PHẦN II:
PHÁT TRIỂN TRỒNG LÚA
CẢI TIẾN THỜI PHÁP THUỘC
(1885-1954)
TS TRẦN VĂN ĐẠT
|
4. SẢn xuẤt lúa gẠo thỜi pháp THUỘC
4.1. Phát triển trồng lúa ở Đông Dương
Sản xuất lúa ở Đông Dương cũng như Việt Nam tăng gia nhanh từ thập niên 1860 - 1920, do bành trướng diện tích nhiều ở Miền Nam để xuất khẩu. Sau đó, mức gia tăng chậm hơn trong thập niên 1930 - 1960. Sản lượng lúa tăng gia phần lớn do gia tăng diện tích canh tác. Số liệu thống kê của hai thập niên đầu thế kỷ XX phần lớn báo cáo tình trạng sản xuất lúa Đông Dương mà thôi. Trong giai đoạn 1912-1921, diện tích trồng lúa Đông Dương tăng từ 3,05 triệu ha lên 4,85 triệu ha, tăng 59% (Bảng 1). Cho đến 1938, Đông Dương trồng lúa trên 6 triệu ha, tăng gần 100%, trong đó Việt Nam chiếm 80% diện tích và năng suất bình quân là 1.19 t/ha .
Bảng 1: Diện tích trồng lúa ở Đông Dương, 1912-1921
Năm
|
Diện tích (ha)
|
1912
|
3.050.000
|
1913
|
3.870.000
|
1914
|
4.227.736
|
1915
|
3.977.955
|
1916
|
4.108.700
|
1917
|
4.120.000
|
1918
|
4.116.000
|
1919
|
4.813.200
|
1920
|
4.759.669
|
1921
|
4.850.000
|
Nguồn: Viện Nông Nghiệp Quốc Tế, 1912
Cao Miên (Cambodia): Diện tích trồng lúa ở Cao Miên đã tăng từ 623.000 ha trong năm 1927-28 lên 808.000 ha trong năm 1944-45, với năng suất bình quân 1 t/ha. Năm 2008, Cao Miên sản xuất 7,2 triệu tấn lúa trên hơn 2,6 triệu ha và năng suất bình quân độ 2,7 t/ha (FAO, 2010). Xứ này cũng bắt đầu xuất khẩu gạo trong ít năm gần đây. Hiện nay, ở Đông Nam Á chỉ còn hai nước - Cao Miên và Miến Điện - còn có thể bành trướng mạnh diện tích trồng lúa trong tương lai vì còn nhiều đất đai chưa được khai thác.
Theo FAO (2007), xứ này chỉ có độ 14% diện tích canh tác lúa tưới tiêu năm 2003, lúa nước trời 72%, lúa rẫy 1% và lúa nổi 13%. Những vùng trồng lúa chính của Cao Miên gồm có Prey Vieng, Takeo, Kompong Cham, Siem Reap, Svay Rieng, Battambang, Kampot và Kompong Thom. Giống lúa thông dụng ở Cam Bốt là Don, IR 66, IR 72, IR Kesar, Khao tah petch, Kru, Rimke, Santeheap1, Santeheap 2, Santeheap 3, Sita, Tewarda, CAR 1, CAR2, CAR 3, CAR 4, CAR 5, CAR 6, Banla Phalu, etc. (RICEINFO, 2000).
Lào: Lào là một nước trồng lúa đặc biệt nhất trên thế giới với thức ăn căn bản là lúa nếp. Ngoài ra, một số dân Thái Lan, gốc Lào, hiện ở miền đông bắc xứ này cũng dùng gạo nếp làm thức ăn chính. Lúa nếp có năng suất thấp hơn lúa tẻ vì thiếu sự quan tâm về khảo cứu của thế giới. Diện tích trồng lúa không thay đổi nhiều đến cuối thế kỷ XX, khoảng 450.000 ha với năng suất bình quân độ 0,75 t/ha. Năm 2008, Lào sản xuất độ 2,7 triệu tấn lúa trên 781.000 ha, với năng suất bình quân 3,5 t/ha (FAO, 2010). Sản lượng tăng gia phần lớn do tăng diện tích tưới tiêu và diện tích thu hoạch.
Theo FAO (2007), diện tích tưới tiêu chiếm 24% tổng diện tích trồng lúa, lúa nước trời độ 51% và lúa rẫy độ 25%. Chính phủ Lào đang chú trọng phát triển hệ thống dẫn thủy cấp tiểu và trung để tăng gia diện tích trồng lúa tưới tiêu và đảm bảo sản lượng hàng năm. Những vùng trồng lúa quan trọng gồm có Vientiane, Borikhamxay, Sebang-Faay (Khammouane và Savannakhet), Sebang-Hiang (tỉnh Savannakhet), Sedone (tỉnh Saravane) và Champassak. Các giống nếp hiện đang được trồng: RD 10, RD 16, SK 16, Chao lep nok, Chao phruang deng, Do hak phay, Houb, Leua Nhia, Mak Kham, Me hang, Meto, Nang khao, Palat, Salakham 2-18-3-1-1, Som phu... (RICEINFO, 2000).
4.2. Tiến triển về diện tích và sản lượng lúa ở Việt Nam
Diện tích trồng lúa ở Việt Nam được bành trướng mạnh mẽ, không ngừng trong thời kỳ Nam tiến kể từ thế kỷ thứ XI. Công tác khẩn hoang, phát triển hệ thống tưới tiêu, đặc biệt phát triển hệ thống kinh rạch ở ĐBSCL đã làm tăng diện tích đất trồng rất nhanh.
Cho đến đầu thế kỷ XIX, ruộng đất trong nước chưa có thống kê chính xác. Năm 1836, vua Minh Mệnh ra lệnh cho các địa phương đo đạc ruộng và đất cả nước có 4.063.892 mẫu hoặc 1.463.000 ha (1 mẫu có 3.600 m2). Nếu lúc bấy giờ ruộng trồng lúa chiếm ít nhứt 50% tổng diện tích này, diện tích đất trồng lúa là 731.500 ha. Riêng Nam Kỳ có hơn 630.075 mẫu hay 226.827 ha ruộng và đất (Trần Trọng Kim, 1990).
Trong thời gian từ 1868-1873, diện tích đất trồng lúa ở Việt Nam ước lượng ít nhứt 815.000 ha[1], trong số đó Bắc Kỳ có khoảng 300.000 ha đất ruộng (Carle, 1927 và Dumont, 1995), Trung Kỳ có độ 300.000 ha và Nam Kỳ có 215.000 ha (Trần Văn Hữu, 1927).
Theo Viện Nông Nghiệp Quốc Tế (tiền thân của cơ quan FAO) (1927-45), diện tích trồng lúa từ 2,3 triệu ha trong 1912 tăng lên 4,4 triệu ha trong 1927, và cao nhất khoảng 5 triệu ha và sản lượng 6 triệu tấn lúa năm 1942 (Bảng 2); trong đó Nam Kỳ chiếm gần 50% tổng số diện tích cả nước, Bắc Kỳ 27% và An Nam (Trung Kỳ) chiếm 23%.
Nam Kỳ có nhiều tài liệu thống kê hơn, cho thấy diện tích canh tác lúa của vùng này tăng lên rất nhanh qua chương trình bành trướng và khai khẩn đất đai rất mạnh, ngay cả trong thập niên 1990. Vào năm 1868, diện tích chỉ 215.000 ha, nhưng năm 1890 tăng lên 854.000 ha, 1900 tăng 1.174.000 ha, năm 1924 tăng 1.975.000 ha (Trần Văn Hữu, 1927) và năm 1944 tăng 2.245.000 ha (Bảng 3). Trong thời gian 76 năm, diện tích đã tăng gia nhanh chóng gần 10 lần nhiều hơn, hoặc 12% mỗi năm.
Bắc Kỳ: diện tích đất ruộng khoảng 200.000-300.000 ha năm 1873 (Carle, 1927 và Dumont, 1995). Diện tích trồng lúa của vùng này tăng lên 1.340.000 ha năm 1927, và cao nhất là 1.504.000 ha năm 1942 trong thời kỳ thực dân (Viện Nông Nghiệp Quốc Tế, 1927-45).
An Nam (Trung Kỳ): diện tích trồng lúa cũng tăng ít thôi, từ 977.000 ha năm 1927 lên cao nhất 1.190.000 ha năm 1944 (Viện Nông Nghiệp Quốc Tế, 1927-45).
4.3. Tiến triển về năng suất lúa
Năng suất bình quân cả nước đã tăng gia chậm chạp, khoảng 1,2 t/ha vào cuối thời kỳ Độc Lập. Điều này cho thấy rằng trình độ nông dân và kỹ thuật trồng lúa không tiến bộ nhiều lắm suốt thời kỳ này. Phân hóa học chưa được sử dụng và điều kiện trồng trọt còn bị khống chế rất nhiều bởi khí hậu bất định hàng năm. Người dân biết cày bừa làm đất kỹ lưỡng, điều chỉnh mực nước qua dẫn thoát nước ở nơi nào có thể làm được, trao đổi hạt giống tốt với nhau, sử dụng phân lân và phân hữu cơ, nhất là ở miền Bắc và Trung. Trong thời Pháp Thuộc, nhờ cải tiến giống lúa và kỹ thuật canh tác, năng suất lúa tăng nhanh hơn, chỉ gần 100 năm từ thập niên 1860 đến cuối thập niên 1950, năng suất bình quân tăng từ 1,2 lên gần 2,0 t/ha lúa, trong khi nông dân biết dùng phân hóa học, thuốc sát trùng, nông cơ, nông cụ...; nhưng còn giới hạn.
Đầu thế kỷ XX, Miền Bắc dẫn đầu về năng suất với độ 1,4 t/ha, do phát triển hệ thống tưới tiêu, sử dụng phân hữu cơ, phân lân thiên nhiên và nhiều sức lao động. Chiều hướng này vẫn còn tiếp tục đến gần đây. Tuy nhiên, năng suất lúa Miền Bắc còn kém hơn năng suất lúa Trung Quốc (1,45 t/ha) vào thế kỷ thứ XIII. Tại sao? Có thể đó là do năng suất cao của lúa Japonica trồng ở miền Bắc Trung Quốc (chiếm độ 30% tổng diện tích lúa), làm ảnh hưởng đến năng suất bình quân xứ này.
Từ đầu thập niên 1960, nông dân bắt đầu dùng phân hóa học nhiều hơn, nhất là phân lân, phân bồ-tạt và các giống lúa tuyển chọn cải tiến. Do đó, sản lượng lúa tăng gia nhiều, trung bình cả nước sản xuất khoảng 9 triệu tấn mỗi năm (Bảng 2). Vì dân số gia tăng và tình trạng chiến tranh, Việt Nam và ngay cả Miền Nam phải bắt đầu nhập khẩu gạo để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ.
Bảng 2: Diện tích, năng suất và sản lượng lúa trong thời tiền Cách Mạng Xanh ở Việt Nam, 1868-1969
Năm
|
Diện tích
(x1000 ha)
|
Năng suất
(t/ha)
|
Sản lượng
(x1000 tấn)
|
1868-1873 a/
|
>800
|
1,2
|
-
|
1912 b/
|
2.300
|
1,2
|
2.760
|
1927 1/
|
4.373
|
1,217
|
5.322
|
1930 1/
|
4.698
|
1,009
|
4.741
|
1934 1/
|
4.349
|
1,099
|
4.779
|
1938 1/
|
4.783
|
1,247
|
5.964
|
1942 1/
|
4.917
|
1,203
|
5.917
|
1944 1/
|
4.862
|
1,053
|
5.122
|
1955 2/
|
4.420
|
1,439
|
6.362
|
1961 3/
|
4.744
|
1,897
|
8.997
|
1965 3/
|
4.826
|
1,941
|
9.369
|
1969 3/
|
4.930
|
1,788
|
8.815
|
Nguồn:
a/ Phỏng đoán: 300.000 ha (Bắc Kỳ) + 215.000 ha (Nam Kỳ) +300.000 ha (An Nam)
b/ Độ 70% diện tích trồng lúa của Đông Dương
1/Viện Nông Nghiệp Quốc Tế (International yearbook of Agricultural statistics), 1927-1941
2/ World Crop and Livestock, 1948-85, FAO
3/ FAOSTAT, 2000
Bảng 3: Diện tích trồng lúa ở Nam Kỳ từ 1836 đến 1924
Năm
|
Diện tích (ha)
|
1836*
|
226.827 (gồm cả ruộng và đất)
|
1860
|
-
|
1868
|
215.000
|
1870
|
522.000
|
1890
|
854.000
|
1900
|
1.174.000
|
1910
|
1.528.000
|
1920
|
1.939.000
|
1921
|
1.955.000
|
1922
|
1.845.000
|
1923
|
1.906.000
|
1924
|
1,975.000
|
Nguồn: Trần Văn Hữu, 1927
Lưu ý: * Trần Trọng Kim, 1990
5. KẾT LUẬN
Tóm lại, thực dân Pháp đã xâm lược nước ta gần một thế kỷ chỉ nhằm bóc lột nhân công rẻ tiền, xuất khẩu tài nguyên gồm cả lúa gạo để trục lợi; nhưng họ cũng đã làm được một số việc đáng chú ý, ngoài mục tiêu bình định và an ninh nông thôn (Sơn Nam, 2000 và Trần Văn Đạt, 2002):
1. Phát triển đào vét kinh để làm dễ dàng sự thông thương, như chuyên chở lúa gạo và các sản phẩm khác về Sài Gòn ít tốn kém hơn. Họ đã thành lập một số tỉnh mới như Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng và làm vùng này trở nên vựa lúa quan trọng của đất nước. Ở Miền Bắc, họ thực hiện các công trình tưới tiêu ở Bắc Giang, Vĩnh Yên, Thái Nguyên, Sơn Tây và Thái Bình. Ở Miền Trung, có công trình tu chỉnh đê điều ở Thanh Hóa, Nghệ An; xây đập bái Thượng, Thuận An, Đa Rang, Phan Rang và Quảng Nam. Nhờ đó, diện tích trồng lúa gia tăng đáng kể.
2. Khai thác các vùng đất ruộng thấp với lúa sạ, nhờ chọn lựa được các giống lúa chịu đựng mực nước sâu (lúa nổi) vào đầu thế kỷ XX. Do đó, các vùng đất trũng ở Kiên Giang, Long Xuyên, Châu Đốc và Đồng Tháp Mười được khai thác trồng lúa.
3. Lập các đồn điền cao su và cà phê ở Miền Đông Nam Phần và cao nguyên Trung Phần.
4. Ngoài ra, họ đã mang vào Việt Nam các tiến bộ kỹ thuật, khoa học và văn hóa.
Ngành trồng lúa được cải tiến rất nhiều vào thời đô hộ Pháp với luồng gió mới khoa học và kỹ thuật tiến bộ được áp dụng vào nông nghiệp, làm tăng năng suất lúa gần gấp đôi trong gần 100 năm; trong khi đó diện tích trồng lúa tăng gấp 5 lần, từ dưới 1 triệu lên hơn 5 triệu ha trong cùng thời gian. Sự tiến bộ này tương đối nhanh hơn thời kỳ Bắc thuộc và Độc Lập, nhưng so thế giới như Nhựt Bổn và Âu Mỹ vẫn còn chậm chạp. Sau đó, ngành trồng lúa Việt Nam mới thực sự tiến bộ nhảy vọt khi cuộc Cách Mạng Xanh xảy ra trong nước từ 1968 và thời Đổi Mới kinh tế từ 1988.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Angledette, A. 1966. Le riz. Limoges. France, pp 930.
2. Capus, G. 1918. Les riz d’Indochine. In: Annales de Géographie, Librairie Armand Colin, Paris, 5e, 27: 25-42.
3. Carle, E. 1927. 1927. Amélioration des riz de Cochinchine. Agence Économique de l’Indochine, Paris, France, 11 pp.
4. Dumont, R. 1995. La culture du riz dans le delta du Tongkin. Printimg House in Bangkok, Thailand. pp 592.
5. FAO. 2000, 2010. FAOSTAT, (www.fao.org).
6. Gourou, P. 1955. The peasants of the Tonkin Delta. Human Relations Area Files, New York.
7. Huỳnh Lứa, Lê Quang Minh, Lê Văn Năm, Nguyễn Nghị và Đổ Hữu Nghiêm. 1987. Lịch sử khai phá đất Nam Bộ. NXB T.P. Hồ Chí Minh, 275 tr.
8. King, R. 1977. Land reform - A world survey. G. Bell & Sons LTD, London, pp 446.
9. Phạm Cao Dương, 1967. Thực trạng của giới nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. NXB Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 255 tr.
10. Phạm Kim Vinh. 1976. Japanese presence: short but deadly interlute. In: Viet Nam, a comprehensive history, PM Enterprises Inc., California, p 173-182.
11. Phạm Văn Sơn. 1960. Việt sử toàn thư. NXB Thư Lâm Ấn Quán, Sài Gòn, 738 tr.
12. RICEINFO. 2000. FAO Rice Information, FAO, Rome, (www.fao.org).
13. Sơn Nam. 2000. Lịch sử khẩn hoang Miền Nam. NXB Xuân Thu, California, Hoa Kỳ, 330 tr.
14. Trần Trọng Kim. 1990. Việt Nam sử lược, Quyển I & II. NXB Đại Nam.
15. Trần Văn Đạt. 2002. Tiến trình phát triển sản xuất lúa gạo tại Việt Nam - Từ thời nguyên thủy đến hiện đại. NXB Nông Nghiệp, Sài Gòn, 315 tr.
16. Trần Văn Hữu. 1927. La riziculture en Cochinchine. Agence Économique de l’Indochine, Paris, France, pp 31.
17. Viện Nông Nghiệp Quốc Tế (International Institute of Agriculture) (Former FAO). 1912. International Yearbook of Agricultural Statistics, Rome, Italy.
18. Viện Nông Nghiệp Quốc Tế (International Institute of Agriculture) (Former FAO). 1939-1941. International Yearbook of Agricultural Statistics, Rome, Italy.
19. Viện Nông Nghiệp Quốc Tế (International Institute of Agriculture) (Former FAO). 1927-1941. International Yearbook of Agricultural Statistics, Rome, Italy.
20. Viện Nông Nghiệp Quốc Tế (International Institute of Agriculture) (Former FAO). 1927-1945. International Yearbook of Agricultural Statistics, Rome, Italy.
21. World Crops and Livestock Statistics. 1948-1985. FAO, Rome.