29/10/2015
PHẦN I: `
TRỒNG LÚA CỔ TRUYỀN
THỜI BẮC THUỘC
(179 tr. CN - 938)
TS. Trần Văn Đạt
(http://tinhhoa.net/42264-truyen-thuyet-ve-nguon-goc-nen-nong-nghiep-trung-hoa.html)
1. MỞ ĐẦU
Ngành canh tác lúa đạt được những bước tiến vững chắc mặc dù nhiều lúc bị trì trệ trong khoảng hơn một ngàn năm đô hộ Bắc Phương và gần một ngàn năm Độc Lập sau đó, xen kẽ với những cuộc xâm lăng thô bạo nhằm đồng hóa nước ta. Trong thời gian này, ngành sản xuất lúa tiếp tục phát triển do bành trướng lãnh thổ, mở mang đất trồng trọt hơn là do cải tiến kỹ thuật. Diện tích trồng lúa cả nước tăng gia từ thế kỷ XI, bộc phát mạnh mẽ vào thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh và triều đại nhà Nguyễn cho đến năm 1884, thời kỳ Pháp Thuộc bắt đầu.
Nền kinh tế quốc gia vẫn đặt trọng tâm vào nông nghiệp với màu chủ yếu lúa; nhưng vì ảnh hưởng quá lớn của nền Nho học người dân gồm cả giới sĩ phu có đầu óc lệ thuộc Bắc Phương quá nhiều, mất hết sáng kiến cá biệt, thiếu đầu óc khoa học kỹ thuật để cải thiện quản lý sản xuất lúa trong nước, đặc biệt về năng suất. Vì thế, nông dân chỉ tiếp tục trồng lúa cổ truyền từ nền văn minh lúa nước thời đại Hùng Vương, không có tiến bộ kỹ thuật nổi bật trong suốt 2.000 năm lịch sử. Với thời gian hơn 1.000 năm đô hộ, ngành trồng lúa phát triển có chừng mực do tiếp cận nền văn hóa xa lạ tiến bộ hơn. Năng suất lúa bình quân có thể tăng từ độ 0,5 t/ha lên 1,0 t/ha trong thời gian này. Tiếp theo, suốt gần 1.000 năm độc lập, năng suất chỉ tăng từ 1 t/ha lúc nước bắt đầu độc lập (938 sau CN) lên khoảng 1,2 t/ha vào cuối thời kỳ độc lập (1884). Năng suất lúa được cải tiến phần lớn do các giống được thuần dưỡng tốt hơn, phát triển công tác thủy lợi và các kinh nghiệm lâu dài của nông dân; nhưng mức tăng gia này quá ít và lề lối canh tác không thay đổi nhiều. Trong khi đó, ngành trồng lúa Nhựt Bổn tiến bộ vươt bực, điển hình nhứt là năng suất tăng từ 1,01 t/ha trong 265-317 sau CN lên 3,10 t/ha trong 1644-1911 (Greenland, 1997).
Suốt quá trình lập quốc và phát triển đất nước, dân tộc Việt liên tục nỗ lực cải tiến ngành trồng lúa để đáp ứng nhu cầu dân số này càng gia tăng từ khoảng 1 triệu người vào thế kỷ I (theo Triều Hán Thư) lên 3.300.100 người vào đầu thế kỷ XV (theo Địa Dư Chí của Nguyễn Trải), và khoảng 10 triệu dân vào cuối thế kỷ XIX.
2. GIAI ĐOẠN TRỒNG LÚA THỜI BẮC THUỘC (179 trước CN - 938 sau CN)
Ngoài ảnh hưởng tiêu cực của thời Bắc Thuộc như chính sách Hán hóa, chế độ cai trị hà khắc, người Việt đã tiếp thu được nền văn minh lâu đời và một số kỹ thuật tiến bộ của người Trung Quốc. Cho nên, sản xuất nông nghiệp, chủ yếu lúa gạo gia tăng phần nào, nhưng rồi ngưng trệ vì tính chất bảo thủ của nền văn hóa thiếu khoa học Hán tộc. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin đáng tin cậy để chứng minh những tiến bộ nông nghiệp trong giai đoạn cực kỳ khó khăn và đau khổ này của dân tộc Việt. Cư dân trên đất Việt đã biết trồng lúa rẫy ít nhứt từ nền văn hóa Bắc Sơn-Đa Bút cách nay 6.000 năm, bắt đầu xây dựng nước trong văn hóa Phùng Nguyên cách nay 4.000 năm, và có nền văn minh lúa nước với văn hóa Đông Sơn. Nhà khảo cổ học H. Maspéro (1918) căn cứ vào tài liệu Trung Quốc đã xác nhận rằng trước thời Hán Thuộc, nước Việt đã có nền văn hóa khá cao, dân tộc biết nghề nông, trồng lúa hai mùa, cấy lúa, biết đúc đồng, làm thủy lợi, dệt vải, ăn trầu, nhuộm răng đen...
Vào đầu thế kỷ thứ I, nước Lạc Việt gồm có 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam và theo sách Tiền Hán Thư, dân số được ghi nhận như sau (Bùi Thiết, 2000):
- Quận Giao chỉ có 94.440 hộ với 746.237 khẩu
- Quận Cửu Chân có 35.743 hộ với 166.613 khẩu
- Quận Nhật Nam có 15.460 hộ với 89.485 khẩu
Tổng cộng có 143.643 hộ với 1.002.335 khẩu
Từ thế kỷ II tr. CN đến đầu thế kỷ I sau CN, nền kinh tế, văn hóa và xã hội của nước ta vẫn là cơ cấu của nền văn hóa Đông Sơn với nông nghiệp lúa cổ truyền ở sơ kỳ thời đại Sắt, chứng minh sức sống mãnh liệt của nền văn minh nước ta trước xâm lăng Bắc Phương (Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, 2000). Sự xâm nhập văn hóa và kỹ thuật của Trung Quốc phần nào giúp mở mang trí tuệ và văn hóa sẵn có của dân tộc Việt thêm đa dạng, làm cho nền kinh tế nước bành trướng hơn để phục vụ cho chế độ bốc lột và mưu đồ đồng hóa của kẻ thống trị. Chẳng hạn, sự du nhập các lưỡi cày bằng sắt để thay thế lưỡi cày bằng đồng, đem gia súc từ Trung Quốc qua để mở mang chăn nuôi (Phạm Văn Sơn, 1960) và các nông cụ khác. Nông dân cũng sử dụng phân bắc để bón ruộng (Bùi Huy Đáp, 1999). Nhờ đó, năng suất lúa đã tăng từ 0,5 t/ha vào cuối thời đại Hùng Vương lên độ 1 t/ha vào cuối thời kỳ Bắc Thuộc.
Cũng nên nhắc vào lúc Hán Cao Tổ qua đời (185 trước CN), nước Tàu gặp cuộc khủng hoảng chính trị, Lã Hậu cướp ngôi Huệ Đế. Bà bãi bỏ thông sứ với Vũ Vương và còn hạ lệnh cấm vận, không cho người Hán buôn bán đồ vàng, đồ sắt và các dụng cụ canh nông với dân chúng Việt Nam (Phạm Văn Sơn, 1960). Đây là cuộc cấm vận đầu tiên trong lịch sử và sự kiện này cho thấy nền nông nghiệp xứ ta còn kém hơn Tàu ít nhiều, đặc biệt các dụng cụ sản xuất bằng sắt như lưỡi cày sắt. Tuy nhiên, có thể nói trong thời đô hộ Bắc Phương, trình độ trồng lúa của người Việt tiến bộ dần để rồi sau một thời gian không khác biệt nhiều với người Hoa. Hiện nay, ở vùng quê của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, người ta vẫn còn thấy những nông cụ mà nhà nông Việt Nam đã từng dùng đến ngày xưa như: cày, cuốc, bừa, trục, vòng hái, xa quạt lúa, cối xay, cối giã gạo, nia, thúng, sàng, v.v.
Căn cứ vào những thông tin từ Trung Quốc, người Hoa đã biết canh tác ruộng nước, sử dụng cuốc cày, và trâu kéo độ 3.500-3.000 năm trước, biết tưới tiêu khoảng 2.600-2.500 năm trước. Tuy nhiên, phương pháp cấy lúa đã được biết đến hơi muộn ở Trung Quốc vào năm 146 -167 sau CN (Chang, 1985), có thể do du nhập từ Việt Nam thời đô hộ. Năng suất lúa của xứ này đã tăng gia chậm chạp từ 400 kg/ha (khoảng 206 trước CN - 206 năm sau CN), lên 740 kg/ha trong 265 - 317 sau CN, 850 kg/ha trong 581 - 906 sau CN và 1.040 kg/ha trong 960 - 1.279 sau CN. Nền nông nghiệp Trung Hoa đã tiến bộ đôi chút trước chúng ta, đặc biệt việc sử dụng trâu kéo cả 1000 năm, lưỡi cày bằng sắt hơn 300 năm (Bảng 1).
Tóm lại, trong hơn một ngàn năm đô hộ Bắc Phương, ngoài văn hóa Nho giáo thấm nhuần vào tận cội rễ dân tộc, từ vua chúa cho đến hàng thứ dân, nền nông nghiệp nước ta, chủ yếu ngành lúa gạo không nhiều thì ít đã mang màu sắc của xứ thống trị. Trước thời kỳ Hán Thuộc, người Việt đã có một nền nông nghiệp lúa nước và lúa rẫy khá mạnh từ vùng đồng bằng đến đồi núi. Nền nông nghiệp lúa nước đã tiến bộ với cấy lúa, canh tác lúa 2 mùa, dùng sức kéo trâu bò, sức lao động của con người, sử dụng cuốc rồi cày bằng đá nhọn, bằng đồng thau, đắp bờ giữ nước, dẫn nước... gần như đồng thời với tiến bộ phát triển canh tác lúa của người Hán, như được trình bày ở Bảng 1. Ngoài ra, người Việt cổ có nhiều kinh nghiệm trồng lúa đáng chú ý như sau: bắt đầu trồng lúa tẻ (ngoài lúa nếp), trồng lúa nước nhiều hơn lúa nương, chọn mùa gieo hạt, biết chăm bón ruộng lúa, v.v. Những tiến bộ này đã giúp nông dân có năng suất lúa khoảng 500 kg/ha hoặc hơn.
Bảng 1 cho biết các phương pháp trồng lúa ở Trung Quốc từ 1.500 tr. CN đến 1.127 sau CN (Chang, 1985) và Việt Nam cùng thời gian không khác biệt nhiều lắm, từ sử dụng trâu bò, dùng cuốc đồng, sắt, khống chế lũ đến tưới nước và sửa soạn đất trồng lúa.
Bảng 1: So sánh thời kỳ phát triển trồng lúa ở Trung Quốc và Việt Nam từ 1.500 tr. CN đến 1.127 sau CN
Năm
|
Trung Quốc (*)
|
Việt Nam
|
Tham chiếu
Việt Nam
|
1.500-1.100 tr. CN
|
Dùng trâu để kéo
|
Đã sử dụng trâu kéo trong văn hóa Phùng Nguyên, Gò Mun và Đồng Đậu
|
- Nguyễn Phan Quang & Võ Xuân Đàn, 2000
- Viện Khảo Cổ Học, 1999
|
1.222 tr. CN
|
Canh tác ruộng nước đã được thiết lập tốt
|
Đã sản xuất nhiều lúa. Tìm thấy nhiều hạt gạo cháy ở di chỉ Đồng Đậu, khoảng 1.100 tr. CN
|
- Viện Khảo Cổ Học, 1999
|
1.122 tr. CN
|
Đã bắt đầu sử dụng cuốc
|
Nhiều di vật cuốc đồng và sắt tìm thấy trong văn hóa Phùng Nguyên, Gò Mun và Đồng Đậu
|
- Viện Khảo Cổ Học, 1999 & 2002
|
700 tr. CN
|
Đã bắt đầu khống chế lũ
|
Đắp đê đập. Đoạn đê còn sót lại của thành Cổ Loa (ít nhứt 200 tr. CN)
|
- Viện Khảo Cổ Học, 1999
-Bùi Huy Đáp, 1980
|
600-500 tr. CN
|
Công tác tưới tiêu đã được áp dụng
|
- Công trình thủy lợi đá xếp Basalt ở Do Linh, Quảng Trị
|
- Tạ Chí Đại Trường, 1996
- Maspéro, 1918
|
400 tr. CN
|
Lưỡi cày, bắp cày và ách bằng sắt được bắt đầu sử dụng
|
Đã sử dụng cày đồng, sắt trong nền văn hóa Đông Sơn
|
- Viện Khảo Cổ Học, 1999
|
400 tr. CN
|
“Chuyên viên lúa” được bổ nhiệm để hướng dẫn trồng lúa
|
Vua Hùng Vương dạy dân trồng lúa
|
- Lĩnh Nam Chích Quái
|
Trước CN
|
Cày sâu và làm cỏ giữa mùa đã được áp dụng
|
-
|
|
146-167 sau CN
|
Cấy lúa được nói đến lần đầu tiên
|
VN cấy lúa từ thuở lập quốc - Hùng Vương (700 tr. CN)
|
- Lĩnh Nam Chích Quái
- Maspéro, 1918
|
618-906 sau CN
|
Xa đạp nước bằng chân được áp dụng
|
- Đã sử dụng trong thời kỳ này
|
Thời Bắc thuộc
|
960-1127 sau CN
|
Bừa có răng và trục đã được áp dụng
|
- Đã sử dụng trong thời kỳ này
|
Thời Bắc thuộc
|
Trước và sau CN**
|
Chưa trồng lúa 2 vụ
|
VN trồng lúa Chiêm và lúa Mùa
|
- Maspéro, 1918
- Bùi Huy Đáp, 1980
|
Nguồn: (*) Theo Chang, 1985, (**) do tác giả thêm vào.
Hy vọng rằng trong thời gian sắp tới sẽ có những công tác khảo cứu sâu rộng hơn và chi tiết hơn về phương diện lịch sử, xã hội, kinh tế và kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam từ thời Nguyên Thủy để có những thông tin chính xác hơn về con số ước lượng cho diện tích đất trồng, năng suất, sản lượng, lề lối canh tác, chăm sóc bảo vệ, thu hoạch, hậu thu hoạch lúa và ảnh hưởng môi trường trong các giai đoạn lịch sử đã qua.
Từ thời Độc Lập, trình độ kỹ thuật trồng lúa khá cao do hòa hợp nền văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hán tộc. Đa số các kỹ thuật thời bấy giờ không khác bao nhiêu so với buổi đầu Pháp thuộc. Người Việt đã biết sử dụng cày cuốc bằng sắt, bừa trục để đánh bùn diệt cỏ giữ nước, dùng trâu bò kéo thay sức lao động, cày sâu bừa kỹ, chăm sóc bón phân, làm cỏ, đắp đê, dẫn thoát thủy, gặt hái, phơi sấy, biến chế và bảo quản.
(Tiếp theo Phần II)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Huy Đáp. 1980. Các giống lúa Việt Nam. NXB Khoa Học và Kỹ Thuật, Hà Nội, 563 tr.
2. Bùi Huy Đáp. 1999. Một số vấn đề về cây lúa. NXB Nông Nghiệp, Hà Nội, 154 tr.
3. Bùi Thiết. 2000. Việt Nam Thời Cổ Xưa. NXB Thanh Niên, T.P. Hồ Chí Minh, 463 tr.
4. Chang, T.T. 1985. Crop history and genetic conservation: Rice - A case study. Iowa State Journal of Research 59(4): 425-455.
5. Dumont, R. 1995. La culture du riz dans le delta du Tongkin. Printimg House in Bangkok, Thailand. pp 592.
6. Duy Từ. 2000. Lễ Tịch Điền. Lễ hội cung đình triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa, Huế, tr. 82-85.
7. Dương Quãng Hàm. 1941. Việc canh tân, Nguyễn Trường Tộ và chương trình cải cách của ông. Việt Nam Văn Học Yếu Sử. Institute de l’Asie Sud-Est, XIV: 346-354.
8. Đào Duy Anh. 1938. Việt Nam văn hóa sử cương. NXB Xuân Thu, Texas (tái bản 1976), 345 tr.
9. FAO. 2007. FAOSTAT, www.fao.org.
10. Greenland, D.J. 1974. Evolution and development of different types of shifting cultivation. In Shifting cultivation and soil conservation in Africa. Food and Agriculture Organization, Rome, 24:5-13.
11. Huard, P. and Durant, M. 1954. Connaissance du Vietnam. Imperie nationale, École française d’Extrême-orient, Hanoi, 1954.
12. Huỳnh Văn Lang. 2005. Công Chúa Ngọc Vạn. Tập san nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai – Cửu Long, số 2, Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation ấn hành, trang 50-74.
13. Lĩnh Nam Chích Quái. 1960. NXB Khai Trí, Sài Gòn, 134 tr.
14. Maspéro, H. 1918. Le Royaume de Văn Lang. BEFEO, XVIII, fasc. 3, 1918.
15. Nguyễn Hữu Nghĩa, Lưu Ngọc Trình and Lê Vĩnh Thao, 2001. Speciality rice in Vietnam: Breeding, production and marketing. Speciality Rices of the World: Breeding, Production and Marketing. FAO, Rome, Italy, pp 358.
16. Nguyễn Phan Quang & Võ Xuân Đàn, 2.000. Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến năm 1884. NXB T.P. Hồ Chí Minh, 479 tr.
17. Nhất Phương. 2006. Ca dao, tục ngữ Việt Nam. NXB Thanh Niên, Công ty in Văn Hóa Sài Gòn, 410 trang.
18. Phan Đại Doãn, 2001. Làng xã Việt Nam - Một số vấn đến đề kinh tế - văn hóa - xã hội. NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 366 tr.
19. Phạm Văn Sơn. 1960. Việt sử toàn thư. NXB Thư Lâm Ấn Quán, Sài Gòn, 738 tr.
20. Sơn Nam. 2000. Lịch sử khẩn hoang Miền Nam. NXB Xuân Thu, California, Hoa Kỳ, 330 tr.
21. Tạ Chí Đại Trường. 1996. Những bài dã sử Việt. NXB Thành Văn, California, Hoa Kỳ, 431 tr.
22. Thái Công Tụng. 2005. Việt Nam: môi trường và con người. Vietnamologica, Trung Tâm Việt Nam Học, Montréal, Canada, 299 tr.
23. Trần Trọng Kim. 1990. Việt Nam sử lược, Quyển I & II. NXB Đại Nam.
24. Trần Văn Đạt. 2002. Tiến trình phát triển sản xuất lúa gạo tại Việt Nam - Từ thời nguyên thủy đến hiện đại. NXB Nông Nghiệp, Sài Gòn, 315 tr.
25. Viện Khảo Cổ Học. 1999. Khảo cổ học Việt Nam, Tập II: Thời Đại Kim Khí Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 551 trang.
26. Viện Khảo Cổ Học. 2002. Khảo cổ học Việt Nam, Tập III: Khảo cổ học lịch sử Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 519 tr.