam Hàn, Nepal, Pakistan, Philippines, đặc biệt Thái Lan làm giảm sản xuất đến 3,1 tấn lúa. Trong khi các nước Châu Á khác như Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia và Sri Lanka được mùa.
Tại Phi Châu, sản xuất lúa giảm 1% với 28,4 triệu tấn lúa do kết hợp của hạn hán, mưa bất thường và lụt lội ở vùng phía Bắc, Trung, Đông và miền Nam của châu lục này, đặc biệt ảnh hưởng nặng tại hai nước sản xuất lúa lớn: Ai Cập và Madagascar. Trái lại, vùng Tây Phi được mùa, nhứt là ở Guinea, Mali, Senegal và Sierra Leone nhờ các trận mưa to đến muộn vào tháng 7; trong khi Chad, Ghana, Mauritania và Nigeria sản xuất thấp hơn so với năm qua.
Tình trạng sản xuất lúa tại Mỹ Châu cũng khác nhau từ Bắc đến Nam. Tại Hoa Kỳ được tiên đoán giảm 6% do khô hạn ở California và gia lúa kém hấp dẫn. Trong khi Nam Mỹ được tiên đoán tăng lên 3% so với 2014, đạt đến 28, 5 triệu tấn, do khí hậu thuận lợi đặc biệt tại Brazil, Colombia, Paraguay và Peru và nhiều nước Trung Mỹ, ngoại trừ Venezuela và Argentina. Tuy nhiên, sản xuất giảm tại Costa Rica, Cuba, Haiti và Mexico do hạn kéo dài. Tại Âu Châu, tình trạng tương đối tốt với 4,2 triệu tấn hay tăng 3% so với 2014, chủ yếu ở khối Liên Âu và Liên bang Nga; nhưng ở Úc Châu giảm bớt 12% do thiếu nước tưới kéo dài qua năm thứ hai.
Riêng tại Việt Nam, dù bị khô hạn tại một số địa phương, sản xuất lúa vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt lúa Hè-Thu tăng 2% đến 14, 8 triệu tấn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhờ khí hậu và hệ thống tưới tiêu khá tốt bù đắp phần nào sản xuất kém của vụ Đông-Xuân (9,6 triệu tấn) do mưa quá nhiều ở Miền Bắc và khô hạn ở Miền Nam. Năm 2015, sản xuất lúa tiên đóan đạt đến 45,22 triệu tấn hay tăng 0,5% so với 2014. Hiện nay, Việt Nam đang bước vào mùa 2016, vụ Đông-Xuân đang bắt đầu cả Miền Bắc và Miền Nam, nhưng ĐBSCL đang lo cho luồng nước sông Cửu Long thấp và nước mặn xâm nhập sâu; cho nên vụ lúa này được gieo sạ sớm hơn mọi năm. Đến 15 tháng 11-2015, nông dân đã trồng 350.000 ha so với 200.000 ha của năm trước.
Năm 2015, theo tiên đoán FAO, thương mại thế giới có thể đạt đến 44,7 triệu tấn gạo, tức kém hơn 2% mức kỷ lục 45,6 triệu tấn trong 2014, do nhu cầu yếu và được mùa tại một số nước nhập khẩu truyền thống. Riêng Châu Phi nhập khẩu ít hơn 1 triệu tấn gạo chỉ đạt 14,3 triệu tấn, do tài chánh yếu và chánh sách tiến tới tự túc của châu lục này. Ngoài ra, số lượng gạo trao đổi thế giới giảm bớt do nhập khẩu ít hơn ở Bangladesh, Indonesia, Sri Lanka và Timor Leste. Thương mại ở Châu Á dù giảm đi chút ít (22,8 triệu tấn gạo) còn tiếp tục gia tăng do nhu cầu tăng, nhưng vẫn còn chiếm 50% tổng thương mại thế giới. Sự nhập khẩu của Châu Âu và Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribbean vẫn tiếp tục do sản xuất thấp. Úc Châu và Hoa Kỳ vẫn còn mua gạo để thỏa mãn yêu cầu đặc biệt của người dân gốc Á Châu. Năm 2015, Thái Lan giảm xuất khẩu do bán giá gạo cao hơn các nước khác, đặc biệt Thái mất bớt đi thị phần ở Châu Phi cho loại gạo hấp và tấm, chỉ còn 1,5 triệu tấn. Myanmar cũng giảm xuất khẩu do lũ lụt và lệnh cấm xuất khẩu để bảo vệ an ninh lương thực nội địa. Giá gạo cao cũng làm cho một số nước khác giảm xuất khẩu như Argentina, Trung Quốc, Paraguay và Uruguay. Trái lại, Ấn Độ, Pakistan, Hoa Kỳ và Việt Nam tăng xuất khẩu gạo trong 2015. Riêng xuất khẩu Ấn Độ đạt đến 11,7 triệu tấn và đứng hạng nhứt thế giới.
Dự trữ gạo trong 2015 vẫn còn ổn định ở mức 172 triệu tấn, nhưng năm 2016 theo FAO dự đoán sẽ giảm 3,5% ở mức 166 triệu tấn, tương đương 33% nhu cầu thế giới.
Giá gạo thế giới giảm liên tục từ 2008 cho đến tháng 5-2014 bắt đầu lên trở lại một ít rồi tiếp tục xuống thấp cho tới nay (Hình 2). Trong 2015, giá gạo thế giới giảm tới đầu quý 3 mới tăng trở lại đôi chút rồi giảm nhẹ từ tháng 11-2015 cho đến tháng 1-2016. Sự giảm sút giá càng nhiều hơn đối với gạo thơm vào tháng 9 và tháng 12 do vụ thu hoạch, dự trữ còn nhiều và các nước tiêu thụ giảm mua; tuy nhiên, giá gạo có chất lượng cao tăng lên chút ít. Trong 2015, giá gạo giảm 11% so với 2014, xuống đến mức thấp nhứt kể từ cuộc khủng hoảng 2008. Khuynh hướng khí hậu không tốt do hiện tượng El Nino kéo dài đến giữa 2016 và giá gạo thấp sẽ ảnh hưởng bất lợi cho sản xuất lúa năm nay và làm tăng nhu cầu lúa gạo trong tương lai.
Hình trên: Sản xuất (gạo màu xanh), tiêu thụ (đỏ) và dự trữ.
Hình dưới: Chỉ số giá gạo FAO (xanh) và xuất khẩu gạo
Sau đây là thương mại lúa gạo tại 6 nước sản xuất và xuất khẩu quan trọng trên thế giới (1 và 2):
Thái Lan: Ngành trồng lúa gặp nạn hạn hán tồi tệ nhứt trong 2 thập niên qua. Do đó, xuất khẩu chỉ 9,3 triệu tấn trong 2015, giảm 15% so với 11 triệu tấn trong 2014. Giá gạo tháng 12 giảm 2% so với tháng trước, ngoại trừ gạo tấm với giá ổn định. Gạo 100% B được bán 360US/tấn FOB đối với 366US trong tháng 11. Gạo hấp giảm từ 355US xuống 351US. Gạo tấm A super ổn định ở 326US/tấn. Đến giữa tháng Giêng 2016 giá chưa thay đổi.
Ấn Độ: Trong 2015, xuất khẩu đến 11,5 triệu tấn, gồm 4 triệu tấn gạo Basmati, chiếm hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong 2016 do giá cả cạnh tranh, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ giảm bớt, nhường ngôi vị hàng đầu cho Thái Lan. Giá gạo có chất lượng cao tăng 1,5% còn gạo chất lượng kém vẫn còn thấp. Trong tháng 12-2015, gạo 5% tấm giá 356 US/tấn so với 351 US/tấn tháng 11. Gạo 25% tấm giá xuống 25% ở 328 US/tấn so với 331 US/tấn. Đến giữa tháng Giêng 2016 giá chưa thay đổi.
Pakistan xuất khẩu trên 4 triệu tấn hơn năm trước 3,8 triệu tấn hay 12%, do giá thế giới xuống thấp. Trong tháng 12, gạo 5% tấm giá 304 US/tấn so với 293 US/tấn trong tháng 11. Đến giữa tháng Giêng 2016 giá chưa thay đổi.
Trung Quốc, theo tiên đoán nhà nước, sản xuất 2015 tăng thêm 1 triệu tấn nên đạt đến 207,5 triệu tấn lúa, phần lớn do năng suất và khí hậu tương đối thuận hòa: lạnh và ẩm ướt ở lưu vực sông Dương Tử và khô nóng ở miền Đông-Nam. Trung Quốc đã ký một Biên bản ghi nhớ với Chánh phủ Thái Lan hứa mua 01 triệu tấn gạo, bắt đầu giao hàng từ tháng 12-2015.
Hoa Kỳ xuất khẩu 3,5 triệu tấn so với 3,2 triệu tấn trong 2014. Giá gạo liên tiếp giảm sút trong quý 4, nhưng vẫn còn cao hơn gạo Á Châu 130 US/tấn. Gạo hạt dài 2/4 giá 484 US/tấn trong tháng 12 so với 497 US/tấn tháng 11. Khối Nam Mỹ Mercosur vẫn còn hoạt động mạnh trong xuất khẩu, trung bình hơn 100.000 tấn gạo mỗi tháng và tăng 15% trong quý 4 vừa qua. Trong tháng 12, giá lúa thấp 3% từ 218 US/tấn xuống 212 US/tấn so với tháng trước. Trong đầu tháng Giêng, gạo Brazil xuống thấp còn 203 US/tấn do tiền tệ bị phá giá.
Việt Nam: Trong 2015, về sản xuất lúa gạo, dù thời tiết không thuận lợi ở một số địa phương, sản lượng lúa cả nước đạt 45,22 triệu tấn hơn 241.000 tấn so với 2014, được trồng trên 7,83 triệu ha. Hiện nay, vụ lúa Đông Xuân cho năng suất bình quân đến 6,5 tấn/ha và giá thành sản xuất là 3.417 đồng/kg; do đó với mức giá hiện nay dù không bị lỗ nhưng rất ít nông dân thu lãi trên 30%, nhất là đối với lúa chất lượng thấp.
Theo các chuyên gia, việc mua gạo tạm trữ để tăng giá lúa nhằm hỗ trợ nông dân là cần thiết tạm thời, nhưng để ngành lúa gạo phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh, cần phải có chính sách lâu dài. Cần một hệ thống giải pháp cơ bản, đồng bộ mới giải quyết được tình trạng bấp bênh. Thay đổi chánh sách (quyền sở hữu đất, tư nhân hóa xuất khẩu và hỗ trợ), hiện đại hóa ngành nông nghiệp có thể giúp nông dân ĐBSCL vượt qua thách thức, đặc biệt cần chuyển đổi chánh sách an ninh lương thực sang sản xuất thương mại để người dân có thể làm giàu bằng nghề nông thì mới giải quyết được vấn đề từ gốc (3 và 4).
Bắt đầu từ ngày 1-7, cứ một héc ta trồng lúa, người nông dân sẽ được Chính phủ hỗ trợ môt triệu đồng, tăng thêm 500.000 đồng so với mức hỗ trợ trước đó. Bộ Tài chính vừa công bố giá thành sản xuất lúa kế hoạch và mua thóc định hướng vùng Đồng bằng sông Cửu Long vụ hè thu 2015 (5).
Về thương mại, trong 2015 xuất khẩu VN tăng nhờ thị trường Á Châu mở rộng, nhứt là Philippines và Indonesia đạt đến 6,58 triệu tấn gạo chánh ngạch với trị giá 2,68 tỉ US, tức tăng 4% về số lượng và giảm 4% về trị giá so với 2014. Theo Cơ quan FAO, xuất khẩu VN đạt đến trên 8 triệu tấn, gồm cả xuất khẩu tiểu ngạch nhiều rủi ro qua Trung Quốc (1,5-1,7 triệu tấn), đứng hàng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan (1). Tháng 12-2015, giá gạo 5% tấm tăng từ 371 lên 374 US/tấn so với tháng 11. Gạo 25% tấm tăng từ 328 lên 331 US/tấn. Đến giữa tháng Giêng 2016 giá chưa thay đổi nhiều (1). Một số sự kiện quan trọng sau đây xảy ra trong sản xuất và thương mại lúa gạo VN và thế giới trong 2015:
- Tổng công ty lương thực Miền Nam, Vinafood 2 dự tính chuyển từ mua gạo sang mua lúa xuất khẩu để giúp nông dân tránh bớt sự lạm dụng của giới trung gian. Nhà nước ra chỉ thị mua 1 triệu tấn quy gạo vụ Đông-Xuân 2014-15 tạm trữ từ 1/3 đến 15/4/15 để khai thông thị trường xuất khẩu và ổn định giá lúa, gạo. Theo đó, nhà nước hỗ trợ lãi suất ngân hàng tối đa 4 tháng cho doanh nghiệp mua tạm trữ.
- Để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng gạo sản xuất trong nước, Nhà nước đã yêu cầu Bộ Tài chính xem xét và báo cáo trong tháng 5 về đề nghị bỏ quy định áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với gạo (6).
- Tháng 5-15, gạo VN đã rớt hạng, không còn là nước xuất khẩu gạo thứ 3 trên thế giới như các năm trước. Giá xuất khẩu VN xuống thấp nhứt trong 5 năm trở lại đây. Giá chào chỉ còn 355-365 US/tấn với loại gạo 5% tấm, thấp hơn 15 US/tấn so với gạo Ấn Độ, 25 US/tấn so với gạo Pakistan và 40 US/tấn so với gạo Thái Lan (6).
Một trong những yếu tố khiến xuất khẩu gạo của Việt Nam sụt giảm là do Trung Quốc tăng cường kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu gạo tiểu ngạch; đồng thời tăng nhập khẩu bằng đường chính thức từ Myanmar, Pakistan và Ấn Độ với giá thấp hơn. Ngoài ra, Thái Lan cũng vào cạnh tranh với Việt Nam về gạo cấp thấp, khiến lượng gạo VN xuất sang thị trường Trung Quốc bị giảm mạnh.
- Sau khi trúng thầu bán 450.000 tấn gạo cho Philippines, Việt Nam tiếp tục giành được hợp đồng bán 1 triệu tấn gạo cho Indonesia, gồm 750.000 tấn loại 15% tấm và 250.000 tấn loại 5% tấm với thời gian giao hàng từ tháng 10-2015 đến tháng 3-2016 (7).
- Trong 2014, VN mất nhiều thị trường Phi châu cho Thái Lan, do đó, cần đẩy mạnh phục hồi xuất khẩu gạo sang châu lục này. Thái Lan đang có xu hướng giảm giá gạo để giảm tồn kho. Còn Ấn Độ, Pakistan cũng đang cạnh tranh gay gắt tại thị trường châu Phi và Trung Đông; Myanmar, Campuchia đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào thị trường EU và Trung Quốc.
Dù sức cạnh tranh thế giới ngày càng lớn, gạo VN chưa có thương hiệu đủ lớn nên ảnh hưởng tiêu cực đến thị phần của mình trong thương mại quốc tế. Với chủ trương hội nhập sâu rộng vào thế giới, VN đang đối diện với mức độ cạnh tranh được dự đoán sẽ rất khốc liệt. Cho nên, thương hiệu - yếu tố quyết định sự lựa chọn của người tiêu dùng, đang được coi như vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Bộ NN&PTNT cần hoàn thiện Đề án phát triển thương hiệu gạo xuất khẩu của Việt Nam, trong đó cần lưu ý những giải pháp sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn, nâng cấp trang thiết bị xác nhận độ thuần, thiết bị phân tích các chỉ tiêu, quy trình sản xuất lúa đảm bảo yêu cầu chất lượng để tránh trường hợp gạo xuất khẩu bị trả về tốn kém bạc tỉ, như đã thấy trong gạo xuất khẩu qua Mỹ vừa qua (6 và . Gạo xuất khẩu VN tại thị trường Hoa Kỳ trong 2014-15 chưa thành công vì không thể cạnh tranh với gạo Thái Lan với giá rẽ và chất lượng tốt hơn!
Ngoài ra, Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần phải chủ động liên kết với nông dân tổ chức vùng nguyên liệu cho riêng mình và nên họp tác với nông dân để cùng chia lợi tức công bằng.
Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership: TPP) bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, Úc Châu, Chile, Singapore, Brunei, Malaysia, Tân Tây Lan, Peru, Mexico và Canada, vừa hoàn tất đàm phán vào đầu tháng 10-2015, nhưng còn phải có sự phê chuẩn Quốc hội của 12 nước hội viên. Hiệp định TPP nhằm bải bỏ hoặc hạ thấp hàng rào quan thuế, nên có thể mang nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế còn yếu kém của Việt Nam, bên cạnh lợi ích chiến lược, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. VN sẽ đón nhận luồng đầu tư mới, có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu với thuế suất thấp, nhập khẩu thuận lợi. Ngoài ra, VN còn có thể đa dạng hóa thị trường; tham gia vào chuỗi giá trị với các doanh nghiệp của 11 nước hội viên TPP. Môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng hơn… (9)
Theo dư báo của một số chuyên gia, VN là nước được hưởng lợi nhiều nhứt khi TPP được thực hiện, đặc biệt ngành dệt may, giày da, thủy sản… Về nông nghiệp, VN có lợi thế cạnh tranh về cà phê, tiêu, gạo trên thị trường; nhưng lại gặp khó khan lớn về mía đường, bắp, đậu nành… Theo nghiên cứu của Eurasia Group, kim ngạch xuất khẩu dệt may, giày dép của Việt Nam có thể tăng 50% trong 10 năm tới. Ngành thủy sản cũng được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu với tôm, mực và cá ngừ, từ mức 6,4-7,2% hiện nay. Tuy nhiên, quy tắc xuất xứ từ sợi là một thách thức cho ngành công nghiệp dệt may (10). Về lúa gạo, VN có cơ hội xâm nhập vào thị trường của các hội viên TPP, không phải cạnh tranh gắt gao như hiện nay với Thái Lan và Ấn Độ do hai nước này chưa vào TPP. Chẳng hạn tại Mỹ, thuế xuất khẩu gạo VN sẽ giảm từ 7% xuống 0%, đây là cơ hội để VN có thể cạnh tranh với Thái Lan. Hiện nay, VN còn bỏ trống thị trường béo bở này. Cho nên, TPP là cơ hội hiếm có của dân tộc, nếu không nắm bắt kịp thời và hữu hiệu sẽ bị mất và tụt hậu mãi, chưa kể lệ thuộc kinh tế Trung Quốc!
Ngoài ra, từ 1-1-2016, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức ra đời, VN phải hội nhập với khu vực mạnh hơn về mọi mặt. Vậy VN đã sẵn sàng chưa?
Tóm lại, triển vọng thương mại thế giới 2016 không sáng sủa hơn 2015, nhưng FAO tiên đoán số lượng trao đổi sẽ trở lại mức 2014, nghĩa là đến độ 45,3 triệu tấn dù mùa thu hoạch 2015 kém. Sự phục hồi khiêm nhường này do các nước nhập khẩu có chương trình tự túc lúa gạo và yếu kém tiền tệ trong nước. Tuy nhiên, các nước nhập khẩu truyền thống lớn sẽ còn tiếp tục mua gạo để dự phòng thiên tai đói kém, như Indonesia, Iran, Nigeria và Philippines. Trung Quốc có thể nhập khẩu ít hơn do kiểm soát các ngành tiểu ngạch. Nhập khẩu ở Phi Châu, nhứt là Nigeria sẽ trở lại vì nhu cầu còn cao. Riêng trao đổi mậu dịch ở Châu Mỹ La Tinh và Caribbean sẽ ổn định hơn trong 2016, do vùng Trung Mỹ du nhập nhiều hơn bù đắp sút giảm ở Nam Mỹ. Năm 2016, các nước xuất khẩu lớn sẽ cố gắng tăng gia hoạt động tìm thêm thị trường tiêu thụ. Thái lan sẽ tăng xuất khẩu nhờ dự trữ còn nhiều và sẽ là nước xuất khẩu lớn nhứt thế giới. Việt Nam được tiên đoán xuất khẩu khởi sắc trong 6 tháng đầu năm, đồng thời giá lúa cũng tăng lên trong thời gian này, do có nhiều hợp đồng và tồn kho ít. VN mong đợi gia tăng xuất khẩu vào các nước nhập khẩu truyền thống, đặc biệt Philippines, Indonesia, Trung Quốc và Mã Lai. Cambodia, Myanmar và Pakistan cũng mong đợi xuất khẩu nhiều hơn trong năm nay. Trái lại, Ấn độ sẽ giảm xuất khẩu do giá nội địa tăng làm kém khả năng cạnh tranh. Hoa Kỳ, Brazil và Ai Cập cũng giảm thị phần xuất khẩu trong năm nay do nguồn cung cấp giới hạn.
Trần Văn Đạt, Ph.D.
20-01-16
Tài liệu tham khảo:
2. InterRice. 2015. Issue December 2015, No. 142 (www.infoarroz.org).
3. Nhóm PV.2015. Trên cánh đồng đông xuân. Sggponline: (http://www.sggp.org.vn/nongnghiepkt/2015/2/376187/
#sthash.4k2s39N5.dpuf).
4. Nhóm PV. 2015. Thu mua lúa gạo tạm trữ: Nông dân chưa vui (Chủ nhật, 08/03/2015), Sggponline: (http://www.sggp.org.vn/nongnghiepkt/2015/3/377227/).
6. Haiquanonline. 2015. Xem xét bỏ thuế giá trị gia tăng 5% đối với gạo (http://www.baoquangninh.com.vn/kinh-te/201505/xem-xet-bo-thue-gia-tri-gia-tang-5-doi-voi-gao-2269511/).
7. Văn Phúc. 2015. Việt Nam trúng thầu bán 1 triệu tấn gạo cho Indonesia. (http://baoapbac.vn/kinh-te/201510/viet-nam-trung-thau-ban-1-trieu-tan-gao-cho-indonesia-640079/).
8. Công Phiên. 2015. Tái cơ cấu để nâng sức cạnh tranh cho gạo Việt Nam
(http://www.sggp.org.vn/kinhte/2015/10/400964/).
9. Cafef. 2015. Vào TPP, ngành nông nghiệp sẽ “5 ăn, 5 thua” (http://cafef.vn/vi-mo-dau-tu/vao-tpp-nganh-nong-nghiep-se-5-an-5-thua-20150411170535144.chn).