|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Bạn biết gì về ung thư |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
18/11/2018
BẠN BIẾT GÌ VỀ UNG THƯ
- Trần Đăng Hồng, PhD - |
|
BẠN BIẾT GÌ VỀ UNG THƯ
Trần-Đăng Hồng, PhD
Hình 1. Ung thư vú
UNG THƯ LÀ GÌ ?
Ung thư là một nhóm bệnh do cơ thể không kiểm soát được sự sinh sản và lan truyền của tế bào bất bình thường, đó là tế bào ung thư. Nếu cơ thể không kiểm soát được sự lan truyền, cơ thể sẽ chết.
TẾ BÀO UNG THƯ
Tế bào ung thư là những tế bào sinh trưởng và sinh sản rất nhanh và cơ thể không kiểm soát được. Mặc dầu tế bào ung thư thường hiện diện trong cơ thể, nhưng bệnh ung thư chỉ xảy ra khi tế bào miễn dịch - tế bào T - không nhận thấy chúng để tiêu diệt, hay thấy nhưng không tiêu diệt được.
Tế bào ung thư lan truyền nhanh còn do virus, hệ thống miễn dịch yếu, tính di truyền của mỗi người, điều kiện môi trường sống và tuổi già.
Tuy nhiên quan trọng nhất là cơ thể thiếu những phân tử kích thích đặc biệt giúp các kháng nguyên (antigens) phản ứng với tế bào bạch huyết (lymphocytes) (tế bào bạch cầu, gồm tế bào NK, T và B) làm yếu khả năng giết tế bào lạ nên gây bệnh ung thư.
Tế bào ung thư được sinh ra do những gen chi phối hiện tượng phân bào bị hư hại do DNA đột biến (mutation). DNA bị hư hại là do phóng xạ, hóa chất, điều kiện môi trường xấu, v.v. Tuổi già cũng là một nguyên do của ung thư bởi vì đột biến cũng do tích tụ theo thời gian qua các sai lầm của phiên bản DNA lúc phân bào không sửa chữa được.
Tế bào ung thư bất tử vì sau mỗi phân bào chiều dài đoạn telomere không bị rút ngắn, khác với các tế bào thường đoạn tuổi thọ telomere ngắn dần và chết.
Trong cơ thể bình thường, mỗi tế bào liên tục nhận tín hiệu từ gen của nó và từ gen của tế bào kế bên để tế bào tự nó điều chỉnh việc tăng trưởng hay sinh sản theo thời gian. Đến một lúc nào đó tế bào nhận tín hiệu phải ngừng tăng trưởng, ngơi nghỉ hay “tự hủy diệt chết” (Apoptosis) để tế bào mới thay thế. Nếu các tín hiệu từ gen gởi đến bị sai lạc, chẳng hạn không gởi tín hiệu “ngừng tăng trưởng” hay “tự hủy diệt chết”, tế bào thành ung thư, chúng sinh trưởng nhanh và bất tử, ngoài vòng kiểm soát của cơ thể.
Trước nhất tế bào bị hư hại (tiền thân của tế bào ung thư) này bắt đầu tăng trưởng và sinh sản, và qua thời gian càng bị hư hại thêm do đột biến, chúng trở thành bất tử, thoát khỏi bị tiêu diệt bởi hệ miễn dịch, chạy thoát vào dòng máu và chúng xâm nhập đến các phần khác của cơ thể để tạo khối u bướu. Bệnh ung thư xảy ra.
CÓ BAO NHIÊU LOẠI UNG THƯ.
Khoảng trên 200 loại ung thư xảy ra trên mọi cơ quan, từ máu cho tới tế bào, nội tạng cũng như ngoại tạng, ở mọi lứa tuổi, phái nam cũng như phái nữ (2). Để dễ dàng am hiểu các loại ung thư, các nhà khoa học chia làm 5 nhóm (2):
- Ung thư biểu mô (Carcinoma) là loại ung thư xuất hiện trong da trên cơ thể, và trên nhu mô bao bên ngoài nội tạng trong cơ thể như bộ tiêu hóa, bao tử, phổi, thận, gan và các phần khác như ngực. Đây là loại ung thư thường thấy nhất, chiếm khoảng 85% ung thư ở Vương quốc Anh.
- Ung thư nhu mô (Soft tissue sarcomas) là một nhóm bệnh ung thư rất hiếm, xảy ra trên các mô mềm nối, hay nâng đở, hay bao quanh các cơ quan nội tạng. Các mô mềm đó gồm mỡ, bắp thịt, mạch máu, nội bì, gân và dây chằng.
Loại ung thư thông thường nhất là ảnh hưởng tới bao tử, chân và tay. Ở phái nữ, loại ung thư này thấy ở bộ phận sinh dục, như tử cung, buồng trứng (ovaries), âm hộ, ống dẫn trứng.
- Ung thư bạch cầu (Leukaemia) là loại ung thư tế bào máu do tủy xương chỉ sản xuất nhiều tế bào bạch cầu.
- Ung thư bạch huyết (Lymphoma), và ung thư tủy xương (Myeloma)
Ung thư hạch bạch huyết là loại ung thư phát triển từ tế bào trong hệ bạch huyết, nên bệnh xuất hiện bất cứ nơi nào trong cơ thể. Lý do là bạch cầu phân bào bất bình thường và bất tử, không giết được tế bào lạ khi nhiễm trùng, hậu quả là các bạch cầu bất bình thường này kết tụ bao quanh và tạo thành khối u.
Ung thư tủy xương, ngược lại, là loại ung thư thành lập trong tế bào huyết tương (plasma cell). Các tế bào này ở trong tủy xương, và khi chúng bất bình thường, chúng sinh sôi nẩy nở và không có khả năng giết tế bào lạ khi nhiễm trùng bởi vỉ chúng chỉ tạo được một kháng nguyên mà thôi nên không đủ bảo vệ cơ thể.
- Ung thư não (Brain cancer) và ung thư tủy xương sống (Spinal cord cancers) Một loại ung thư thường gặp nhất là phát xuất từ tế bào trong bộ não và xương sống. Bởi vì não cũng như xương sống là nơi truyền dẫn tín hiệu cho khắp cơ thể. Khối u có thể phát triển chậm ở trong não nên còn lành tính, nhưng cũng có thể phát triển nhanh thành ác tính.
UNG THƯ NÀO NGUY HIỂM VÀ THƯỜNG XẢY RA NHẤT TRÊN TOÀN CẦU
Theo thống kê của Cancer Research UK năm 2012, 10 căn bệnh ung thư thường thấy nhất trên toàn cầu (Hình 1).
Hình 2. Những bệnh ung thư thường gặp nhất trên toàn cầu
Tại các nước Âu Mỹ, nơi có đời sống cao, hệ thống y tế tốt và người dân có ý thức cao, thì 5 bệnh nguy hiểm thường xảy ra và có tử vong cao nhất (theo thứ tự): (i) Ung thư vú ở phụ nữ và tuyến tiền liệt ở đàn ông; (ii) ung thư phổi và khí quản; (iii) ung thư đại tràng và trực tràng; (iv) ung thư bọng đái; và (v) ung thư da.
CÒN Ở VIỆT NAM THÌ SAO?
Mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm 164.671 trường hợp mắc ung thư mới và trên 114.871 người tử vong do ung thư (70%). Phần lớn trường hợp ung thư đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn cuối nên việc điều trị khó khăn và tốn kém.
Năm ung thư chết người thường thấy nhất ở Việt Nam là:
1. Ung thư phổi. Nguyên nhân phổ biến chính (90%) là do hút thuốc, bao gồm cả chủ động và thụ động mà 30% người mắc khối u phổi ác tính là do hút thuốc dài hạn.
2. Ung thư vú. Đây là căn bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong số 1 ở phụ nữ. Ung thư vú đang ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa khi bệnh được phát hiện ở các cô gái trẻ có độ tuổi 20, 21. Ngoài yếu tố di truyền chiếm khoảng 10%, phần 90% còn lại là do chế độ ăn uống không lành mạnh như nhiều dầu mỡ, chất béo, chất bột carbohydrate, sinh con muộn sau 35 tuổi và phụ nữ không có con.
3. Ung thư dạ dày là loại ung thư nhiều người mắc phải vì ỷ y là đau bụng thường, đến khi khám phá thì là thời kỳ cuối. Lý do ăn nhiều muối, thực phẩm ướp muối, ăn cay, thịt chế biến sẵn, thực phẩm hun khói hay thức ăn nướng, uống rượu và hút thuốc. v.v. làm hư niêm mạc dạ dày.
4. Ung thư gan. Ngoài yếu tố di truyền, ung thư gan xảy ra ở đàn ông nhiều hơn ở phụ nữ, càng lớn tuổi càng dễ bị ung thư. Nguyên nhân chánh do uống nhiều rượu, thức uống có gaz, ăn thực phẩm không sạch, ẩm mốc và nhiễm chất độc dioxin.
5. Ung thư đại trực tràng. Táo bón hay chảy máu trực tràng là những triệu chứng ung thư đại tràng phổ biến nhất. Nguyên nhân chánh có lẻ là do chế độ ăn uống không lành mạnh như ăn nhiều thịt, thức ăn chế biến sẵn, ít chất xơ, ít rau và trái cây.
CÓ THỂ TRÁNH ĐƯỢC UNG THƯ KHÔNG?
Theo nghiên cứu của American Cancer Society thì ít nhất 42% ca ung thư mới chớm, khoảng 729.000 ca năm 2018 tại Hoa Kỳ, có thể tránh được tử vong, trong số này 19% do hút thuốc và 18% do béo phì và cơ thể thiếu hoạt động, uống rượu và ăn uống không lành mạnh. Một số ung thư lây bệnh do virus, như Hepatitis B, Hepatistis C và Helicobacter pylori thì có thể tránh được bằng cách thay đổi thói quen (như không xử dụng kim chích chung, sex an toàn, v.v.), chích ngừa, chữa bịnh. Hơn 5 triệu ung thư da ở Mỹ hàng năm có thể tránh được bằng cách bảo vệ da khi ra nắng, không làm da sạm nắng nhân tạo bằng máy.v.v.
Đi bệnh viện chẩn bệnh hàng năm, mặc dầu ta vẫn khỏe mạnh, nhất là khám trực tràng, vú, âm hộ, phổi. v.v. để xem có dấu hiệu ung thư chớm xuất hiện hay không, bởi vì ở giai đoạn này ung thư có thể chữa trị dễ dàng (1).
AI DỄ BỊ UNG THƯ ?
Tuổi già. Sau tuổi 50, và càng già hơn càng dễ bị ung thư. Tại Hoa Kỳ, 87% người già trên 50 tuổi có dấu hiệu ung thư.
Vài tập quán gây ung thư như hút thuốc, uống rượu, chế độ ăn uống không lành mạnh, cơ thể ít hoạt động cũng là nguyên nhân của ung thư. Ở Hoa Kỳ, 40% đàn ông, 38% đàn bà phát hiện có ung thư do các tập quán trên. Đàn ông hay đàn bà nghiện hút thuốc dễ bị ung thư 25 lần cao hơn người không hút thuốc (1).
CÓ THỂ CHỮA TRỊ UNG THƯ ĐƯỢC KHÔNG?
Tùy thuộc vào thời kỳ phát triển ung thư và tùy loại ung thư mà có thể chữa trị dứt hẳn hay chờ chết.
Thời kỳ phát triển là yếu tố quan trọng nhất để có thể được cứu sống bằng chữa trị. Đối với hầu hết ung thư, xác định thời kỳ phát triển được dựa vào kích thước của u bướu, hay tế bào ung thư phát tán lan rộng đến hạch bạch huyết (lymph node) kế bên, hay lan truyền đến các vùng khác trong cơ thể. Một cách tổng quát, nếu tế bào ung thư chỉ thấy ở lớp tế bào ngoài của cơ quan, và chưa lan truyền, đó là thời kỳ tại chỗ (in situ); nếu tế bào ung thư xâm nhập vào vùng cách xa vùng nguyên thủy, ung thư trở nên xâm lược, mà thời kỳ được ấn định là địa phương (local), ung thư vùng (regional) hay ung thư di căn lan truyền xa (distant).
Theo giới y sĩ, thì thời kỳ phát triển được xác định theo hệ thống TNM. Hệ thống TNM xác định sự phát triển và lan truyền theo 3 cách: mức độ của u bướu sơ cấp (T), có hay không có liên hệ với hạch bạch huyết (N), và có hay không có di căn xa (M). Một khi T, N và M được xác định, thời kỳ ung thư phát triển được phân loại là 0, I, II, III hay IV. Thời kỳ 0 là tại chỗ (in situ), thời kỳ I là mới chớm, và IV là thời kỳ cuối (1).
Tóm lại, phát hiện ung thư càng sớm thì càng có khả năng được cứu sống bằng cách chữa trị, còn để tới thời kỳ IV mới phát hiện thì khả năng cứu sống rất ít hay vô phương cứu chữa.
Nói vậy, còn tùy thuộc từng người, và tùy thuộc loại ung thư.
Theo thống kê của Hoa Kỳ trong thời gian 2007-2013, tại Hoa Kỳ nếu khám phá ung thư vú sớm bệnh nhân cứu sống 99%, nếu ở thời kỳ IV khả năng cứu sống 27%. Tương tự như vậy, ung thư tuyến tiền liệt ở đàn ông thì hơn 99% được cứu sống nếu khám phá sớm, và thời kỳ IV khoảng 30% được cứu sống (1).
Ngược lại, ung thư tụy tạng (pancreas) dầu có khám phá sớm, chỉ cứu sống 32%, còn ở thời kỳ IV thì chỉ 3%. Cũng như vậy, ung thư gan (liver) chỉ cứu sống 31% nếu khám phá sớm, và chỉ 3% cứu sống ở thời kỳ IV (1).
TẠI SAO THUỐC TRỊ UNG THƯ KHÔNG HIỆU QUẢ?
Như đã nói ở trên, tỷ số được cứu sống tùy thuộc vào thời kỳ phát triển, tùy loại ung thư và tùy mỗi con người. Tỷ lệ cứu sống càng thấp khi ung thư càng tiến vào các thời kỳ di căn cuối cùng.
Theo danh sách thuốc bán ở các pharmacy tại Anh thì hiện có 295 tên thuốc (drugs) trị ung thư. Vì nhằm tiêu diệt tế bào ung thư, nên thuốc cũng diệt luôn cả những tế bào bình thường, vì vậy thuốc trị ung thư không nhiều thì ít cũng có tác dụng tác hại, dễ nhận thấy nhất là hiện tượng rụng tóc, mệt mỏi ở những bệnh nhân hóa trị.
Tế bào bình thường đều dính liền với tế bào đồng loại khác tạo thành mô tế bào (tissue). Nếu tế bào bình thường tách ra khỏi mô của nó, nó bị “tự hủy diệt chết”. Tuy nhiên, ở tế bào ung thư hiện tượng “tự hủy diệt chết” không xảy ra, chúng tiếp tục sống, sinh trưởng, sinh sôi mà không phải dính vào mô nào cả, chúng theo dòng máu đi khắp cơ thể, tạo thành những khối u ác tính ở mọi nơi chúng đến, hiện tượng này gọi là metastasis.
Ở người khỏe mạnh, phân bào tạo các tế bào con y hệt nhau. Tiến trình phân bào này phải trải qua nhiều trạm kiểm soát, sửa chữa tế bào hư hại nhẹ, tiêu diệt loại bỏ tế bào hư hại nặng không sửa chữa được, cho đi qua những tế bào khỏe mạnh y hệt về gen và nhiễm thể, như vậy bảo đảm mọi tế bào mới sinh đều giống y hệt nhau. Trong trường hợp gen bị hư hại nhẹ, tế bào có khả năng sửa chữa, còn nếu không sửa chữa được gen ra lệnh tế bào hư hại phải tự hủy diệt chết. Protein p53 có nhiệm vụ sửa chữa gen hư hại nhẹ, hay ra lệnh tế bào phải chết nếu không sửa chữa được. Tuy nhiên, trong trường hợp hệ miễn dịch yếu, protein p53 bị hỏng, làm cơ thể thiếu những trạm kiểm soát chặt chẽ này. Hậu quả là tế bào có nhiễm thể hư hại, hoán chuyển gen đảo ngược, gen đột biến cũng đi thoát qua các trạm kiểm soát yếu này.
Tóm lại, trong cơ thể mỗi người đều tiềm tàng tế bào ung thư, nhưng bệnh ung thư chỉ xảy ra khi hệ miễn dịch (immune system) có vấn đề, các trạm kiểm soát không đủ mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư, và vì vậy chúng thoát ra, xâm nhập vào dòng máu đến phần cơ thể nào thì phá hủy phần cơ thể đó và tạo các khối u ác tính.
Cắt bỏ khối u khi mới thành hình, khi chưa thành ác tính, có thể ngăn chận ung thư lan tràn, nhưng một khi tế bào ung thư di căn, theo dòng máu xâm nhập vào cơ quan khác thì chưa có phương pháp trị liệu nào thật hữu hiệu. Hóa trị (chemotherapy) hay xạ trị (radiotherapy) chỉ trì hoãn, kéo dài sự sống của bệnh nhân. Bởi vì có trên 200 dạng ung thư, và tế bào ung thư luôn luôn đột biến, thuốc này diệt được ung thư dạng này nhưng không diệt được dạng khác, và tế bào ung thư dần dần quen lờn thuốc nên không diệt được tế bào ung thư đột biến mới.
Trong cuộc chiến giữa thuốc và tế bào ung thư ác tính, cuối cùng tế bào ung thư chiến thắng đưa đến cái chết đầy đau đớn của bệnh nhân. Thuốc chữa trị ung thư hữu hiệu đôi khi quảng cáo là “thần kỳ” cũng chỉ kéo dài sự sống thêm vài tháng mà thôi.
Phương pháp hóa trị hiện nay chỉ chữa trị bệnh tại ngọn, diệt được tế bào ở ngọn chứ không đụng chạm gì ở gốc, nơi sản xuất ra tế bào ung thư mỗi lúc một biến thể gia tăng ác tính vì đột biến.
Vì vậy, khuynh hướng nghiên cứu hiện nay là tái tạo hệ miễn dịch thật lành mạnh để chữa trị ung thư, mang tên “liệu pháp miễn dịch” (Immunotherapy).
HỆ MIỄN DỊCH (MIỄN NHIỄM) LÀ GÌ ?
Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật và các sinh vật lạ có tiềm ẩn nguy hại. Hệ miễn dịch có khả năng xác định tế bào, mô hay cơ quan nào thuộc cơ thể mình, hay các sinh vật lạ có tiềm ẩn nguy hại. Một khi biết là vật lạ, hệ miễn dịch tấn công các tiềm ẩn nguy hại này như virus, vi trùng, và ký sinh trùng, hay loại trừ vật lạ (như ghép cơ quan – transplant).
Hệ bạch huyết (Lymphatic system) gồm tủy xương (bone marrow), tỳ tạng (spleen), hung tuyến (thymus) và hạch bạch huyết (lymph node).
Tủy xương sản xuất bạch huyết cầu tức bạch cầu.
Tỳ tạng là một cơ quan ở bụng, phía bên trái của bao tử, có nhiệm vụ sản xuất và loại bỏ tế bào máu đã hư, và là một thành phần quan trọng của hệ miễn dịch. Nó hoạt động như nơi lọc máu, tế bào hồng huyết cầu cũ được tái xử dụng và các tiểu cầu (thrombocyte, platelet) và bạch huyết cầu được tồn trữ ở đó. Tỳ tạng cũng giúp cơ thể chống cự lại vài loại vi trùng gây viêm phổi (pneumonia) và viêm màng não (meningitis).
Hung tuyến (Thymus Gland) là một cơ quan mềm, hình tam giác, nằm ở dưới cổ họng, phía bên trên trái tim. Hung tuyến có nhiệm vụ huấn luyện và phát triển tế bào T.
Hạch bạch huyết (Lymph nodes) là một bộ phận của hệ miễn dịch. Bạch huyết có trách nhiệm bảo vệ cơ thể chống lại virus và vi khuẩn và có thể gài bẫy bắt tế bào ung thư. Có nhiều nhóm hạch bạch huyết, hình dạng nhỏ, nằm trên khắp cơ thể, các nhóm lớn dễ nhận diện nhất thấy ở cổ, nách và vùng háng. Khi hạch bạch huyết sưng lên là dấu hiệu của nhiễm trùng.
BẠCH CẦU. “Leukocyte” hay “Lymphocytes” là tế bào bạch huyết hay bạch cầu, nhưng từ Lymphocytes thông dụng hơn trong hệ miễn dịch, gồm tế bào T (T cells), tế bào B (B cells) và tế bào NK (NK cells).
Hình 3. Hệ miễn dịch.
TẾ BÀO T
Tế bào T có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại những tác nhân gây bệnh như vi trùng, virus và vi nấm. Nhiệm vụ của hung tuyến là thâu nhận tế bào T còn non (immature T cells) – còn gọi là “Tế bào gốc T” (T-stem Cells) do tủy xương sản xuất. Hung tuyến huấn luyện tế bào T non thành tế bào T trưởng thành có nhiệm vụ tấn công tế bào lạ. Tế bào T non thoạt tiên nằm ở vỏ ngoài của hung tuyến, là nơi chúng tiếp xúc với tế bào sản xuất nhiều loại kháng nguyên (antigens) khác nhau. Tế bào T non phản ứng với các kháng nguyên tương ứng với tế bào lạ, được tuyển chọn để sống đến trưởng thành, còn tế bào T non khác không phù hợp đều bị chết do hiện tượng “tự hủy diệt chết”. Chỉ khoảng 2% tế bào T non thành tế bào T trưởng thành. Tế bào T trưởng thành bấy giờ theo dòng máu đến mọi nơi trong cơ thể và khi nhận diện được tác nhân xa lạ, chúng tập trung đến tấn công, đồng thời chúng kích hoạt tế bào B sản xuất kháng nguyên, tồn trữ những vụ viêm nhiễm trùng quá khứ vào bộ nhớ. Có rất nhiều loại tế bào T trưởng thành, và tới nay các nhà khoa học chưa biết hết chức năng của chúng. Tế bào T có thể sản xuất chất cytokines như chất interleukins có nhiệm vụ kích thích hệ miễn dịch hoạt động.
TẾ BÀO B (B-cells)
Với sự giúp đỡ của tế bào T, tế bào B tạo ra kháng thể (antibodies) có dạng chữ Y. Kháng thể dính chặt với các kháng nguyên bao bọc bên ngoài tác nhân bệnh, ngăn cản tác nhân sinh trưởng và di chuyển, cảnh báo cho cơ thể biết là có tác nhân lạ xâm nhập. Bấy giờ cơ thể bắt đầu sản xuất chất độc chống tác nhân bịnh, và làm triệt tiêu mầm bệnh.
TẾ BÀO NK. Đó là tế bào diệt mầm bệnh thiên nhiên (Natural killer cells), còn gọi “tế bào NK”, hay vắn tắt “tế bào K”, là một loại bạch cầu, một thành phần của hệ miễn dịch có nhiệm vụ tiêu diệt loại bỏ ung bướu và tế bào bị nhiễm trùng. Tế bào NK chứa trong tế bào chất, là những viên protein đặc biệt, nhỏ và rất độc, như perforin và enzyme proteases, được mang tên “granzymes”.
Một khi được phóng thích kế cận với tế bào mầm bệnh, perforin tạo các lổ ở màng tế bào mầm bệnh, rồi chất granzymes xâm nhập vào bên trong, gây ra hiện tượng “tự hủy diệt chết” làm tế bào mầm bệnh chết và tan biến.
Tế bào NK được kích hoạt bởi cytokines.
Tóm lại, hệ miễn dịch lành mạnh tiêu diệt được mọi mầm bệnh, kể cả ung thư. Trong con người khỏe mạnh, ai ai cũng có tế bào ung thư, nhưng ung thư không xảy ra.
TẠI SAO HỆ MIỄN DỊCH KHÔNG HOÀN HẢO?
Trong cuộc chiến giữa tế bào ung thư và hệ miễn dịch, tế bào ung thư rất quyền biến (nhờ đột biến), ranh mãnh (ác tính), dùng mọi thủ đoạn để vô hiệu hóa hệ miễn dịch khi có thể, nhất là khi hệ miễn dịch bị yếu như tuổi già, hay do môi trường sống không lành mạnh. Trong các trường hợp này, protein sinh nguyên CTLA-4 (Cytotoxic T-lymphocyte antigen 4) (còn được gọi là CD 152) được tạo thành.
Nhóm nghiên cứu của GS Allison (giải Nobel Y học 2018) ở Hoa Kỳ chứng minh CTLA-4 làm nhiệm vụ điều chỉnh âm (negative) trong việc kích hoạt tế bào T, nghĩa là làm tế bào T không hoạt động được trong nhiệm vụ miễn dịch giết tế bào ung thư.
Cũng trong khoảng thời gian này, nhóm nghiên cứu ở Nhật do GS Tasuku Honjo (giải Nobel Y học 2018) hướng dẫn phát triển một phân tử protein mới mang tên PD-1. PD viết tắt của Programmed Cell Death – cái chết của tế bào được lập trình, bắt nguồn từ hiện tượng “tự hủy diệt chết” ở tế bào. Sau đó, Honjo tìm được phân tử đính ion kim loại (ligand) tương ứng là PD-L1. Phân tử PD-1 nằm trên mặt tế bào T, còn phân tử PD-L1 nằm trên mặt tế bào khối u. PD-1 tương tác với PD-L1 làm nhiệm vụ của một cái thắng, kiềm chế không cho tế bào T hoạt động diệt tế bào ung thư.
Tóm lại, các proteins như PD-1/DP-L1 (của nhóm Honjo) cũng như CTLA-4/B7-1/B7-2 (của nhóm Allison) làm vô hiệu tế bào T, ngăn cản không cho tế bào T giết tế bào ung thư.
Một khi vô hiệu được hệ miễn dịch hoặc bằng CTLA-4, hoặc bằng PD1, tế bào ung thư tự do tung hoành và gây bệnh ung thư di căn vô phương cứu chữa.
BIỆN PHÁP HÓA GIẢI
Nhóm GS Allison trích được protein phức tạp thụ-thể-kháng-nguyên-tế-bào-T (T cell antigen-receptor). Năm 1996, nhóm ông xử dụng thụ-thể-kháng-nguyên này để phong tỏa CTLA-4, mang tên anti-CTLA-4, mục đích giải phóng tế bào T hoạt động mạnh trở lại để tiêu diệt khối u ác tính. Thử nghiện lên chuột bị ung thư cho kết quả rất ngoạn mục, khối u bướu teo nhỏ và biến mất sau 3 tuần chích anti-CTLA-4.
Ở Nhật, nhóm nghiên cứu của GS Tasuku Honjo khám phá một hóa chất ức chế, mang tên anti-PD-1 và anti-PD-L1 để vô hiệu hóa hai cái thắng kiềm chế hệ miễn dịch, nên giải phóng và kích hoạt tế bào T tiêu diệt được tế bào ung thư khối u.
NHỮNG TIẾN TRIỄN KHÁC TRONG LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH TRỊ UNG THƯ
Ngoài các biện pháp hóa giải của nhóm Allison và Tasuku Honjo nói trên, còn nhiều đường hướng nghiên cứu khác trong liệu pháp miễn dịch trị ung thư.
-Liệu pháp dựa trên tế bào (Cell-based therapies) được Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ đánh giá là liệu pháp tân tiến của năm 2018 (8) vì nhờ áp dụng thụ thể kháng nguyên tế bào T (CAR-T) để trị liệu hai ung thư khó trị là bạch cầu cấp tính (acute lymphoblastic leukaemia – ALL) và bệnh phát tán u tế bào B lớn (diffuse large B-cell lymphoma - DLBCL) có kết quả tốt.
Không những chữa trị bệnh bạch cầu ALL của trẻ em, triển vọng xử dụng CAR-T trong chữa trị bệnh bạch cầu khó trị của người lớn và nhiều loại u bướu khác (8).
-Trị liệu chính xác (Precision cancer treatment). Nhằm giết tế bào ung thư tại gốc, tức chữa trị các khiếm khuyết ở cấp phân tử ảnh hưởng đến sinh trưởng của tế bào ung thư.
FDA đã phê chuẩn Keytruda và Opdivo chữa trị ung bướu cứng với MSI-H (microsatellite instability-high – Giải DNA lập lại nhiều lần bất ổn cao). MSI là tình trạng siêu đột biến, kết quả là giải DNA lập đi lập lại bị khiếm khuyết không sửa chữa được, vì vậy tế bào không còn hoạt động bình thường mà trở thành tế bào ung thư. Tương tự, thuốc larotrectinib của hảng Loxo Oncology & Bayer dùng gene TRK nhét vào ung bướu.
-Virus ung thư (Oncology virus). Virus là nguồn truyền bệnh ung thư, nhưng cũng có loại virus tiêu diệt tế bào ung thư. Việc xử dụng virus ung thư có nhiều triển vọng. Chẳng hạng, dược phẩm “Imlygic- có tên khác là talimogene laherparepvec” chứa virus ung thư đã thử nghiệm bằng cách tiêm thẳng vào u bướu, tường trình cho biết tuy diệt được u bướu này nhưng có thể di chuyển tạo ra u bướu ác tính khác. Vì vậy, chích Imlygic kết hợp với Keytruda thì hiệu quả và an toàn hơn (8).
Các loại virus ung thư khác cũng đang thử nghiệm, như SillaJen/Transgene (của công ty Pexa-Vec) nhằm giết ung thư gan, ONCOS-102, MO32 nhằm tiêu diệt u bướu ung thư não, v.v.
CÓ THẬT SỰ THUỐC LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH TRỊ UNG THƯ HIỆU QUẢ ?
Còn quá sớm để biết, vì chỉ mới được thử nghiệm trong 5-7 năm nay (kể từ 2010)
Hiện tại, dựa vào nguyên tắc anti-CTLA-4 đã có thuốc MDX-010 (về sau mang tên ipilimumab) được cơ quan FDA phê chuẩn và cứu sống “nhiều” bệnh nhân ung thư ở mọi thời kỳ.
Ở Nhật, thuốc pembrolizumab (còn gọi lambrolizumab) và nivolumab an toàn và hữu hiệu cho bệnh ung thư khối u ác tính, được cơ quan FDA của Hoa Kỳ và EMA của Âu châu phê chuẩn.
Riêng trong thời gian 11/2016 - 10/2017, cơ quan FDA của Hoa Kỳ đã phê chuẩn 31 liệu pháp miễn dịch cho 16 loại ung thư u bướu, và phê chuẩn 13 dược phẩm mới có khả năng ngăn chặn tế bào ung thư sinh sản và phát tán (8).
Năm 2017, FDA phê chuẩn dược phẩm pembrolizumab của công ty Merck để chữa trị ung thư phổi tế bào không nhỏ (Non-small cell lung cancer – NSCLC) vì có tiềm năng ngăn chận ung thư tiến triển một nửa, và dược phẩm durvalumab ngăn ngừa ung thư phổi này tái phát nếu được chữa trị sớm trước thời kỳ tế bào ung thư phát tán (8).
Ngoài ra, hiện tại có rất nhiều loại dược phẩm đang được thử nghiệm trên hơn 1000 bệnh nhân ung thư đủ loại nhưng tới 2020 mới có tường trình đầy đủ.
Nhiều thử nghiệm cho thấy trị liệu với anti-DP-1 cho kết quả tốt hơn trị liệu với anti-CTLA-4, và trị liệu tổng hợp của hai anti-DP-1 + anti-CTLA-4 cho kết quả bệnh nhân bình phục rất cao. Kết quả thử nghiệm cho thấy sau 36 tháng chữa trị, 68% bênh nhân bình phục với liệu pháp tổng hợp cả 2 chất, so với 56% bệnh nhân chữa trị với anti-DP-1, và chỉ 37% bình phục với anti-CTLA-4. Đây là “liệu pháp tổng hợp trị liệu ung thư” áp dụng hiện nay chung cho mọi loại ung thư như ung thư phổi, u bướu, thận, bọng đái, v.v. (4). Như vậy, dược phẩm miễn dịch trị ung thư cũng chỉ hữu hiệu hơn hóa trị cổ điển, 68% so với 3 - 20%, nghĩa là đa số chỉ kéo dài sự sống thêm một thời gian vài ba tháng.
Ngoài ra, hiện tượng quen lờn thuốc cũng đã bắt đầu được tường trình. Chẳng hạn, vài loại ung thư như tụy tạng và tuyến tiền liệt đã lờn thuốc và liệu pháp miễn dịch không còn hiệu quả (8).
THUỐC TRỊ LIỆU UNG THƯ QUA LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH CÓ RẼ KHÔNG ?
Theo cơ quan NICE (National Institute for Health and Clinical Excellence) ở Anh quốc, để trị ung thư da ác tính, liều lượng thuốc ipilimumab (tức MDX-010) là 3 mg cho mỗi kg trọng lượng con người, được chuyền vào máu trong 90 phút cho mỗi 3 tuần, và như vậy tổng cộng là 4 liều lượng cho toàn thời gian chữa trị. Giá cả Ipilimumab vào năm 2012 là £3750 cho mỗi 50 mg và £15,000 cho 200 mg chưa kể thuế VAT (20%). Như vậy, một người nặng 70 kg, tổn phí phần thuốc gồm 4 liều lượng toàn thời gian chữa trị là £75.000 (khoảng US$ 112.500) chưa kể trả tiền cho bác sĩ và nhà thương (6).
Còn chữa trị tại Hoa Kỳ, theo giá năm 2015 thì tổn phí khoảng 300 ngàn đô (US$ 295.566) (7)
Còn đối với thuốc pemrolizumab của Nhật, tổn phí thuốc là US$9000 cho 2 mg/kg trọng lượng thân thể cho mỗi 3 tuần, US$46.000 cho 10mg/kg cho mỗi 3 tuần và US$69.000 cho 10 mg/kg cho mỗi 2 tuần. Như vậy, một người nặng 75 kg chữa trị bệnh ung thư da với tổng cộng 26 lần cho suốt thời kỳ chữa trị phải trả cho bác sĩ và nhà thương khoảng trên triệu đô Mỹ (US$ 1.009.944) vào thời điểm tháng 8/2015 (7).
CHÍCH NGỪA UNG THƯ (Vaccine)?
Ngày nay, các nhà khoa học tạo vaccine miễn dịch riêng biệt cho từng bệnh nhân, gồm diễn trình như sau: (i) Cắt khối u rồi phân tích DNA; (ii) Xác định các đột biến của tế bào ung thư; (iii) Trích các tế bào kháng nguyên bao quanh khối u, tuyển chọn những kháng nguyên thích ứng cho các đột biến của khối u đó; (iv) Cấy các tế bào kháng nguyên này trong phòng thí nghiệm, nhân ra thật nhiều; (v) Tiêm chủng các tế bào kháng nguyên này vào lại cơ thể bệnh nhân để chúng tìm giết tận gốc tế bào ung thư (3).
Tuy nhiên, loại tiêm chủng ngừa đang phát triển và còn trong thời kỳ thử nghiệm. Chẳng hạn thuốc chủng Neoantigen đã thử nghiệm thấy có kết quả tốt.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang phát triển thuốc chủng ngăn ngừa bệnh ung thư cho những ai dễ nhiễm ung thư do đột biến như ung thư vú và ung thư buồng trứng, nhưng chưa được thử nghiệm.
KẾT LUẬN.
Liệu pháp miễn dịch trị ung thư chỉ mới được phát triển trong vòng 15 năm nay, đã mở ra kỷ nguyên mới trị ung thư đầy hứa hẹn. Tuy nhiên trong thời gian hiện tai vẫn chưa có một loại thuốc nào trị dứt hẳn mọi loại ung thư ở thời kỳ cuối, mà chỉ kéo dài sự sống thêm một thời gian, chưa kể là quá đắt đỏ nằm ngoài tầm tay của đại đa số người dân.
Biện pháp hữu hiệu nhất là ta phải bảo vệ “hệ miễn dịch” của chính mình được lành mạnh để giảm thiểu bệnh tật thông thường như cảm cúm, mà còn ngăn cản một số bệnh giết người thầm lặng như cao huyết áp, cao mở, cao đường trong máu, giảm thiểu tai biến (stroke), bịnh tim và một số bịnh ung thư.
Đề tài này đã được đề cập (5). Theo TS Elizabeth Blackburn, đoạt giải Nobel Sinh học năm 2009, và TS Elissa Epel, có rất nhiều yếu tố để sống khỏe và đạt tuổi thọ cao, yếu tố quan trọng nhất là tránh những gì ảnh hưởng làm gia tăng vận tốc lão hóa.
Đó là:
1.Tuyệt đối tránh chất độc hại đến sức khỏe, gồm:
- thực phẩm biến chế, đồ hộp, thức ăn uống chứa nhiều chất đường, chất bột, thực phẩm chứa chất độc hại. Phải áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh.
- môi trường ô nhiễm gồm không khí, nước sinh hoạt.
- nghiện thuốc lá, nghiện rượu, nghiện á phiện và các loại tương tự.
- tiếp xúc với thuốc sát trùng, diệt cỏ, nguồn dioxin, phóng xạ.
2. Thân tâm phải an lạc.
- tránh căng thẳng tinh thần (stress), âu lo, trầm cảm, tránh giận dữ, khẩu nghiệp ác độc, âm mưu ám hại người khác. Chính những yếu tố tiêu cực này chiếm ảnh hưởng tới 50% tuổi thọ.
- phải lạc quan, bao dung, từ tâm, sống đạo đức.
Để thân tâm được an lạc, nên thực hành các phương pháp luyện tập thuần tâm trí như khấn nguyện lần xâu chuỗi (bồ đề của Phật giáo, Mân Côi của Thiên chúa giáo, v.v.) của người có đức tin, ngồi tịnh, thiền (meditation, mindfullness), tập hít thở sâu, hay yoga, taichi, luyện khí công, v.v. đều làm con người cảm thấy sảng khoái, hạnh phúc, yêu đời. Các yếu tố này làm đảo ngược quy trình viêm hóa và vì vậy gia tăng tuổi thọ (5).
3. Thân thể phải giữ tráng kiện, bằng cách tập thể dục đều đặn, đi bộ, xe đạp, chơi thể thao nhẹ, ngủ đủ tối thiểu 8 giờ một ngày, năng động và có cuộc sống lành mạnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÁNH
1.American Cancer Society (2018). Cancer Facts & Figures 2018.https://cancer.org/…/cancer-f…/cancer-facts-figures-2018.htm
2.Bradford Cancer Support (2018). How Many Types Of Cancer Are There? http://www.bradfordcancersupport.org.uk/how-many-types-of-…/
3. Trần-Đăng Hồng (3/4/2016). Liệu pháp miễn dịch trị ung thư.
4. Trần-Đăng Hồng (6/10/2018). Tiến triển liệu pháp miễn dịch trị ung thư – phần 2: Thành tựu cuối một chặng đường (1995- 2018).
5. Trần-Đăng Hồng (28/2/2018). Làm sao để sống thọ.
6. National Institute For Health and Clinical Excellence (2012). Final appraisal determination Ipilimumab for previously treated advanced (unresectable or metastatic) melanoma.
https://www.nice.org.uk/…/melanoma-stage-iii-or-iv-ipilimum…
7. American Health & Drug Benefits (8/8/2015). Treating with Checkpoint Inhibitors—Figure $1 Million per Patient.https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4570079/
8. Phil Taylor (6/8/2018) Cancer immunotherapy: What's on the horizon?http://www.pmlive.com/…/Cancer_immunotherapy_Whats_on_the_h…#
Reading (UK),17/11/2018
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1049565 visitors (3138459 hits) |