11/10/2015
Sông ngòi miền Trung
(bài nói chuyện tại SAIM ngày 15/5/2015)
GS Thái Công Tụng
|
Following introduction in section 1, section 2 lists and describes rivers in Central VietNam from Thanh Hoá to Bình Thuân provinces. Some rivers have large watersheds since they take sources from Laos; some others have quite small watersheds with mountains nearby. Some rivers witnessed the partition of the country like Sông Gianh and Sông Bến Hải: Sông Gianh in Quang Binh province was the border between northern and southern regions following the Trinh-Nguyễn wars of the 17th centurỵ Sông Bến Hải, located along the 17th parallel, used to be the border between North and South Vietnam from 1954 to 1975. Various folk literature which includes folk songs, rhymes, incantations, proverbs expressing the lifestyle of rural people , fishermen along rivers with all their hopes, dreams are included.
Section 3 discussed role of forested watersheds in river development. Deforestation, severe overgrazing and drought has led to floods, widespread soil erosion and reduced water retention in aquifers. There is an urgent need to reforest uphills watersheds to recharge aquifers, helping life quality and water flows for crop irrigation in the plains.
Section 4 discusses the use of rivers in Central VietNam. They serve as source of irrigation, of transport of commodities through boats from the foothills to the sea. Reservoirs uphills help water storage for irrigation and hydroelectricity stations. Rivers and streams provide important ecological functions and services.
Section 5 discusses main issues of rivers in Central VietNam: flood, drought, salinity intrusion, degraded coastline, sand excavation.. .
In conclusions in sector 6, the author stresses the importance of balancing between users of water and natural resources in the context of rapid urbanization and the need of off-the-land activities to relieve land pressure and birth regulation to regulate population explosion.
1. Tổng quan
Miền Trung gồm những đồng bằng từ Thanh Hoá vào đến Bình Thuận, có nhiều dòng sông chảy qua. Các dòng sông miền Trung cũng rất đa dạng:
. khi ngắn vì phát xuất từ sườn Đông dãy Trường Sơn không xa bờ biển (các sông ở Huế, Phan Rang, Nha Trang ..)
. khi dài vì phát nguyên từ đất Ai Lao chảy ra Biển Đông như Sông Mã, Sông Chu ở Thanh Hoá
. lại có vài con sông như sông Sê Păng Hiêng, Sê Pôn.. ở Quảng Trị bắt nguồn từ Việt Nam chảy qua Ai Lao.
Cũng cùng một dòng sông nhưng có thể có nhiều tên khác nhau, tùy theo khúc sông.
Ví dụ:
-sông Ba chảy qua An Khê, Cheo Reo xuống Tuy Hòa. Đoạn sông từ đập Đồng Cam xuống biển có tên là sông Đà Rằng
-sông Cả ở Nghệ An thì đoạn hạ lưu gọi là sông Lam
-sông Thu Bồn ở Quảng Nam có tên như vậy ở đoạn từ mỏ than Nông Sơn chảy về biển, còn đoạn thượng lưu có tên là sông Vu Gia
-ngược lại, cả ba sông chảy qua Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết đều cùng tên là Sông Cái !
Nhiều dòng sông có tính cách lịch sử như sông Gianh, sông Bến Hải vì chứng kiến sự phân chia đất nước. Sông ngòi có khi hiền hoà trôi, đem phù sa về đồng bằng, tạo nên xóm làng trù phú yên vui nhưng có lúc giận dữ với nước lụt trôi về với dòng chảy mạnh cuốn trôi ra biển người và tài sản.Nhiều dòng sông có lưu vực hẹp và giãy núi gần biển như tại Bình Trị Thiên nên vào m ùa mưa lũ, lưu lượng các dòng sông này rất lớn và gây ra nạn lụt.
Trong những năm gần đây, vùng duyên hải miền Trung vốn đã nghèo như trong ca từ
Quê em nghèo lắm ai ơi
Mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu ăn
lại chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rất rõ rệt, biểu hiện qua tần suất xuất hiện của thiên tai ngày càng tăng . Bài hát Về Miền Trung của nhạc sĩ Phạm Duy :
Về miền Trung ! Miền thùy dương bóng dừa ngàn thông
Thuyền ngược suôi suốt một dòng sông dài
Ôi quê hương xứ dân gầy
Ôi bông lúa, con sông xưa, thành phố cũ
ghi nhận vài sắc thái miền Trung với rừng dừa như ở Bồng Sơn, Tam Quan (Bình Định), rừng thông, những con thuyền với giọng hò, tiếng hát trên những dòng sông. Nhiều dòng sông có lưu vực hẹp và giãy núi gần biển như tại Bình Trị Thiên nên vào mùa mưa lũ, lưu lượng các dòng sông này rất lớn và gây ra nạn lụt.Mà mùa mưa lũ ở Bình Trị Thiên thì rất trễ, không như trong Nam hay ngoài Bắc mưa đầu hè như trong bài hát: Em đứng lên gọi mưa vào hạ hoặc như trong thơ Nguyên Sa:
Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong toả đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận
Binh Trị Thiên những tháng 5, tháng 6 lại là những tháng nóng khô nhất trong năm
2. Những dòng sông chính
2.1 Đồng bằng Thanh Hoá
Nhiều dòng sông chính ở đồng bằng này có duyên nợ với đất Lào vì sông Mã bắt nguồn từ tỉnh Lai Châu, xuôi về tỉnh Sơn La nhưng sau đó chảy sang Sầm Nưa đất Lào trên một đoạn đường dài hơn 50 km, trở lại vào đất Thanh Hoá, hội lưu với sông Chu rồi ra biển ở cửa Lạch Trào.
Sông Mã dài 512km, và có một lưu vực rộng 28 400km2. Một phần của trung lưu nàm trên đất Lào .Phía thượng lưu sông Mã có nhiều thác lón nhỏ cũng như những vực là những vũng nước sâu trong lòng sông. Sông Mã chảy qua nhiều khu vực có nhiều chế độ mưa khác nhau nên sự phân phối dòng chảy trong năm cũng khá phức tạp : nhiều thác, nhiều vực, và còn có đặc điểm là thường đổi dòng, đổi lạch, nhất là các đoạn phía trên có bãi cát ngầm thường di chuyển vị trí do sự thay đổi của dòng chảỵ. Nhờ Sông Mã nên sự trao đổi hàng hoá giữa miền xuôi và miền ngược rất dễ dàng và phương tiện chính là đò . Nhà thơ Quang Dũng có nhắc đến Sông Mã trong bài thơ Tây Tiến:
Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sông Chu, dài khoảng 300km, bắt nguồn từ đất Sầm Nưa trên Lào, chảy vào địa phận tỉnh Thanh Hoá ở huyện Thường Xuân và đổ vào sông Mã ở phía bắc thành phố.
Sông Mã cũng dễ lụt như sông Hồng nên cũng có hệ thống đê điều nhằm hạn chế lũ lụt
Đồng bằng này lại có đập Bái Thượng nên nước trong các kênh mương được dẫn vào ruộng lúa. Ngoài hai sông chính là Sông Mã và sông Chu, còn có những sông nhỏ khác như sông Yên chảy qua các huyện Nông Cống, Quảng Xương và Tĩnh Gia rồi đổ ra cửa Lạch Ghép.
Đồng bằng Thanh Hoá là đồng bằng lớn thứ ba sau đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng . Bãi tắm biển ở Thanh Hoá là bãi biển Sầm Sơn
2.2 Đồng bằng Nghệ An
- sông Cả dài 600km, bắt nguồn từ cao nguyên XiêngKhouang trên Lào, chảy theo hướng TB - ĐN qua nhiều huyện của Nghệ An, đoạn hạ lưu có tên sông Lam. chảy theo hướng TB- ĐN trong các huyện Đức Thọ, Can Lộc và Thạch Hà và đổ ra Biển Đông ở Cửa Sót chỉ cách thị xã Hà Tĩnh khoảng 10km phía Bắc. Diện tích lưu vực khoảng 27 200 km2, một phần lưu vực nằm trên đất Lào, chiếm khoảng 35% diện tích.
Sau khi sông Cả chạy qua Con Cuông, thì tiếp nhận nước từ bờ trái là sông Hiếu. Sông này bắt nguồn từ dãy núi Phu Hoat. Đập Đô Lương trên Sông Cả tưới được nhiều ruộng ở các vùng Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu .Từ Đô Lương trở đi, sông Cả đi vào đồng bằng, lòng sông nhiều uốn khúc. Cách cửa sông 30 km, gần Bến Thủy, sông Cả lại nhận thêm nước từ hai sông là Ngàn Sâu và Ngàn Phố. Lưu vực sông Cả có diện tích 27 224 km2, trong đó 9 470 km2 thuộc vùng núi Ai Lao (Xieng Khoang và Sầm Nứa)
Đồng bằng Nghệ An có bãi biển Cửa Lò, dài 12km, cách thành phố Vinh 16 km về phía Đông Bắc. Cửa Lò là nơi hai con sông đổ ra biển: sông Cấm ở phía Bắc và sông Lam phía Nam
2.3 Đồng bằng Hà Tĩnh có giãy núi Trường Sơn chạy gần biển, đặc biệt có rặng núi Hồng Lĩnh (tên khác: Ngàn Hống) với 99 ngọn núi hình răng cưa sừng sững chọc trời, nhưng cũng có vài thung lủng rộng ở phiá trong như tại huyện Hương Khê giáp Lào. Câu ca dao:
Bao giờ Ngàn Hống hết cây
Sông Lam hết nước họ này hết quan
để nói về dòng họ gia đình khoa bảng cụ Nguyễn Du.
Các dòng sông ở đây thì nhiều nhưng ngắn. Có hai dòng sông quan trọng :
- Ngàn Sâu dài 131 km, chảy qua thung lũng Hương Khê, chảy theo hướng N- B
-Ngàn Phố dài 86 km là sông bắt nguồn từ vùng biên giới Việt Lào thuộc huyện Hương Sơn. Trên thượng nguồn sông này có đập chắn ngang tạo ra hồ nhân tạo, hồ Kẻ Gỗ.
Hai sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố gặp nhau ở Linh Cảm rồi chảy vào Sông Lam để ra biển ở Cửa Hội. Tại đồng bằng này, các suối ở phía thượng nguồn có phương ngữ là ‘rào’ như ca dao sau đây :
Đến đây lạ bến lạ rào,
Hởi con chim hồng nhạn, ở phương nào tới đây
Kẻo mai, nhớ núi chim bay
Ai nhớ chim muốn hỏi, biết thư bày ra sao ?
Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tỉnh có cùng phương ngữ gọi chung là tiếng Nghệ, có chung câu hò, tiếng hát và cùng uống chung dòng nước sông Lam, có chung biểu tượng là núi Hồng-sông Lam:
Núi Hồng ai đắp mà cao
Sông Lam ai bới ai đào mà sâu
Sau khi qua đồng bằng Hà Tỉnh để xuôi Nam, ta sẽ gặp Đèo Ngang, được bất hủ hoá qua bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan để gặp vùng đất Quảng Bình
2.4 Đồng bằng Quảng Bình
-Sông Gianh, có tên khác là Rào Nậy, Linh Giang dài 155 km, bắt nguồn từ rặng núi đá vôi Giăng Màn (có hình thù kéo dài liên tục nên có tên Giăng Màn) ở biên giới Việt Lào, chảy theo hướng TB - ĐN qua các huyện Tuyên Hoá, Quảng Trạch rồi đổ ra biển ở cửa cùng tên.
Trong lịch sử, sông Gianh là ranh giới thời Trịnh-Nguyễn phân tranh giữa Đàng Trong (chúa Nguyễn) và Đàng Ngoài (chúa Trịnh) .
-Sông Nhật Lệ, còn có tên khác là Đại Giang chảy trong huyện Bố Trạch và Quảng Ninh rồi đổ ra cửa cùng tên ở cách Đồng Hới khoảng 3 km về phía ĐB.
Tiếng hát ngư ông giữa dòng Nhật Lệ
Tiếng kêu đàn nhạn trên áng Hoành Sơn
Khúc thượng nguồn của sông Nhật Lệ, trong huyện Bố Trạch có tên là sông Sa Lung. Có phụ lưu lớn bên phía phải (hữu ngạn) là sông Trạm ( Kiến Giang). Bền bờ sông Nhật Lệ có di tích lũy Thầy, do Đào Duy Từ xây dựng năm 1631 để chống cự với quân chúa Trịnh
2.5 Đồng bằng Quảng Trị
-Sông Bến Hải chỉ dài khoảng 60 km, chảy ra Biển Đông ở Cửa Tùng, có cầu Hiền Lương là nơi phân chia hai miền Nam Bắc, nằm ở vĩ tuyến 17, theo hiệp định Geneve 1954
-Sông Thạch Hãn bắt đầu từ sườn Đông dãy Truờng Sơn chảy về biển qua các địa danh Cà Lu, Ba Lòng, thành phố Quảng Trị rồi hợp với sông Cam Lộ. Sông này chảy qua vùng đất huyện Cam Lộ, chảy qua thị xã Đông Hà, đổ vào sông Thạch Hãn, rồi ra biển ở Cửa Việt.
Cách thị xã Quảng Trị 4 km phía Bắc có địa danh Ái Tử được nhắc nhở qua ca dao :
Mẹ thương con, qua cầu Ái Tử
Vợ trông chồng đứng núi Vọng Phu
Một mai bóng xế trăng lu
Con ve kêu mùa Hạ, biết mấy Thu cho gặp chàng
2.6. Đồng bằng Thừa Thiên
Từ ngoài vào, phải kể:
-Sông Ô Lâu ở địa phận huyện Quảng Điền .
-Sông Bồ là phụ lưu bên trái của sông Hương, bắt nguồn từ vùng núi A Lưới, chảy theo hướng TB - ĐN rồi đổ vào sông Hương ở huyện Phú Vang.
-Sông Hương bắt đầu từ vùng núi huyện Nam Đông, chảy qua huyện Hương Thủy và thành phố Huế, rồi đổ ra phía Nam phá Tam Giang. Do hai nhánh Tả trạch và Hữu trạch hợp lại ở Ngã Ba Tuần trước khi vào đồng bằng .
Cả ba con sông trên đều chảy vào phá Tam Giang là một phá rất dài vì chiều dài là 30 km và rộng từ 1 đến 6 km. Ở phía Nam, phá ăn thông với các đầm: Thanh Lam, Hà Trung, Thủy Tú, Cầu Hai và trước trận lụt lịch sử 1999, có hai cửa ăn thông ra Biển Đông là Thuận An và Tư Hiền.
Trong bài Hội Trùng Dương, nhạc sĩ Phạm Đình Chương có nhắc đến Sông Hương:
Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương giang, đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than . Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ, bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu Hỡi hò, hỡi hò Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn. Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi, khiến đau thương thấm tràn, ngập Thuận An để lan biển khơi, ơi hò ơi hò
- Hai con sông Nong và Truồi phát xuất từ núi Truồi và đổ vào đầm Cầu Hai.
Đầm Cầu Hai, toả rộng dưới chân núi Bạch Mã (1444m) ngắn và rộng, thông thương với đầm (‘phá’) Tam Giang và đổ ra biển ở cửa Tư Hiền. Nhìn vào bản đồ, phá Tam Giang tương tự như một dòng sông, còn đầm Cầu Hai giống như một cái hồ lớn. Các đầm phá Cầu Hai, Tam Giang này, qua các trận lũ lụt cuối năm 1999, đã có thêm nhiều cửa biển nữa. Riêng phá Tam Giang-Cầu Hai này đã chiếm 1/3 diện tích toàn tỉnh Thừa Thiên và 30% dân số Thừa Thiên sống quanh vùng phá-đầm này. Phá Tam Giang đã trở thành bất hủ với câu ca dao:
Nhớ em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
Dòng sông ở Huế với nhiều điệu hò như mái nhì , mái đẩy, dô hậy, đẩy thuyền vốn là những thể hò dân gian trên sông nước,
Tiếng hò của mối tình ngang trái:
Nước chảy xuôi, con cá buôi lội ngược
Nước chảy ngược, con cá vượt lội ngang
Thuyền em xuống bến Thuận An
Thuyền anh lại trẩy lên ngàn anh ơi!
Câu hò chân thật:
Thiên sanh nhân, hà nhân vô lộc
Địa sanh thảo, hà thảo vô căn
Một mình em ngồi dựa lòng thuyền, dưới nước trên trăng
Biết cùng ai trao duyên gửi phận, cho được bằng thế gian
2.7. Đồng bằng Quảng Nam
-Sông Hàn (tên khác : sông Cẩm Lệ, sông Hà Thân ..tùy theo từng khúc khi chảy qua các địa phương khác nhau) chảy qua thành phố Đà Nẳng rồi đổ ra Vủng Hàn.
-Đứng bên đất Hàn,
Ngó qua Hà Thanh, xanh như tàu lá
Đứng bên Hà Thanh
Ngó qua bên Hàn, phố xá nghênh ngang
-Em đứng nơi cửa sông Hàn
Ngó sang bãi biển Tiên Sa
Ngũ Hành Sơn ở trên
Mủi Sơn Trà ngoài khơi
Nghe chuông chùa Non Nưóc
Em nhớ mấy lời thề ước
Anh làm sao cho duyên nợ đuợc vuông tròn
Kèo lòng người xứ Quảng mỏi mòn đợi trông
.-Sông Thu Bồn dài 205 km và lưu vực rộng 10 496 km2. Sông Thu Bồn còn có một phụ lưu khác, gọi là sông Cái (tên khác: sông Chợ Củi), cũng bắt nguồn vùng biên giới Việt-Lào, nối với sông Thu Bồn ở huyện Đại Lộc. Sông Cái lại có một phụ lưu bên phải ở khúc thượng nguồn tên là Sông Bung, chảy theo hướng TN- ĐB trong huyện Giằng
Sông Thu nước chảy đôi dòng,
Đèn khêu hai ngọn anh trông ngọn nào ?
Muốn tắm mát lên ngọn sông đào,
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh
Một phụ lưu lớn phía phải sông Thu Bồn có tên là sông Tranh, bắt nguồn từ miền núi huyện Trà Mi, chảy từ Nam lên phía Bắc qua các huyện Hiệp Đức, vùng mỏ than An Hoà Nông Sơn.
Sông Thu Bồn chảy qua Hội An để đổ ra Cửa Đại (Đại Chiêm). Hội An trước kia nằm sát biển, nay đã lùi sâu vào trong đất liền. Hiện tại trên hệ thống sông Thu Bồn, nhiều nhà máy thủy điện công suất lớn như Sông Tranh 1 và 2, Sông A Vương, Sông Bung... đang được xây dựng góp phần cung cấp điện cho nhu cầu ngày càng tăng của cả nước.
- Sông Vu Gia: dài 52 km, chạy trên địa bàn huyện Nam Giang và huyện Đại Lộc.
Đây là tuyến sông có vai trò quan trọng trong vận tải hàng hoá và hành khách đường sông của tỉnh Quảng Nam
Thượng nguồn của hệ thống sông Vu Gia Thu Bồn có nhiều tiềm năng thủy điện nên có nhiều hồ chứa và đập thủy điện đã được xây dựng
- Sông Vĩnh Điện: dài 12 km, nối giữa sông Thu Bồn và sông Hàn tạo thành tuyến vận tải giữa thị xã Hội An, Vĩnh Điện và Đà Nẵng.
-Sông Tam Kỳ với diện tích lưu vực 800 km2 là sông lớn thứ hai. Thị xã Tam Kỳ là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam ngày nay .
Nối sông Tam Kỳ với sông Thu Bồn là một sông nhỏ ( ‘Trường giang’), chảy song song với bờ biển và đây là tàn tích của một phá nưóc mặn xưa kia càng ngày bị bồi lấp, nằm dọc bờ biển tỉnh Quảng Nam.
2.8. Đồng bằng Quảng Ngãi
-Sông Trà Bồng dài khoảng 45 km, chảy trong huyện cùng tên, qua thị trấn Châu Ổ, huyện lị huyện Bình Sơn rồi đổ ra cửa Sa Kì ở vũng Dung Quất:
Đi ngang lên mũi Sa Kỳ
Ngó ra lao Ré, xiết chi nỗi sầu
Lao Ré trong ca dao là Cù Lao Ré, còn gọi là đảo Lý Sơn ỏ ven bờ biển Quảng Ngãi
-Sông Trà Khúc ( còn có tên khác là sông Thạch Nham) dài 120 km, phát nguyên vùng núi phía TN tỉnh Quảng Ngãi và Cao Nguyên, chảy theo hướng TN - ĐB qua thị xã Quảng Ngãi và đổ ra biển ở cửa Cổ Lủy. Trên sông này có đập thủy nông Thạch Nham xây vào thời đệ nhất Cọng Hoà năm 1959
Ai về Thiên Ấn sông Trà
Có thương thì hãy ghé nhà thăm em
-Sông Vệ , dài khoảng 90km, bắt nguồn từ vùng núi huyện Ba Tơ, chảy theo hướng TN- ĐB qua các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức trong tỉnh Quảng Ngãi, rồi đổ ra cửa Cổ Lủy ở phía Đ thị xã Quảng Ngãi.
Bánh xe lấy nước trên sông Trà Khúc:
Dọc bờ sông Trà Khúc cũng như trên vài dòng sông khác ở Bình Định, ta thường gặp các bờ xe dùng để đưa nước từ sông lên bờ để đưa nước vào ruộng . Nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói đến các bờ xe này trong bài Tình Nhớ:
Người ngỡ đã xa xưa, nhưng người bỗng lại về
Tình ngỡ sóng xa đưa, nhưng còn quá bao la
Ôi trái tim phiền muộn đã vui lại một giờ,
Như bờ xa nước cạn đã chìm vào cơn mưa.
2.9. Đồng bằng Bình Định
Các sông ngòi không lớn; ở thượng lưu có nhiều dãy núi bám sát bờ sông nên độ dốc rất lớn, lũ lên xuống rất nhanh, thời gian truyền lũ ngắn. Ở đoạn đồng bằng, lòng sông rộng và nông có nhiều luồng lạch, mùa kiệt nguồn nước rất nghèo nàn; nhưng khi lũ lớn nước tràn ngập mênh mông vùng hạ lưu gây ngập úng dài ngày vì các cửa sông nhỏ và các công trình che chắn nên thoát lũ kém. Từ ngoài vào, phải kể :
- Sông An Lão bắt nguồn từ vùng núi huyện Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi
Nước Ba Tơ chảy vô Bình Định
Nhắn bạn chung tình tránh nịnh, chớ theo
và chảy từ Bắc xuống Nam qua các huyện An Lão, Hoài Ân tỉnh Bình Định và hợp với sông Lại (Lại Giang) ở gần thị trấn huyện lị huyện Hoài Nhơn trước khi đổ ra biển. Vùng Bồng Sơn Tam Quan ở huyện Hoài Nhơn có rất nhiều rặng dừa ven bờ biển:
-Tam Quan đất tốt trồng dừa
Nam thanh nữ tú cho vừa ý anh
-Ai về Bình Định cùng anh
Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa
-Dừa xanh trên bến Tam Quan
Dừa bao nhiêu trái thương chàng bấy nhiêu
-Sông Côn dài hơn sông An Lão, phát nguyên từ khối núi Ngọc Rô ở huyện Kon Plong tỉnh Kontum, đoạn trung lưu, chảy vào huyện Tây Sơn có tên sông Hà Giao, đoạn hạ lưu chia ra nhiều chi lưu, đổ ra vịnh Quy Nhơn. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác có viết truyện dài nhan đề Sông Côn mùa lũ
Nước Lại Giang mênh mang mùa nắng
Dòng sông Côn lai láng mùa mưa
Đã cam tháng đợi năm chờ
Duyên em đục chịu, trông nhờ quản bao
2.10. Đồng bằng Tuy Hoà do Sông Ba bồi đắp. Đây là một con sông lớn và dài gần 400km, bắt nguồn từ cao nguyên Kontum, chảy qua các tỉnh Pleiku và Phú Yên rồi ra biển ỏ Tuy Hoà . Đoạn hạ lưu, từ chỗ hợp lưu với sông Hinh ỏ Củng Sơn, chảy ra biển, gọi là sông Đà Rằng, có đập Đồng Cam . Lưu vực rất rộng ( 13800km2); với một lưu vực rộng lớn như thế cọng thêm hệ thống dẫn nước của đập Đồng Cam tưới các cánh đồng phù sa phì nhiêu, tạo một nền nông nghiệp phát đạt.:
Tiếng đồn Bình Định tốt nhà
Phú Yên tốt ruộng, Khánh Hoà tốt trâu
Bên phải sông Ba có một nhánh gọi là sông Hinh hợp với sông Ba ở Củng Sơn, huyện lỵ của huyện Sơn Hoà. Trên sông có trạm thủy điện Sông Hinh, công suất 66 MW
Trong đồng bằng Phú Yên cũng có một đầm lớn rộng 1500ha, có sò huyết, tục gọi đầm Ô Loan.
2.11. Đồng bằng Khánh Hoà.
Sông ngòi ở Khánh Hòa nhìn chung ngắn và dốc, cả tỉnh có khoảng 40 con sông dài từ 10 km trở lên, tạo thành một mạng lưới sông phân bố khá dày. Hầu hết các con sông đều bắt nguồn tại vùng núi phía Tây trong tỉnh và chảy xuống biển phía Đông.
Sông Dinh bắt nguồn từ vùng núi Chư H'Mư (đỉnh cao 2.051 m) thuộc dãy Vọng Phu, có tổng diện tích lưu vực 985 km2, chảy qua Ninh Hoà, với các đặc sản có tên trong ca dao:
-Thơm Vạn Giã thơm đà quá ngọt
Mía Phú Ân cái đọt cũng ngon
Hỡi người chưa vợ chưa con
Vào đây chung gánh nước non với mình
Quản bao lên thác xuống ghềnh
Mía ngon, thơm ngọt đượm tình quê hương
Sông Cái chảy qua thành phố Nha Trang :
-Anh muốn tìm nguồn nước trong
Nên đi ngược dòng sông Cái
Hay vì bị bùa ngải
Nên anh phải bỏ bãi, lên nguồn?
Thuyền anh dù thuận gió đi luôn
Đến đầu Thác Ngựa cũng phải cuốn buồm trở lui
(Thác Ngựa là một trong các thác nguy hiểm ở thượng nguồn sông Nha Trang)
-Phải chi Sông Cái có cầu
Thiếp qua, thiếp giải cơn sầu chàng nghe
Ai làm chén nọ xa ve
Mùa xuân thiếp đợi, mùa hè chàng trong
Biết là có đặng hay không
Đó chờ, đây đợi uổng công hai đàng
2.12. Đồng bằng Ninh Thuận. Vùng này có tiếng nắng thừa mưa thiếu, khô hạn . Sông Phan Rang, còn gọi sông Cái (sông Dinh) có đập Nha Trinh , ngày nay nhờ nước xả của đập thủy điện Danhim trên Dalat, nên lượng nước sử dụng cho sự tưới ruộng được nhiều hơn. Phía Đông Bắc thị xã Phan Rang, có đầm Nại rộng 700 ha . Ngoài ra có một số sông suối nhỏ khác (sông Trâu, s ông Bà Râu ..) . Vì Ninh Thuận bị bao che bởi 2 rặng núi phía Nam và phía Bắc nên bị gió cản do đó rất khô hạn. Với khô hạn, sự bốc hơi nước mạnh nên do sự mao dẫn, các mầu bọt trắng đục đùn lên mặt đất. Đó là đất cà giang, nhiều cacbonat natri.. Ngoài ra, phía Nam đồng bằng này, có công ty muối Cà Ná sản xuất muối . Nhưng vì bơm nước biển quá nhiều để sản xất muối nên nhiều vùng xung quanh bị nhiễm mặn với giếng nước, vườn cây, hoa màu đều chết
|
Nhiều vườn mãng cầu gần trạm bơm nước biển bị chết do đất bị nhiễm mặn
|
2.13. Đồng bằng Bình Thuận. Từ mũi Dinh đến Phan Thiết, giãy núi Trường Sơn ở xa bờ biển hơn, do đó các đồng bằng rộng hơn nhưng lại khô hạn: vũ lượng hàng năm nhỏ hơn 600mm và số ngày mưa ít hơn 80. Nếu kể bắt đầu từ ngoài vào, ta có sông Lòng Sông, chảy qua huyện Tuy Phong, rồi đến sông Lủy, đổ ra cửa Phan Rí. Sông Lũy có một nhánh bên trái có tên sông Mao.
Sông Cái, còn có tên sông Mường Mán chảy qua Phan Thiết
3. Lưu vực và ảnh hưởng rừng trên lưu vực
Lưu vực sông là vùng lãnh thổ mà sông nhận được nưóc nuôi dưỡng. Các dòng sông miền Trung có lưu vực nhỏ, chỉ trừ sông Mã, sông Cả , sông Thu Bồn và sông Ba . Trong thủy lợi, diện tích lưu vực sông được tính từ nguồn đến vị trí công trình tính toán.
Rừng có ảnh hưởng đến các yếu tố thủy văn trong lưu vực: rừng hạn chế dòng chảy mặt, chuyển nước mặt thành nước ngầm, nhờ vậy có tác dụng điều tiết nguồn nước sông suối Rừng bảo vệ đất trên các triền lưu vực, giúp chống xói mòn. Những lưu vực có rừng che phủ thì độ ẩm không khí tăng cao, làm tăng lượng nước rơi địa hình. Chính nhờ các khả năng điều tiết to lớn như vậy của rừng nên sự phá rừng bừa bãi trên lưu vực đã dẫn đến những kết qủa tai hại như lũ lụt xảy ra, hạn hạn tiếp diễn, xói mòn triền dốc, đem theo cả sỏi đá lẫn cát bùn làm nhiều hồ chứa nước dễ bị bít và cạn, phải nạo vét định kỳ.
4. Công dụng của các dòng sông
Trong các tài nguyên thiên nhiên, sông ngòi là một tài nguyên vô giá vì đảm nhận nhiều chức năng, cung cấp cho con người những dịch vụ tối cần cho cuộc sống.
Sông ngòi giữ nhiều chức năng quan trọng như:
.cung cấp nước sinh hoạt
.nước dùng trong các kỹ nghệ: mía đường, xi măng, giấy
.đem từng lớp lớp phù sa về giúp cho nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi
.nuôi thủy sản (cá, tôm..) ở mọi môi trường: thủy sản nước ngọt, thủy sản nước lợ và nước mặn
. vận tải ghe thuyền chuyên chở phẩm vật từ miền xuôi lên miền ngược và đem sản phẩm miền núi xuống đồng bằng:
Ai về nhắn với họ nguồn
Mít non chở xuống, cá chuồn chở lên
. hồ chứa nước tại các vùng cao vừa sản xuất điện năng, vừa công dụng tưới nước và điều hoà dòng chảy
5. Các vấn nạn những dòng sông
Dòng sông vốn là một tài nguyên qúy giá nhưng gặp các vấn nạn sau đây :
5.1 Lũ lụt .Vì các dòng sông miền Trung không dài, độ dốc núi non rất lớn, đồi núi trọc, không cây che phủ nên nước mưa, vốn tập trung vào vài tháng trong năm, dễ gây ra lụt, nhất là từ Thanh Hoá đến Quảng Nam. Rừng bị phá hại đã làm các qúa trình địa mạo tiêu cực như xói mòn, rửa trôi, trượt lở đất xảy ra nhanh chóng .
5.2 Hạn hán. Cũng vì phá rừng nên lượng mưa chảy tràn trên mặt (runoff) nhiều hơn lượng nước mưa thấm vào đất. Gặp mùa nắng kéo dài hoặc khi mùa mưa kết thúc sớm, lưu lượng trên sông giảm dần nên nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt.
5.3 Mặn hoá Do bùng nổ dân số, sinh đẻ búa xua không kiểm soát, các đồng bằng miền Trung có diện tích đất trồng trọt được càng ngày càng nhỏ nên phải tận dụng thâm canh vào mùa khô, do đó phải bơm nước tưới ruộng, làm nước nhiễm mặn càng xâm nhập sâu. Do bơm nước, mực nước hạ thấp, cường độ thấm nước từ các sông tăng lên, làm nước mặn ngoài biển lấn vào.Vào cuối mùa nắng, khi dòng chảy của sông ngòi nhỏ nhất thì độ mặn lên xa trên mọi dòng sông miền Trung, gây khó khăn cho dân chúng về nước uống cũng như về tưới hoa màu. Cũng có chỗ hệ thống đê ngăn mặn bị vỡ khiến nhiều ruộng bị mặn, không trồng trọt được.
5.4 Sạt lở bờ sông . Sự khai thác bừa bãi càng ngày càng nhiều các tài nguyên như cát, sỏi, vật liệu xây dựng trên các dòng sông để xây cất trong quá trình đô thị hoá cũng như xây kè lấn ra bờ sông làm thay đổi dòng chảy hiện có, thay đổi cấu trúc/kết cấu/ địa mạo dòng sông, gây nhiều vực sâu, đưa đến tình trạng sạt lở về lâu dài, như tình trạng các dòng sông như Thu Bồn, Trà Khúc v.v. khiến nhiều gia đình sống mấp mé bên các triền sông phải di dời hàng năm.
5.5 Bùn cát lơ lửng : nếu nhiều trong dòng nước thì các hồ chứa bị bồi đầy nhanh chóng. Sự phá rừng trên thượng nguồn làm bào mòn lưu vực và do đó, lượng phù sa lắng đọng sẽ tăng cao lòng sông và làm giảm sự thoát lũ.
5.6 Thủy triều và sóng lớn . Các rừng ngập mặn bị phá để làm đìa nuôi tôm, nên các làng duyên hải càng bị gió ngoài khơi thổi mạnh, không có hàng rào thực vật thiên nhiên chống đỡ, nên triều cường và sóng lớn lấn sâu vào đất liền; nhiều đìa nuôi tôm, nhièu ao nuôi cá cuốn trôi ra biển. Triều cường làm nhiều vùng thấp bị ngập hư hại và làm các đê bao, đê ngăn mặn bị phá hủy . Khi thủy triều vào trong sông, độ mặn lan truyền, khuyếch tán. Dưới tác dụng của dòng triều, nước biển xâm nhập vào sông, đi về hướng thượng nguồn. Chiều dài xâm nhập phụ thuộc vào cường độ của dòng triều và lượng nước trên thượng lưu đổ về.
5.7 Ô nhiễm nước . Nếu xưa kia, nước quan trọng thì ngày nay, nước lại càng quan trọng hơn. Lý do chính là do áp lực dân số, tạo nên nhu cầu nước. Kỹ nghệ phát triển, đô thị phát triển, dân số phát triển kéo theo nhiều phế thải và nhiều ô nhiễm; nhưng vì mọi ô nhiễm dù là từ đất (bãi rác rò rĩ, thuốc sát trùng, phân bón ), dù là từ không khí (từ các khu kỹ nghệ, từ khói xe) nhưng cuối cùng rồi cũng phải chảy về chỗ thấp, nghĩa là vào nước.Tóm lại, nước không những phải nhiều cho một dân số càng ngày càng tăng (Việt Nam nay đã 90 triệu dân) mà còn phải sạch để bảo đảm sức khoẻ. Nước mà dơ bẩn thì vô hình gây ra một gánh nặng cho nền y tế. Đặc biệt, trên các dòng sông miền Trung, có nhiều vạn đò sống trên sông và sử dụng trực tiếp nước sông nên dịch bệnh là một ám ảnh thường xuyên .Thực vậy, phần lớn phân người từ các đô thị đi thẳng vào sông ngòi mà không được xử lý .
Mọi vấn nạn trên đều có tương quan với nhau. Mùa mưa, nước lụt cuốn trôi nhà cửa ruộng vườn vì mưa lũ nhiều do rừng đầu nguồn bị phá; mùa nắng thì do bơm nước nhiều qúa sự luân lưu của dòng chảy (nước mặt và nước ngầm ) nên nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa.
6. Kết luận
Các dòng sông là những đường dây nối liền miền núi và miền biển, do đó muốn phát triển bền v ững các dòng sông là phải chú ý cả hai miền. Vậy muốn giải quyết các vấn nạn trên, sự quản trị đồng bộ của lưu vực đòi hỏi những biện pháp tổng hợp :
-trồng rừng ở đầu nguồn để chuyển một phần nước mặt thành nước ngầm nhằm hạn chế nưóc lũ dồn về hạ lưu qúa nhanh, kéo dài thời gian truyền lũ. Rừng cây giúp giảm tốc độ dòng chảy, giảm lượng nước chảy tràn bề mặt và lượng đất bị xói mòn. Sự phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên rừng không loại trừ lẫn nhau; đúng hơn, chúng phụ thuộc và hỗ trợ cho nhau . Tài nguyên rừng bảo vệ tài nguyên nước và nhờ tài nguyên nước, mới có những đập thủy điện nhỏ trên các vùng núi non, giúp nông dân thôn bản có thể giải trí nhờ truyền hình, giúp xay lúa, chà gạo, giải phóng phụ nữ khỏi các việc nặng nhọc lam lũ.
-trồng rừng ở cuối nguồn, nghĩa là tại các đầm phá ven biển, mục đích ngăn ngừa xói lở bờ biển, giúp cản sóng và tạo điều kiện thuận lợi cho nuôi tôm, cá và đặc biệt tại các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… là những tỉnh luôn phải hứng chịu các điều kiện của gió bão.
Trồng cây phi lao trên các đồi cát duyên hải tránh nạn cát bay
-tại các vùng có địa hình thuận lợi, xây dựng các hồ chứa để tích nước nhằm giảm mức độ của lũ. Các công trình giữ nước trên núi hay vùng gò đồi giúp điều tiết lượng nước và tạo thuỷ điện. Ven các suối, trồng cây ăn trái hay cây lương thực đa niên để giữ đất và có nguồn lương thực.
--phân một phần lưu lượng lũ của sông chính vào sông nhánh hoặc tạo hồ liên thông nhau, giúp san sẻ lượng nước dư thừa từ vùng có quá nhiều nước đến các hồ thiếu nước.
-và lồng ghép vào chương trình trên phải là một chuơng trình điều hoà dân số,- chú trọng vào chất lượng hơn là số lượng dân-, cũng giúp cải thiện môi trường sống, vì có sự liên hệ chặt chẽ giữa dân số và môi trường. Điều hoà dân số nhất là tại các làng chài ven biển là nơi sinh suất rất cao .
-vì miền Trung đất hẹp, người đông nên tiềm năng nông nghiệp rất eo hẹp; do đó phải có các hoạt động phi nông nghiệp, không cần đất như các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp điện tử, chuyển vận, du lịch, môi giới bất động sản v.v.Phát triển bền vững tôn trọng môi trường phải là mục tiêu của dân miền Trung để bảo toàn các giá trị non sông ngày nay và các thế hệ kế tiếp
Thư tịch sơ lược
Nguyễn Dược-Trung Hải . Sổ tay điạ danh Việt Nam . Nhà xuất bản Giáo Dục 2003
Thái Công Tụng . Natural environment and land use in Viet Nam . in Viet Nam: Culture and Environment . Viện Việt Học Cali 2012
Thái Công Tụng . Land use in Thanh Hoá province, with special reference to the Bái Thượng dam irrigation rehabilitation project. .Vietnamologica 1996.