19/7/2015
BỆNH BAN ĐỎ
Y học thường thức – Bác sĩ Trần Văn Diên
|
Bệnh ban đỏ còn gọi là bệnh sởi (tiếng Anh: measles hay rubeola) là bệnh trẻ em. Trước đây bệnh xảy ra rất thường xuyên và có tỷ lệ lây nhiễm cũng như tử vong rất cao nhưng hiện nay không còn phổ biến nhờ vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Bệnh ban đỏ là một bệnh nhiễm siêu vi khuẩn (virus) cấp tính đặc trưng ở giai đoạn cuối xuất hiện những mụt đỏ rần từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao.
Nguyên nhân gây bệnh là do siêu vi khuẩn Morbilivirus xếp vào nhóm ARN thuộc họ Paramyxoviridae. Trong giai đoạn phát khởi và một thời gian ngắn sau khi phát bệnh, siêu vi khuẩn bệnh ban đỏ được tìm thấy trong nước mũi, máu và nước tiểu.
Theo báo cáo của Tổ chức y tế Thế giới WHO, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2014 đã ghi nhận gần 56.000 trường hợp mắc bệnh ban đỏ, tại 75 quốc gia trên thế giới. Các quốc gia có số mắc bệnh cao trong năm 2014 là: Philippines với hơn 17.600 bệnh và 69 ca tử vong (đã tuyên bố dịch), Trung Hoa với 26.000 bệnh. Theo đó, cứ mỗi một giờ trôi qua, trên toàn cầu có 14 trẻ tử vong do bệnh ban đỏ.
Tại Việt Nam, trong bệnh dịch ban đỏ đầu năm 2014, đến ngày 19 tháng 4 đã có số bệnh nhân là 8.500 và có 114 nhân sinh trở về cõi thiên thai. Vào ngày 22/01/2014, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố và chứng nhận Colombia miễn nhiễm và không còn bệnh ban đỏ và trở thành quốc gia châu Mỹ Latin đầu tiên chấm dứt bệnh ban đỏ.
Bệnh ban đỏ có thể gây dịch khắp nơi trên thế giới. Trong quá khứ, các vụ dịch thường xảy ra cứ mỗi 2 đến 4 năm vào mùa xuân ở các thành phố lớn, khi mà số lượng trẻ em không có miễn dịch với bệnh đau ban đỏ. Bệnh này ít khi biểu hiện thầm lặng. Trước khi có thuốc chủng ngừa bệnh đau ban đỏ, lứa tuổi mắc bệnh thường gặp nhất là 5 đến 10 tuổi. Những trẻ em sinh ra trước năm 1957 được xem như có miễn dịch tự nhiên trong cơ thể với bệnh ban đỏ vì lúc đó thuốc chủng ngừa chưa được chế tạo. Ở Việt Nam, bệnh ban đỏ vẫn còn là một bệnh tương đối thường gặp mặc dù tỷ lệ mắc đã giảm rõ rệt so với trước khi có chương trình tiêm chủng được mở rộng.
Bệnh ban đỏ là một bệnh dễ lây lan: trong gia đình nếu có một người bị bệnh thì có đến 90% những người chưa có miễn dịch sẽ bị nhiễm bệnh. Người bệnh phát tán vi khuẩn mạnh nhất là vào giai đoạn tiền khởi thông qua các hạt nhỏ tung ra khi ho, khi nói chuyện hoặc khi tiếp xúc. Trẻ sơ sinh được mẹ truyền các kháng thể miễn dịch thông qua bào thai. Nên lượng kháng thể có thể tồn tại từ 4 đến 6 tháng, do vậy trẻ ít khi mắc bệnh trong giai đoạn này. Tuy vậy, một số bằng chứng cho thấy kháng thể từ mẹ có thể bảo vệ trẻ em đến tháng thứ 9 sau khi sinh. Đây là lý do tiêm chủng ngừa thường được thực hiện trước 12 tháng. Tổn thương đặc trưng của bệnh ban đỏ xuất hiện ở da, niêm mạc mũi, phế quản, niêm mạc đường tiêu hóa và kết mạc mắt. Tại đây xuất hiện các dịch xuất tiết thanh mạc và sự tăng sinh của các tế bào đơn nhân và một số tế bào đa nhân quanh mao mạch. Các hạch bạch huyết cũng tăng sinh thường gặp nhất là ở ruột thừa, nơi có thể tìm thấy các tế bào khổng lồ đa nhân võng nội mô Warthin - Finkeldey. Biểu hiện ở da là những tổn thương các tuyến đưới da và lỗ chân lông. Hạt Koplik cũng chứa các chất xuất tiết thanh dịch và sự tăng sinh các tế bào nội mô tương tự như ở da. Viêm phổi là do các tế bào khổng lồ Hecht. Viêm phổi cũng do bội nhiễm vi khuẩn. Trong một số trường hợp viêm não, quá trình thoái hóa myeline có thể xảy ra quanh khoảng mạch trong não và tủy sống. Trong viêm não toàn bộ xơ hóa bán cấp (SSPE: Subacute Sclerosing Pan Encephalitis) hay còn gọi viêm não chậm, sự hiện diện của siêu vi khuẩn trong các nội bào và trong nhân gây nên sự thoái hóa từ từ và tiến triển của vỏ não bao quanh chất xám và cuống tủy sống (chất trắng).
Bệnh ban đỏ qua ba giai đoạn:
1. Giai đoạn ủ bệnh.
2. Giai đoạn phát khởi với dấu hiệu nội ban (còn gọi là hạt Koplik).
3. Giai đoạn cuối phát ban với sốt cao.
Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài từ 10 đến 12 ngày là thời gian từ khi trẻ bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh đến khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của giai đoạn phát khởi. Trong giai đoạn này trẻ không biểu hiện triệu chứng gì của bệnh.
Giai đoạn phát khởi thường kéo dài 5-15 ngày được đặc trưng bởi sốt mức độ nhẹ đến vừa, ho khan, chảy nước mũi, sưng kết mạc mắt. Những triệu chứng này hầu như luôn luôn xảy ra trước khi nội ban xuất hiện. Nội ban hay hạt Koplik là dấu hiệu chỉ điểm của bệnh. Nội ban xuất hiện ở vòm họng. Hạt Koplik là những hạt nhỏ bằng hạt cát, màu trắng ngà, xung quanh có viền đỏ. Hạt thường xuất hiện và biến mất nhanh trong vòng 12 đến 24 giờ. Kết mạc mắt có thể bị viêm đỏ và có dấu hiệu sợ ánh sáng. Bệnh nhân thường có ho khan tức ho không có đàm. Đôi khi giai đoạn phát bệnh biểu hiện bằng những triệu chứng nặng nề như sốt cao, co giật hoặc thậm chí sưng phổi.
Giai đoạn phát ban là giai đoạn điển hình nhất của bệnh với triệu chứng phát ban tuần tự trên da. Ban thường xuất hiện đầu tiên ở vùng chân tóc phía sau tai, sau đó xuất hiện ở mặt và lan dần xuống phía dưới trong vòng 24 đến 48 giờ. Ban đỏ là những ban dạng nổi lên trên bề mặt da, sờ mịn như nhung và không đau, không ngứa hoặc hơi ngứa, không sinh mủ. Trong trường hợp nhẹ, ban xuất hiện thường lưa thưa. Trường hợp nặng, ban có xu hướng hợp với nhau làm thành những ban lớn hơn, thậm chí từng mảng xuất huyết (màu đen). Trong thể đặc biệt nặng, có thể có xuất huyết. Khi ban lan đến chân thì sốt cũng đột ngột giảm đi nếu không có biến chứng. Sau đó ban cũng nhạt dần và mất đi đúng theo tuần tự nó đã xuất hiện, nghĩa là cũng từ trên xuống dưới. Sau khi ban mất đi, trên da còn lại những dấu màu sậm lốm đốm nhỏ như da của con báo.
Phương pháp chẩn đoán bệnh ban đỏ như sau:
1. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào yếu tố dịch tễ (tiếp xúc nguồn lây) và biểu hiện trầm trọng với những dấu hiệu và triệu chứng miêu tả ở trên. Trong đó việc phát hiện nội ban và ngoại ban tuần tự có ý nghĩa quyết định.
2. Trong giai đoạn phát bệnh, có thể phát hiện các tế bào khổng lồ đa nhân xuất hiện ở mũi và họng.
3. Công thức máu có thể cho thấy giảm tế bào đa nhân trung tính và tăng tương đối tế bào lymphocyte. Khi nhiễm siêu vi khuẩn gây sưng tai giữa hay phổi thì tế bào đa nhân trung tính có thể tăng cao. Đây cũng là dấu hiệu rõ rệt cho việc phát hiện bệnh ban đỏ.
4. Lấy dịch não tủy chỉ thực hiện khi trẻ có dấu hiện tổn thương đến trung khu thần kinh. Trong trường hợp này, protein tăng cao, tế bào ít tăng và chủ yếu là các tế bào lymphocyte, nhưng lượng đường trong não tủy bình thường.
5. Kháng thể có thể phát hiện được khi xuất hiện nổi ban cả dề khi trầm trọng. Kháng thể IgM cho biết tình trạng nhiễm trùng cấp tính. Kháng thể IgG cho biết bệnh nhân đã được miễn dịch do tiêm chủng hay mắc bệnh trước đó. IgG cũng là kháng thể duy nhất mẹ truyền cho con từ trong bào thai có tác dụng bảo vệ trẻ trong khoảng 4-6 tháng đầu đời.
6. Phân lập siêu vi khuẩn bằng cách cấy trên tế bào phôi người hoặc tế bào thận khỉ. Những thay đổi bệnh lý tế bào thường xảy ra trong khoảng 5-10 ngày với sự xuất hiện các tế bào khổng lồ đa nhân cùng với các hạt vùi trong nhân tế bào.
Điều trị bệnh ban đỏ cần đến bệnh viện nhằm mục đích cách ly và phát hiện kịp thời các biến chứng. Giống như trong đa phần các bệnh do virus, hiện tại chưa có điều trị đặc hiệu chống vi khuẩn ban đỏ mà chỉ có điều trị hỗ trợ gồm hạ sốt bằng Paracetamol, Ibuprofen; nghỉ ngơi.
Tình trạng thiếu vitamin A gặp ở 90% bệnh thiếu nhi ban đỏ ở châu Phi và gặp ở 22-72% bênh thiếu nhi mắc sởi ở châu Mỹ (gồm nhiều quốc gia). Có mối tương quan nghịch giữa nồng độ Vitamin A trong máu với mức độ nặng của sởi. Điều trị bằng Vitamin A chứng tỏ làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như biến chứng ở trẻ em mắc sởi tại các nước đang phát triển. Liều lương là 100.000 đơn vị Vitamin A cho trẻ 6 tháng đến 1 tuổi; 200.000 đơn vị cho trẻ trên 1 tuổi và dùng liều duy nhất. Trẻ suy dinh dưỡng và trẻ có dấu hiệu ở mắt do thiếu vitamin A nên thêm một liều vào ngày hôm sau và một liều thứ ba 4 tuần sau đó.
Các biến chứng thường gặp của bệnh ban đỏ là sưng tai ở vùng giữa (lổ tai chia ra 3 vùng: bên ngoài, chính giữa, bên trong), sưng phổi, tiêu chảy, sưng loét giác mạc của mắt…. Chính các biến chứng này làm kéo dài thời gian bệnh, ảnh hưởng đến dinh dưỡng của trẻ. Hậu quả là suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng lại là cơ hội cho các bệnh nhiễm trùng phát sinh. Đây là vòng lẩn quẩn bệnh lý thường gặp. Tiên lượng có thể thay đổi tùy theo thể trạng của trẻ, phát hiện và điều trị kịp thời hay không, sự xuất hiện các biến chứng... Tử vong có thể xảy ra do viêm phổi, viêm não. Trong lich sử ví dụ vụ dịch bênh ban đỏ ở đảo Faroe năm 1846, tỷ lệ tử vong là 25%.
Khi phát hiện trẻ có tiếp xúc với nguồn lây bệnh nên cách ly trẻ ở bệnh viện từ ngày thứ 7 sau khi tiếp xúc đến ngày thứ 5 sau khi xuất hiện bệnh ban đỏ bởi giai đoạn này là giai đoạn lây lan mạnh.
Hiện nay các nước tiên tiến thường tiêm ngừa bằng chủng ngừa tam liên: Ban đỏ - Quai hàm - Rubella (sởi Đức). Mũi tiêm đầu tiên thực hiện lúc trẻ được 12 đến 15 tháng tuổi. Mũi tiêm kế thực hiện lúc trẻ được 4-6 tuổi. Ở các nước có tỷ lệ bệnh ban đỏ khá cao thì có thể tiêm mũi đầu tiên ngay lúc trẻ được 6 tháng tuổi. Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam thực hiện mũi tiêm ngừa bệnh ban đỏ lúc trẻ 9 tháng tuổi. Mũi tiêm này chỉ chứa chủng ngừa bệnh ban đỏ.
BS Trần Văn Diên, Texas USA ngày 16/07/2015
Học sinh Công Thôn 1970-1973 NLS Cần Thơ