Thầy Thái Công Tụng *
(Trần Văn Đạt, Ph.D.
Nguyên Chánh chuyên gia FAO, Rome (1982-2004)
Trích: Tập Kỷ Yếu Nông Lâm khoá 5
.....
Qua năm thứ hai và thứ ba, chúng tôi có lớp với Thầy Thái Công Tụng dạy về môn Thổ nhưỡng đại cương và phì nhiêu đất đai rất mới mẽ và xa lạ.
Thầy có bằng Kỷ Sư Nông Học và Cử nhân khoa học tại Toulouse - Pháp, Tiến sĩ Thổ nhưỡng học tại Sài Gòn (1965), Giáo sư Đại học Nông Lâm, Đại học Văn Khoa Sài Gòn, Đà Lạt.
Thầy bắt đầu dạy ở Trường CĐNLS từ năm 1962 đến 1975, đồng thời giữ chức vụ quan trọng trong Bộ Canh Nông như Giám Đốc Viện Khảo Cứu Nông Nghiệp (1962-1974) và Trưởng khối Kế hoạch và Kỹ thuật, Bộ Canh Nông năm 1974.
Hầu hết sinh viên Khóa 5 và các khóa sau này đều quý mến Thầy Tụng. Trong khi dạy học, thỉnh thoảng Thầy đọc vài câu thơ với nụ cười hiền hòa liên quan đến thổ nhưỡng để giúp sinh viên cười thay đổi bầu không khí, bớt nhàm chán với các từ chuyên môn đôi khi khó hiểu lúc ban đầu. Thầy càng linh hoạt và vui tươi hơn trong những hôm đi thực tập ngoài đồng ruộng vào ngày cuối tuần. Có lúc Thầy leo xuống hố sâu đào sẵn để giảng giải và chỉ dẫn chúng tôi về các tầng lớp trắc diện đất đai khác nhau từ mặt đất xuống đáy hố, những hôm đi xuống Long An, Long Định, Mỹ Tho để xem đất phèn chua có lớp “cat layer”…
Năm 1965, chúng tôi có dịp tham dự buổi trình Luận án Tiến Sỹ về Thổ nhưỡng của Thầy Tụng tại Giảng đường A của trường Đại Học Khoa Học trên đường Cộng Hòa (nay Nguyễn Văn Cừ) với Hội đồng Giám khảo là GS Phạm Hoàng Hộ, Cha Fontaine, GS Trần Kim Thạch và GS Phùng Trung Ngân.
Thầy trình bày 2 đề tài: 1er sujet: Etude pédologique de la moyenne vallée du Sông Ba (Cheo Reo, Phú Bổn) 2me sujet: Les principales formations végétales de la plaine de Phan Rang (Ninh Thuận)
Thầy nói thao thao thông suốt với giọng đầy tin tưởng và có tính chất thuyết phục, cũng như trình bày các hình ảnh, bản đồ chứng minh thành quả của các cuộc khảo sát của Thầy trên vùng đất Phú Bổn và Phan Rang làm chúng tôi hết sức thán phục. Sau đó vài tháng Thầy nhập ngũ khóa 24 Thủ Đức và được biệt phái về Bộ Canh Nông.
....
Đến khi ra trường năm 1967, tôi làm việc tại Sở Lúa Gạo thuộc Nha Canh Nông, nhưng có cơ sở chung với Viện Khảo Cứu Nông Nghiệp ở góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phan Thanh Giản (nay Điện Biên Phủ), nơi Thầy làm việc.
Các nhân viên của Viện thường kể cho tôi nghe về Ông Giám Đốc Viện “rất kỹ thuật, dễ chịu và hòa đồng với nhân viên thuộc cấp”. Có lần chúng tôi trực đêm dịp ngưng bắn năm 1973, Thầy cũng có mặt trong đêm ấy, kể cho chúng tôi nghe vài tâm sự của Thầy về những ngày nhập ngũ quân dịch và vài câu chuyện vui…
Tôi là một thành viên của Ủy Ban Hạt Giống Quốc Gia do Viện chủ trì, nên tham gia nhiều phiên họp với Thầy và đồng nghiệp liên hệ khi chuẩn bị phóng thích giống lúa Thần Nông 73-1 và 73-2. Thầy làm việc rất nghiêm túc, theo trình tự khoa học trong các buổi tham khảo để dẫn đến quyết định cho hai giống lúa mới có triển vọng cao thay thế giống lúa Thần Nông 5 và 8 đang gặp phải một số hạn chế khi được nông dân trồng đại trà, chẳng hạn chất lượng cơm không ngon (cứng cơm khi nguội), dễ bị nhiễm rầy nâu và sâu đục thân.
Sau năm 1975, khi làm việc với cơ quan FAO tại Burkina Faso và Rome, Italy trong dịp đi công tác ở Châu Phi, tôi lại gặp Thầy đang làm việc ở lục địa đó đôi ba lần. Năm 1982, tôi cùng một chuyên gia thủy lợi Pháp Marcel Juton đi công tác gặp Thầy ở thủ đô Kigali, xứ Rwanda đang làm cố vấn cho một dự án Canada tại vùng Mutura, cách Thủ Đô Kigali độ vài trăm cây số về phía Bắc. Tôi đến ở trọ nhà Thầy một đêm, lúc đó Cô đã trở lại Canada nên Thầy sống một mình trong gian nhà rộng lớn. Đêm đó, Thầy trò tâm sự khá nhiều và sáng hôm sau đi tham quan ruộng lúa và nói chuyện với nông dân. Sau đó, tôi lại có dịp gặp Thầy và gia đình đang đi nghỉ hè ở Âu Châu và ghé qua thành phố Rome năm 1985. Trong một chuyến đi công tác khác tại xứ Mali, tôi lại gặp Thầy trong một bữa tiệc của người đồng hương tổ chức tại nhà hàng sang trọng của bà Paquet và cô Yến ở Thủ đô Bamako; hôm đó chúng tôi lại có dịp tâm sự về quê hương, nghề nghiệp và cuộc đời lưu vong.
Một dịp khác, tôi không còn nhớ rõ, nhưng trong trí còn nhớ về cuộc viếng thăm Thầy tại nơi làm việc ở thành phố Ségou, phía Nam của Thủ đô Bamako nhân chuyến công tác của tôi tại “Office du Niger” thuộc tỉnh này. Dù đã lớn tuổi, Thầy vẫn còn lặn lội làm việc nhiều nơi, ngoài Phi Châu, còn làm cố vấn cho các dự án Canada ở vùng Caraibes (Haiti) và Nam Á (Nepal). Thầy đã sáng tác nhiều tài liệu quý báu được phổ biến sâu rộng và là tác giả sách giáo khoa Thỗ Nhưỡng học.
Nay đã nghỉ hưu và dừng chân ở thành phố Quebec, Montreal, Canada, Thầy vẫn còn hoạt động thường xuyên với một số hội đoàn văn hóa xã hội, Hội Phật giáo địa phương và rất năng động viết bài chuyên ngành về nông nghiệp và môi trường cho các trang mạng, tạp chí (Định hướng, Đi tới, Truyển thông, Tiếng sông Hương, Đồng Nai Cửu Long, Vietnamology…) được nhiều đọc giả đánh giá cao. Với tuổi đời gần 90, Thầy Tụng vẫn còn sức khỏe tốt, mỗi ngày đi bộ trong vườn Botanical garden gần nơi cư trú để thư giãn và tiếp cận bầu không khí thiên nhiên. Cả đời Thầy đã tận tụy, yêu nghề, hy sinh góp phần đào tạo chuyên viên, nghiên cứu phát triển nông nghiệp, và cổ động bảo vệ môi trường không những trong nước mà còn trên thế giới.
Xin chúc Thầy và Cô được trường thọ, sống mạnh khỏe và hạnh phúc với gia đình!
Trần Văn Đạt, Ph.D.
Nguyên Chánh chuyên gia FAO, Rome
(1982-2004)
* bài do Thầy Châu Kim Lang St
|