THIÊN CẤM SƠN
Ta dắt em về thăm NÚI CẤM (1) xưa
Vườn xoài nghiêng dốc, trái đong đưa
Men theo triền núi lần lên đỉnh
Mít chín vàng thơm, lẫn bóng dừa.
Đứng giữa cáp treo, nghe gió reo
Nhòm xuống người đi như kiến leo
Đường lên tới đỉnh, mây cùng núi
Quấn quýt chân người, nắng dõi theo.
Ta cùng em thăm viếng chốn linh thiêng
Kia Chùa PHẬT LỚN (2) dáng uy nghiêm,
NĂM VỒ (3) gốc tích còn nguyên đó,
DI LẶC (4) – Ngang trời tạo phước duyên.
Phút chốc trên cao tâm tĩnh lặng
Trần gian – Tiên cảnh bỗng rất gần
Mới hay Tĩnh – Động là một thể
Tĩnh rồi Động – Tĩnh hóa vô thường!
Có mệt em ngồi dưới bóng cây
Bên hồ nước mát THỦY LIÊM (5) đây
Soi mình xuống nước hình dưới đáy
Khẽ vờn mặt sóng, ảnh chao dài.
Nắng gắt ta tìm quán nghỉ chân
Vẳng câu vọng cổ của ai ngân ...
Núi non trùng điệp.... ôi, hùng vĩ
Gẫm lại đời kia bé vô cùng!
Cô gái Khơ - me giọng cưng cứng
Gánh ống Thốt nốt (6) rao rất duyên:
“Nước Lốt đêm qua vừa hong khói
Bảo đảm uống vô ngọt như đường”.
NÚI CẤM - LÂM VIÊN NÚI CẤM (7) thương
Ra về lòng còn mãi vấn vương
Bánh xèo BẢY NÚI (8), rau rừng lạ
Nước chấm vừa ngon, rẻ lại giòn...
THIÊN CẤM SƠN,... Ơi THIÊN CẤM SƠN!
Người hiền từ sao huyền thoai lại vô biên....
Nhiều câu chuyện kể ngàn năm trước...
Sử miệng còn nguyên... đá dẫu mòn !
NHAN THANH 04/2015
(1) Còn gọi là Núi Ông Cấm hay Thiên Cấm Sơn (Thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).
(2) Ngôi chùa lớn trên núi có tên là Phật Lớn.
(3) Năm vồ:
- Vồ Bồ Hong: cao 705 m, cao nhất. Tương truyền, vì khi xưa có nhiều côn trùng gọi là Bồ hong đến đây sinh sống nhiều nên có tên này. Ở trên vồ, có tượng thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, được nhiều người đến tham quan và lễ bái.
- Vồ Đầu: đỉnh cao đầu tiên của Núi Cấm tính từ phía Bắc, cao 584 m.
- Vồ Bà: cao 579 m, có điện thờ Bà Chúa Xứ.
- Vồ Ông Bướm: (hay Ông Voi) cao 480 m tương truyền xưa kia có hai người Khmer lưu lạc tên ông Bướm và ông Vôi đến cư trú.
- Vồ Thiên Tuế: cao 541 m, nơi đây trước kia là rừng cây Thiên Tuế.
(4) Di Lặc: Tượng Phật Di Lặc to lớn được xây trên Núi Cấm.
(5) Thủy Liêm: Hồ nước tên Thủy Liêm gần Chùa Phật Lớn.
(6) Cây Thốt nốt hình dáng như cây Cọ, người Khơ-me thường trồng để lấy nước nấu thành đường gọi là đường Thốt lốt.
(7) Lâm viên Núi Cấm: là nơi du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang, dáng vẻ hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp, cây cối luôn xanh tươi. Trên núi có nhiều cảnh đẹp và di tích tâm linh như: Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm, v.v...
Ngoài ra, dọc theo những lối mòn từ chân lên tới đỉnh núi có nhiều điểm tham quan như: suối Thanh Long , suối Tiên, điện Cây Quế, điện Mười Ba, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, hang Bác Vật Lang, động Thủy Liêm. Dưới chân núi Cấm, về phía Đông là khu du lịch Lâm Viên, với diện tích khoảng 100 ha, có cảnh quan đẹp, có đường tráng bê tông khá rộng lên đến đỉnh.
(8) Tên gọi chung vùng đất 2 huyện Tịnh Biên – Tri Tôn tỉnh An Giang. Có 7 ngọn núi tiêu biểu còn gọi là Thất Sơn đó là: Núi Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn), Núi Nước (Thủy Đài Sơn), Núi 5 giếng – Núi dài nhỏ (Ngũ Hồ Sơn), Núi Két (Anh Vũ Sơn), Núi Tượng (Liên Hoa Sơn).
Nhân Thanh