20/11/2016
ĐẠI DƯƠNG BIẾN ĐỔI RA SAO KHI KHÍ HẬU TRÁI ĐẤT THAY ĐỔI
Nguyễn Văn Khuy
|
Những hoạt động của nhân loại làm thay đổi khí hậu đã được sự đồng thuận của các quốc gia tham dự hội nghị về sự biến đổi khí hậu trên thế giới. Ảnh hưởng là những hệ qủa sẽ kéo dài cho hệ sinh thái và những tác hại gây ra sẽ tiếp diễn hàng thiên niên kỷ. Những tác động về ảnh hưởng của thay đổi khí hậu phần bên trên trái đất thì dễ dàng nhận biết còn đại dương dưới độ sâu mênh mông và rộng lớn không thể nhìn thấy vì rất tốn kém để xuống đó khảo sát. Sự thay đổi thầm lặng này đã đe dọa đến năng lực sản xuất của đại dương, đa dạng sinh học ( biodiversity) và nguồn cung cấp lương thực khổng lồ cho nhân loại.
Phần lớn nơi có đời sống trên địa cầu không phải là đất liền mà hơn 90% là thể tích ở độ sâu dưới 200m trong lòng đại dương. Những hệ sinh thái đa dạng ở dưới vùng nước rộng lớn này là chìa khóa của sự điều hòa khí hậu bởi hấp thụ lượng sức nóng và dư thừa CO2 từ bầu khí quyển, giúp trái đất chống lại hiệu ứng của khí nhà kiếng Tuy nhiên lại gây ra những hậu qủa là nước biển trở nên nóng hơn, độ acid gia tăng và thiếu oxygen .
Đại dương giúp trái đất hấp thụ một lượng lớn sức nóng và khí nhà kiếng CO2, nhưng lại làm xấu đi hệ sinh thái dưới biển , nơi cư trú của các sinh vật biển. Lý do là nhiệt độ cũng như độ acit trong nước biển tăng cao và lượng oxygen thì lại giảm sút. Hậu qủa đã làm thiếu hụt nguồn thực phẩm biển cung cấp cho sự sinh sống của con người. Những sự thay đổi này đã đe dọa đến đa dạng sinh học cũng như đời sống của nhân loại và làm suy yếu những dịch vụ duy trì một hành tinh khỏe mạnh .
Sự acit hoá đại dương : Sự hấp thụ lượng dư thừa CO2 trong khí quyển và oxit hóa các chất hữu cơ có trong nước biển là hai nguyên nhân làm tăng độ acit trong nước biển . Sự gia tăng CO2 và thay đổi nhiệt độ cũng như độ mặn trong nước biển là nguyên nhân làm acit hoá nhanh chóng ở vùng biển bắc Đại Tây Dương. Rất ít các cuộc quan sát trực tiếp về hậu qủa sinh học ở vùng nước sâu và nghiên cứu trong phòng thí nhiệm để xem các sinh vật sống sót ra sao . Sự gia tăng độ acit trong nước biển là nguyên nhân dẫn tới sự tẩy mòn (bleaching) của các loài san hô.
Sự gia tăng CO2 được dự đoán rằng sẽ là làm thu hẹp nơi cư trú của các loại sinh vật hóa vôi như san hô, nhất là các rặng san hô ở vùng nuớc sâu. Với cấu tạo ba chiều (argonite), san hô đã tạo ra những khu vườn rộng lớn , nơi sinh sống và sinh sản của nhiều loại hải sản như tôm, cá. Acit hóa đại dương là mối đe dọa cho sự thành lập các rặng san hô, giảm đi sự phát triển ,tăng gia soi mòn và hòa tan calcium carbonates.
Sự giảm oxygen trong nước biển :
Một đại dương ấm giữ ít oxygen và nước ấm sẽ loãng hơn vùng đại dương lạnh. Tỉ trọng của thành phần nước biển sẽ giảm dần theo chiều thẳng đứng. Sự phối hợp giữa oxygen ít hoà tan trong nước ấm và thay đổi nhiệt độ ở những độ sâu khác nhau đã tạo ra sự giảm oxy lan tràn . Hiệu ứng này rất lớn ở những vùng sâu từ 200-700 m. Trong 50 năm qua hiệu ứng này đã sảy ra ở những khu vực rộng lớn tại vùng nhiệt đới và bán nhiêt đới của miền đông Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Sự trải rộng ra những vùng biển thiếu oxygen ( low oxygen zones) đã dẫn tới sự thu hẹp nơi cư trú của sinh vật không thích ứng cho sự phát triển ở độ sâu từ 200m đến1000 m như swordfish và sailfish nhưng lại trải rộng ra cho cho các sinh vật chịu đựng được vùng thấp oxygen như loại Humboldt squid.
Oxygen giữ vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát sinh học đa dạng biển như hiệu ứng tiến hóa, sinh lý, sinh sản, đặc tính và giao tiếp giữa các loài. Vài cuộc khảo cứu dài hạn cho biết sự giảm oxygen đã làm hệ thống sinh thái biến đổi. El Nino Southern Oscillation do thay đổi bất thường của nhiệt độ đã gây ra thay đổi sự tạo ra oxygen. Tuy nhiên rất ít cuộc khảo cứu dài hạn để biết về liên hệ giữa sự giảm oxygen đối với sự chuyển dịch của hệ thống sinh thái ở sâu dưới đáy biển.
Ảnh hưởng đến sự tồn tại của các rặng san hô :
Rặng san hô là hệ sinh thái dưới nước được gắn liền với nhau do calcium carbonates tiết ra bởi san hô . Thích hợp tăng trưởng trong vùng nước ấm của nhiệt đới, từ vĩ tuyến 30 tới xích đạo , nhiệt độ thích hợp từ 23 -29 C,vùng biển nông với nhiều ánh sáng và nước luân chuyển . Các rặng san hô chiếm 0.1% diện tích đại dương , bao gồm 0.07% ở vùng nước ấm và còn lại 0.03 % sống tương đối ở vùng nước lạnh hơn. Là nơi sinh sống của của 20% sinh vật biển như các loại cá , các loài nhuyến thể và giáp sác.
Riêng san hô ở vùng nước ấm có hơn 3 triệu loài, tạo ra phong cảnh đẹp mắt dưới đại dương . Đó là vùng sinh thái cung cấp nhiều dịch vụ cho 275 triệu người sống bao quanh. Là nơi hỗ trợ hơn ¼ kỹ nghệ đánh bắt cá của thế giới , tạo công ăn việc làm cho ngành du lịch, bảo vệ vùng biển tránh bão, lụt và soi mòn. v, v. Rặng san hô cũng là nơi thu hút du khách với cảnh trí tuyệt đẹp. Trị giá kinh tế hàng năm toàn cầu ước lượng có thể lên tới khoảng 375 tỉ mỹ kim.
Tuy nhiên rặng san hô là những hệ sinh thái rất cơ động thường xuyên bị tấn công bởi các biến động thiên nhiên . Những hoạt động của nhân loại cũng làm tăng thêm cường độ và chu kỳ quấy nhiễu các rặng san hô, như đánh cá qúa mức và thải các chất ô nhiễm ra biển . Những hoạt động này liên kết với sự thay đổi khí hậu như hâm nóng địa cầu và acit hóa đại dương là những đe dọa cho đời sống của san hô.
Sự gia tăng nhiệt độ dẫn tới sự tẩy mòn là nguyên nhân gây ra sự mất đi lớp bao phủ san hô cũng như sự cấu tạo phức tạp của rặng san hô. Những bất lợi này đã đe dọa đến sự sống còn và khôi phục lại của các rặng san hô. Sự tẩy mòn tùy theo chu kỳ của nhiệt độ hâm nóng. Ngay cả các san hô còn sống sót tẩy mòn sẽ ảnh hưởng đến sinh sản, dễ bị bệnh và giảm đi sự hoá vôi. Tại vùng biển Caribbean sự gia tăng nhiệt độ đã làm lan truyền dịch bệnh cho loài san hô Acroporid.
Sự acit hóa đại dương là mối đe dọa thường xuyên cho các rặng san hô vì làm giảm đi sự bão hòa của aragonite, cần thiết cho tạo dựng các khung sườn san hô. Hậu qủa là ảnh hưởng đến cấu tạo của các rặng san hô như tăng trưởng, soi mòn sinh học và nguy cơ làm hòa tan carbonates cũng như làm thoái hóa khung sườn của các rặng san hô .
Các rặng san hô ở vùng nước ấm có sự sống cộng sinh với với loại tảo đơn bào Zooxanthellae. San hô không có khả năng sản xuất ra đủ thực phẩm cần thiết mà còn nhờ vào khả năng quang hợp của Zooxanthellae để có thêm các chất dinh dưỡng cần thiết như carbon hầu tạo ra calcium carbonates cho san hô . Để bù đắp lại san hô có nhiệm vụ bảo vệ môi trường đầy chất dinh dưỡng cho tảo đơn bào phát triển. Nếu mật độ tảo đơn bào giảm đi do ảnh hưởng của các chất ô nhiễm thì san hô sẽ trở nên xanh sao , bị tẩy mòn hoặc chết đi . Sản hô có khả năng loại bỏ bớt Zooxanthellae nếu dư thừa hoặc thu nhập thêm khi cần thiết.
Sự tẩy mòn đã sảy ra ở vùng trung và tây của Ấn Độ Dương từ năm 1998 do nhiệt độ nước biển gia tăng đã làm chết 90% rặng san hô. Zooxanthellae không những cung cấp thêm năng lượng cho san hô sinh sống mà còn tiêu thụ các chất thải ra từ san hô như nitrogen và carbon dioxide.
Nếu không gỉảm bớt được khí nhà kiếng thì các rặng san hô trên thế giới sẽ rời rạc không còn liên kết gắn bó với nhau . Sự giảm đi các rặng san hô ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến việc thiếu thực phẩm, bảo vệ bờ biển và lợi nhuận do du lịch , đe dọa đến đời sống của nhiều triệu người .
Ảnh hưởng đến sinh vật biển :
Sự liên hệ giữa khí hậu và động vật biển đã được khảo cứu hơn một thế kỷ qua. Động vật biển là hệ sinh thái rất quan trọng và dễ bị tổn thương, rõ ràng bị chi phối bởi các yếu tố khí hậu, góp phần vào việc ổn định kinh tế và thẩm mỹ cho xã hội. Sự thay đổi khí hậu ảnh hưởng đến động vật biển, trực tiếp như thay đổi cơ năng sinh lý và gián tiếp như phản ứng hỗ tương giữa con mồi và động vật săn bắt mồi, hoặc sự thay đổi nghiêm trọng đến những nơi cư trú của những rặng san hô và cỏ biển.
Khảo cứu cho biết cứ mỗi thập niên thì nước biển lại tăng thêm 0.1 C. Phần lớn các sinh vật sống ở dưới biển sâu sống với nhiệt độ vững bền , không thay đổi. Nhiệt độ tăng thêm 1 C cũng làm chúng di chuyển xuống sâu hơn hoặc lên vùng vĩ tuyến cao hơn. Năm 2012 tại vùng Đại Tây Dương của Hoa Kỳ, cơ quan quản trị ngư nghiệp ở England với kỹ thuật tân tiến đã cho ngư dân biết sẽ có khô hạn và sức nóng tăng cao. Nhiệt độ gia tăng này đã làm cho loại cá mực di chuyển lên phía Bắc tới Maine và lượng tôm hùm tập trung cao trong vùng.
Động vật có xương sống biển rất đa dạng cần thiết cho nhân loại không những cung cấp thực phẩm mà còn giúp con người về phương tiện giáo dục, khảo cứu để tìm hiểu và giải trí do các dịch vụ du lịch.
Phần lớn các loại cá là ngoại nhiệt , lấy oxygen từ nước biển nên ảnh bị hưởng trực tiếp khi khí hậu thay đổi, bị tác động đến cơ năng biến dưỡng và sinh lý. Hơn nữa sự thay đổi sản lượng ở đại dương do khả năng cung cấp con mồi làm thức ăn là nguyên nhân làm thay đổi số lượng cá biển . Rùa biển được coi là ngoại nhiệt , là loại động vật thường di chuyển nơi cư trú, thời gian để trưởng thành lâu, vài thập niên và đẻ trứng ở bờ biển, trên bãi cát và cần nhiệt độ bình thường trên trái đất để quyết định giống tính.
Ảnh hưởng đến đời sống nhân loại :
Nhân loại chỉ nhìn thấy khối lượng băng giảm sút, sông hồ cạn nước do trái đất nóng hơn, mùa màng thất thu và nạn cháy rừng lan rộng. Nhưng nhân loại hình như không nhìn thấy những gì thay đổi ở đại dương. Phần lớn những thay đổi này đã ẩn náu dưới những làn sóng biển mà không thể quan sát được.
Tổ chức liên hiệp các quốc gia về thay đổi khí hậu ( IPCC ) đã khám phá và xác định được những yếu tố chính thay đổi khí hậu đại dương như tăng gia nhiệt ở đại dương và băng đá biển tan rã. Hậu qủa là dẫn tới việc mực nước biển tăng cao, sự thay đổi cấu trúc của những dòng hải lưu, sự thay đổi thời kỳ và biên độ của chu kỳ khí hậu như El Nino, sự thay đổi chu kỳ với cường độ mạnh hơn của những cơn bão tố, độ acit gia tăng và lượng oxygen xuống thấp.
Ảnh hưởng đến những người sinh sống với nguồn lợi tức vùng biển do ngư sản bị giảm sút, nhà cửa phải dời xa hơn do mực nước dâng cao và những trận bão với cường độ mạnh tàn phá nhà cửa và khách sạn.
Do biển bị ô nhiễm nên sản lượng cá đánh bắt đã gỉảm sút. Tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ hải sản lại gia tăng do nhân loại được khuyến khích ăn nhiều hải sản để có lợi cho sức khỏe, không như trước kia khi kiếm được tiền nhân loại có khuynh hướng ăn nhiều thịt. Ngoài ra lượng cá biển cũng cần thiết dùng làm thức cho các trại nuôi cá, nhất là cá hồi. Để giải quyết vấn đề này các khoa học gia đã chế biến thực phẩm chay cho cá từ thực vật . Các loại nông sản có nhiều amino acid, protein và carbohydrates được trộn vớí Omega-3fatty acids. Loại acid này rất cần thiết cho cá tăng trưởng.
Nhận định được đúng sự thay đổi khí hậu ở dưới độ sâu của đại dương và kế hoạch để thích nghi với sự thay đổi đưa ra bởi the United Nations Framework Convention on Climate Change (UNFCCC) có thể giúp cho việc nới rộng thêm công cuộc khảo cứu và quan sát để bảo vệ sự toàn vẹn và nhiệm vụ của hệ thống sinh thái dưới độ sâu của đại dương.
Sự thiệt hại tiềm tàng của đa dạng sinh học dưới độ sâu của đại dương có thể gây trở ngại cho khả năng thích ứng và làm giới hạn các loại sinh vật, nhân tử (gene), tế bào sinh học cần cho các thế hệ tương lai. Khả năng điều hòa của biển ở độ sâu giúp làm chậm đi biến đổi khí hậu trong khi tái biến chế các chất dinh dưỡng cho các hệ sinh thái , hỗ trợ cho việc cung cấp thực phẩm, trợ giúp cho những phúc lợi kinh tế và xã hội .
Hệ sinh thái cũng như đời sống của các sinh vật biển đã thay đổi do hoạt động của nhân loại. Vì tiềm tàng sâu dưới đại dương nên khó nhận thấy mà các cuộc khảo sát thì rất hạn chế và tốn kém. Vì thế rất nhiều các sinh vật dưới đại dương chưa được biết đến một cách rõ ràng . Phần lớn ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu đối với vùng dưới sâu đại dương sẽ chưa biết trừ khi chú tâm vào việc khảo cứu những tổn thương của hệ sinh thái .
Đại dương đã thực sự biến đổi do xả thải các chất ô nhiễm vào khí quyển cũng như đại dương . Với diện tích và thể tích rộng lớn lại còn có độ sâu nên việc khảo cứu để tìm hiểu gặp rất nhiều trở ngại và cực kỳ khó khăn. Những khảo sát do vệ tinh và robot đã cho thấy ở dưới đáy đại dương rất phức tạp .
Các nhà khoa học ước lượng rằng chỉ có khoảng 5% sinh vật ở dưới biển cũng như trên đất liền đã được xác định . Phần còn lại 95% thì chưa được biết đến , trong đó sẽ còn nhiều loài chẳng bao giờ có dịp khám phá ra. Hơn nữa trí óc cũng như sự hiểu biết của con người chỉ có giới hạn. Vì thế nhà bác học Einstein đã từng nói : “Chỉ có hai cái vô tận là vũ trụ và sự ngu dốt “.